Phương pháp trị “bệnh đa nghi”
Đa nghi là một trạng thái tâm lý không lành mạnh. Tuy nhiên, “căn bệnh” này hoàn toàn có thể chữa khỏi được nếu biết cách chọn lựa những liệu pháp tâm lý phù hợp. Một trong những phương pháp chữa bệnh đa nghi thường được sử dụng chính là “phương pháp tư tưởng”, tức là: Học cách nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh bằng quan điểm của chủ nghĩa duy vật với thái độ thực sự cầu thị; tránh những suy đoán hồ đồ, chủ quan mà phải luôn dựa vào những căn cử, tài liệu xác thực, khách quan.
Nhìn theo góc độ tâm lý học thì cách chữa trị chứng bệnh đa nghi là phải luôn tự nhắc nhở, động viên mình bằng thái độ tích cực nhất (ám thị). Ám thị là việc thử đưa thêm những ảnh hưởng đối với tâm lý, hành vi của người khác trên cơ sở không phân tích, không phê phán, không phản kháng mà sử dụng phương thức hàm súc và gián tiếp. Sự ám thị này có thể đến từ những người khác hoặc chính bản thân bạn. Từ hiệu quả tốt hay xấu của việc ám thị, chúng ta có thể chia chúng thành hai dạng là ám thị tích cực và ám thị tiêu cực. Những ám thị tích cực có thể giúp mọi người tăng thêm sự tự tin, tinh thần hưng phấn; sảng khoái hơn. Ngược lại, những ám thị tiêu cực có thể khiến trạng thái đa nghi càng nặng nề và tồi tệ hơn nữa. “Không có bệnh mà nghi rằng mình có bệnh” cũng là một trạng thái tâm lý không lành mạnh.
Trong cuộc sống thường ngày, bạn có thể tự tăng cường những ám thị tích cực để luôn cảm thấy thoải mái, tự tin và tránh được những trạng thái tâm lý không lành mạnh. Dưới đây là một số phương pháp thường dùng để trị “chứng bệnh đa nghi”:

- Luôn phóng khoáng, độ lượng: Bạn cần có một tấm lòng rộng mở, một tâm hồn khoáng đạt, độ lượng, không tính toán quá nhiều trước bất cứ một việc gì, cho dù là nhỏ nhất. Chỉ cần luôn cố gắng để vui vẻ, hòa đồng, thẳng thắn,với những người xung quanh, “biết đủ”' thường xuyên mỉm cười là bạn sẽ ít khi cảm thấy chán nản, buồn phiền. Bệnh đa nghi cũng vì thế mà thuyên giảm rồi khỏi hẳn.
- Thả lỏng bản thân: Khi cảm thấy bị kích động hoặc rất tức giận vì việc gì đó, bạn hãy nhanh chóng rời khỏi địa điểm đó, hít thở thật sâu kết hợp với thả lỏng các cơ bắp để cảm thấy thoải mái hơn. Bạn cũng có thể luyện vài động tác khí công để cơ thể thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
- Kiềm chế sự tức giận: Phương pháp chủ yếu để kiềm chế sự tức giận là dựa vào lý trí vững vàng, tỉnh táo của bạn. Bạn có thể tự nhắc nhở mình rằng: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Tuy nhiên nếu không thể kiềm chế được sự tức giận bạn hãy nhanh chóng rời khỏi nơi đó và chỉ trở lại khi bản thân đã thật sự bình tĩnh, tỉnh táo hơn.
- Giữ bình tĩnh: Bạn cần cố gắng để. giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt trong mọi trường hợp, không nên cảm thấy lo lắng, buồn phiền vì danh lợi, tiền bạc, quyền lực hay tình ái. Ngoài ra, bạn cũng có thể bồi dưỡng cho mình nhiều hứng thú khác nhau để luôn cảm thấy tâm hồn thư thái, thoải mái.
- Tự giải phóng mình: Bạn hãy thường xuyên tham gia vào những hoạt động tập thể lành mạnh, bổ ích, các hoạt động xã hội vui nhộn; tăng cường kết bạn để có nhiều cơ hội giao lưu, trò chuyện với mọi người. Bạn cũng cần biết cách kết hợp hợp lý giữa nghỉ ngơi và làm việc, học tập và lao động để tinh thần được thư giãn, vui vẻ hơn.
- Nghỉ ngơi hoàn toàn: Bạn có thể nghỉ ngơi, thư giãn hoàn toàn về tinh thần bằng cách không suy nghĩ đến bất cứ vấn đề gì trong một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp này vừa giúp bạn tránh được những mệt mỏi lại vừa có thể khắc phục được những trở ngại về tâm lý thường gặp.