Hôn nhân là “nấm mồ” của tình yêu
Trong một câu chuyện không kém phần mỉa mai có nói rằng hôn nhân không phải là cái gì khác, mà là “nấm mồ của tình yêu lãng mạn”. Hàng trăm hàng nghìn tiểu thuyết, vở kịch, bộ phim kể về tình yêu thường kết thúc bằng cái hôn cảm động trong lễ cưới, rồi tiếp đó đôi khi nhắc qua: họ sống hạnh phúc và chết cùng ngày. Nhưng sống hạnh phúc như thế nào, hạnh phúc của họ cụ thể là cái gì thì các tiểu thuyết, vở kịch, bộ phim thường không nói tới.
Không cần phải chứng minh rằng cuộc sống vợ chồng là việc của hai người lớn có quan niệm riêng rẽ hạnh phúc. Nhưng nhiều cuộc hôn nhân mở đầu hạnh phúc lại tan vỡ vì một người hoặc cả hai. Mặc dù đã là người lớn, nhưng về mặt cảm xúc họ vẫn là trẻ con. Tình yêu bắt đầu từ đâu? Từ một cuộc gặp gỡ diệu kỳ hạnh phúc, tiếp đó là một cuộc hôn nhân không kém hạnh phúc? Không tình yêu thường bắt đầu trước đó nhiều - từ những ước mơ lãng mạn đầu tiên. Biết bao cô bé mơ ước một ngày kia cửa phòng của các em sẽ mở, “Chàng” bước vào, Chàng là người mà số phận đã định trước. Chàng đẹp trai khác thường và có những cung cách cao quý. Chàng sẽ quỳ ngay xuống chân các em, rồi bằng một giọng run run xúc động, Chàng nói: “Em vẫn chờ anh phải không, người yêu của anh? Anh đã đến rồi đây” Nhưng năm tháng qua đi, cô bé lớn lên thành thiếu nữ, mà cửa phòng cô không hiểu sao vẫn không bật mở. Các ước mơ lãng mạn không tan đi, chúng chỉ lùi sâu vào trái tim cô gái, tạm ẩn náu ở đấy. Nếu cô may mắn gặp một thanh niên dù chỉ hao hao giống hình ảnh lãng mạn xưa kia của cô, cô sẵn sàng tự nhủ: “Chàng đã đến? Ta đã thức dậy để sống một cuộc sống thực sự!”
Đó là một kiểu “người đẹp ngủ trong rừng” hiện đại. Còn một kiểu “người đẹp ngủ” khá phổ biến là kiểu “phụ nữ đã được giải phóng”. Những cô gái này mơ ước được người chồng tương lai là một trí thức hoàn hảo, một nhà bác học nổi tiếng và xuất sắc, kiếm được hàng đống tiền, đồng thời cũng rất giỏi nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp, dạy con... Đàn ông cũng không đi xa hơn phái đẹp là mấy trong hình dung lãng mạn của mình về “nàng công chúa” lý tưởng mà họ nguyện thờ phụng suốt đời. Nhưng hiện thực hằng ngày quá mau chóng đập vỡ những “hình ảnh cao quý của họ. Tại sao vậy?” Chẳng qua là vì cả “những người đẹp ngủ trong rừng” đầy lãng mạn, cả những “chàng hiệp sĩ thiu thiu ngủ” không kém phần lãng mạn của họ, đều không làm gì cả trong khi chờ đợi cái ngày tuyệt vời ấy. Con người lý tưởng họ hằng mơ ước cuối cùng sẽ đến. Nếu trong “giấc mơ thần kỳ” của họ có ai lay họ dậy và hỏi thẳng: cô (anh) có thể cho biết người lý tưởng của cô (anh) những gì? - họ sẽ trả lời luôn: “Tất cả”? Nhưng chỉ cần hỏi rõ thêm “tất cả” là những gì, ta sẽ thấy “tất cả” hoá ra chẳng có gì cả.
Trong cuộc sống, những câu hỏi như thế không được đặt ra, và những cô gái lấy chồng biết rõ giữa người chồng tương lai của mình và “vị hoàng tử” tưởng tượng mà suốt đời họ chờ đón, có một cái hố khá sâu. Nhưng nếu thế, tại sao cô gái vẫn chỉ lấy người đàn ông cô yêu chứ không lấy một “vị hoàng tử” nào đó? Thường là do cô gái thầm tin chắc rằng: đợi đấy, anh yêu, khi trở thành chồng em, anh sẽ phải bỏ ngay tất cả các thói quen xấu của anh. Và chẳng bao lâu sự việc diễn ra như vậy thật. Vừa lấy chồng, cô vợ trẻ liền xắn tay áo và bắt đầu “tống khứ” ra khỏi anh chồng tất cả những “thói quen xấu”, của anh: từ nay, anh phải quên tất cả bạn bè của anh đi và ngồi nhà, chỉ ăn những gì vợ nấu nướng cho, không thích đi mà nấu nướng lấy... Chẳng những thế, người phụ nữ xử sự như vậy lại còn tự coi mình là một “nàng tiên phúc hậu” chỉ hành động vì lợi ích của chồng mình.