Tài liệu: Quá trình ly hôn và đứa con

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Quá trình ly hôn ít khi bắt đầu và kết thúc trong vòng một ngày. Nó thường kéo dài hàng tuần, có khi hàng tháng, nhất là khi ông bố bà mẹ chưa thể thoả thuận về con cái và phân chia tài sản
Quá trình ly hôn và đứa con

Nội dung

Quá trình ly hôn và đứa con

Quá trình ly hôn ít khi bắt đầu và kết thúc trong vòng một ngày. Nó thường kéo dài hàng tuần, có khi hàng tháng, nhất là khi ông bố bà mẹ chưa thể thoả thuận về con cái và phân chia tài sản. Quá trình càng dài, càng nhiều người can dự vào số phận đứa trẻ, sẽ có những lúc ai đó tỏ ra tức giận và căm ghét, ông bố, bà mẹ chỉ chịu ảnh hưởng của các xúc cảm riêng, họ không cất công chọn lời lẽ để nói về nhau, họ buộc cho nhau đủ các tội lỗi chết người, và sự việc đó diễn ra trước mặt đứa trẻ. Nào là “Hãy để cho thằng bé biết bố nó đê tiện thế nào!” hoặc “Hãy để cho thằng bé biết nó sống với một người mẹ thế nào?”

Những cuộc tranh cãi trước toà về con cái chứng tỏ về thực chất bố mẹ chúng thờ ơ với số phận những đứa con họ đứt ruột đẻ ra như thế nào. Họ mù quáng bởi căm thù nhau, lăng mạ nhau. Họ sẵn sàng nhấn người kia xuống bùn. Họ biết rõ rằng lời nói và hành động của họ ở toà sẽ không bị trừng phạt về hình sự. Nhưng nếu bố mẹ không bị trừng phạt gì, thì con cái họ lại bị trừng phạt, và bị rất tàn nhẫn? Chúng được đưa tới toà để làm chứng chống lại bố mẹ chúng. Chúng được biết các tài liệu của toà án, chúng được biết những chi tiết “kín” của cuộc sống bố mẹ chúng. Nhưng may sao quá trình ly hôn đau khổ rồi cũng lùi lại phía sau, trong bố mẹ không một người “thắng và một người thua”, thực tiễn cho thấy người này đã chuẩn bị sẵn để đón lấy thất bại rồi. Còn đứa trẻ chẳng chuẩn bị sẵn để đón lấy gì cả, thì sao? Nhiều người nói rằng những đứa trẻ trải qua quá trình ly hôn của bố mẹ đều trở nên “không thể nhận ra được”. Thật vậy, chúng đã trải qua chuyện khủng khiếp nhất - xấu hổ vì bố mẹ. Cảm giác xấu hổ thiêu đốt mà chúng không thể đè bẹp được ấy (đứa trẻ càng lớn, nó càng hổ thẹn hơn) sẽ có hình dạng của những hành động thiếu suy nghĩ nhất. Không thiếu trường hợp đứa trẻ gây gổ với các bạn khác cùng giới, cùng lứa tuổi, nó có thể xúc phạm, thậm chí đánh các bạn, và khi lớn lên, nó lăng mạ và xúc phạm người xung quanh, sẵn sàng đánh bất cứ ai, dù đó là một người già nua, chỉ vì người đó không tìm được cho nó vài điếu thuốc lá. Rất nhiều những đứa trẻ như thế sớm muộn cũng vào viện thần kinh hoặc vào ghế bị cáo. Các ông bố bà mẹ ngạc nhiên: sao lại có thể xảy ra như vậy. Họ lại tìm kiếm kẻ có lỗi, buộc tội nhà trường, đường phố, bạn xấu nhưng nếu lúc ấy có ai nhắc họ nhớ tới những cảnh diễn ra trước mắt đứa bé ở toà án, họ sẽ bảo: có dính dáng gì đến chuyện này!

Nhưng chính là sự việc ấy và trước hết là sự việc ấy, mặc dù xảy ra đã lâu và các ông bố bà mẹ đã quên mất rồi (thiếu gì chuyện người ta gây cho nhau lúc nóng nảy, có ai lại cứ nhớ mãi suốt đời?). Sự trừng phạt mà hồi ấy ông bố bà mẹ may mắn tránh được bây giờ đã giáng xuống đầu đứa con.

Có thể phân tích cặn kẽ nhiều ví dụ chứng tỏ nguyên nhân gây ra sự phát triển xấu ở đứa trẻ bắt nguồn từ vụ ly hôn diễn ra trước mắt chúng. Có thể kể về những trường hợp mà mới thoạt nhìn, không liên quan trực tiếp với những gì bọn trẻ trông thấy và trải qua ở toà án. Nhưng đó chỉ là mới thoạt nhìn. Một vụ kiện ly hôn dù có điều khiển bằng bàn tay một quan toà giàu kinh nghiệm nhất thường cũng vẫn chỉ là cái van tuôn ra ngoài những thứ bùn bẩn tích tụ lâu ngày, và những nguyên tắc sống chủ yếu của đứa trẻ liên quan tới uy tín bố mẹ đều bị chết sặc trong vũng bùn bẩn ấy.

Còn có thể nói tới những uy tín nào khác nữa, nếu đứa trẻ đã không còn tôn trọng bố mẹ đẻ của nó? Còn có thể nghĩ tới một sự tôn trọng nào đối với người xung quanh, nếu đứa trẻ lúc nào cũng nghe mẹ bảo: “Bố mày là một thằng đê tiện, hắn lấy đi của mày tất cả, hắn huỷ hoại hạnh phúc của mày”. Uy tín bị sụp đổ của bố mẹ kéo luôn tất cả các uy tín khác của thầy cô giáo, hiệu trưởng, quản đốc phân xưởng, nơi lớn lên đứa trẻ đến làm việc, nói chung là uy tín của tất cả người lớn chứ đừng nói tới những người cùng lứa tuổi. Đứa trẻ mất lòng tin vào bố mẹ, không công nhận một chuẩn mực và quy tắc nào trong cuộc sống, như thế vẫn ít, nó còn coi bất kỳ sự cấm đoán nào cũng là vi phạm cá nhân của nó, cũng đe doạ sự tôn trọng của nó đối với bản thân nó - sự tôn trọng duy nhất nó còn gìn giữ bởi đó là bảo đảm cho cảm giác tự tin của nó. Nếu mất nốt cả cái “bến cảng” cuối cùng này, nó sẽ ra sao? Cuối cùng, nhân cách nó sẽ suy thoái.

Tất nhiên chúng tôi không muốn bạn nghĩ chúng tôi khẳng định rằng bất kỳ vụ ly hôn nào diễn ra trước mắt đứa trẻ cũng đều sẽ biến nó thành tội phạm sau này. Nhiều trường hợp nó lớn lên thành một người hoàn toàn bình thường. Nhưng đó là ngoại lệ chứ không phải quy luật. Còn thông thường, sau khi chứng kiến vụ ly hôn của bố mẹ, nó xa lánh mọi người, nó học kém, mặc dù không phải nó không có năng lực, các thầy cô giáo thường phàn nàn nó lơ đãng và thụ động, bố mẹ nó cũng nhận thấy họ nói với nó mà nó không nghe thấy, nó có thể ngồi hàng giờ trân trân nhìn vào một điểm bằng một cái nhìn hờ hững. Một đứa trẻ lớn lên trong khung cảnh thường xuyên có những vụ om sòm và những biểu hiện tàn nhẫn, có thể sẽ quen với những cái đó, trở nên nghèo nàn xúc cảm, chẳng hề động tâng trước những vui sướng và nhất là những đau khổ của người khác.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4308-02-633737410889810212/Con-cai-va-hai-bo-me-da-ly-hon/Qua-trinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận