ALEXANDROS – NHÀ QUÂN SỰ TÀI BA
Tại Ai Cập có một thành phố cảng rất lớn mang tên Alexandria. Nhiều người châu Âu cũng đặt tên mình là Alexandre hay Alexander theo gốc từ tiếng Hy Lạp Alexandros, có nghĩa là nguồn che chở. (Tiếng Pháp, Alexandre; tiếng Anh, Alexander). Điều này có liên quan mật thiết với nhân vật Alexandros Đại đế trong lịch sử Hy Lạp cổ đại.
Alexandros (356 - 323 tr. CN) là con trai của Philippe II nước Macedonia, lúc nhỏ đã từng theo học nhà triết học Aristote, hết sức sùng bái các nhân vật anh hùng trong Trường ca Homere. Năm 16 tuổi, đảm nhiệm chức Phó thống soái, theo cha đi chinh chiến, trong trận đánh với người Thèbes, Alexandros chỉ huy cánh hữu quân của quân đội Macedonia đánh bại ''đội quân thần thánh'' của kẻ địch, giành được chiến thắng đầu tiên. Sau đó lại chỉ huy đơn vị cứu viện cánh tả quân của cha, nên đã đánh tan quân của các thành bang Hy Lạp. Trận đánh này đã xác định địa vị lãnh đạo của Macedonia đối với các thành bang Hy Lạp.
Năm 336 tr. CN, Alexandros lên kế vị ngôi vua lúc vừa tròn 20 tuổi. Thời ấy ở xứ Macedonia có 3 vị vua cùng trùng tên Alexandros, nên ông được gọi là Alexandros III hay Alexandros Đại đế (tiếng Pháp: Allexandre le Grand), Alexanđros quyết cho thực hiện ý đồ, chinh phục đế quốc Ba Tư và châu Á. Năm 334 tr. CN, ông thống lĩnh 3 vạn bộ binh, 5 nghìn kỵ binh, 160 chiến thuyền sang tấn công Ba Tư. Trước lúc xuất phát ông đã đem hầu hết của cải riêng ban tặng các chiến binh. Một vị tướng hỏi ông để lại cho riêng mình cái gì? Ông trả lời: ''Hy vọng'' Alexandros đã ôm ấp “hy vọng'' chinh phục và chiếm đoạt để bước lên đường chinh chiến.
Alexandros chỉ trong một trận đã đánh tan đạo quân Ba Tư đồn trú ở Tiểu Á làm cho một số thành bang Hy Lạp ở bờ phía đông biển Egee thoát khỏi ách thống trị của người Ba Tư để quy thuận nước Macedonia. Năm 333 tr. CN, Alexandros thừa thắng tiến lên, đánh tan đại quân Ba Tư do vua Darius III trực tiếp chỉ huy tại vùng Issos ở Bắc bộ Syria. Sau đó mang quân tiến xuống phương Nam, đánh chiếm các hải cảng của xứ Phemicie, phá huỷ hoàn toàn thành Tyr, ba vạn dân thành Tyr đều ba đem bán làm nô lệ. Mùa đông năm 322 tr. CN, Alexandros vượt qua eo đất Suef, không đánh mà chiếm được vùng đất Ai Cập phì nhiêu. Mùa xuân năm 331 tr.CN, Alexandros từ Ai Cập đem quân sang chinh phục phương Đông, tiến vào khu vực Lưỡng Hà rồi tiến sâu vào nội địa Ba Tư như vào chỗ không người. Ông chiếm Babilone rồi chiếm luôn cả hai đô thành của đế quốc Ba Tư là Suze và persepolis, Đế quốc Ba Tư cường thành trên hai trăm năm đến đây đã bị diệt vong.
Sau khi lật đổ đế quốc Ba Tư rộng lớn gấp 50 lần Macedonia, Alexandros thống lĩnh quân đội vượt qua cao nguyên Iran, tiến vào Trung Á. Năm 326 tr.CN, Alexandros kéo quân từ Afganistan về phía Nam, xâm nhập miền Tây bắc bộ Ấn Độ ...
Trong mười năm liên tục hành quân chiến đấu, Alexandros luôn đồng cam cộng khổ với quân lính, xông pha trận mạc, khắc phục muôn vàn khó khăn, nhiều phen lấy ít thắng nhiều, cuối cùng đã xây dựng nên đế quốc Alexandros trải dài từ sông ấn (Indus) ở phía đông tới bán đảo Balkan và sông Nil ở phía tây. Khi chinh phục phương Đông, Alexandros đã xây dựng nhiều thành phố ở nhưng vùng đất này, trong đó nổi tiếng nhất là thành Alexandria ở Ai Cập.
Cuộc viễn chinh của Alexandros là cuộc xâm lược tàn khốc dã man. Ông đã từng hạ lệnh thiêu huỷ nhiều thành thị chiếm được trên đường hành quân, đem hàng trăm hàng nghìn người bán làm nô lệ và cướp sạch của cải ở các miền bị chinh phục. Tuy vậy Alexandros đã xây dựng được một đế quốc rộng lớn vắt ngang ba châu lục Âu - Á - Phi, về khách quan đã xúc tiến sự giao lưu và phát triển kinh tế và văn hoá giữa Hy Lạp và các nước phương Đông.
Năm 323 tr.CN, Alexandros bị bệnh qua đời, lúc vừa 33 tuổi.