Chúng ta có bất hạnh không?
Khi một trong hai vợ chồng gây ra cuộc cãi cọ, người kia phải bình tĩnh. Đối với người đang bị kích động thì không nên đáp lại bằng sự kích động. Ôn tồn giải thích bằng một giọng bình tĩnh tuyệt nhiên không mỉa mai sẽ làm dịu tình trạng căng thẳng ở người bạn đời. Còn nếu bạn cảm thấy cơn bực tức dâng lên trong lòng, và bạn muốn chấm dứt ngay lập tức câu chuyện khiến bạn khó chịu, thì bạn hãy hít vào một hơi thật sâu, mỉm cười và chỉ sau đó mới trả lời.
Không gì tồi tệ hơn là tình trạng cả hai bên đều nóng nảy. Đừng biện bạch cho mình bằng lý lẽ đại loại như: nếu anh ấy có thể quát mình, tại sao mình không thể cao giọng? Cuộc cãi nhau thường không nhằm một mục đích nào khác là đè bẹp đối phương, làm anh ta phải ân hận về những điều anh ta hoàn toàn không có lỗi. Còn một điểm nữa: cãi nhau không giải quyết được vấn đề gì, không khôi phục được chút nào những tình cảm xưa kia nay có thể đã mất đi sự tươi mới, cũng không làm sáng rõ gì hơn các mối quan hệ của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta hãy học lấy cách tự chủ, tự hỏi và tự trả lời trung thực những câu hỏi khó chịu nhất. Trong lúc cãi nhau bạn hãy tự hỏi: chả lẽ chồng mình lại tồi đến mức chỉ đáng cho mình khinh bỉ? Nếu bạn trả lời “không phải thế”, bạn sẽ không còn muốn cãi nhau với anh ấy nữa.
Và xin bạn hãy ghi nhớ: không có một chuyên gia có kinh nghiệm nào có thể giúp bạn như chính bản thân bạn, vì với các vấn đề của bạn thì ông ta là người ngoài. Chúng tôi xin dẫn ví dụ: “Vì luôn luôn cãi nhau với chồng đến mức có thể dẫn tới ly hôn, P. đến gặp một nhà tâm lý học và kể tỉ mỉ cho ông này nghe về tất cả những chuyện khó chịu của mình: “Ông giúp tôi với! - người phụ nữ trẻ van nài - Tôi yêu chồng và không muốn ly dị với anh ấy?”. Nhà tâm lý học cố an ủi cô. Không có gia đình nào không có xung đột, ông hẹn cô một tuần sau sẽ gặp lại ông khi trong gia đình cô tương đối êm ả. Người phụ nữ trẻ đến đây không phải một mình. Cô đi cùng với một người bạn gái. Cô này sau đó liền kéo luôn bạn đến một bà bói: “Để chơi chơi ấy mà”, - cô bạn gái giải thích hành động của mình. Bà bói mời người phụ nữ trẻ ngồi xuống, trải các lá bài ra rồi đoán: “Cô đã có chồng. Chồng cô không uống rượu, không đánh nhau, chung thuỷ với cô, đem về tất cả những khoản tiền kiếm được. Nhiều phụ nữ có thể ghen tỵ với cô”.
P. không thể không đồng ý như vậy. Về nhà P. nhìn chồng bằng con mắt khác.
Mãi bây giờ cô mới hiểu rằng nguyên nhân gây ra các cuộc cãi cọ thường xuyên của họ không chỉ ở tính cách người chồng (một người quả thật cũng khó tính), mà còn ở chính bản thân cô, ở chỗ do đau khổ về các cuộc cãi nhau nên chưa bao giờ suy nghĩ xem cụ thể điều gì trong cách xử sự của cô không vừa ý chồng. Thế là mọi chuyện mau chóng đâu nào đấy.
Có lẽ ví dụ chúng tôi vừa dẫn làm các bạn mỉm cười. Nói cho cùng thì bà bói đã mở cho P. thấy điều gì đặc biệt mà nhà tâm lý học không hiểu được ngay? Đó là chuyện chồng P. không uống rượu, không đánh vợ, đem về nhà toàn bộ tiền lương? Có gì lạ đâu? Nhưng dù sao cũng là mới mẻ, vì phải nói rằng ngày nay ở nhiều gia đình người chồng vừa uống rượu, vừa có tiền cất riêng, lại hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay nữa. Chúng tôi có thể dẫn không ít ví dụ về thái độ thô bạo của chồng đối với vợ, có những trường hợp làm sẩy thai, bị chấn thương nặng về thể lực và tinh thần, và những người phụ nữ bất hạnh đó phải đi bệnh viện, nhưng chúng tôi nghĩ rằng các bạn tin lời chúng tôi nói.
Chúng ta không nói tới gia đình ở đó người chồng bị chứng điên khùng và là phần tử nguy hiểm cho xã hội: những trường hợp ấy mặc dù không phải ít, nhưng vẫn là đặc biệt, bởi vậy chúng ta dành tho các bác sĩ hình sự và các cơ quan bảo vệ trật tự xã hội. Chúng ta đang nói tới những gia đình bình thường với sự phát triển bình thường các mối quan hệ, ở đó hay có những va chạm, xung đột, cãi cọ. Toàn bộ vấn đề là chỗ phải có thái độ như thế nào đối với những lệch lạc ấy: tự coi mình là vô cùng bất hạnh hay tìm kiếm những cách hiểu nhau tốt hơn, trước hết trong bản thân mình? Theo ý kiến chúng tôi, tìm kiếm ở bản thân mình khó khăn hơn, nhưng lại hứa hẹn nhiều thành công.