Tài liệu: Bạn gái có lông mọc quanh miệng hoặc trên quầng vú có nguy hiểm không?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Lông mọc bao phủ gần như khắp trên cơ thể chúng ta, chỉ trừ một số bộ phận như lòng bàn tay, lòng bàn chân, môi,... là không có lông
Bạn gái có lông mọc quanh miệng hoặc trên quầng vú có nguy hiểm không?

Nội dung

Bạn gái có lông mọc quanh miệng
hoặc trên quầng vú có nguy hiểm không?

Lông mọc bao phủ gần như khắp trên cơ thể chúng ta, chỉ trừ một số bộ phận như lòng bàn tay, lòng bàn chân, môi,... là không có lông. Trong y học, lông mọc trên cơ thể được chia thành hai loại là lông cứng và lông tơ. Lông cứng thường dài và thô (tóc, râu, lông ở bộ phận sinh dục,...) trong khi lông tơ thường ngắn và nhỏ (lông mũi, lông mày, lông mi,...).

Một số bạn gái thấy lông mọc ở xung quanh miệng hay còn gọi là ria mép. Tại sao lại như vậy? Việc bạn có ria mép hay không là do lượng hormon sinh dục nam trong cơ thể quyết định. Buồng trứng của bạn gái có các tế bào nội mô tiết ra hormon sinh dục nam, sau đó hormon này lại trải qua một quá trình biến đổi phức tạp rồi mới trở thành hormon sinh dục nữ. Trong quá trình biến đổi này, một lượng nhỏ hormon sinh dục nam có thể xâm nhập được vào hệ thống tuần hoàn của máu và các dịch thể. Ngoài ra, tuyến thượng thận cũng có thể sản sinh ra một lượng nhỏ hormon sinh dục nữ và hormon sinh dục nam. Vì vậy, trong cơ thể bạn gái cũng có một chút hormon sinh dục nam. Khi bạn bước vào độ tuổi dậy thì, buồng trứng thường hoạt động rất mạnh nên lượng hormon sinh dục tiết ra cũng nhiều hơn. Chính vì vậy, bạn gái có thể thấy trên mặt mình mọc một chút ria mép. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, không phải là bệnh lý và cũng không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình có quá nhiều ria mép và một số đặc trưng giới tính khác của nam giới thì đây có thể là do những bất thường của tuyến thượng thận gây ra. Khi đó bạn cần đến bệnh viện kiểm tra để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Việc bạn gái mọc lông ở trên quầng vú cũng có thể được giải thích như sau: Thông thường, núm vú và quầng vú của bạn gái sẽ không có lông. Nếu các đặc trưng dậy thì của bạn đều bình thường, kinh nguyệt cũng bình thường, thì việc mọc lông ở núm và quầng vú là do sự hoạt động quá mạnh của các tuyến nội tiết. Đây cũng là một hiện tượng bình thường, không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu thấy lông mọc trên quầng vú của mình vừa dày, thô và cứng, kèm theo đó là một số lông mọc ở các bộ phận khác, kinh nguyệt thất thường, cơ thể quá gày hoặc quá béo, vú phát triển không bình thường thì bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra để được tư vấn, điều trị kịp thời.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4194-02-633707178459097500/Doi-dieu-tham-kin-muon-noi-voi-ban-gai/Ba...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận