Tâm lý đố kỵ
Theo phân tích của các nhà tâm lý học thì sự đố kỵ là một dạng bệnh về tâm lý. Khi thấy người khác giỏi hơn hoặc gặp nhiều thuận lợi hơn mình trong một lĩnh vực nào đó (đôi khi điều này chỉ là cảm giác chủ quan), rất có thể tâm trạng của bạn sẽ chuyển từ sự ngưỡng mộ, khâm phục sang ghen ghét, đố kỵ.
Sự đố kỵ có phạm vi bao trùm hầu hết các phương diện của cuộc sống. Mỗi người cũng có những cách khác nhau để thể hiện sự đố kỵ của mình: Những lời nói mỉa mai, cay độc khiến người khác bị tổn thương; những hành động chơi xấu, phá hoại nhằm cản bước tiến của người khác,… Nghiêm trọng hơn, đôi khi tâm lý đố kỵ đến mức cực đoan của một số người thậm chí còn gây ra án mạng, khiến những người xung quanh phải chết một cách oan uổng.
Dựa vào tốc độ và cường độ phát sinh mà sự đố kỵ có thể được chia thành hai loại là: Đố kỵ có liên quan đến tình cảm và đố kỵ có liên quan đến tâm lý. Dạng thứ nhất thường phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và khó kiểm soát được; ngược lại, dạng thứ hai thường không bùng phát dữ đội mà âm ỉ, kéo dài nhưng lại có thể thay đổi cả tính cách của một con người.

Các kết quả nghiên cứu về miễn dịch thần kinh trong thời gian gần đây đều cho thấy: Bộ não của con người có quan hệ rất mật thiết với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tâm lý đố kỵ khiến chức năng của vỏ não bị rối loạn có thể làm giảm tác dụng của một số thành phần trong hệ thống miễn dịch như tuyến ngực, tỳ, tuyến lympho, khiến lượng bạch cầu trong máu suy giảm dẫn đến giảm sức đề kháng ở người. Vì là một dạng bệnh tâm lý nên sự đố kỵ có thể gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của chính người bệnh và những người xung quanh.
Sự đố kỵ có thể phá vỡ những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp, lâu bền; ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết trong tập thể; khiến mọi người trở nên chán nản, buồn rầu, suy yếu cả về sức lực và tinh thần. Chính vì tác hại ghê gớm đó mà tất cả chúng ta hãy cùng kiên quyết loại bỏ triệt để tính đố kỵ ở tất cả mọi người.
Tuy nhiên, loại bỏ tính đố kỵ là một việc không hề dễ dàng. Sự đố kỵ cũng có rất nhiều hình thức, cách thể hiện khác nhau và trên thực tế, số người bị tổn thương do tính đố kỵ của người khác cũng không phải là ít.
Nguồn gốc của tính đố kỵ chính là những tư tưởng, suy nghĩ cực đoan, không muốn thấy người khác nổi trội hơn mình trong tất cả mọi lĩnh vực. Những người mắc bệnh đố kỵ cũng chính là những người có tâm địa hẹp hòi, ích kỷ, không muốn phải đứng sau người khác cho dù người đó có thực tài hơn mình.
Để trị dứt được căn bệnh đố kỵ, trước hết, mỗi người cần nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của nó và nên bắt đầu từ việc loại bỏ những tư tưởng, suy nghĩ cực đoan, ích kỷ. Ngoài ra, mỗi người cũng cần cố gắng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhiều hơn nữa, luôn tỉnh táo và lý trí trong mọi việc, mở rộng tấm lòng, đối xử chân thành với mọi người, cầu tiến nhưng không mù quáng, không dẫm lên lưng người khác để tiến lên.
Bạn hãy cố gắng trị dứt căn bệnh đố kỵ nguy hiểm vẫn đang tồn tại trong tâm lý của mình để tránh làm tổn thương người khác, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội và thậm chí là làm hại đến chính mình.