Đền Angko Vat
Đối với lịch sử Campuchia, cái tên Angkor để chỉ một thời kỳ lịch sử của đất nước kéo dài trên năm thế kỷ, từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII, gắn liền với tên tuổi các vị vua vĩ đại như Giayavacman II, Xuryavacman II và Giayavacman VII v.v... Nhưng đối với lịch sử nghệ thuật dân tộc, là cả một thời kỳ huy hoàng trùm lên mọi công trình kiến trúc, điêu khắc cực kỳ mỹ lệ rải khắp đất nước, đặc biệt nhất và có giá trị nhất tập trung ở cố đô Xiêm Riệp.
Song đâu phải ngẫu nhiên nà lịch sử nghệ thuật tạo hình Campuchia lại xuất hiện một thời kỳ Angkor sôi động trên cố đô Xiêm Riệp? Để đi đến Angkor vĩ đại, đã có một thời kỳ thai nghén, thể nghiệm, mà bề dày thời gian của nó không kém bề dày thời kỳ Angkor. Đó là thời kỳ “Tiền Angkor”. Và mãi đến thế kỷ XII, một kỳ quan của nhân loại xuất hiện trên đất nước Campuchia, đó là đền Angkor Vat, do nhà vua Xuryavacman II (1113- 1150) xây dựng cho đến khi nhà vua qua đời mới xây xong.
Angkor Vat dựng trên một diện tích khoảng 200 ha. Một chiều dài 1.500m và chiều kia 1.360m. Mặt quay về hướng Tây. Bao quanh ngôi đền là hào nước rộng 200m, sâu 7m, tượng trưng cho biển cả. Lối vào là con đường rộng 10m, lát đá tảng. Dọc hai mép đường là lan can hình rắn Naga bảy đầu vươn cao. Đối xứng quanh trục đường là hai toà thư viện xây bằng đá.
Kiến trúc Angkor Vat thuộc phong cách “Đền Núi” (Meru). Chồng lên ba tầng hình gần vuông, là 5 ngọn tháp, tháp chính ở giữa cao 42m. Tầng dưới cũng rộng 215 x 187m, hai tầng trên nhỏ dần. Không kê độ cao của tháp, độ cao của 3 tầng là 65m. Mỗi tầng nền đều có hành lang bao quanh.
Angkor Vat không chỉ hoàn chỉnh về nghệ thuật kiến trúc với độ chính xác và tính cân đối cao mà còn có sự tham gia của nghệ thuật điêu khắc. Một điều khiến cho mọi người ngạc nhiên là để phủ kín các bức tường với các mảng phù điêu bằng đá, tổng cộng dài trên 2.000m với chiều cao khoảng 2m, chắc chắn phải huy động một đội ngũ khổng lồ các nhà điêu khắc. Những phong cách sáng tác lại đồng nhất, hình như chỉ được sáng tạo ra từ một nghệ sỹ. Đề tài các mảng phù điêu được dẫn từ các huyền thoại, như thần Vishnu điều khiển cuộc khuấy biển sữa. Ngoài các phù điêu, truyện kể còn có khoảng 1.700 bức phù điêu vũ nữ Apsara. Tevada tạo lên một áng thơ tuyệt mỹ trên đá.