Tài liệu: Bầu trời sao bốn mùa

Tài liệu
Bầu trời sao bốn mùa

Nội dung

BẦU TRỜI SAO BỐN MÙA Ở VĨ ĐỘ TRUNG BÌNH BÁN CẦU BẮC

 

Ai yêu thích thiên văn cũng đều mơ ước trở thành nhà du hành vũ trụ dù chỉ trong giây lát. Cuốn hút họ không phải là tiếng gầm của động cơ tên lửa hay trạng thái không trọng lượng, mà chính là bầu trời: chỉ có ở bên ngoài Trái Đất mới được ngắm toàn bộ bầu trời cùng một lúc.

Có hai nguyện nhân cản trở chúng ta nhìn trời sao theo mọi hướng và vào bất cứ lúc nào. Thứ nhất là bầu khí quyển ban ngày sáng lên do không khí làm khuếch tán các tia sáng Mặt Trời. Chừng nào Mặt Trời còn chưa lặn xuống dưới chân trời thì ánh sáng yếu ớt của các ngôi sao trên trời không thể nào phát hiện được. Nếu như Trái Đất không quay quanh Mặt Trời thì chúng ta không thể nào nhìn thấy được các sao ở phần trời ban ngày. Nhờ có chuyển động theo quỹ đạo của Trái Đất mà vào các mùa khác nhau đêm đêm những phần khác nhau của thiên cầu mới mở ra trước mặt ta. Những ngôi sao mùa hè ở phần bầu trời ban ngày mà ta không trông thấy được, mùa đông sẽ hiện trên trời đêm cho ta quan sát.

Còn một nguyên nhân thứ hai cản trở người quan sát trên Trái Đất là chính bản thân Trái Đất luôn che khuất một phần thiên cầu. Do Trái Đất quay nên dù sao chúng ta cũng thấy được các phần khác nhau của bầu trời. Nếu người quan sát ở ngay xích đạo thì trong suốt cả ngày (24 giờ) toàn bộ vòm trời diễu qua trên đầu anh ta còn nếu anh ta ở gần các cực thì có xoay xỏ như thế nào đi nữa, anh ta cũng không thể trông thấy quá nửa bầu trời ở các vĩ độ trung bình, có thể quan sát được khoảng 80% thiên cầu.

Mỗi mùa lại có sự thú vị riêng cho các quan sát thiên văn. Ở các vĩ độ cao (tức là gần cực) thì không chỉ khoảng rộng thiên cầu, mà cả thời tiết và độ dài của đêm đều phụ thuộc vào mùa. Tuy những đêm đông dài giúp ta nhìn rõ được nhiều tinh tú, nhưng thời tiết lạnh và nhiều mây lại cản trở ta rất nhiều. Đêm hè thì lại quá ngắn để nghiên cứu thật kỹ bầu trời. Vì thế nhiều nhà quan sát thích chọn đầu thu hoặc cuối xuân. Tất nhiên, đối với người yêu thích thiên văn thật sự thì mùa nào cũng được.

Thường thường giới nghiệp dư làm quen trước tiên với trời sao mùa xuân. Sau những đêm đông dài nghiền ngẫm sách vở về Vũ Trụ, thời tiết bắt đầu ấm lên, bầu trời quang quẻ hơn: đó chính là lúc cầm đến bản đồ sao và lang thang giữa các chòm sao.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/419-02-633328919432118750/Bau-troi-sao-bon-mua/Bau-troi-sao-bon-mua....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận