Điều quan trọng đừng “cải tạo” bạn đời
Hỡi các bạn nữ đáng yêu, nếu ngay lần đầu tiên bạn thử “tống khứ” ra khỏi chồng bạn tất cả “thói quen xấu” của anh mà bạn đã gặp phải sự chống trả quyết liệt, thì bạn đừng vội buộc tội chồng là không biết quý trọng các ý định tốt của của bạn. Toàn bộ các lắt léo của đời sống gia đình là ở chỗ nó có thể khám phá những phẩm chất có trong bạn đời, nhưng không thể thay đổi chúng một cách cơ bản hoặc sản sinh ra những phẩm chất mới mà cho tới nay người bạn đời của bạn chưa từng biết. Trước hết, bạn hãy học cách tôn trọng cá tính của nhau, mau chóng bỏ đôi kính màu hồng bạn vẫn đeo cho tới tận ngày cưới. Cặp kính màu hồng không thích hợp chút nào với đời sống gia đình: chỉ một làn gió nhẹ thoáng qua là lập tức nó rời khỏi đôi mắt bạn và vỡ tan tành. Dần dần rồi người vợ khắc theo nhiều cái ở người chồng, và ngược lại, người chồng cũng vậy. Về mặt đó, họ sẽ trở nên giống nhau. Nhưng nếu vợ hoặc chồng lại muốn biến đổi bạn đời của mình ngay lập tức, họ sẽ có nguy cơ mất hết.
Anh kỹ sư A. ba mươi tuổi, cô B. cùng tuổi. Cô lớn lên trong một gia đình nghệ sĩ. Gia đình cô luôn đầy đủ về vật chất và chỉ có một điều sùng bái - đó là sùng bái thái độ cao thượng đối với cuộc sống A. lớn lên trong một gia đình chỉ đủ ăn, anh đã quen tự mình đạt lấy tất cả mọi thứ, bởi vậy anh quyết định mau chóng “cải tạo” B theo mẫu của anh. Ngay từ tháng đầu tiên chung sống, anh đã vứt ra khỏi nhà tất cả những tác phẩm mỹ thuật mà B. thu thập từ thời thơ ấu và anh lại coi đó là những “đồ vớ vẩn”. Sau đó đến lượt các bộ quần áo của cô mà anh coi là quá lố lăng. Cần gì những dây màu và những giải viền đăng ten, nếu ngày nay tất cả phụ nữ đều mặc quần bò? B. lại chịu kém các cô khác hay sao? A. mua cho cô quần bò, vải may váy áo, đem về nhà những cuốn sách “ăn khách” mà B phải đọc để “thông minh ra”.
B. lấy A. vì tình yêu, cô có thấy thói độc đoán của anh, nhưng cô tin rằng hai con người trí thức yêu nhau bao giờ cũng có thể tìm ra một tiếng nói chung. Bởi vậy, cố gắng nén chịu tất cả những “cải cách” cơ bản mà A. tiến hành chẳng những trong nhà, mà cả trong tủ áo riêng của cô. Nhưng A. lại hiểu thái độ nhân nhượng của cô theo cách riêng của anh. Và khi anh phát hiện ra rằng đêm đêm B. vẫn khóc thầm, anh cho rằng mình đã gần đạt tới mục tiêu, anh lại càng hăng hái “cải tạo” vợ. Anh bẻ họe cô từng bước chân, và với sự chính xác của một kỹ sư, anh phân tích và “xếp loại” tất cả mọi biểu hiện tình yêu của cô, bắt vợ phải tuân theo anh đến nỗi cô đã nghĩ rằng cô là một con ngốc, vô dụng và bố mẹ cô, những người cố đóng góp đáng kể vào nền văn hoá nước nhà, chỉ là những kẻ chẳng đáng giá gì A. cố làm cho cô hiểu rằng cô là một phụ nữ chẳng ra gì, đầu óc đầy những mặc cảm kém cỏi và cô phải vô cùng biết ơn anh vì mặc dù cô nhiều thiếu sót, anh vẫn lấy cô và chịu đựng cô. Tình thế B. đã gay go lại càng gay go thêm vì mãi cô không tìm được việc làm đúng với chuyên môn của cô, cô buộc phải nhờ bố mẹ giúp đỡ rồi khi có con, cô phải ru rú ở nhà và biến thành một người nội trợ bình thường. Điều đó làm cho A. nổi cáu hết cỡ, và để dạy cho cô vợ “thiếu thực tế” của mình, anh công khai bắt bồ với các cô khác.
Tuy nhiên, mặc dù gia đình họ khủng hoảng như vậy, vài năm sau, như người ta thường nói trong những trường hợp như thế này, tình yêu vẫn chiến thắng.
Thật ra, kẻ chiến thắng không phải tình yêu (hoặc ít ra cũng không phải chỉ là tình yêu) mà là sự trưởng thành đạo đức của B. cô hiểu ra một điều, đó là: người chồng “kiên quyết” của cô, về thực chất, chỉ là một người quá ư trẻ con, và cuộc sống vợ chồng chẳng qua chỉ là một mô hình những quan hệ giữa các cá nhân, một người chưa đủ trưởng thành cho quan hệ vợ chồng cũng chưa đủ trưởng thành cho tất cả các dạng quan hệ khác ở ngoài xã hội. Chân lý đó đã được phát hiện từ lâu, và người phát hiện là Khổng Tử nhà triết học cổ Trung Hoa, ông cho rằng ngoài giá trị tự thân của mỗi người, cuộc sống vợ chồng còn tạo môi trường giúp phát triển nhân cách của người đó trong sự thống nhất hài hoà với người bạn đời.
Cần lưu ý rằng cảm giác sinh học ở phụ nữ phát triển sâu sắc và tinh tế hơn ở nam giới. Thiên nhiên phú cho phụ nữ bản năng làm mẹ, khiến phụ nữ đủ sức vượt qua những trở ngại phức tạp nhất trong cuộc đời. Về mặt tố chức sinh học, người phụ nữ trước hết là Người mẹ, chỉ sau đó mới là Người tình. Chức năng làm mẹ phát triển ở phụ nữ những phẩm chất như óc thực tế, chín chắn, nhẫn nại, quan tâm đến kẻ yếu, tình cảm gắn bó... Đó là lý do vì sao trong cuộc sống vợ chồng phụ nữ không thể hạnh phúc trọn vẹn nếu chỉ là trong những phẩm chất trên bị chèn ép. Phụ nữ càng không hạnh phúc hoàn toàn nếu vì lý do gì đó, một trong những phẩm chất ấy không được phát triển đầy đủ. Một nhà nghiên cứu hiện đại người Mỹ viết: “Thành công trong cuộc sống vợ chồng, thành công phần lớn là nhờ khả năng làm một người vợ phù hợp chứ không phải nhờ sự tìm kiếm một người chồng phù hợp”. Trong khi đó: nhiều phụ nữ không đánh giá đúng chức năng của mình trong cuộc đời, vội vã đổ tội cho chồng gây ra những thất bại của mình.
Con người chỉ có thể nhận biết những nguyên nhân gây ra xung đột và sai lầm trong môi trường và trong những mối quan hệ: Không một bác sĩ nào lại chữa người bị suy nhược thần kinh bằng tách rời bệnh nhân khỏi môi trường xung quanh quen thuộc. Cũng như vậy, không một người vợ nào (hoặc chồng) nào giải quyết được các vấn đề của mình nếu vội vã bỏ hôn nhân.
Như vậy, thành công của cuộc sống vợ chồng đạt được không phải bằng cách “cải tạo” bạn đời giống mình, mà lại tùy mức độ thích ứng, “hoà nhập” vào ý nghĩ và tình cảm của bạn đời, khả năng bao dung, biết giao tiếp và tha thứ. Nếu ngay từ ngày đầu chung sống, chúng ta đã có ý thức trau dồi những phẩm chất ấy, thì về sau chúng sẽ bảo vệ ta khỏi mọi chuyện rắc rối bất ngờ.