Anh yêu em thật chứ?
Một kẻ thù khác của những mối quan hệ hài hoà trong gia đình trẻ là thói áp chế của một trong hai người. Thói áp chế trong gia đình có thể biểu hiện theo những cách khác nhau: có thể lố bịch, mà cũng có thể tàn nhẫn. Nhưng bất kể thế nào thời áp chế cũng nguy hiểm vì khi trở thành một yếu tố trong sinh hoạt hàng ngày nó chẳng những làm mất đi cảm giác vững tin, mà còn giết chết luôn tình yêu.
Tỏ tình là một trong những sự hưng phấn giàu cảm xúc mạnh mẽ nhất. Hình thức tỏ tình có thể rất khác nhau - từ bông đùa tới nghiêm túc có nguyên cớ hay không nguyên cớ, khi người chồng làm một điều gì không phải, bạn bèn hỏi: “Anh yêu em thật chứ? Sao em thấy anh hết yêu em rồi” - Thì cách “tỏ tình” như vậy cũng chẳng đem lại cho bạn lợi ích gì.
M. giày vò bản thân mình, cả chồng mình bằng cách lúc nào cũng trách móc: “Em thấy anh hết yêu em rồi” - đến nỗi chỉ cần chồng không về nhà trước 9 giờ là cô đã lên cơn đau tim. Cô sang gõ cửa nhà hàng xóm láng giềng, nhờ giúp đỡ, yêu cầu gọi ngay bác sĩ cho cô, và khi bác sĩ đến, cô xin để cô ở nhà để khi người chồng nhẫn tâm của em “không biết từ đâu trở về” có thể trông thấy cái xác đã lạnh ngắt của cô. Công việc của “người chồng nhẫn tâm” quả thật đòi hỏi phải có những cuộc tiếp xúc ngoài cơ quan, anh đành đưa M tới tất cả các cuộc gặp gỡ công tác của anh. Tới những nơi đó, cô chán, cô ngáp, cô giục chồng về, làm anh cảm thấy rất ngượng với đồng nghiệp.
Chúng tôi vừa dẫn một ví dụ về sự nghi ngờ đến mức bệnh hoạn. Thông thường, thói áp chế biểu hiện dưới một hình thức kín đáo hơn, mặc dù cũng bắt đầu từ việc “làm sáng tỏ các mối quan hệ”. “Anh còn yêu em không? Này, em đúng là người phụ nữ duy nhất của anh rồi chứ” Hồi xưa chưa bao giờ anh yêu ai như yêu em bây giờ chứ? Dù sao thì, em cũng yêu anh hơn anh yêu em?”. Sau đó việc “làm sáng tỏ các mối quan hệ” mang hình thức những lời doạ dẫm, kín đáo hoặc lộ liễu: “Nếu anh bỏ em, em không sống nỗi đâu! Này, anh có con nào rồi phải không? Em có biết nó không? Nó tên là gì? Nếu anh phản bội em, em sẽ giết cả nó, cả bản thân em?” Và cuối cùng việc “làm sáng tỏ” phát triển thành một đe doạ thực sự nhất: “Nếu hôm nay anh không về nhà đúng giờ tối, em sẽ đóng chặt tất cả các cửa ra vào, em sẽ bít kín tất cả các kẽ hở trong căn hộ rồi em sẽ mở van hơi đốt!”
Hiển nhiên là không thể nói tới một tình cảm nào sâu sắc nếu trong gia đình ngự trị một bầu không khí nghi ngờ và những bản năng tư hữu. Ngược lại, những gia đình nào công nhận hai vợ chồng có những quyền tự do nhất định, thì sẽ có bầu không khí tin cậy và tình yêu. Biểu lộ sự tôn trọng người bạn đời cũng là biểu lộ sự tôn trọng bản thân mình và do vậy, chúng ta không hạ mình tới mức nghi ngờ đen tối. Muốn có sự tin cậy chúng ta phải trung thực với nhau và với bản thân nhiều hơn là nghi ngờ.
Không thể chấp nhận kiểu can thiệp vào quan hệ giữa hai vợ chồng bạn dưới dạng ngồi lê mách lẻo: “Cậu có biết hôm nay tớ trông thấy chồng cậu đi với ai không?” Cậu không thể đoán được đâu! Hai người ngồi trong quán có vẻ thân mật lắm, như hai con chim cu ấy. Có thể khi về nhà chồng bạn sẽ tự kể cho bạn rằng hôm nay anh gặp một cô bạn cùng học hồi phổ thông hoặc một cô bạn thơ ấu, mừng quá, anh cùng cô ấy ghé vào một quán cà phê để cùng ôn lại những kỷ niệm cũ, mà cũng có thể để vợ khỏi tự ái, anh sẽ không kể cho vợ gì cả. Dù sao thì đối với chuyện ngồi lê mách lẻo, ta cũng phải kiên quyết chặn ngay từ đầu, trước khi nó kịp biến thành tin đồn, rồi sau đó thành một dư luận bền vững dẫn trên cái “lý lẽ” chết người: tất cả mọi người đều bảo thế? Chồng bạn không phải là một nô lệ chỉ thuộc về riêng bạn, còn thói ghen tuông vô lý đối với bạn bè của chồng chỉ đầu độc cuộc sống của ta và rốt cuộc dẫn tới sự phản bội thực sự.
K. nghi ngờ vợ gần như với tất cả cánh nam giới trong cơ quan cô: Ai quan tâm tới cô, anh cho là ve vãn vợ anh một cách công khai, và anh dằn vặt cô bằng các câu hỏi: “ Tại sao hôm nay em mặc áo xanh? À, xin lỗi vì anh đã hỏi ngớ ngẩn, anh quên bẵng màu xanh là màu yêu quý của tay X. Mà này, thái độ của vợ tay ấy đối với em thế nào, vì hình như cô ta làm việc cùng với em đấy phải không?...”.
Để chứng minh cho chồng thấy quan hệ của mình với các đồng sự là những quan hệ công tác bình thường, vợ của K. đã xử sự không hay lắm: cô bắt đầu né tránh họ, sợ chồng ghen. Hết giờ làm, ra khỏi cơ quan cho mau hoặc nhảy luôn lên tàu điện. Cô không gọi điện cho họ, không mượn sách báo của họ nữa... Cách xử sự như vậy chỉ làm cho K. thêm nghi ngờ “Tại sao tay X. thôi không gọi điện cho em nữa? - Anh hỏi. - Không thân nhau nữa à? Hay tay ấy hết yêu em rồi?”. Tình hình cứ luẩn quẩn như vậy, rốt cuộc bị cắt đứt mọi quan hệ với bên ngoài, vợ K. mắc chứng sầu uất nặng phải chữa chạy khá lâu.
Nhiều khi, người gây tình trạng mất hài hoà trong gia đình trẻ lại là các bậc cha mẹ, nhất là mẹ chồng. Bà mẹ chồng thường không bài lòng về sự lựa chọn của con trai và tin rằng “thằng bé” cần “một con vợ khác”. Các bà mẹ cũng có quan điểm ấy khi con gái họ đi lấy chồng, nhất là khi cô con gái ấy lại là con một. Bởi vậy, ngay từ đầu giữa bố mẹ và con cái đã cần có mối quan hệ bình thường, lành mạnh. Các bạn trẻ nên biết rằng không phải chỉ mới hơi xích mích với nhau đôi chút đã vội đi tìm ngay sự thông cảm ở bố mẹ, còn các bậc cha mẹ nên biết rằng con cái mình đã bước vào một quãng đời mới. Nên để chúng tự giải quyết lấy những chuyện rắc rối của chúng thì chúng mới vững vàng thêm và tình cảm gắn bó với nhau hơn.
Một quan toà có định kiến không thể đánh giá tình hình một cách khách quan. Tiếc rằng nhiều bậc cha mẹ, cả con cái họ, nhiều khi lại khoác bộ áo quan toà, mà quên rằng vai trò quan toà chẳng thích hợp với họ chút nào. Không có gì đáng ngạc nhiên trong chuyện bà mẹ vợ yêu con gái của mình hơn, còn bà mẹ chồng yêu con trai của mình hơn, cũng như về phần mình thì con trai yêu quý mẹ mình hơn, còn con gái rất nghi ngờ ý kiến của mẹ chồng và cái gì cùng nghe theo lời mẹ đẻ. Nhưng để một gia đình trẻ phát triển hài hoà, sẽ có ích hơn nếu người chồng không phàn nàn về mẹ vợ với vợ và với bố mẹ mình, còn người vợ không phàn nàn về mẹ chồng với chồng và bố mẹ mình. Hay người lớn bước vào hôn nhân phải biết tự giải quyết các vấn đề của mình, bàn bạc với nhau chứ không phải với người thân của họ theo cách riêng và chỉ riêng điều đó cũng khiến những người ấy không thể là vị quan toà khách quan.