Đền Loro Giongrang
Loro Giongrang là một tổng thể kiến trúc gồm hàng trăm ngôi đền lớn nhỏ trong ba sân vuông lồng vào nhau tượng trưng cho ba thế giới: Thế giới người trần, thế giới thần linh và thế giới các thánh. Khu sân trung tâm hình vuông nổi lên ba ngôi đền thờ ba vị thần tối cao của Ấn Độ là Braham (thần sáng tạo), thần Vishnu (thần bảo tồn) và thần Shiva (thần huỷ diệt). Trong đó đền Shiva ở giữa, còn đền Braham và Vishnu ở hai bên, biểu hiện sự thống nhất của 3 quá trình tái tạo: sáng tạo, huỷ diệt và bảo vệ. Kích thước của những ngôi đền này lớn hơn hẳn các đền phụ xung quanh. Đền Shiva cao 47m. Diện tích mặt bằng 34x34m, đền Braham và Visshnu rộng 20x20m cao 23m. Đối diện với 3 ngôi đền nhỏ hơn nằm ở phía Đông. Ở hai dãy kiến trúc đó ở hai đầu Bắc và Nam có hai đền thờ nhỏ nữa.
Ngôi đền thờ chính ở giữa nối với 4 gian phụ tạo cho ngôi đền có hình chữ thập. Ba gian phụ ở phía Tây, Nam và Bắc đều có cổng riêng đi vào trong đền, nhưng không nối thông với gian thờ chính của đền. Phần trên tháp gồm 4 tầng bậc nhỏ dần về phía đỉnh. Mỗi tầng là một vòng những hình tháp chuông mô phỏng Stupa của Phật giáo. Đỉnh là một tháp chuông lớn, phần giữa của ngôi đền là những bức tường phẳng, chia làm hai bậc bởi một dãy gờ nổi cao, được trang trí bởi những cửa giả ở trong từng ô khám một.
Loro Giongrang không phải là một mô hình triết học như Borobudur mà là bức tranh cửa thế giới thực, thế giới của thần tiên, của các thần vua. Điều này thể hiện rõ qua các phù điệu trang trí. Đó chính là giá trị đích thực của Loro Giongrang và mang lại vinh quang cho nghệ thuật Trung Java. Phù điêu của Loro Giongrang đem lại cho người xem cảm giác sống lại của nghệ thuật cổ điển Ấn Độ ở đảo Java. Phù điêu ở Loro Giongrang tập trung miêu tả bộ sử thi Ramayana đồ sộ của Ấn Độ. 43 phù điêu ở đền Shiva, 30 phù điêu ở đền Braham mô tả những sự kiện cốt yếu của bộ sử thi. Rama là hiện thân của thần Vishnu, nhưng thần tích của vị thần trong lần hoá thân này lại được các nghệ nhân Java dàn trải chủ yếu ở đến Shiva.
Dưới góc độ kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật bố cục kiến trúc và sự hoàn hảo của phù điêu, thì Loro Giongrang quả là đỉnh cao và là biểu tượng huy hoàng cuối cùng của nghệ thuật Indonesia thế kỷ VII- IX.