Những chuyến đi của người Anh
Đầu tiên, sự can thiệp của người Anh vào đất Úc có vẻ giống như cách thức của người Tây Ban Nha và người Hà Lan. Năm 1688 tay cướp biển người Anh là William Dampier đổ bộ lên phía Tây Bắc. Khi trở về Anh, ông ta đã xuất bản một cuốn sách, Voyages (Những Cuộc Hành trình), và thuyết phục nhà đương chức về hải quân làm một cuộc du hành tiếp theo để tìm những tài nguyên của lục địa này. Chuyến đi thứ hai của ông - trên lộ trình 1.610 km ở bờ biển phía Tây vào năm 1699- 1700 - đã hình thành một bản báo cáo rất chi tiết về lục địa này, nhưng lại diễn tả nó theo một hướng tiêu cực, chỉ trích cả đất đai lẫn con người ở đây. Do đó mối quan tâm của Anh Quốc vào những cuộc thám hiểm tiếp theo vào đất Úc đã bị đình hoãn trong vòng 70 năm.
Vào thế kỷ 18, ở Tây Âu bùng nổ một phong trào trong đó các triết gia và các nhà khoa học nhấn mạnh vào giá trị của sự khám phá toàn cầu, vào việc tìm hiểu trái đất và sưu tập những loài thực vật và động vật khác thường trên khắp thế giới. Đến khoảng giữa thế kỷ này cũng có sự phÚc hưng về tiềm năng thương mại ở các vùng biển phía Nam, trong đó có Terra Australis. Những khuynh hướng này lúc đó lại phù hợp với sự phát triển của nền thương mại và hàng hải của Anh Quốc.
Năm 1768, được sự hỗ trợ của Bộ Hải quân Anh, thuyền trường James Cook đã rời nước Anh cho chuyến du hành đầu tiên trong số ba cuộc thám hiểm của ông. Chuyến du hành ba năm đến Thái Bình Dương cũng đưa ông đến Úc. Năm 1770 Cook đổ bộ lên vịnh Botany ở bờ biển phía Đông và lên đảo Possession ở phía Bắc, nơi đó vào ngày 23 tháng 8 ông đã tuyên bố chủ quyền vùng này cho Vương quốc Anh và đặt tên cho nó là New South Wales. Chính ông và nhóm nhân viên của ông, trong đó có nhà thực vật học Joseph Banks, sau đó đã hỗ trợ cho việc định cư của người Anh lên đất Úc. Hai chuyến đi tiếp theo của Cook trong thập kỷ 1770 đã giúp thêm thông tin về mảnh đất Úc và gắn chặt thêm sự xác nhận chủ quyền của Anh đối với lục địa này.
Mối quan tâm của người Pháp đối với Úc không bền bỉ bằng người Anh. Marion Dufresne, trong chuyến du hành năm 1772, chỉ tập trung vào việc vẽ bản đồ và mô tả mảnh đất ít triển vọng ở bờ biển phía Tây là Tasmania. Sau đó những nhà thám hiểm người Pháp đã khảo sát vùng bờ biển phía Nam. Tuy nhiên, lúc đó người Anh đã tiến hành cuộc định cư đầu tiên và công bố chủ quyền của họ ở nửa phía Đông của lục địa này.
Mặc dù với những nỗ lực bền bỉ của người Anh, các bờ biển của Úc mãi cho đến thế kỷ 19 mới được thám hiểm toàn bộ. Matthew Flinders, một sĩ quan hải quân, là người đầu tiên đi vòng quanh lục địa này từ năm 1801 đến năm 1803. Ông đã vẽ bản đồ hầu hết vùng bờ biển, chứng minh rằng Úc là một lÚc địa duy nhất. Trước đó, vào năm 1798, Flinders đã đi vòng quanh Tasmania, cùng với nhà phẫu thuật hải quân George Bass, chứng minh rằng nó là một hòn đảo. Cũng chính Flinders đã yêu cầu rằng tên Australia, chứ không phải là New Hollanđ, phải được đặt cho lục địa này. Sự thay đổi tên này đã được sự hậu thuẫn chính thức sau năm 1817. Mặc dù cả vùng bờ biển đã được vẽ bản đồ vào lục này, mãi cho đến thập kỷ 1870 người Âu mới biết hết các đặc điểm bên trong đất liền của Úc.