Vài lời về tình yêu
Tình yêu là tình cảm vô tư nhất của con người. Yêu Tổ quốc, yêu mẹ, yêu con - còn gì có thể cao hơn tình cảm ấy. Đồng thời chính tình yêu, chứ không phải cái gì khác, làm cho chúng ta phong phú thêm và làm các hành động của chúng ta trở nên cao cả.
Tình yêu không thể do áp đặt mà có, cũng không thể kích thích để tạo ra hoặc chế ngự nó. Trong tình yêu có sự giao nhau của các mặt đối lập: giữa yếu tố sinh học và tinh thần, cá nhân và xã hội, của yếu tố cực kỳ riêng tư thầm kín và yếu tố có ý nghĩa chung. Yêu hoàn toàn không có nghĩa là “mê muội hay mù quáng” như một số người lầm tưởng. Về bản chất của tình yêu như nhà văn Ađơ Xanh Ecduypêri nói rất hay: “Yêu không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một phía”.
Chúng ta đã nói tới tính không vụ lợi của tình yêu. Nhưng nếu chị nói như thế về tình yêu, thì mới là nói một nửa sự thật về tình cảm này. Nửa kia là: người đang yêu bao giờ cũng phục tùng đối tượng tình yêu của mình, luôn đánh giá các hành vi của mình và các giá trị tinh thần cũng như vật chất theo con mắt người mình yêu. L.N. Tolstoi viết “yêu có nghĩa là sống cuộc sống của người mình yêu”. Còn Arixtôt thì nói : “Yêu, nghĩa là muốn điều tốt cho người khác nhưng muốn như vậy không phải vì bản thân mình, mà là vì người mình yêu, và hết sức cố gắng đem lại điều tốt đẹp ấy cho người mình yêu”.
Tất nhiên, cũng giống như mọi thứ trên trái đất này, tình yêu mà con người được hưởng không phải là dưới một dạng trọn vẹn bất biến. Trong lịch sử loài người, nó thường xuyên thay đổi, luôn hoàn thiện và phong phú thêm. Đây là chỗ thích hợp để dẫn lời Ph. Anghen, khi nói về tình yêu như là một tình cảm do từng cá nhân chọn lựa, đồng thời ông coi đó là sản phẩm của lịch sử: “Tình yêu giới tính hiện đại khác hẳn với sự ham mê tình dục của người xưa. Thứ nhất, đòi hỏi phải có tình cảm của cả hai phía; về mặt này, người phụ nữ bình đẳng với người đàn ông, trong khi thời cổ xưa hoàn toàn không phải bao giờ cũng cần có sự bằng lòng của người phụ nữ. Thứ hai, sức mạnh và độ lâu bền của tình yêu giới tính thường đến mức nếu không có được nhau và phải xa nhau thì cả hai phía đều coi đó là một điều cực kỳ bất hạnh, họ liều lĩnh, họ sẵn sàng hy sinh cả cuộc sống chỉ cốt sao được thuộc về nhau... Và đã xuất hiện một tiêu chí đạo đức mới để lên án và biện minh cho quan hệ tình dục: người ta không chỉ hỏi quan hệ ấy ở trong hay ở ngoài hôn nhân, mà người ta còn hỏi nó phát sinh có phải do tình yêu của cả hai phía hay không?
Chúng ta hãy lưu ý tới mấy từ cuối cùng của lời dẫn ở trên: “người ta không chỉ hỏi quan hệ ấy ở trong hay ở ngoài hôn nhân, mà người ta còn hỏi nó phát sinh có phải do tình yêu của cả hai phía hay không”. Ở trên chúng tôi đã nói rằng trong lịch sử phát triển loài người, cuộc đấu tranh của đàn ông để chiếm đoạt phụ nữ hoàn toàn không phải bao giờ cũng nhằm mục tiêu hôn nhân. Tuy nhiên dần dần hôn nhân có giá trị ngày càng lớn, việc có hay không có tình yêu trong hôn nhân không chiếm vị trí quyết định, và nổi lên hàng đầu là các yếu tố vật chất - kinh tế (có phải khi đó đã xuất hiện những câu ngạn ngữ đại loại như: “Cứ nén chịu đi rồi khắc yêu”).
Nhưng như chúng ta thấy, ngay từ đầu thế kỷ XIX, tình yêu đã được nâng cao tới mức lấn át cả hôn nhân; mặc dù thời Anghen, hôn nhân còn chưa được giải phóng khỏi sự lệ thuộc vật chất - kinh tế của vợ vào người chồng.