Đứa trẻ trong gia đình mới
Người mẹ ly dị, nay sống với con, vẫn là một người mẹ đầy đủ quyền hạn như mọi người mẹ khác. Chỉ có thể có những thích thú riêng, say mê riêng, thậm chí chị có thể yêu ai đó. Tất cả những điều đó đều tự nhiên không cần nói thêm. Nhưng nếu đứng trên quan điểm đứa trẻ, thì trong tình huống này, có thể xuất hiện những khó khăn ta không thể không tính tới.
Điều trước tiên: đừng nhồi nhét cho đứa trẻ ý nghĩ người bố mới chính là người bố “thật”, còn người bố kia bây giờ nó không cần nữa. Không những nó cần người bố kia, mà nó còn cần trấn tĩnh sau những chấn động mà nó phải chịu khi bố mẹ chưa ly hôn.
Nhiều khi người mẹ cô đơn lập tức lấy chồng ngay sau khi ly hôn để “trêu tức” người chồng trước, để chứng tỏ rằng chị vẫn có giá, vẫn có thể được người khác thích, được người khác yêu. Phải nói rằng những cuộc hôn nhân nóng vội, nhất là những cuộc hôn nhân để “trêu tức”, ít thành công. Có khi cuộc hôn nhân mới chỉ nhằm mục đích ngăn cản đứa trẻ thân thiết với người vợ mới của chồng cũ. Nhưng sẽ vô cùng sai lầm nếu người phụ nữ chưa kịp lấy chồng lần thứ hai đã định xử sự với người này y hệt như với người chồng thứ nhất, và thế là trong gia đình lại nảy sinh những chuyện om sòm.
Sự hình thành các mối quan hệ mới đòi hỏi một thời gian nhất định, ta chớ nên dồn ép. Lúc đầu, hãy để đứa trẻ và người chồng mới có quan hệ thân ái với nhau đã, đừng bắt nó gọi là “bố” vội, ở đây sự tế nhị của người lớn rất quan trọng. Nhiều trường hợp người chồng mới làm dịu bầu không khí gia đình và trở nên chỗ dựa vững chắc đối với đứa trẻ. Điều quan trọng không phải là quan hệ tin cậy giữa người chồng mới và con riêng có được thiết lập mau chóng không, mà điều quan trọng là có bền vững không. Nếu gia đình mới có thêm đứa trẻ nữa, thì đứa trẻ thứ nhất sẽ muốn nhanh nhanh trở thành thành viên đầy đủ quyền hạn của gia đình.
Gia đình mới xây dựng nếu hoạt động bình thường có thể sửa chữa tốt nhiều sai lầm trong cuộc hôn nhân đầu tiên và tránh được cho đứa trẻ những chấn động thần kinh do vụ ly dị gây ra.