Tài liệu: Đền Borobudur

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Đền Borobudur dựng trên một ngọn núi nhân tạo nằm ngay giữa trung tâm đảo Java thuộc vùng đồng bằng Kedu phì nhiêu xung quanh có núi bao bọc.
Đền Borobudur

Nội dung

Đền Borobudur

Đền Borobudur dựng trên một ngọn núi nhân tạo nằm ngay giữa trung tâm đảo Java thuộc vùng đồng bằng Kedu phì nhiêu xung quanh có núi bao bọc.

Đền Borobudur là một khu di tích đại diện cho tư tưởng Phật giáo từ thế kỷ thứ VIII. Theo các nhà nghiên cứu thì đến Borobudur được dựng vào khoảng năm 850 thời trị vì của vương triều Phật giáo Sailendra ở Trung Java.

Đền Borobudur cao chừng 50m, chia làm 5 tầng hình vuông tạo thành một hình chóp cụt, còn gọi là “đền Núi”. Chiều dài mỗi mặt của chân đền là 123m. Nếu đi hết các bậc của hành lang của Borobudur phải qua một chặng đường dài 5.000m.

Hình dáng, kiến trúc của Borobudur rất khác với các đền thờ truyền thống của Indonesia. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ nhất của Indonesia, nó không mang chức năng đền thờ mà là một công trình để tưởng niệm của Phật giáo. Cũng như mọi kiến trúc tháp Phật giáo, đền Borobudur có cấu trúc 3 lớp tương ứng với triết lý tam giới về vũ trụ của Phật giáo và cũng phù hợp với giáo lý Phật giáo Đại thừa. Hồi lang tầng dưới cùng được trang trí gần 960 bức phù điêu và tượng, đây là những minh hoạ cho văn bản Kacmaviphanga (nghiệp báo) ra đời vào thế kỷ thứ VII, mô tả cảnh địa ngục và thiên đường. Còn nội dung cơ bản của các phù điêu của 4 tầng trên mô tả thế giới của những chiến công, trí tuệ và tâm linh, thế giới của các Phật linh, các vị Bồ Tát, các đấng anh hùng đã giác ngộ, vượt qua mọi cám dỗ tội lỗi ở trần gian.

Từ trên cao nhìn xuống Borobudur có 2 phần chính: Phần tròn ở phía trên, gồm tháp trung tâm, hình chuông và tầng tròn rộng đồng tâm bao quanh với những tháp (stuba) ở trên đó. Phần vuông phía dưới gồm tầng bậc. Bậc thứ nhất bao quanh ngôi đền, nhưng không có lan can như bậc trên. Tường chính phía trong, xây dựng ô vòm hàng cột ốp nhô ra ngoài, trang trí các phù điêu, bên trong vòm ô đặt tượng Phật.

Sau khi đi hết vòng nền và vòng chân nền, người xem mới có thể lên hồi lang thứ nhất. Ở hồi lang thứ nhất ngoài 120 phù điêu nói về đức Phật còn có 200 bức phù điêu miêu tả các cảnh lấy từ Giataca và Avadana.

Ở hồi lang thứ 2 ngoài những phù điêu kể về Suthana, con trai một thương gia, từ bỏ cuộc đời trần tục để đi tìm chân lý và chàng trở thành một tín đồ của Bồ Tát Manjutsri, cuối cùng Suthana đã đạt chính quả, còn có hơn 100 phù điêu tập trung miêu tả những cuộc đàm đạo giữa các Thánh và Suthana và về giáo lý nhà Phật.

Ở hai tầng còn lại trên cùng với phù điêu nói về cuộc gặp gỡ giữa Phật Maitreya và Thần Diêm Vương (Yama) thật sinh động và hiện thực.

Khi du khách đã lên đến hồi lang vuông cuối cùng sẽ nhìn thấy ba tầng hồi lang tròn không có tường lan can bao quanh. Chỉ có những bậc phẳng, nhẵn và 72 tầng Phật ngồi trong 72 tháp chuông trổ ô hình mắt cáo (tầng một có 32 tháp chuông, tầng 2 có 24 và tầng 3 có 16).

Trên cùng tại chính giữa dựng ngọn tháp chuông to nhất đó chính là tháp Đại Giác, Borobudur là một mô hình vũ trụ của Phật giáo.

Cũng như mọi đền thờ Phật giáo ở Trung Java, đền Borobudur đã bị bỏ quên từ thế kỷ X, khi Vương Triều ấn giáo trị vì tại Java, và nhất là khi Hồi giáo thâm nhập mạnh vào Java, thì Borobudur hầu như không một ai biết đến. Suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XIX) Borobudur bị bỏ hoang phế, mãi đến năm 1814, khi các nhà khảo cổ châu Âu phát hiện ra, thì Borobudur đã bị phủ kín đất và cỏ cây. Nhưng cũng từ thời gian này Borobudur đã được mọi người chú ý bởi Borobudur không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật vĩ đại và giá trị nhất của Indonesia và của thế giới Phật giáo mà nó còn là di sản văn hoá của nhân loại. Đền Borobudur được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới năm 1991.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4110-02-633704653711475000/Indonenia/Den-Borobudur.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận