Làm thế nào để thoát khỏi sự tự ti?
Để khắc phục và đề phòng tâm lý nhút nhát, tự ti, trước hết, bạn cần dũng cảm nhìn thẳng vào những khuyết điểm của mình. “Nhân vô thập toàn”, mỗi người đều có những khuyết điểm riêng. Với những khiếm khuyết bẩm sinh, khó thay đổi như diện mạo, chiều cao,... chúng ta hoàn toàn có thể bù đắp được bằng những ưu thế khác. Phát hiện ra những ưu điểm của người khác là một việc rất tốt, nhưng nếu bạn cứ dùng những ưu điểm đó để so sánh với khuyết điểm của mình thì lại là một việc không nên chút nào. Làm như vậy cũng có nghĩa là bạn đang tự phủ định mình, càng thiếu tự tin, nhút nhát hơn mà thôi.
Trên thực tế, mỗi người đều có những sở trường riêng. Bạn không thể giỏi hơn người khác trong tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống và những người khác cũng vậy. Vì thế, để đề phòng, khắc phục tâm lý tự ti, nhút nhát, bạn cần chú ý để không đặt ra những yêu cầu quá cao đối với chính mình. Trong khi lựa chọn mục tiêu để phấn đấu, ngoài việc xem xét đến giá trị của mục tiêu cũng như nguyện vọng của mình bạn cần phải xem xét cả tính khả thi, tính hiện thực của mục tiêu đó nữa. Hãy cố gắng theo đuổi những mục tiêu thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể chia một mục tiêu lớn ra thành nhiều mục tiêu nhỏ để có động lực hơn trong quá trình phấn đấu. Điều cuối cùng là bạn cần rèn luyện khả năng chịu đựng về tâm lý, không nên chỉ vì một thất bại nhỏ mà nhụt chí, nản lòng. Dưới đây chúng tôi giới thiệu một số cách giúp bạn khắc phục sự tự ti của mình để các bạn tham khảo.
Nhận thức và phát hiện ra những ưu điểm của mình
Mỗi người đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Nếu chỉ nhận ra những ưu điểm của bản thân để lúc nào cũng dương dương tự đắc là hoàn toàn sai lầm. Nhưng nếu không nhận ra được ưu điểm mà lại chỉ thấy toàn nhược điểm của mình và mang ra so sánh với người khác thì cũng là việc không nên. Bạn cần nhận thức đầy đủ về mình, cố gắng khai thác được hết những tiềm năng, ưu điểm cũng như những phẩm chất tốt đẹp của mình để luôn thấy thoải mái, tự tin khi ở trước mặt người khác.
Điều chỉnh bản thân theo cách lấy ưu điểm để bù lấp nhược điểm
Bạn hãy dùng sự tiến bộ trong học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức để đẩy lùi những nhân tố tạo nên sự tự ti cho mình. Những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, lương thiện và sự tiến bộ trong học tập, thăng tiến trong công việc là điều mà tất cả chúng ta đều tự hào.
Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, mạnh dạn hòa nhập với mọi người
Bạn cần tranh thủ mọi cơ hội để tham gia vào các hoạt động xã hội, tập thể; đừng để những suy nghĩ kiểu như “mình không thể...” cản trở bước tiến, sự hòa nhập của bạn. Hãy tích cực động viên mình bằng câu: “Những người khác làm được thì chắc chắn mình cũng sẽ làm được”.
Mở rộng tấm lòng để đón nhận cuộc sống, giữ trạng thái tinh thần vui vẻ, thoải mái
Bạn hãy luôn nhìn nhận mọi việc trong cuộc sống bằng thái độ tích cực nhất. Tất cả các sự vật hiện thực đều có tính hợp lý và bạn hãy cố gắng để chấp nhận điều đó, không nên so đo tính toán quá nhiều. Hãy nhớ rằng: “Xe đến chân núi, tất có đường lên”. Bạn nên cố gắng nhìn xa, nghĩ thoáng một chút để trạng thái tinh thần của mình luôn vui vẻ, thoải mái.
Thân thiện, hòa nhã với mọi người
Bạn đừng nên tự coi mình là trung tâm của mọi sự chú ý và cũng không nên chạy theo người khác một cách mù quáng. Không nên lúc nào cũng nhìn người khác bằng con mắt hoài nghi, mà hãy tỏ ra thân thiện, cởi mở hơn trong mọi mối quan hệ, biết lắng nghe, chọn lọc ý kiến đóng góp của những người xung quanh để ngày càng hoàn thiện mình hơn. Bạn hãy dũng cảm, kiên định đi trên con đường mà mình đã lựa chọn, không nên dao động vì những ý kiến bất đồng của người khác.
Thường xuyên luyện tập để thêm phần tự tin
Bạn có thể tham gia vào các khóa học, các lớp luyện tập với chuyên gia tâm lý để bớt dần cảm giác tự ti và tăng thêm sự tự tin cho mình.