Tài liệu: Làm thế nào để tránh những sai lầm trong giao tiếp

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Người biết nhìn nhận về người khác là người tài trí, người biết nhìn nhận về chính mình là người thông minh.
Làm thế nào để tránh những sai lầm trong giao tiếp

Nội dung

Làm thế nào để tránh những sai lầm trong giao tiếp

Người biết nhìn nhận về người khác là người tài trí, người biết nhìn nhận về chính mình là người thông minh. Bạn hãy vận dụng sự tài trí, thông minh và nhạy bén của mình để tránh những sai lầm trong giao tiếp xã hội.

Không lấy những ấn tượng đầu tiên làm tiêu chuẩn để phán đoán về người khác

Ấn tượng đầu tiên là ấn tượng được hình thành trong lần gặp mặt đầu tiên giữa bạn với một người nào đó. Những ấn tượng này thường rất sâu sắc và luôn có ảnh hưởng đến những đánh giá của bạn về họ. Chúng ta thường rất coi trọng ấn tượng đầu tiên; tuy nhiên, bạn cũng cần thấy rằng, do chỉ tiếp xúc trong thời gian ngắn nên những ấn tượng đó thường có tính chủ quan, phiến diện và chỉ nên để tham khảo. Bạn không nên lấy những ấn tượng đầu tiên đó làm tiêu chuẩn để đánh giá, nhìn nhận về người khác. Đánh giá của chúng ta về ai đó chỉ thật sự chính xác nếu có sự tiếp xúc lâu dài, nhìn nhận toàn diện về người đó trong nhiều hoàn cảnh, môi trường khác nhau.

Không đánh giá người khác chỉ vì một sự việc, một thời điểm nào đó

Một người vừa phạm lỗi lớn liền bị những người xung quanh đánh giá là người xấu, không làm nên được việc gì. Cách đánh giá người khác chỉ qua một sự việc xảy ra ở một thời điểm như vậy là phiến diện và hoàn toàn không chính xác. Những ấn tượng gần nhất bao giờ cũng mạnh hơn ấn tượng lúc ban đầu. Đây là một trong những quán tính tâm lý của tất cả mọi người. Chính quán tính tâm lý này khiến chúng ta hay đánh giá người khác dựa trên những ấn tượng gần nhất về người đó. Ngoài ra, chúng ta còn bị ảnh hưởng bởi “hội chứng ưu điểm” trong khi đánh giá người khác. Những ưu điểm nổi trội của ai đó bao giờ cũng chiếm ưu thế hoặc thậm chí là che khuất hẳn những khuyết điểm của họ. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh, môi trường khác nhau, mỗi người đều có những cách thể hiện mình khác nhau. Vì vậy, bạn cần nhìn nhận về người khác một cách toàn diện, tránh cái nhìn và sự đánh giá phiến diện, nhất thời, chỉ dựa trên một hành vi, sự việc nào đó.

Không nên chỉ coi trọng ấn tượng ban đầu

Ngoài những ấn tượng ban đầu, mỗi chúng ta luôn có những suy nghĩ thường trực về cách nhìn nhận, đánh giá người khác. Tất cả những suy nghĩ như: người Mỹ hào phóng, người Anh bảo thủ, người Pháp lãng mạn, người làm kinh doanh thường thông minh, hay tính toán; những người nông dân thường thật thà, chất phác,... đều là những suy nghĩ thường trực, được truyền từ người này sang người khác. Tuy nhiên, mỗi người có một tính cách khác nhau, bạn không thể đánh giá người khác một cách đơn giản và phiến diện, chỉ dựa trên những quan niệm như vậy.

Tại sao lại có một số người không thể cảm thấy vui vẻ trong các mối quan hệ xã hội? Con người là một động vật mang tính xã hội; giao tiếp là một phần việc cần thiết, quan trọng trong đời sống thường ngày của mỗi người. Trong các mối quan hệ, nếu bạn quá tính toán, quá chú tâm, lúc nào cũng lo sợ bị thiệt, bị lừa gạt thì chắc chắn sẽ không thể cảm thấy vui vẻ. Có thể nói, những người như vậy là những người không hiểu hết được nội hàm thật sự của việc giao tiếp nên họ không thể cảm thấy vui vẻ được. Ngoài ra, ý nghĩa của việc giao tiếp còn thể hiện ở việc mở rộng không gian tâm lý của mỗi người, giảm bớt khoảng không cô độc để xây dựng nên những “cảm giác chung”. Đây là những nhu cầu tâm lý và nhu cầu xã hội mà mỗi người cần phải có.

Những trạng thái tâm lý không tốt như buồn phiền, cáu giận, đau khổ,... đều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp của một người với những người xung quanh. Những trạng thái đó có thể bắt nguồn từ áp lực nặng nề trong công việc, những khúc mắc trong chuyện tình cảm hay những va vấp trong cuộc sống. Mỗi người đều cần học cách đối phó với những trạng thái không tốt này để luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn. Đây cũng là một trong những biểu hiện quan trọng của sự trưởng thành của mỗi người.

Xã hội hiện đại ngày càng đề cao sự độc lập của mỗi cá nhân. Chính điều này làm cho những mối quan hệ xã hội đang dần trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất giúp bạn xây dựng được những mối quan hệ bền vững và ổn định vẫn là sự chân thành và sự thể hiện thật nhất “cái tôi” của mình. Không ai thích đặt quan hệ lâu dài với những người không thành thực, sống hai mặt và hay lươn lẹo. Ngoài ra, bạn cũng cần cố gắng để khắc phục, hạn chế những nhược điểm của mình, tích cực và nỗ lực hơn nữa trong học tập cũng như trong cuộc sống để ngày càng được nhiều người yêu mến.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4193-02-633706532348316250/Hay-de-tam-hon-ban-luon-tran-ngap-anh-mat...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận