Tài liệu: Bầu trời mùa xuân

Tài liệu
Bầu trời mùa xuân

Nội dung

BẦU TRỜI MÙA XUÂN

 

Mùa xuân bầu trời tối: không thấy xuất hiện dải Ngân Hà và có ít sao sáng. Ở phía bắc cái gáo lộn ngược của chòm Gấu lớn nằm ngang trên trời. “Cán” gáo chỉ về phía phải, hướng chòm Mục Phu, nơi có sao Arcturus màu da cam (sao sáng nhất vào mùa thu). Sang phải chút nữa và ở thấp hơn, phía đông nam là sao Spica hơi xanh trong chòm Trinh Nữ. Chếch lên cao đúng hướng nam là con Sư Tử “phục” với sao Regulus sáng ở hai chân trước. Trên nó là chòm Sư Tử Nhỏ, còn khoảng giữa Mục Phu và hai con Sư Tử là khoảng trống lớn không có sao sáng: đó là vùng các chòm sao Chó Săn và Tóc Tiên. Cùng với Gấu lớn và Trinh Nữ, chúng là những đối tượng ưa thích của các nhà nghiên cứu Vũ Trụ xa xôi vì ở hướng này có rất nhiều các quần thiên hà.

Vào đầu buổi tối có thể thấy cụm Tua Rua cùng các chòm sao mùa đông Con Trâu và Thợ Săn sắp lặn phía tây. Cuối đêm có thể ngắm các chòm sao mùa hè mọc ở phía đông: Thiên Nga, Cây Đàn và Đại Bàng.

Ưu điểm của bầu trời xuân là gì? Nếu như vào các mùa khác chúng ta chủ yếu nhìn thấy Thiên Hà của chúng ta thì vào mùa xuân, chúng ta có thể nhìn thấy các thiên hà xa xôi khác. Số là vào mùa hè và mùa thu dải Ngân Hà vắt cao trên trời từ chòm Dũng Sĩ đến chòm Cung Thủ. Mùa đông nom nó vẫn còn rõ: từ chòm Tiên Nữ qua chòm Dũng Sĩ đến chòm Ngự Phu, giữa hai chòm Song Tử và Thợ Săn rồi đi xuống chòm Chó Lớn. Dải Ngân Hà chính là cái đĩa của hệ thống sao "bản xứ". Nó chứa đầy những sao tương đối trẻ cùng khí và bụi giữa các sao. Chính đám bụi giữa các sao này đã che khuất mắt ta khoảng không xa xôi giữa các thiên hà. Sang xuân không còn dải Ngân Hà nữa và tầm mắt người quan sát có thể phóng về mọi hướng tới cõi xa xăm giữa các thiên hà.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/419-02-633328922774775000/Bau-troi-sao-bon-mua/Bau-troi-mua-xuan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận