Tài liệu: Ăngco vát ngôi đền diệu kỳ của đất nước Campuchia

Tài liệu
Ăngco vát ngôi đền diệu kỳ của đất nước Campuchia

Nội dung

ĂNGCO VÁT NGÔI ĐỀN DIỆU KỲ CỦA ĐẤT NƯỚC CAMPUCHIA

 

Ăngco Vát (tiếng Khơme nghĩa là thành phố chùa) từ lâu đã trở thành biểu tượng huy hoàng của đất nước Campuchia.

Ngay sau khi được phát hiện vào năm 1861, Ăgco Vát đã làm cho các nhà nghiên cứu bàng hoàng. Lúc đó người ta đã đặt ra nhiều giả thuyết kỳ lạ. Người cho rằng, chính chủ nhân của những Kim Tự Tháp Ai Cập đã đến đây và xây dựng nên Ăngco Vát. Người khác lại phỏng đoán, có bàn tay của người Hy Lạp trong việc tạo dựng nên ngôi chùa đá kỳ diệu này. Còn truyền thuyết của người Khơme thì cho rằng Ăngco Vát là nguồn gốc của Thần linh.

Truyền thuyết về Ăngco Vát kể lại rằng: ngày xưa, Thần tối thượng Indra có quan hệ với một người đàn bà dưới trần gian. Người đàn bà sinh ra một người con trai là Preah Két Mêalêa (ánh sáng thiên Thần). Vì được Hoàng hậu sinh ra nên Preah Két Mêlalêa trở thành Hoàng tử kế vị ngôi Vua ở Inđra prast (Cămpuchia cổ). Thần Indra mê vẻ khôi ngô của chú bé và đem chú về trời. Các Thần không bằng lòng cho con của người dưới trần gian chung sống với mình nên đòi Indra phải trả Preah Két Mêlalêa xuống hạ giới. Không còn cách nào khác, Thần Indra đành phải đem chú bé xuống hạ giới. Quen với cuộc sống trên thiên giới, nên khi trở về hạ giới Preah Két Mêlalêa cảm thấy trong lòng buồn bã khi sống trong cung điện của Vua cha. Hoàng tử xin Thần Indra cho mình được trở lại thượng giới. Tuy rất thương Hoàng tử, nhưng vị Thần tối thượng không biết phải làm gì đây. Thần nảy ra ý định sai một kiến trúc sư vĩ đại của Thần là Preah Pisnuka xây ngay ở hạ giới một lâu đài tráng lệ giống hệt lâu đài của Thần Indra trên thượng giới cho Hoàng tử. Chỉ một đêm các Thần đã xây xong tòa lâu đài, đó chính là Ăngco Vát ngày nay. Trên các phiến đá ở Ăngco Vát, còn hằn rõ những lỗ tròn đó chính là những dấu tay bê đá của các Thần.

Từ những bàng hoàng ban đầu, các nhà khoa học đã lần theo dấu vết của những dòng bia đá bí ẩn ở các đền đài và các lịch sử về Ăngco Vát đã hiện dần lên. Ăngco Vát từ đó đã được giải mã và không còn là huyền thoại nữa.

Ăngco Vát cũng như nhiều đền đài khác ở Ăngco chỉ là một đền mộ gắn với việc thờ Thần - Vua của các triều Vua của Khơme thời Ăngco. Các Vua Ăngco coi mình là hiện thân của Thần linh. Cho nên khi còn sống mỗi vị Vua đều xây cho mình một ngôi đền như đền thờ của Thần linh. Khi chết, theo quan niệm của người Khơme, vị Vua đó sẽ trở thành thần và nhập vào ngôi đền mình đã xây dựng.

Cùng với tục thờ Thần Vua, một loại hình một kiến trúc kỳ lạ của người Khơme ra đời: Đền núi. Mỗi ngôi đền mộ là hình ảnh của quả Núi Vũ trụ Mêru, nơi ngụ của Thần linh. Loại hình dáng kiến trúc đền núi bắt đầu hình thành ở Cămpuchia từ đầu thời Ăngco - thời Vua Giaiavácman II (trị vì từ năm 790 đến năm 850). Thoạt đầu, Đền núi Khơme còn rất thô sơ, chỉ là một hoặc vài ngôi đền dựng trên đỉnh một quả đồi. Nhưng dần dần, từng bộ phận cấu thành một đền núi hoàn chỉnh xuất hiện. Đến thời điểm ra đời của Ăngco Vát (nửa cuối Thế kỷ XII) mô hình Đền Núi Khơme đã hoàn thiện đến từng chi tiết nhỏ. Ăngco Vát không phải xuất hiện từ hư vô mà là sự kết tinh với lịch sử hơn ba trăm năm phát triển của loại hình Đền Núi Khơme.

Sau khi lên ngôi vào năm 1113, Vua Suryavácman II chọn một khu đất rộng và thoáng đãng ở góc Đông Nam đô thành Yasodharapura để xây Đền núi cho mình. Đó là Ăngco Vát. Công trình được khởi công vào năm 1122 và hoàn thành vào năm Vua mất - năm 1150.

Ăngco Vát nằm trong khu đất thiêng rộng 1500m x 1300m và bị giới hạn bởi một hồ nước rộng. Do vị trí quy định nên đền mở về hướng Tây có hồ cũng là hướng tới đô thành, chứ không mở về hướng Đông như mọi Đền núi Khơme khác. Vượt qua hồ phía Tây là một con đường đi giữa hai hàng lan can đá hình rắn Naga khổng lồ dẫn tới cổng chính dài 230m. Toàn bộ kiến trúc bên trong được thu lại một cách chuẩn xác và trọn vẹn trong khung cổng này. Khúc dạo của bản giao hưởng nghệ thuật lớn bắt đầu và hòa lên rộn ràng khi người xem bước qua cổng chính. Cửa chính giữa mở ra con đường thứ hai rộng 9,5m và dài 350m. Hai bên đường vẫn là dãy lan can đá hình rắn Naga khổng lồ.

Các bia ký và hình chạm khắc cho thấy rằng, xưa kia Vua Suryavácman thường xa giá đến đây. Đi đầu là một đoàn người cầm cờ phướn rồi đến các nhạc công. Sau đó là những chiếc kiệu đem lễ vật dâng lên đền. Đi sau đoàn kiệu là các cung nữ cầm nến, hoa, các cỗ xe, kiệu chở các nàng Công chúa. Sau nữa là Hoàng tử cưỡi voi có ô che trên đầu. Sau cùng, một con voi to nhất có bành lộng lẫy chở đức Vua. Tới cửa vào đền, đoàn rước rẽ sang hai cánh. Chỉ đức Vua và các thành viên Hoàng gia mới được vào đền, khi tới khu hồi lang thứ nhất thì họ dừng lại làm lễ. Khu hồi lang này rộng 215m x 187m và có những hình sư tử và rắn Naga bảy đầu trấn giữ. Tới đây, Vua vẫn ngồi trên mình voi đi tới cổng Đông của đền. Dọc tường hồi lang là tám bức phù điêu lớn cao hai mét và dài từ 50m đến 100m. Gần 1200m2 phù điêu có thể hiện các cảnh lấy từ Sử thi Ramayana hoặc các cảnh nói về những chiến tích của Suryavácman II. Ở đây chúng ta gặp chân dung đức Vua hai lần: một lần đang thiết triều, một lần đang xung trận. Các cảnh chiến trận được thể hiện sôi động, căng thẳng và hừng hực sát khí. Trong khi đó, các cảnh sinh hoạt, hội lễ lại êm đềm và sống động.

Cảnh phía Nam của hồi lang Đông là cả một mảng phù điêu dài 50m thể hiện huyền thoại khuấy biển sữa lấy thuốc trường sinh. Trọng tâm của phù điêu là hình Vítnu nằm trên mình con rùa. Hai bên là các Thần và quỷ đang ráng sức ôm thân con rắn khổng lồ Vasuka mà kéo. Từ đại dương bị khuấy động bay lên các tiên nữ Ápsara rồi nữ Thần sắc đẹp Lắcsơmi.

Ở mặt phía Tây của tầng một, ba cầu thang dẫn lên tầng hồi lang kín thứ hai. Ở tầng thứ hai này của Ăngco Vát là cả một Thế giới các ô sân tạo bởi những lối đi có mái che chạy ngang dọc cắt nhau. Nơi đây chỉ dành riêng cho các thành viên của Hoàng gia. Sau khi đã cùng vị tư tế làm lễ ở tầng một, đức Vua cùng gia quyến lên tầng hai nghỉ ngơi. Không khí của tầng hai hoàn toàn tĩnh lặng, êm ả. Ở đó, có những thư viện có nhiều Thánh Kinh dành cho Vua chúa đọc. Bàn tay của các nghệ sĩ vô danh đã tạo nên ở tầng hai này cả một thiên giới bằng đá. Trên các mặt tường là vô vàn những hình tiên nữ Ápsara bằng đá. Những nàng Ápsara kiều diễm với khuôn mặt và trang y phục khác nhau, tay cầm hoa hay đang múa; tất cả đã tạo ra bức tranh sinh động về một thiên cung nơi hạ giới. Gần 2.000 hình Ápsara ở Ăngco Vát là gần 2.000 tác phẩm điêu khắc tuyệt diệu. Qua dấu vết vàng son còn lại và các dòng bia ký, người ta có đủ cơ sở đoán rằng, xưa kia, các hình tiên nữ, các bộ phận kiến trúc đã sơn son thiếp vàng hoặc được khắc vẽ.

Theo những lối tam cấp có mái che có thể lên đến tầng ba, tầng trên cùng của Ăngco Vát. Từ xa, tầng trên cùng này cùng với năm ngọn tháp hiện ra trên nền trời như những nụ hoa. Lên đến tầng trên cùng ai cũng cảm thấy năm ngọn tháp như ngự trị cả không gian. Ngôi tháp trung tâm cao 42m so với nền của tầng ba, còn toàn bộ ngôi chùa cao 65m.

Mô hình của Ăngco Vát đã được hoàn thiện trước đó ở Đền Bà Phnôm; Ăngco Vát là một kiến trúc dạng Kim Tự Tháp ba tầng. Tầng trung tâm có năm tháp được bố cục theo sơ đồ ngũ điểm (tháp chính cao nhất ở giữa, bốn tháp nhỏ hơn ở bốn góc). Tháp trung tâm nối với bốn cổng ở bốn hướng bằng những hành lang có cột và mái che. Như vậy, mỗi tầng bị cắt ra thành những khu sân nhỏ. Mỗi tầng lại có những hồi lang kín vây quanh. Góc các hồi lang và ở ngay chính giữa các mặt lại nhô lên những hình tháp nhỏ. Các lối đi trên cầu thang cũng được lợp kín như các hồi lang. Tuy phỏng theo Đền Bà Phnôm, nhưng giá trị và sự kỳ diệu của Ăngco Vát chính là tầm vóc và cách xử lý không gian.

Tỷ lệ và luật xa gần được biểu hiện ở Ăngco Vát thật đơn giản nhưng cũng thật đáng kinh ngạc. Quãng đường giữa cổng vào tới khu đền Đài gấp đôi chiều dài mặt Tây của đền. Đây là tỷ lệ vàng mà chỉ có người Hy Lạp cổ mới biết sử dụng trong những công trình kiến trúc của mình. Theo các kiến trúc sư cổ Hy Lạp, muốn bao quát toàn bộ một công trình kiến trúc phải lùi xa một khoảng cách xa gấp hai lần kích thước lớn nhất của kiến trúc đó. Tỷ lệ ba tầng của Ăngco Vát cũng là những tỷ lệ vàng: tầng một cao 6m, tầng hai cao 13m (6m + 7m) và tháp chính cao 42m (6m x 7m). Chiều cao của ba tầng cứ lên từ từ đều đặn khiến người xem có cảm giác lúc nào cũng hiện diện một sự hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, các tầng lại có cấu trúc và hình dáng giống nhau, tầng trên như hòa lẫn vào hồi lang của tầng dưới. Mỗi thành phần kiến trúc từ tháp chính tới các tháp phụ, từ các bậc tam cấp đến các hồi lang. . . đều được bố trí cân đối rất hoàn hảo đến mức chúng vừa như là các công trình riêng biệt vừa hài hòa vào tổng thể chung. Tất cả điều đó cho thấy công việc xây dựng Ăngco Vát phải được tính toán kỹ lưỡng trên một mô hình trước khi thi công.

Sau khi Suryaváman II mất, đất nước của người Khơme lâm vào tình trạng khủng hoảng cung đình. Trước tình hình đó, quân đội Chàm đã tiến đánh và tàn phá Ăngco Vát vào năm 1177. Chỉ Vua Giaiavácman VII mới trả được mối thù đó. Ông không chỉ phục hồi được Ăngco Vát mà còn chiếm được đất nước của kẻ thù. Bia ký Bantay Chmar viết ''Đức Vua đã đưa đất nước thoát khỏi tai họa”.

Nhưng cũng chỉ sau đó không lâu, Ăngco Vát cùng với các đền đài Ăngco khác đã bị con người bỏ rơi cho núi rừng xâm chiếm và bao phủ. Chỉ đến tận cuối Thế kỷ XIX, Ăngco Vát mới lại bắt đầu cuộc hồi sinh lần thứ hai và được đánh giá là một trong những kỳ quan của nhân loại.

TS. NGÔ VĂN DOANH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386701846875000/95-Di-san-tieu-bieu/Angco-vat-ngoi-den-die...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận