MÔ TẢ CÁC CHÒM SAO
(Xem thêm phụ lục "Các chòm sao" ở cuối sách).
Anh Điêng (tên Latinh: Indus; tên tiếng Hán phiên âm từ tiếng Anh: Ấn Đệ An). Đây là chòm sao bầu trời nam, do Bayec đặt tên khi liên tưởng đến hình ảnh người Anh Điêng, thổ dân Châu Mỹ. Tuy nhiên trong tiếng Pháp lại ghi chú là tên chim. Chòm sao nhỏ này có xích kinh từ 20h 25m đến 23h 25m, xích vĩ từ - 45,4o đến - 74,7o. Có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6 (nhìn thấy được bằng mắt thường).
Bắc Miện nghĩa là Mũ Miện Phương Bắc (Corona Borealis). Chòm sao này nằm giữa hai chòm Mục Phu và Lực Sĩ. Thời cổ người ta chỉ gọi đơn giản là Mũ Miện hoặc Vành hoa, sau này phải phân biệt với chòm Nam Miện. Đây là mũ miện đính châu ngọc của Ariatnơ, con gái Minôt, vua xứ Cret, được thần Bacchut gắn lên trời. Đây là chòm sao đẹp nhất trong số các chòm sao nhỏ. Bảy ngôi sao tương đối sáng tạo thành vòng nhẫn hở, vì thế người Arập đã gọi chúng lq Alphacca (“bị đứt đoạn”). Tên này bây giờ được đặt cho ngôi sao sáng nhất chòm: Alphecca. Ngôi sao này cách Trái Đất 78 năm ánh sáng và còn có các tên gọi khác là Gemma và Margarita (tức “Hạt Châu”). Ở đây còn có vài sao biến quang, trong đó có sao nổ giống như mới T CrB và đối vật của nó là sao R CrB. Thỉnh thoảng sao nổ này lại giảm đột ngột độ sáng. Cả chòm có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Bọ Cạp, tiếng Hán: Thiên Hát, dịch từ tên Latinh Scorpius. Chòm sao Hoàng đạo nằm ở phía nam bầu trời, lọt giữa dải Ngân Hà giữa hai chòm Cung Thủ và Cái Cân. Theo Aratôt, Ôriôn (Thọ Săn) đã cãi nhau với nữ thần đi săn Actêmit (tức Điana) khiến nữ thần nổi giận phái bọ cạp đến để giết chàng thợ săn. Aratôt viết: “Khi Bọ Cạp nhô lên ở phía đông thì Ôriôn vội vã lẩn xuống phía Tây”. Mặt Trời đi vào chòm Bọ Cạp ngày 21 hoặc 22- 11 và rời nó ngày 27 hoặc 28- 11, trong khi lưu lại chòm sao Xà Phu (không thuộc Hoàng đạo) tới 20 ngày. Lẽ ra phải thay Bọ Cạp bằng Xà Phu trong cung Hoàng đạo mới đúng!
Ở nước ta, nhân dân ta thường gọi chòm này là Thần Nông (đôi khi nôm na là Con Vịt). Thần Nông xuất hiện vào mùa hạ: từ tháng năm dương lịch, nó mọc ở phía đông nam, đến trung tuần tháng 6-7, nó lên cao nhất trên bầu trời và đến đầu tháng 10, nó lặn ở phía tây nam. Nông dân ta trước đây thường xem vị trí sao Thần Nông để quyết định thời vụ sản xuất.
Trong chòm có ngôi sao siêu kềnh đỏ ( Sco) có tên quốc tế là Antares, gốc tiếng Arập nghĩa là “đối thủ của Aret” (Aret là sao Hỏa), người Trung quốc gọi là sao Đại Hỏa (hoặc Tâm Tú 2). Ngôi sao này quả thực rất giống sao Hỏa và có đường kính gấp 450 lần đường kính Mặt Trời. Nó là sao đôi đẹp khác thường, mà sao chính có màu đỏ, sao phụ kém sáng hơn và hơi có màu xanh lá cây. Chòm này còn có nhiều tinh vân và quần sao (ví dụ M6, M7 theo danh mục Metxiê), đặc biệt có nguồn bức xạ tia X mạnh vào loại nhất trên trời, có tên là Bọ Cạp X-1 (Scorpius X-1). Chòm này có khoảng 100 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Bồ Câu (Columba), tên tiếng Hán: Thiên Cáp. Chòm sao do Bayec khai sinh, còn được biết dưới cái tên Bồ Câu của Nôê (Columba Noachi) trong tác phẩm của Yan Hêvêli (năm 1690). Nằm ở phía tây nam chòm Chó Lớn, bên cạnh các chòm sao của con Thuyên Acgô (Đuôi Thuyền, Sống Thuyền, Cánh Buồm), đôi khi con thuyền này cũng được coi là Thuyền Nôê (lánh nạn Đại hồng thủy trong Kinh Thánh). Chòm này có 40 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cá Chuồn (Volans), tên tiếng Hán: Phi Ngư. Chòm sao bầu trời Nam do Bayec đặt tên, có 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cá Heo (Delphinus), tên tiếng Hán: Hải Đồn. Chòm sao nhỏ đáng yêu nằm giữa các chòm Thiên Nga, Đại Bàng và Ngựa Con, hơi giống một hình thoi thò ra cái đuôi cong cong. Theo thần thoại Hy Lạp, cá heo đã giúp thần biển Pôxâyđôn tìm được người vợ tương lai là nữ thần biển Amphitơrit, vì thế đã được đưa lên trời. Có 30 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cá Phương Nam (Piscis Austrinus), tên tiếng Hán: Nam Ngư. Chòm sao nhỏ ở phía nam chòm Cái Bình và chòm Con Dê. Ngôi sao sáng nhất chòm là Fomalhaut (dịch từ tiếng Arập là mồm cá phương Nam”), nhưng bản thân người Arập lại gọi sao này là con ếch thứ nhất” (còn con ếch thứ hai” là sao chòm Cá Voi). Chòm này có 25 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cá Vàng (Dorado), trước kia còn gọi là Cá Kiếm (Xiphias), tên tiếng Hán: Kiếm Ngư. Chòm sao nhỏ ở bầu trời nam, do Bayec lập ra. Trong chòm này, ngay ở ranh giới với chòm Núi Mặt Bàn, thấy rõ thiên hà Mây Magienlăng Lơn, ở cách chúng ta chỉ có 180.000 năm ánh sáng. Có 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cá Voi (Cetus), tên tiếng Hán: Kình Ngư. Chòm Sao lớn thứ tư trên bầu trời, nằm ở phía nam các chòm Đôi Cá và Con Cừu. . . Người Hy Lạp nhìn thấy đây là con quái vật biển mà thần biển Pôxâyđôn đã phái đi để phá hoại xứ sở của Vua Xêphê (Tiên Vương) và nuốt chửng con gái của vua là Anđrômêđa (Tiên Nữ).
Ngôi sao nổi tiếng nhất trong chòm là Mira (tiếng Latinh nghĩa là “lạ lùng”), tức omicron Ceti. Đây là sao biến quang chu kỳ dài, một chàng khổng lồ màu đỏ, có độ sáng thay đổi từ cấp 2 đến cấp 10 với chu kỳ khoảng 332 ngày. Mira là sao đầu tiên được phát hiện có độ sáng biến đổi theo chu kỳ.
Còn ngôi sao xinh xinh (tau) Ceti có nhiều điểm rất giống Mặt Trời, khiến nó trở nên nổi tiếng vào những năm 1960. Nó có độ sáng cấp 3,5, cách chúng ta 11,9 năm ánh sáng (là một trong những ngôi sao gần ta nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường). Đường kính của nó nhỏ hơn Mặt Trời một chút và có độ trưng bằng khoảng 45% độ trưng của Mặt Trời, do đó người ta cho rằng nó có thể có hệ hành tinh. Năm 1960, nhà thiên văn vô tuyến người Mỹ Phranxit Đrâycơ đã thực hiện những thực nghiệm đầu tiên nhằm tìm kiếm tín hiệu của các nền văn minh ngoài Trái Đất trên sóng 21cm hướng vào hai ngôi sao kiểu Mặt Trời gần ta nhất: Ceti và Eridani. Tuy không phát hiện được tín hiệu nào nhưng đấy chỉ là bước khởi đầu. Từ đó trở đi hai ngôi sao này thường xuyên nằm trong vòng chú ý của các nhà thiên văn vô tuyến trong nỗ lực thu nhận tín hiệu vô tuyến ngoài Trái Đất. Chòm có 100 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cái Bình (tên Latinh: Aquanus nghĩa là “người (đàn ông) mang bình” tên tiếng Hán: Bảo Bình (Cái bình quý). Chòm sao có hình người đàn ông rót nước từ một cái bình, nằm trên Hoàng đạo giữa các chòm Con Dê và Đôi Cá. Đối với người Sume cổ đại (sống ở vùng Nam Irăc ngày nay) thì đó là một trong những chòm sao thiêng, vì nó tượng trưng cho thần trời Anu đem đến cho nhân gian nước sống. Chòm sao này được liên tưởng với nước có lẽ là do Mặt Trời lưu lại chòm sao này vào mùa mưa (tháng hai) ở vùng Trung đông.
Aratôt và Ptôlêmê thì gọi đó là Người mang bình và thể hiện dưới dạng chàng thanh niên đang rót nước từ bình vào miệng Cá Phương Nam (tên một chòm sao khác) ở sao Fomalhaut. Bốn ngôi sao xếp thành hình chữ Y, chính là đầu người rót nước. Chòm này gồm những ngôi sao yếu, nhưng có sao đôi đẹp (zeta) và quần sao cầu M2. Có 90 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cái Cân (Libra), tên tiếng Hán: Thiên Bình hoặc Thiên Xứng (cái cân trời). Trong "Almagest". Ptôlêmê mô tả đây là “móng vuốt” của Bọ Cạp và là một phần của chòm Bọ Cạp. Chỉ trước công nguyên ít lâu, người La Mã mới đặt tên như hiện nay. Cho đến giờ, các sao (trên Hoàng đạo) và của chòm Cái Cân vẫn được gọi là Móng Nam (Zubenelgenubi, Zubenubi) và Móng Bắc (Zubeneschamali). Mặt Trời ở trong chòm sao này từ 30 – 10 đến 21- 11 hàng năm. Chòm có 50 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cái Chén (Crater), tên tiếng Hán: Cự Tước (chén to). Chòm sao nhỏ ở phía tây chòm Con Quạ và phía bắc chòm Rắn Biển. Chòm có 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cánh Buồm (Vela), tên tiếng Hán: Thuyền Phàm (buồm thuyền). Chòm sao này được tách ra từ chòm Thuyền Acgô (Argo Navis), nằm giữa chòm [Bán] Nhân Mã và chòm Đuôi Thuyền. Ranh giới phía Nam của nó với chòm Sống Thuyền đi qua khu vực lắm sao nhất của dải Ngân Hà.
Hai sao (delta) và (kappa) của chòm này cùng với hai sao (epsilon) và (iota) của chòm Sống Thuyền tạo ra hình “chữ thập giả”, to hơn một chút và mờ hơn một chút so với chòm Chữ Thập Phương Nam. Chòm có khoảng 110 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cáo Con (Vulpecula) tức Con Cáo, tên tiếng Hán: Hồ Ly. Chòm sao rất nhỏ nằm ở phía nam chòm Thiên Nga, do Hêvêli khai sinh năm 1690 với tên gọi Cáo Con với Ngỗng (Vulpecula cum Anser). Tuy nằm trong dải Ngân Hà, nhưng không có sao sáng. Sao của chòm nằm gần sao Albireo ( Cyg). Một đối tượng lý thú trong chòm là tinh vân hành tinh Quả Tạ (M27) cấp sao 8, nằm cách 3o về phía Bắc sao Sge (ngôi sao sáng nhất ở “đầu Mũi Tên”). Chòm có 45 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cây Đàn (Lyra, nghĩa là đàn lia, thuộc nhóm đàn hạc), tên tiếng Hán: Thiên Cầm (đàn trời). Chòm sao nhỏ nhưng rất đẹp nằm giữa các chòm Lực Sĩ và Thiên Nga rất dễ nhìn thấy vào đầu đêm mùa hạ. Đây là cây đàn lia của nhạc công Oocphê trong thần thoại Hy Lạp, con của thần Apôlô và một thi thần. Mỗi khi chàng hát và đệm đàn lia, giọng hát ngọt ngào của chàng làm thú dữ cũng trở nên hiền lành làm đá xê dịch và cành cây nghiêng xuống. Người Arập thì gọi nó là chòm Đại Bàng Rơi. Ngôi sao chính của chòm có tên là Vêga (Vega) bắt nguồn từ tiếng Arập "alvaki” nghĩa là rơi.
Đối với người Trung Quốc thì Vêga chính là Chức Nữ (cô gái dệt) cùng với 4 sao khác có hình giống 4 chiếc thoi dệt vải. Theo thần thoại, cứ đến ngày 7 tháng 7 hàng năm (âm lịch) thì nàng Chức Nữ lại gặp chàng Ngưu Lang (sao Altair của chòm Đại Bàng) ở bên kia sông Ngân qua chiếc cầu do chim quạ kết thành trên sông Ngân. Vêga ( Lyrae) là sao sáng thứ nhì nửa thiên cầu bắc và sáng thứ năm trên trời. Độ sáng của nó theo cấp sao là 0,03 - 0,04. Nó có màu trắng xanh, cách chúng ta khoảng 25 - 27 năm ánh sáng. Cạnh Vega có Lyrae là hệ bốn sao gồm hai sao đôi sát nhau, chỉ cách nhau 3’, có cốp sao 4,68 và 4,5. Tất cả 4 sao đều là sao kềnh xanh lơ giống như Sirius. Giữa các sao và có tinh vân hành tinh vành khuyên M57 sáng cấp 9.
Trong chòm Cây Đàn có không ít sao biến quang. Ví dụ: Ra Lyrae là sao biến quang co giãn chu kỳ ngắn kiểu xêphêit. Độ sáng của nó với chu kỳ nữa ngày (12 giờ) thay đổi từ cấp 7 đến cấp 8. Lyrae cũng là sao biến quang thay đổi độ sáng theo chu kỳ 13 ngày từ cấp 3,4 đến cấp 4,3. Sao biến quang che khuất này được nhà thiên văn câm điếc người Anh Giôn Guđraicơ phát hiện ra năm 1784. Chòm có 45 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Chim Sếu (Grus), tên tiếng Hán: Thiên Hạc. Chòm Sếu này có mặt trên trời là nhờ công của Bayec. Chòm sao nằm giữa chòm Cá Phương Nam (phía bắc) và Mỏ Chim (phía nam). Hai ngôi sao chính trong chòm có độ sáng cấp 2.
Chim Trời (Apus), tên tiếng Hán: Thiên Yến (chim yến trời). Chòm sao bầu trời nam này xuất hiện lần đầu tiên trong atlat của Bayec. Chòm sao này nhỏ nên ít được ghi tên trên bản đồ sao cỡ nhỏ. Chòm có xích kinh từ 13h45m đến 18h 17m và xích vĩ từ -67,5o đến -82,9o. có 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Chó Lớn (Canis Major), tên tiếng Hán: Đại Khuyển. Chòm sao nằm ở phía đông nam chòm Thợ Săn: đây là một trong hai con chó bám theo gót chàng Thợ Săn Ôriôn. Trong chòm sao này có ngôi sao sáng nhất bầu trời: Sirius (cấp sao - 1,46; độ trưng lớn gấp 26 lần Mặt Trời).
Bản thân sao Sirius cũng như cả chòm sao từ 5.000 năm trước đã được liên tưởng tới loài chó: tên gọi cổ nhất của người Sume là “con chó của Mặt Trời”. Ở Ai Cập người ta đã gọi nó là ngôi sao “tiên tri”: đó là sao của nữ thần Ixiđa, nó mọc vào buổi sáng báo trước mùa nước lũ sông Nin. Người Hy Lạp gọi Sirius là “con chó”, người La Mã gọi là “con chó con” (tiếng Latinh: Canicula) và tên tiếng Hán của nó là Thiên Lang (Chó Trời). Còn tên gọi Sirius có lẽ liên quan đến từ seirios (“cháy rực”) trong tiếng Hy Lạp.
Sirius có bạn đồng hành là một sao trắt trắng (Sirius B) quay xung quanh sao chính (Sirius A) với chu kỳ 50 năm. Độ trưng của nó yếu hơn của Sirius A 1 vạn lần, bán kính nhỏ hơn bán kính Mặt Trời 100 lần nhưng khối lượng của nó lớn hơn một chút so với Mặt Trời. Như vậy, sao đồng hành của Sirius có khối lượng riêng lớn khủng khiếp: hơn một tấn/cm3!
Cách Sirius 40 về phía nam có một quần sao mở khá đẹp là M41. Cả chòm sao có khoảng 80 sao có độ sáng tối thiểu đến cấp 6.
Chó Nhỏ (Canis Minor), tên tiếng Hán: Tiểu Khuyển. Chòm sao ở phía nam chòm Song Tử, phía Bắc chòm Chó Lớn. Trong các bản đồ cổ, Chó Lớn và Chó Nhỏ đi theo Thợ Săn Ôriôn. Tên gọi ngôi sao sáng nhất chòm là Procyon theo tiếng Hy Lạp là “Kẻ đặt trước con chó”, vì Procyon CMi) mọc trước Sirius ( CMa). Tương tự như Sirius, Procyon cũng có bạn đồng hành là một sao trắt trắng có chu kỳ quay 40,7 năm. Độ trưng của Procyon gấp 7 lần Mặt Trời, khoảng cách đến chúng ta là 11,4 năm ánh sáng. Cấp sao nhìn thấy là 0,37.
Trên trời, Procyon hợp với Sirius và Betelgeuse ( Ori) thành một tam giác gần như đều. Cả chòm có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Chó Săn (Canes Venatici), tên tiếng Hán: Lạp Khuyển; tên gọi này do nhà thiên văn Ba Lan Yan Hêvêli đặt ra vào thế kỷ XVII. Chòm sao nằm ở phía tây nam chòm Gấu Lớn.
Năm 1725 Etmunđơ Halây đã đặt cho sao Canum Venaticorum tên gọi là Trái Tim Saclơ (Cor Caroli) để tôn vinh Vua Saclơ II của nước Anh. Đây là một sao đôi đẹp mà một thành phần của nó là sao đôi quang phổ. Người ta cũng biết tới thiên hà xoắn M51 có cấp sao 9, ở cách ngôi sao cuối cùng của “cái đuôi” Gấu Lớn 30 về phía tây nam. Ở cuối cánh tay xoắn của nó có thể thấy một thiên hà đồng hành. Chòm này có 30 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Chó Sói (Lupus), tên tiếng Hán: Sài Lang. Nằm ở phía nam chòm Cái Cân. Người Sume đã gọi nó là Quái Vật Chết Chóc, còn người Hy Lạp thì gọi đơn giản là Dã Thú. Có 70 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Chữ Thập Phương Nam (Crux) gọi tắt là Chữ Thập, tên tiếng Hán: Nam Thập Tự. Chòm sao do Bayec tách ra từ chòm Bán Nhân Mã, nằm trên dải Ngân Hà trời Nam. Bốn ngôi sao sáng (và ) tạo thành hình chữ thập, trong đó đường nối với kéo dài ra 4 lần thì tới cực nam của thiên cầu. Đây là chòm sao có diện tích nhỏ nhất: 68 độ vuông (chiếm 0,16% bầu trời). Ở Việt Nam nhìn thấy chòm này khá thấp, gần chân trời (10o – 20o) vào tháng 5 hàng năm. Sao là sao đôi cách Trái Đất khoảng 260 năm ánh sáng và có tên gọi là Acrux. Sao (còn gọi là Mimosa), có màu xanh lơ là sao nóng nhất trong các sao cấp 1: bề mặt của nó ở vào khoảng 35.000oC (trong khi bề mặt Mặt Trời của chúng ta chỉ có 5800oC). Gần sao có một quần sao lấp lánh có tên là Hộp Châu Báu (tiếng Anh: Jewel Box), còn giữa và trên nền Ngân Hà hiện ra một vòng tối - đó là tinh vân bụi khí có tên là Bao Than (tiếng Anh: Coalsack).
Sở dĩ đôi khi có thêm từ Phương Nam (Australis) trong tên sao là để phân biệt với Chữ Thập Phương Bắc, tên gọi không chính thức của chòm Thiên Nga, mà 5 sao của nó () tạo thành hình chữ thập ở bầu trời bắc. Cũng đừng nhầm “chòm” Chữ Thập giả với chòm Chữ Thập thật (xem chòm Cánh Buồm).
Chòm này có 30 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Compa (Circinus), tên tiếng Hán: Viên Quy hoặc Lưỡng Cước Quy. Chòm sao nhỏ bầu trời nam có xích kinh từ 13h35m đến 15h26m và xích vĩ từ -54,3o đến -70,4o, do Lacai khai sinh. Circini là sao đôi nhìn thấy được. Có 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Con Công (Pavo), tên tiếng Hán: Khổng Tước. Chòm sao trời nam do Bayec đặt tên. Có 45 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Con Cua còn gọi là Con Tôm (Cancer), tên tiếng Hán: Cự Giải (con cua to). Chòm sao mờ nhạt nhất của Hoàng đạo (các sao sáng nhất chỉ có cấp 4), chỉ có thể nhìn thấy vào đêm trời trong, giữa hai chòm Sư tử và Song Tử. Theo thần thoại, con cua đã cắp vào chân Hêrăclơ (tên Hy Lạp, đồng nghĩa với Hecquyn) khi chàng lực sĩ này chiến đấu với thủy quái Rắn Biển. Sau này Hêrăclo đã bóp chết con cua, rồi nữ thần Hêra đưa cua lên trời.
Trong chòm sao Con Cua có thể nhìn thấy một nhóm sao không sáng lắm nhưng dễ thương đó là hai chú Lừa Con ( và Cnc) và giữa chúng là cái Máng Cỏ (tiếng Anh: the Manger) tức quần sao mở M44, còn có tên gọi là Praesepe (người Anh còn gọi là Tổ Ong = Beehive, người Trung Quốc gọi là Quỷ Tú tinh đoàn vì ở vào địa phận Quỷ Tú trong nhị thập bát tú). Một quần sao khác: M67 ở cách sao Cancri 2o về phía tây. Đó là một trong những quần sao mở già nhất ở cao phía trên mặt phẳng Thiên Hà của chúng ta. Chòm Con Cua có khoảng 60 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Con Cừu (Aries, nghĩa là “cừu đực”), tên tiếng Hán: Bạch Dương (cừu trắng). Chòm sao Hoàng đạo thứ nhất nằm giữa hai chòm Con Trâu và Đôi Cá ở phía nam hai chòm Tam Giác và Dũng Sĩ. Đây chính là con cừu lông vàng trong thần thoại Hy Lạp mà Giaxơn (Jason) và thủy thủ thuyền Acgô tìm kiếm. Ngôi sao sáng nhất chòm ( Arietis) có tên là Hama1 (theo tiếng Ai Cập nghĩa là “cừu con đang lớn”) ở cách Trái Đất 65 năm ánh sáng. Chòm này có khoảng 50 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Con Dê (Capricorpus, nghĩa là “dê có sừng”), tên tiếng Hán: Sơn Dương hoặc Ma Kết (Ma Kiệt) Chòm sao Hoàng đạo ở bán cầu nam đầu dê quay về phía chòm Cung Thủ, đuôi quệt vào chàng trai đang rót nước của chòm Cái Bình. Đây là con dê đuôi cá và thời cổ người ta đã gọi nó là Dê Cá. Trên nhiều bản đồ sao nó cũng được vẽ như vậy. Các sao sáng nhất của chòm có cấp sao 3. Sao Capricorni bằng mắt thường có thể phân biệt được là sao đôi. Cả chòm có khoảng 50 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Con Quạ (Corvus), tên tiếng Hán: Điểu Nha. Chòm sao nhỏ hình tứ giác ở phía nam chòm Trinh Nữ, phía bắc chòm Rắn Biển. Người Babilon xưa kia đã xem nó là chim thần Andut đã đánh cắp các lá số ở vị thần tối cao Enlilơ. Sao Corvi là sao đôi nhìn thấy được và rất đẹp. Cả chòm chỉ có khoảng 15 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Con Rắn (Serpens), tên tiếng Hán: Cự Xà (rắn to). Chòm sao đặc biệt gồm hai phần tách rời nhau: Đầu Rắn (Serpens Caput) ở bán cầu bắc và Đuôi Rắn (Serpens Cauda) ở bán cầu nam, nên có sách đã coi là 2 chòm sao. Đây là con rắn nằm “trong tay” Xà Phu (Người mang rắn) và trước kia là một phần của chòm sao Xà Phu. Đầu rắn ở phía tây bắc Xà Phu đuôi rắn ở phía đông nam.
Ở cuối "đuôi" rắn có ngôi sao đôi Serpentis cấp 4. Hai sao thành phần của nó màu trắng giống nhau, cách nhau 22” và có thể nhìn thấy bằng ống nhòm tốt. Ở phần đuôi rắn còn có tinh vân Đại Bàng (Eagle), mã số M16. Đây là tinh vân khí có độ sáng yếu (phải nhìn qua kính viễn vọng) cách ta 5500 năm ánh sáng, do nhà thiên văn Pháp Đơ Sêdô. (De Chéseaux) phát hiện năm 1746. Ở phần đầu rắn cách xích đạo khoảng 30 về phía Bắc và cách sao Serpentis khoảng 7o về phía tây nam, có thể tìm thấy quần sao cầu M5 có cấp sao 7. Cả chòm có khoảng 60 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Con Rồng (Draco), tên tiếng Hán: Thiên Long (rồng trời). Chòm sao dài nhưng không sáng lắm, cuộn quanh chòm Gấu Nhỏ từ ba phía. Thần thoại Hy Lạp kể rằng đây là con rồng Lađôn canh cây táo vàng trường xuân. Để lấy táo trường xuân này, Hêrăclơ đã giết con rồng.
Sao Draconis tức sao Thuban đã là sao Bắc Cực (nằm ở cực bắc thiên cầu) từ năm 3700 đến 1500 trước công nguyên. Đó là một sao màu trắng, chói sáng hơn Mặt Trời khoảng 90 lần, có cấp sao 3,6 và ở cách Trái Đất 230 năm ánh sáng. Chòm này có khoảng 80 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Con Ruồi (Musca), tên tiếng Hán: Thương Nhặng (nhặng xanh). Chòm sao nhỏ nhưng khá đẹp trên dải Ngân Hà, ở phía nam chòm Chữ Thập Phương Nam. Được Bayec (năm 1603) và Halây (năm 1679) đưa vào bản đồ sao. Lúc đầu còn có tên khác là Con Ong (Apis). Trước đây ở bán cầu bắc trong bản đồ của Hêvêli cũng có chòm Con Ruồi (Phương Bắc), nằm ở phía đông nam chòm Tam Giác, sau được nhập vào chòm Con Trâu (là khu vục Vị Tú trong Nhị thập bát tú). Chòm Con Ruồi có khoảng 30 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Con Thỏ (Lepus), tên tiếng Hán: Thiên Thố (thỏ trời). Chòm sao cổ, nhưng không rõ lai lịch. Aratôt đã viết: “Con Thỏ hết ngày này sang ngày khác quẩn quanh chân Ôriôn (Thợ Săn), chỉ sọ bị săn đuổi. Thế nhưng Sirius (sao Chó) vẫn bám theo dấu vết của nó không rời một bước”. sao đỏ R Leporis khá thú vị. Nhà thiên văn người Anh Giôn Rutxen Hainơđơ đã mô tả nó là “một giọt máu trên nền đen” vào năm 1845. Đây là sao biến quang, có chu kỳ 432,5 ngày và độ sáng thay đổi từ cấp 5,9 đến 10,5. Chòm này có khoảng 40 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Con Trâu (tên Latinh: Taurus, nghĩa là bò đực, tên tiếng Hán: Kim Ngưu (trâu vàng). Chòm sao Hoàng đạo mùa đông nằm ở phía tây bắc chòm Thợ Săn. Theo thần thoại thì Taurus là con bò đực trắng mà thần Dớt nhờ bắt các con gái vua xứ Phênixi là Ơrôp. Chính nàng Ơrôp đã cưỡi con bò này vượt biển tới đảo Crêt.
Ngôi sao màu đỏ da cam , Tauri thường được coi là sao Mắt Bò (hoặc Mắt Trâu). Tên gọi của nó là Alđebaran, gốc tiếng Arập nghĩa là bám theo sau”, vì trên trời nó dịch chuyền theo cụm sao Tua Rua (Pleiades), thường gọi là sao Rua, một quần sao mở tuyệt đẹp mà con mắt tinh tường có thể nhận ra 6 hay 7 ngôi sao. Bảy ngôi sao này mang tên 7 cô con gái của người khổng lồ Atlat và nàng Pleion (theo tiếng Hy Lạp Pleiades nghĩa là “các con gái của Pleion”): Alcyone, Asterope, Electra, Celaeno, Maia, Merope và Taygeta, trong đó Alcyone ( Tau) là ngôi sao sáng nhất (cấp 3). Merope mờ nhất được coi là xấu hổ trốn mặt vì yêu một người trần. Tua Rua cách chúng ta 420 năm ánh sáng, có đường kính khoảng 15 năm ánh sáng.
Nhân dân Việt Nam trước đây thường dựa vào Tua Rua để làm vụ mùa ở miền Bắc:
“Tua Rua một tháng mười ngày
Cấy trốc vừng cây cũng được lúa xơi
Khi nào nắng rữa, băng trôi
Tua Rua quặt lại thì thôi cấy mùa".
hoặc
“Làm ruộng phải ngắm Tua Rua
Chớ theo chúng bạn mà thua có ngày”.
Cạnh Tua Rua có một quần sao trẻ tên là Hyades (theo thần thoại là chị em với Pleiades) bao quanh sao Alđebaran. Hyades hình chữ V, gồm hơn 300 sao nhưng mắt thường chỉ phân biệt được 12 sao. Đối với các nhà thiên văn thì đây là quần sao quý giá: nó chỉ cách ta 40 pc (132 năm ánh sáng), cho nên có thể nghiên cứu nó khá chi tiết. Vì gần hơn cả (so với các quần sao khác), Hyades chiếm diện tích lớn: 400 độ vuông. Alđebaran không nằm trong quần sao Hyades, chàng khổng lồ này chỉ cách ta 68 năm ánh sáng.
Cả chòm sao Con Trâu có 125 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Cung Thủ (Sagittarius), tên tiếng Hán: Nhân Mã hoặc Cung Thủ. Chòm sao Hoàng đạo có hình tượng trưng là một con nhân mã giương cung tên nhắm vào con Bọ Cạp ở bên cạnh. Thần thoại Hy Lạp gắn chòm sao này với con nhân mã Crôtôt nổi tiếng là tay đi săn có hạng.
Trước hết cần lưu ý về tên gọi: tuy chòm sao này có hình con nhân mã nhưng tên gọi của nó trong các ngôn ngữ Châu Âu (Anh, Pháp, Nga. . ., kể cả Latinh) đều chỉ có nghĩa là “Người bắn cung”, còn một chòm sao khác ở bán cầu nam mới thực sự có tên gọi là Nhân Mã (Centaurus). Nhưng từ trước đến nay, hầu hết các sách của Trung Quốc rồi Việt Nam theo nhau gọi chòm sao này là Nhân Mã, còn chòm sao đúng tên Nhân Mã thì lại gọi là Bán Nhân Mã (không hiểu sao lại nửa con nhân mã, chắc vì trót dùng từ Nhân Mã rồi nên phải đọc “trệch” đi như vậy?). Nay chúng tôi khôi phục lại tên gọi cho đúng nhưng để tránh nhầm lẫn theo thói quen, chòm Nhân Mã (Centaurus) vẫn được mở ngoặc thêm chữ Bán ở đằng trước.
Tâm Thiên Hà chúng ta nằm ở hướng chòm sao Cung Thủ, bị che lấp với chúng ta bởi bụi giữa các sao. Tâm Thiên Hà được đánh dấu bằng nguồn phát xạ vô tuyến Cung Thủ A (Sogitarius A). Trong chòm sao này có rất nhiều các quần sao cầu, các tinh vân sáng và tối, ví dụ: quần sao cầu M22 (tức NGC 6656), tinh vân Đầm Phá (Lagoon) với mã số M8 (tức NGC 6523), tinh vân Bộ Ba M20, mây lớn thiên hà M24 trải ra hơn 1o.
Chòm Cung Thủ có khoảng 115 sao sáng tối thiểu đến cấp 6, trong đó hai sao sáng nhất là Kaus Australis ( Sgr) và Nunki ( Sgr).
Dao Khắc (Caelum), tên tiếng Hán: Điêu Cụ. “Dụng cụ điêu khắc” này được Lacai “đem” lên bầu trời nam. Các sao ở đây tương đối mờ, chỉ có khoảng 10 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Dung Sĩ, tên tiếng Hán: Anh Tiên (vị tiên anh dũng), phỏng dịch nhân vật anh hùng Pecxê (tên Latinh: Perseus) trong thần thoại Hy Lạp. Pecxê là con trai thần Dớt và Đanae. Chàng đã chặt đầu, giết chết Mêđuda (quái vật hình phụ nữ có cánh và có mái tóc là những con rắn), cứu được Tiên Nữ Anđrômêđa. Chòm sao này nằm trên dải Ngân Hà, ở phía đông chòm sao Tiên Nữ, được nhìn thấy vào các đêm mùa đông. Có khoảng 90 sao tối thiểu sáng đến cấp 6.
Sao biến quang che khuất Algol( Per), gốc tiếng Arập nghĩa là “sao quỷ” (Demon Star) là một ngôi sao đặc sắc. Nó được xem là con mắt của Mêđuda. Đây là một hệ phức tạp gồm ba hoặc bốn sao, trong đó có hai sao che khuất nhau theo chu kỳ 2,87 ngày; vào những lúc đó thì độ sáng của sao giảm từ cấp 2,06 đến cấp 3,28. Hiện tượng che khuất này được giáo sư Giêminianô Môntanari ở Môđena (Ý) phát hiện ra đầu tiên ngày 8-11-1670. Sao Mirfak ( Per) nằm ở vai phải Pecxê. Trên đầu Pecxê còn có các quần sao đôi nổi tiếng và .
Đại Bàng (Aquila), tên tiếng Hán: Thiên Ưng (chim ưng trời). Từ 5.000 năm về trước người Sume đã gọi đây là chòm Đại Bàng. Người Hy Lạp coi đây là con đại bàng do thần Dớt phái đi bắt hoàng tử đẹp trai Ganymet đưa lên núi Ôlimpơ. Theo một giả thuyết khác của thần thoại thì chính thần Dớt đã biến thành Đại Bàng. Con Đại Bàng nằm ở nhánh tây sông Ngân. Ba ngôi sao sáng ở cổ lưng và vai trái () Đại Bàng gần như thẳng hàng.
Hai ngôi sao ở đuôi nằm ở nhánh phía tây sông Ngân.
Ngôi sao sáng nhất là Altair, theo tiếng Arập nghĩa là “chim kền kền bay”. Theo thần thoại Trung Quốc thì đây là ngôi sao Ngưu Lang (còn gọi là Khiên Ngưu) chỉ gặp được sao Chức Nữ bên kia sông Ngân vào tháng 7 hàng năm (xem chòm Cây Đàn). Cách Altair 7o về phía nam có sao biến quang xêphêit cổ điển Aquilae thay đổi độ sáng từ cấp 3,69 đến cấp 4,40 với chu kỳ 7,2 ngày.
Chòm này có khoảng 70 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Đàn Tế (Ara), tên tiếng Hán: Tế Đài hoặc Thiên Đàn. Một trong những chòm sao cổ nhất bầu trời nam ở dưới “cái đuôi” Bọ Cạp. Nhiều ngôi sao của chòm nằm trên Ngân Hà. Người Sume đã gọi đây là chòm Đàn Tế Lửa cổ xưa, còn Ptôlêmê lại gọi là Cái BìnhHương. Có khoảng 30 sao sáng tối thiểu đến cấp 6, sao sáng nhất có cấp 2,8.
Điêu Khắc (Sculptor, nghĩa là nhà điêu khắc), tên tiếng Hán: Ngọc Phu (người đẽo ngọc). Chòm sao này được dịch ra tiếng Anh tiếng Pháp thành hai tên: Nhà Điêu Khắc hoặc Xưởng Điêu Khắc. Nguyên do là ban đầu (năm 1751) Lacai đã khai sinh chòm sao này dưới cái tên Xưởng Điêu Khắc (Aparơtus Sculptoris), sau này rút gọn thành Nhà Điêu Khắc (Sculptor). Cực nam của Thiên Hà chúng ta nằm ở đây. Trong chòm này có khoảng 30 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Đôi Cá (Pisces), tên tiếng Hán: Song Ngư. Chòm sao Hoàng đạo nằm giữa hai chòm Cái Bình và Con Cừu, có hình hai con cá quấn đuôi vào nhau. Vòng Tròn Nhỏ (Cirlet) là vòng tròn các sao ở đầu con cá phía tây (nằm giữa hai chòm Ngựa Bay và Cái Bình). Con cá kia được gọi là con cá phía bắc (ở dưới chòm Tiên Nữ). Chòm Đôi Cá có điểm xuân phân, là giao điểm của Hoàng đạo với Xích đạo (Mặt Trời cắt Xích đạo ở điểm này vào khoảng ngày 21/22 tháng ba hàng năm), và được chọn làm điểm gốc của xích kinh (0h 0m 0s). Có khoảng 75 ngôi sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Đồng Hồ (Horologium), tên tiếng Hán: Thời Chung (đồng hồ). Chòm sao trời nam do Lacai đặt tên, ở phía nam chòm Sông Cái, dưới dạng một dải dài và hẹp (xích kinh từ 2h 12m đến 4h 18m, xích vĩ từ -39,8o đến -67,2o). Chỉ có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6, không có sao sáng lắm.
Đuôi Thuyền (Puppis), tên tiếng Hán: Thuyền Vĩ, (đuôi thuyền). Chòm sao trời nam được tách ra từ chòm sao lớn Thuyền Acgô (Nam Thuyền) xưa kia. Một phần nằm trên Ngân Hà. Có khoảng 140 sao sáng tối thiểu đến cấp 6, trong đó có nhiều sao thú vị, ví dụ: sao biến quang che khuất V Puppis, có cấp sao thay đốt từ 4,74 đến 5,25 với chu kỳ 1,45 ngày.
Gấu Lớn (Ursa Major), tên tiếng Hán: Đại Hùng nghĩa là gấu lớn (tên cổ: Thiên Canh, Bắc Đẩu). Chòm sao lớn phương bắc mà 7 ngôi sao sáng xếp thành hình cái gàu sòng hoặc cái gáo, cái xoong có cán hoặc cái muỗng. Đây là chòm sao lớn thứ ba trên bầu trời.
Thần thoại Hy Lạp kể rằng thần Dớt đã phải lòng nữ thần Calixtô, nên nữ thần Hêra (vợ thần Dớt) nổi ghen và biến Calixtô thành con gấu cái. Thần Hêra còn bày đặt để cho Accat, con trai của Calixtô khi đi săn gặp con gấu cái này. Do không biết là mẹ của mình, Calixtô giương cung toan bắn. Thế là thần Dớt vội vàng đem con gấu lên trời để cứu người tình; đó chính là Gấu Lớn bây giờ.
Các dân tộc khác lại có các truyền thuyết khác về chòm sao này: một số dân tộc phương Bắc nước Nga coi đây là con nai chạy trốn các tay thợ săn đã leo dần lên trời, còn người Extônia thì xem đây là cái xe do con sói và bò thiến kéo mà thần đã đặt lên trời.
Cả 7 ngôi sao sáng của cái xoong đều có tên riêng, còn ký hiệu theo Chữ cái Hy Lạp ở đây lại không theo quy tắc độ sáng giảm dần, mà theo thứ tự từ xoong đến cán: sao Dubhe tức UMa, theo tiếng Arập nghĩa là “con gấu”, còn tên Trung Quốc là Thiên Xu; sao Merak () nghĩa là "eo lưng" (tên Trung Quốc: Thiên Toàn); sao Phecđa () nghĩa là “cái đùi” (hoặc Thiên Cơ); sao Megrez () - “gốc” (phần bắt đầu của đuôi) (tên tiếng Trung Quốc: Thiên Quyền); sao Alioth () không rõ ý nghĩa (tên Trung Quốc: Ngọc Hoành); sao Mizar () - “băng quấn trên đùi” (tên Trung Quốc: Khai Dương); sao Alkaid, hoặc Benetnash () - “ông chủ” (tên Trung Quốc : Dao Quang). Tất cả các sao đều có cấp 2 - 3. Mizar là sao đôi vật lý đầu tiên được Galilê phát hiện năm 1620, nhưng có khoảng cách góc giữa hai sao rất bé (14”5).
Bên cạnh Mizar, con mắt tinh tường còn nhận ra một ngôi sao cấp 4 có tên gọi là Alcor (80 UMa) theo tiếng Ba Tư nghĩa là “nhỏ mọn" hoặc “bị quên lãng”. Mizar và Alcor tạo thành sao đôi quang, tức là có vẻ sát nhau (theo hướng mắt nhìn), nhưng thật ra ở rất xa nhau.
Vào đầu tối mùa xuân, chòm Gấu Lớn xuất hiện ở hướng bắc, rồi đến tháng 5, tháng 6 nó lên cao trên trời, rồi sau đó mọc muộn và chuyển dần về hướng tây bắc. Nếu kéo dài đoạn nối hai sao và , khoảng 5 lần nữa tính từ sao , thì sẽ gặp sao Bắc Cực.
Nhóm 5 sao của cái xoong (trừ và ) tạo thành một nhóm thống nhất trong không gian và di chuyển khá nhanh trên trời, do đó khoảng một vạn năm tới, hình cái xoong sẽ thay đổi rõ rệt (đầu cán gãy gập xuống, đầu xoong nhô ra, khiến xoong nông hơn và nhọn hơn).
Toàn bộ chòm có khoảng 125 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Gấu Nhỏ (Ursa Minor), tên tiếng Hán: Tiểu Hùng (gấu nhỏ). Theo thần thoại, thần Dớt đã biến con chó yêu của mình thành con Gấu Nhỏ. Chòm sao này thường được gọi là cái gáo/gàu nhỏ. Ngôi sao cuối cùng ở cán gáo là sao Bắc Cực (cấp 2) ở cách thiên cực bắc chưa đến 1o. Vào năm 2102 sao Bắc Cực sẽ đến gần thiên cực bắc nhất, chỉ cách khoảng 0,5o. Thời cổ, người Arập đã gọi sao Bắc Cực là “con dê nhỏ”, còn sao được họ gọi là Kochab, nghĩa là “sao Bắc Cực”: quả thật, từ năm 1500 trước Công nguyên đến năm 300 của Công nguyên, nó ở gần thiên cực bắc nhất. Cả chòm có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Họa Sĩ (Pictor), tên tiếng Hán: Họa Gia. Chòm sao còn có tên khác là Giá Vẽ (tên Latinh: Equuleus Pictoris, tiếng Hán: Hội Giá), là tên ban đầu do nhà thiên văn Pháp Nicôla Lui đơ Lacai đặt cho vào thế kỷ XVIII. Đó là chòm sao nhỏ và mờ nên ít có tên trên bản đồ sao cỡ nhỏ. Nó nằm ở phía nam các chòm Bồ Câu và Sống Thuyền, với xích kinh từ 4h 32 m đến 6h 51m và xích vĩ từ -53,1o đến 64,1o. Có khoảng 30 sao sáng tối thiểu cấp 6.
Hươu Cao Cổ (Comelopardalis), tên tiếng Hán: Lộc Báo (báo hươu). Chòm sao do Bacchiut đặt tên và xuất hiện đầu tiên trong danh mục sao của Hêvêli (năm 1690). Chòm sao lớn nhưng mờ nhạt, kéo dài từ các chòm Dũng Sĩ, Ngự Phu qua Linh Miêu đến chòm Gấu Nhỏ. Có khoảng 50 sao sáng đến cấp 6.
Kính Hiển Vi (Microscopium), tên tiếng Hán: Hiển Ví Kính. Chòm sao trời nam do Lacai khai sinh. Chòm sao này rất mờ nhạt nên thường ít xuất hiện trên bản đồ sao. Nó nằm giữa chòm Con Dê và chòm Anh Điêng, có xích kinh từ 20h 25m đến 21h 25m và xích vĩ từ -27,7o đến - 45,4o. Có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Kính Lục Phân (Sextans), tên tiếng Hán: Lục Phân Nghi. Chòm sao do Hêvêli đặt ra với tên gọi Kính Lục Phân Trời (Sextans Uraniae) trong cuốn sách xuất bản năm 1690 để ghi nhớ dụng cụ thiên văn yêu quí của ông đã bị cháy cùng với đài thiên văn vào năm 1679. Nằm ở phía nam chòm Sư Tử. Có khoảng 25 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Kính Viễn Vọng hay Kính Thiên Văn (Telescopium), tên tiếng Hán: Viễn Kính. Chòm sao do Lacai đặt tên ở bầu trời nam. Nằm ở phía nam chòm Cung Thủ, có khoảng 30 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Kỳ Lân (tên Latinh: Monoceros), tên tiếng Hán chỉ con vật giống con ngựa và có một sừng. Chòm sao này xuất hiện lần đầu tiên trong danh mục sao của Hêvêli năm 1690, nhưng do Bacchiut đặt tên từ trước. Nó nằm giữa các chòm Chó Lớn, Chó Nhỏ và Thợ Săn. Tuy nằm trên Ngân Hà, nhưng không có sao sáng. Có khoảng 85 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
La bàn (Pyxis), tên tiếng Hán: La Bàn. Chòm sao trời nam do Lacai khai sinh dưới tên gọi ban đầu là La Bàn Hàng Hải (Pyxis Nautica), ở phía tây bắc chòm Cánh Buồm. Có khoảng 25 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Lá Chắn (Scutum), tên tiếng Hán: Thuẫn Bài (cái mộc). Chòm sao do Hêvêli khai sinh dưới tên gọi ban đầu là Lá Chắn của Xôbiexki (Scutum Sobieskii) để kỷ niệm vị chỉ huy nổi tiếng, Vua Ba Lan Yan Xôbiexki. Nằm trên dải Ngân Hà, giữa các chòm sao Đại Bàng, Cung Thủ và Đuôi Rắn (phần phía Đông). Không có sao sáng (có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6), nhưng nếu có một chiếc kính viễn vọng nhỏ thì có thể quan sát được quần sao M11 tuyệt đẹp ở cách sao Scuti 20 về phía đông nam.
Linh Miêu (Lynx), tên tiếng Hán: Thiên Miêu (mèo trời). Chòm sao hiện đại do Hêvêli đặt ra, nằm giữa chòm Gấu Lớn và chòm Ngự Phu, ở về phía đông bắc chòm Song Tử. Chỉ có những ngôi sao khả yếu, có khoảng 60 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Lò Luyện (Fornax), tên tiếng Hán: Thiên Lô (lò trời). Chòm sao phía nam do Lacai khai sinh ban đầu năm 1751 dưới tên gọi Lò Luyện Hóa Học (Fornax Chemica), phía đông có chòm Sông Cái bao quanh. Có khoảng 35 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Lực Sĩ (Hercules), tên tiếng Hán: Vũ Tiên. Đây là tên phỏng dịch Thần Lực Sĩ trong thần thoại Hy Lạp (có tên là Hêrăclơ) và La Mã (có tên là Hecquyn). Chòm sao này đã được người Hy Lạp nhắc đến từ thế kỷ V trước Công nguyên dưới tên gọi Hêrăclơ. Hêrăclơ, nổi tiếng về sức khỏe, là con trai của thần Dớt và người phụ nữ trần gian Ancmen. Muốn trở thành bất tử Hêrăclơ (tức Hecquyn) đã phải thực hiện 12 chiến công. Hàng loạt chòm sao cổ khác có liên quan đến truyền thuyết về các chiến công của Hêrăclơ như Rắn Biển, Con Rồng, Sư Tử, Con Cua.
Chòm sao này lớn thứ 5 trên trời và nằm giữa hai chòm Cây Đàn, Bắc Miện và Mục Phu. Có khoảng 140 sao sáng tối thiểu đến cấp 6. Ngôi sao đôi khá đẹp Herculis có tên là Ras Algethi, theo tiếng Arập nghĩa là “đầu của người được quì xuống ngưỡng mộ” (người Trung Quốc gọi sao này là Đế Tòa).
Tô điểm cho chòm sao này còn có quần sao cầu M13, nằm ở “vai phải” của Lực Sĩ, mắt thường nhìn thấy nó là một chấm sao mờ cấp 5, nằm giữa các sao h và z, còn nhìn qua kính viễn vọng thì tuyệt vời!
Máy Bơm (Antlia), tên tiếng Hán: Tức Đồng (ống bơm nước). Chòm sao hiện đại ở trời nam do Lacat khai sinh năm 1751 dưới tên gọi ban đầu là Máy Bơm Khí/Hơi (Antlia Pneumatica). Nằm ở phía đông chòm La Bàn. Có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Mắt Lưới (Reticulum), tên tiếng Hán: Võng Cổ (cái lưới). Chòm sao do Lacai khai sinh năm 1751 với tên gọi ban đầu là [Mắt] Lưới Hình Thoi (Reticulus Rhomboidalis). Nằm ở phía tây chòm Cá Vàng. Có khoảng 15 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Mỏ Chim, tên tiếng Hán: Cự Chủy (mỏ to) phỏng dịch từ tên Latinh Tucana, nghĩa là chim tucăng, một giống chim mỏ to và quắp, ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Chòm sao do Bayec đặt tên. Nó nằm. Ở phía Nam chòm Chim Sếu và chòm Phượng Hoàng, gần thiên cực nam. Trong chòm có thiên hà Mây Magienlăng Nhỏ ở gần chúng ta và quần sao cầu 47 Tucanae đẹp lạ kỳ. Chòm có khoảng 25 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Mục Phu, gốc tiếng Hán nghĩa là người chăn [súc vật], dịch từ tên Latinh Bootes. Thời cổ, người ta đã coi đây là một trong những chòm sao quan trọng nhất, người Sume gọi là Mục Đồng Siêng Năng Trên Trời còn người Hy Lạp gọi là Người Chăn Bò và Canh Gấu. Theo một giả thuyết khác, đây là người đánh xe gấu (chòm Gấu Lớn bên cạnh), nên trong tiếng Anh, còn có tên dịch là Bear Driver. Lại có hình vẽ Mục Phu ngồi chân vắt vẻo, miệng ngậm tẩu một tay cầm cương lũ chó săn (chòm Chó Săn bên cạnh).
Đây là chòm sao lớn có thể quan sát thấy trên bầu trời phương bắc suốt mùa hè. Ngôi sao chính của chòm ( Bootis) có tên là Arcturus (theo tiếng Hy Lạp nghĩa là “canh gấu”), dễ tìm bằng cách kéo dài cán xoong (hoặc cái "đuôi" Gấu Lớn) thêm 300 về phía nam. Đây là ngôi sao sáng nhất nửa thiên cầu Bắc, với cấp sao nhìn thấy là - 0,06, độ trưng của nó gấp 115 lần Mặt Trời và nó ở cách chúng ta có 36 năm ánh sáng. Người Trung Hoa gọi sao này là Đại Giác. Trong chòm có 90 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Mũi Tên (Sagitta), tên tiếng Hán: Thiên Tiễn hoặc Thỉ [Tinh]. Chòm sao nhỏ nhưng đẹp đẽ ở phía bắc chòm Đại Bàng. Êraxtôxthen đã cho rằng đây là mũi tên mà thần Apôlô đã sử dụng trong cuộc giao tranh với các lũ khổng lồ một mắt Xiclôp (trong thần thoại Hy Lạp). Đây là chòm sao nhỏ thứ ba trên trời và có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Nam Cực, tên tiếng Hán cũng là Nam Cực tên Latinh (Octans) và các tên gọi trong tiếng Anh, Pháp, Nga đều có nghĩa là Kính Bát Phân, một loại kính tương tự kính lục phân để đo góc và quan sát thiên văn, nay không còn dùng nữa. Tên gọi này do Lacai đặt cho chòm sao. Thiên cực nam nằm trong chòm sao này, nhưng tiếc rằng không có ngôi sao nào sáng cả. Có khoảng 35 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Nam Miện (tiếng Hán) nghĩa là Mũ Miện Phương Nam (Corona Australis). Tên gọi chòm sao này lần đầu tiên được ghi trong cuốn “Almagest" của Ptôlêmê. Nó nằm ở phía tây nam chòm Cung Thủ. Có khoảng 25 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Ngự Phu (tiếng Hán), nghĩa là Người Đánh xe (Auriga). Người đánh xe ở đây chính là thần tiên Pôxâyđôn: ngài rong ruổi trên biển bằng cỗ xe thắng lũ ngựa bờm dài. Như vậy đây là chòm sao có liên quan đến chuyện thần thoại về Tiên Nữ Anđrômêđa. Đây là chòm sao hình ngũ giác, nằm ở phía bắc chòm Song Tử và có tên từ hơn 2500 năm trước. Ngôi sao sáng nhất chòm được người Sume, tiếp theo là người Hy Lạp và người Arập gọi là “sao con dê”, còn người La Mã thì gọi là “con dê nhỏ” - Capella (hình vẽ chòm sao trong atlat cổ cũng có con dê nhỏ trên lưng Ngự Phu). Capella là sao đôi quang phổ với chu kỳ 104 ngày, độ trưng gấp 150 lần Mặt Trời. Trong chòm có 3 quần sao mở đẹp: M36, M37 và M38. Cả chòm có khoảng 90 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Ngựa Bay, tên tiếng Hán: Phi Mã, dùng để chỉ Pêgat (Pegasus), con ngựa có cánh bay trong thần thoại Hy Lạp. Người Babilon và Hy Lạp cổ đại chỉ gọi nó là Con Ngựa, còn tên gọi Pêgat xuất hiện lần đầu tiên ở Êraxtôxthen. Pêgat liên quan đến thần thoại về người anh hùng Bêlêrôphôn, người đã nhận được ngụa bay từ các thần cưỡi trên nó và đã diệt được quái vật có cánh Chimêra. Sau đó Bêlêrôphôn định cưỡi ngựa bay lên trời, nhưng bị ngã ngựa nên chỉ có con ngựa bay trở thành chòm sao trên trời.
Chòm sao này xuất hiện vào mùa thu, ở phía tây nam chòm Tiên Nữ, và cùng với sao Alpheratz ( And) tạo thành một hình vuông lớn. Hình vuông này còn gồm các sao khác của chòm Ngựa Bay là (Scheat), (Markab), (Algenib). Cạnh của chòm này thường thông tới sao bắc cực và sao Fomalhaut ( PsA). Chòm sao có khoảng 100 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Ngựa Con (Equuleus), tên tiếng Hán: Tiểu Mã. Chòm sao do Hippac đặt tên. Là một nhóm sao mờ ở cạnh chòm Cá Heo chỉ có khoảng 10 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Nhân Mã, (Centaurus), tên tiếng Hán: Bán Nhân Mã. Rắc rối đối với tên gọi chòm sao này, xin xem trình bày ở chòm Cung Thủ (các sách Việt Nam hầu như đều gọi chòm Cung Thủ là Nhân Mã).
Theo thần thoại Hy Lạp, con nhân mã được lên trời ở đây chính là Hirôn thông thái, con trai của thần khổng lồ (titan) Crônôt và Nữ Thần Philira. Hirôn thông thạo khoa học và nghệ thuật và là thầy của các bán thần trong thần thoại Hy Lạp như Asin, Axclêpi, Giaxơn.
Đây là một trong những chòm sao ở phía nam nhất mà người cổ đại biết đến. Thoạt đầu người ta xếp cả các ngôi sao của chòm Chữ Thập Phương Nam vào đây. Kể cả khi đã tách Chữ Thập ra, Nhân Mã vẫn là chòm sao lớn, có nhiều sao sáng (có tới 150 sao sáng tối thiều tới cấp 6).
Chân phải phía trước của con nhân mã là sao Centauri, còn sao Centauri (có tên riêng là Hadar) thì nằm ở chân trái phía trước.
Ngôi sao sáng nhất chòm Centauri được người xưa gọi là Rigil Kentaurus (“cái chân của con nhân mã”), từ lâu vẫn được coi là gần ta nhất (cách 4,3 năm ánh sáng). Đó là một ngôi sao bộ ba: từng ngôi có các cấp -0,04; 1,17 và 10,68. Ngôi sao sáng nhất trong số đó về khối lượng và quang phổ rất giống Mặt Trời. Còn ngôi thứ ba yếu nhất do nhà thiên văn Anh Rôbơt Innet phát hiện ra năm 1915. Nó mới là ngôi sao gần chúng ta nhất (4,16 năm ánh sáng), nó được đặt tên là Proxima Centauri (Proxima theo tiếng Latinh nghĩa là "gần nhất"), ta gọi là Cận Tinh. Đây là một sao trắt đỏ, nhẹ, lóe sáng. Ômega Centauri là quần sao cầu lớn nhất và sáng nhất trên trời ở cách ta 16.000 năm ánh sáng. Trong chòm này còn có Centaurus A (Nhân Mã A), một thiên hà lạ thường cách xa 15 triệu năm ánh sáng là một nguồn sáng vô tuyến và X-quang khá mạnh.
Núi [Mặt] Bàn (Mensa), tên tiếng Hán: Sơn Án. Chòm sao này do Lacai đặt tên để kỷ niệm Núi (Mặt) Bàn ở mũi Hảo Vọng (Nam Phi), nơi ông đã tiến hành quan sát. Nó nằm ở phía nam chòm Cá Vàng, phía đông chòm Rắn Nước. Trong chòm này không có sao nào sáng hơn cấp 5 (chỉ có khoảng 15 sao ở cấp 5 và 6), nhưng thiên hà Mây Magienlăng Lớn nằm trên ranh giới giữa chòm này và chòm Cá Vàng.
Phượng Hoàng (Phoenix), tên tiếng Hán: Phượng Hoàng. Chòm sao trời nam do Bayec đặt tên. Ngôi sao Phoenicis là tâm của một cái chạc (hoặc chữ Y) rất lớn ở phương nam, mà ba đầu chạc là cái sao Diphda ( Cet), Fomalhaut ( PsA) và Achernar ( Eri). Trong chòm có khoảng 40 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Rắn Biển (Hydra), tên tiếng Hán: Trường Xà (rắn dài). Đúng ra, Hyđra là tên gọi loại thủy quái lớn có chín đầu trong thần thoại Hy Lạp, mà hễ một đầu bị chặt thì có ngay hai đầu khác mọc ra từ vết chặt. Nhưng Herăclơ (tức Hecquyn, Thần Lực Sĩ) đã giết chết con thủy quái này, đây là một trong 12 chiến công của chàng.
Cũng nên lưu ý về tên gọi: do có tới 3 chòm sao Rắn, nên đã có sự lúng túng trong cách dịch ra một số tiếng và có những nhầm lẫn trong một số sách Việt Nam và nước ngoài. Chòm Hyđra được dịch sang tiếng Anh là Rắn Biển, sang tiếng Pháp là con Hyđra cái và sang tiếng Nga chỉ đơn thuần là con Hyđra, tiếng Hán gọi là Rắn Dài, còn trong tiếng Việt có tác giả gọi là Giao Long. Còn chòm Hydrus dưới đây (Rắn Nước) sang tiếng Anh là Rắn Nước, tiếng Pháp là con Hyđra đực, tiếng Nga là con Hyđra phương Nam và tiếng Hán là Thủy Xà. Ngoài ra, còn chòm Con rắn dịch sang các thứ tiếng đều là Con Rắn riêng tiếng Hán là Con Rắn To (Cự Xà).
Đây là chòm sao lớn nhất bầu trời, (chiếm 3,16% diện tích thiên cầu), chạy dài từ chòm Con Cua ở phía tây tới chòm Cái Cân ở phía đông. Sáu ngôi sao tụ tập phía dưới chòm Con Cua là “cái đầu” con thủy quái này. Ngôi sao sáng nhất chòm ( Hydrae), cấp 2, được người Arập đặt tên là Alphard nghĩa là “lẻ loi”, vì xung quanh nó không có ngôi sao nào sáng. Người ta cũng thường gọi nó là Tim Hyđra hoặc Tim Rắn Lớn. Cả chòm có khoảng 130 ngôi sao sáng tối thiều đến cấp 6 (có ít nhất 68 sao nhìn rõ bằng mắt thường, tức là có cấp sao đến 5,5).
Rắn Nước (tên Latinh: Hydrus, gốc từ tiếng Hy Lạp nghĩa là “rắn nước”), tên tiếng Hán: Thủy Xà. Chòm sao trời nam do Bayec đặt tên. Trong chòm có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6. Thiên hà Mây Magienlăng Nhỏ nằm ở chòm sao này.
Song Tử, gốc tiếng hán nghĩa là Trẻ Sinh Đôi (Gemini). Chòm sao Hoàng đạo nổi bật được thể hiện là hai đứa con sinh đôi. Hai ngôi sao Castor và Pollux là hai cái đầu của đôi trẻ, còn thân thể chúng kéo xuống phía Ngân Hà, về hướng chòm Thợ Săn. Người Hy Lạp đã gọi các ngôi sao này như vậy để ghi nhớ các con trai của thần Dớt và Lêđa là Caxto (Castor) và Poliđecơ (Polydeukes), rồi chuyển sang dạng Latinh hóa là Pôlucxơ (Pollux).
Bayec đã đánh số sao Castor là Geminorum, mặc dù nó yếu hơn Pollux. Như vậy, hoặc là từ đó đến nay Pollux sáng hơn hoặc là Castor yếu đi. Mà cũng có thể là Bayec đã nhầm.
Pollux ( Geminorum) là ngôi sao màu vàng sáng nhất chòm (cấp 1,15) và sáng thứ 17 trên trời. Độ trưng thực sự của nó gấp 45 lần Mặt Trời và nó ở cách chúng ta 35 năm ánh sáng.
Castor ( Geminorum), ngôi sao sáng thứ 23 trên trời, thực ra là một hệ sao ba nhìn thấy được, trong đó hai thành phần chính của nó là các cặp sao đôi quang phổ và quay xung quanh nhau với chu kỳ 467 năm, còn thành phần thứ ba yếu là sao Đôi che khuất, quay quanh các cặp chính với chu kỳ có lẽ hơn 1 vạn năm. Như vậy Castor là sao bội (sao chùm) gồm 6 sao. Nó ở cách chúng ta 45 năm ánh sáng. Vào tháng chạp hàng năm còn có sao băng (vẫn tinh) Geminid loé sáng ở trong chòm sao này. Cả chòm có khoảng 70 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Sông Cái, tên tiếng Hán: Ba Giang (nghĩa là Sông Pô), tên Latinh:
Eridanus. Eridanus là tên cổ, dùng trong thi ca của sông Pô (Italia). Tuy nhiên các dân tộc khác lại đồng nhất Eridanus với sông Ơphơrat (Irắc) hoặc sông Nin (Châu Phi). Con “sông cái” trên trời này có đầu nguồn gần sao Riget (chòm Thợ Săn), “chảy” theo hướng tây nam và kết thúc ở sao Eridani, mà tên riêng của sao này là Achernar (theo tiếng Arập nghĩa là “kết thúc dòng sông”), Người Trung Hoa lại gọi Achernar là sao Xạ Thủ.
Đây là chòm sao lớn thứ sáu trên trời và có khoảng 100 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Sống Thuyền (Carina), tên tiếng Hán: Thuyền Để (đáy thuyền). Một trong ba chòm sao tách ra từ chòm sao lớn Thuyền Acgô (Nam Thuyền). Niềm tự hào của chòm này là ngôi sao tuyệt vời Canopus (người Trung Hoa gọi là sao Lão Nhân), sáng thứ nhì trên bầu trời với cấp sao -0,73. Đây là sao siêu kềnh màu vàng trắng cách Trái Đất khoảng 120 năm ánh sáng. Một đối tượng thú vị khác là sao eta () Carinae nằm giữa một tinh vân khí khổng lồ, có lẽ cách ta khoảng 9000 năm ánh sáng. Trong quá khứ sao này đã biến quang rất bất ngờ và một số nhà thiên văn cho rằng có thể nó sẽ nổ thành sao siêu mới trong vòng 1 vạn năm nữa. Nó được coi là ngôi sao nặng nhất với khối lương lớn gấp 200 lần Mặt Trời, và có độ trưng tuyệt đối lớn nhất gấp Mặt Trời 6,5 triệu lần. Cả chòm có khoảng 110 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Sư Tử (Leo), tên tiếng Hán: Sư Tử. Chòm sao Hoàng đạo nằm giữa hai chòm Con Cua và Trinh Nữ. Chòm sao này đã được người Sume biết tới từ 5000 năm trước. Thần thoại Hy Lạp gắn chòm sao này với con sư tử xứ Nêmêa bị Hêrăclơ (tức Hecquyn) giết chết. Hình dáng chòm sao quả thực giống con sư tử nằm. “Đầu” và bờm nó còn được gọi là Cái Liềm (Sickle) vì có dáng cong cong. Chân trước có ngôi sao sáng Regulus ( Leonis), nghĩa là “sao vua”. Phía đuôi có ngôi sao Đenebola (13 Leonis) gốc tiếng Arập nghĩa là "đuôi sư tử". Cả chòm có khoảng 70 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Sư Tử Nhỏ (Leo Minor), tên tiếng Hán: Tiểu Sư. Tên gọi do Hêvêli đặt cho chòm sao nằm ở phía trên (phía bắc) chòm Sư Tử và phía dưới chòm Gấu Lớn. Không có sao sáng, có khoảng 20 sao trên cấp 6.
Tam Giác (Triangulum), tên tiếng Hán: Tam Giác. Chòm sao cổ nhỏ, nằm ở phía đông nam chòm Tiên Nữ, Có khoảng 15 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Đối tượng quan trọng nhất trong chòm là thiên hà xoắn M33, thành viên của nhóm thiên hà địa phương, giống như tinh vân Tiên Nữ (M31). M31 và M33 ở vị trí đối xứng qua sao And và ở cách chúng ta 2 triệu năm ánh sáng. Nhưng khác với tinh vân Tiên Nữ hầu như được nhìn từ cạnh sườn, thiên hà M33 quay mặt phẳng về phía chúng ta,
Tam Giác Phương Nam (Triangulum Australe), tên tiếng Hán: Nam Tam Giác. Chòm sao do Bayec đặt tên, nằm trên Ngân Hà ở phía nam chòm Thước Thợ. Có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Tắc Kè (Chamaeleon, nghĩa là tắc kè hoa), tên tiếng Hán: Yển Đình hay bị nhầm thành Yển Diên. Chòm sao trời nam, do Bayec đặt tên. Có xích kinh từ 7h 32m đến 13h 48m, xích vĩ từ -75,2o đến -82,8o. có 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Thằn Lằn (Lacerta), tên tiếng Hán: Hát Hổ. Chòm sao này lần đầu tiên xuất hiện trong atlat sao của Hêvêli. Nằm giữa chòm Thiên Nga và chòm Tiên Nữ. Có 35 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Thiên Nga (Cygnus), tên tiếng Hán: Thiên Nga. Chòm sao này có hình chữ thập nổi bật gồm các sao sáng trên Ngân Hà, nên còn được gọi là chòm Chữ Thập Phương Bắc. Người Babilon đã gọi nó là chòm Chim Rừng, người Arập thì gọi là Gà Mái; còn người Hy Lạp thì gọi là Thiên Nga. Con thiên nga quay đầu về hướng tây nam, bay trên sông Ngân. Theo thần thoạt, chính thần Dớt đã biến thành con thiên nga để quyến rũ Hoàng hậu xứ Xpacta là Lêđa, rồi sánh duyên với nàng và sinh ra Hêlen kiều diễm và hai cậu bé sinh đôi Caxto và Pôliđeco (tức là Pôlucxo) (hai ngôi sao ở chòm Song Tử).
Trên đỉnh chữ thập, tức là đuôi con thiên nga, có ngôi sao sáng Đeneb ( Cygni) nghĩa là “đuôi gà”. Cùng với sao Vega (Chức Nữ) của chòm Cây Đàn và sao Altair (Ngưu Lang) của chòm Đại Bàng, ngôi sao này tạo thành một hình tam giác lớn vào mùa hè và mùa thu.
Trên Ngân Hà, gần sao Đeneb và Cyg có một vùng tối. Đó là tinh vân Bao Than Phương Bắc, hay còn gọi là tinh vân Bắc Mỹ (vì hình dạng giống lục địa Bắc Mỹ, mã số NGC 7000. Phía trên nữa còn có quần sao M39 nom như một đốm nhòe.
Ở đầu thiên nga có sao Albireo ( Cygni), một sao đôi đẹp với hai thành phần màu vàng và xanh lơ. Trong chòm còn có nguồn bức xạ vô tuyến mạnh Cygnus A (Thiên Nga A), có lẽ là một thiên hà đôi, và nguồn X quang Cygnus X-1, có lẽ là nơi có lỗ đen.
Thợ Săn (Orion)1tên tiếng Hán: Lạp Hộ (người đi săn). Trong thần thoại Hy Lạp, Ôriôn là con trai thần biển Pôxâyđôn và Ơrialơ và là người đi săn tài giỏi. Chàng được nữ thần Actêmit (tức Điana) yêu nhưng vô tình bị nàng giết chết. Điana bèn biến Ôriôn thành chòm sao trên trời. Có tác giả Việt Nam gọi Ôriôn là chòm sao Tráng Sĩ.
Đây là chòm sao tráng lệ nhất trên trời xuất hiện vào đêm tháng 1-2 và dễ nhận ra hình tượng người đi săn tay phải giơ chuỳ, tay trái cầm mộc. Bốn ngôi sao ở 4 góc tạo thành một hình gần như chữ nhật: Betelgeuse (nghĩa là “nách”), ở nách phải Ôriôn, Bellatrix () ở vai trái, Saiph () ở chân phải và Rigel ở chân trái.
Betelgeuse ( Orionis) là sao siêu kềnh màu đỏ với độ trưng lớn gấp 15.000 lần Mặt Trời. Nó là sao biến quang có cấp sao thay đổi từ 0,4 đến 1,3 với chu kỳ khoảng 6 năm. Sách kỷ lục Guinness coi đây là ngôi sao lớn nhất, với đường kính lớn gấp khoảng 500 lần đường kính Mặt Trời. Rigel (Orionis) sáng hơn Betelgeuse, cấp sao 0,2. Ngôi sao màu trắng xanh này có độ trưng lớn gấp 80 lần Mặt Trời. Người Ai Cập cổ đại ban đầu gắn sao Rigel với Xakhơ, chúa tể của các sao và là thần bảo trợ cho người chết, rồi sau với Ôxirit, vị thần Âm phủ.
Giữa hình chữ nhật có 3 ngôi sao dàn hàng thành cái Thắt lưng của Ôriôn, đó là các sao Alnitak (), Alnilam () và, Mintaka (). Nếu kẻ một đường thẳng theo cái Thắt lưng này, ta sẽ gặp Sirius, màu xanh của chòm Chó Lớn ở phía đông nam và Alđebaran màu đỏ của chòm Con Trâu ở phía tây bắc.
Phía dưới Thắt lưng, nơi có giắt thanh kiếm của Ôriôn, là tinh vân Ôriôn Lớn (M42), ở cách ta khoảng 1000 – 1500 năm ánh sáng. Đây chỉ là phần nhỏ nhìn thấy được do bị các sao trẻ đốt nóng của một đám mây khổng lồ, nơi đang hình thành các sao. Các quá trình chủ yếu dẫn tới sự ra đời của các ngôi sao diễn ra trong lòng những đám mây khí khổng lồ và rất lạnh (-2500C) bao trùm gần như toàn bộ chòm sao Thợ Săn. Cạnh ngôi sao phía đông của Thắt lưng ( Orionis) còn có một tinh vân tối có tên là Đầu Ngựa (Hor sehead).
Cả chòm có khoảng 120 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Thước Thợ (Norma), tên tiếng Hán: Củ Xích (thước vẽ hình vuông của thợ mộc). Chòm sao do Lacai đặt tên, nằm ở phía bắc chòm Tam Giác Phương Nam. Có khoảng 20 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Tiên Hậu (Hoàng hậu Tiên), gốc tiếng Hán là tên gọi để chuyển ngữ tên Latinh Cassiopeia. Caxiôpêia (Cassiopeia) là vợ vua Xêphê (Tiên Vương) và là mẹ Anđrômêđa (Tiên Nữ). Nhiều sách tiếng Việt đã gọi chệch đi thành Thiên Hậu.
Đây là một trong những chòm sao đẹp nhất ở phía đối diện với chòm Gấu lớn qua thiên cực bắc. Vào tháng chạp nó ở phía trên thiên cực bắc trên trời và có hình chữ M, còn vào tháng 6, nó có hình chữ W khi ở dưới thiên cực bắc.
Phần lớn chòm, sao nằm trên Ngân Hà và có nhiều quần sao mở thú vị. Chính ở đây vào năm 1572 đã bừng lên ngôi sao mới Tychô Brahê, sáng hơn cả sao Kim: Cả chòm có khoảng 90 sao sáng tối thiểu tới cấp 6.
Tiên Nữ gốc tiếng hán là tên gọi chuyển ngữ từ tên Latinh Andromeda. Theo thần thoại Hy Lạp, Anđrômêđa (Tiên Nữ) là con gái của vua xứ Êthiôpi Xêphê (Tiên Vương) và Hoàng hậu Caxiôpêia (Tiên Hậu). Thần biển Pôxâyđôn hung dữ đã định đem Tiên Nữ làm mồi cho con quái vật biển. Nàng bị xích vào tảng đá ven biển nhưng Pecxê (Dũng Sĩ cưỡi Ngựa Bay đã cứu nàng.
Chòm Tiên Nữ nằm về phía đông bắc hình vuông lớn của chòm Ngựa Bay sáng trên trời thu phía nam. Ngôi sao sáng nhất ( And) cấp 2,2 có tên gọi là Sirrah hoặc Alpheratz chính là góc đông bắc của hình vuông. Các sao sáng tiếp theo: , (Mirach), (Almak) tạo thành một đường chéo cong nối với sao Algo, () của chòm Dũng Sĩ.
Các đối tượng đáng chú ý nhất của chòm sao này là : thiên hà M31 (còn gọi là tinh vân Tiên Nữ) và hai bạn đồng hành của nó là các thiên hà M32 và NGC 205. Tinh vân Tiên Nữ được người Arập biết đến từ thế kỷ X, phải đến thế kỷ XVII các nhà khoa học Châu Âu mới phát hiện ra nó. Về cấu tạo, nó giống Thiên Hà của chúng ta và có đường kính khoảng 120.000 năm ánh sáng. Khoảng cách tới nó là hơn hai triệu năm ánh sáng. Trên trời, nó nằm gần sao And và cách sao Mirach khoảng 60 về phía bắc, hơi chếch sang tây.
Chòm Tiên Nữ có khoảng 100 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Tiên Vương (Vua Tiên) gốc tiếng Hán là tên gọi chuyển ngữ từ tên Latinh Cepheus. Đây là tên vị vua huyền thoại xứ Êthiôpi, chồng của Tiên Hậu và cha của Tiên Nữ. Nhiều sách báo tiếng Việt đã gọi trệch thành Thiên Vương, dễ bị nhầm lẫn với hành tinh Thiên Vương của hệ Mặt Trời. Chòm sao này nằm ở giữa hai chòm Tiên Hậu và Con Rồng. Nó không có sao sáng lắm, và có 60 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Một loại sao biến quang co giãn được gọi là xêphêit (cepheid) dựa theo tên sao biến quang đầu tiên loại này là Cephei trong chòm này. Độ sáng của sao Cephei thay đổi từ cấp 3,8 đến 4,6, được nhà thiên văn Anh Giôn Guđraicơ quan sát năm 1784. Đây là một sao đôi dễ thương.
Ngoài ra sao Garnet ( Cephei) là sao siêu kềnh biến quang, thuộc loại đỏ nhất; cấp sao biến đổi từ 3,6 đến 5. Sao VV Cephei là sao lớn nhất trong số sao chúng ta đã biết, đó là hệ sao đôi biến quang che khuất mà thành phần chính lớn gấp 2000 lần Mặt Trời.
Trinh Nữ (Virgo), tên tiếng Hán: Thất Nữ hoặc Xử Nữ. Chòm sao nằm giữa chòm Sư Tử và chòm Cái Cân trên Hoàng đạo, được thể hiện là trinh nữ tay cầm bó lúa. Trong thần thoại thì Trinh Nữ là nữ thần tình yêu và sự làm mẹ.
Ngôi sao sáng nhất chòm ( Virginis) có tên là Spica (theo tiếng Latinh nghĩa là “bông lúa”) ở vào vị trí bông lúa trên đầu gối Trinh Nữ. Đây là một sao đôi quang phổ, có độ trưng gấp 1500 lần Mặt Trời và cách Trái Đất 140 năm ánh sáng.
Sao Virginis có tên là Porrima cũng rất lý thú. Đây là hệ sao đôi có quỹ đạo kéo ra rất dài và chu kỳ 171 năm. Độ sáng của mỗi sao thành phần có cấp 3,5. Khoảng cách tối đa giữa chúng là 6” vào năm 1925 và đến năm 2011 khoảng cách ấy sẽ giảm xuống còn 0,5”.
Cạnh sao Virginis còn có thiên hà M87 rất thú vị (chính nó là thiên hà vô tuyến Trinh Nữ A) có cấp sao khoảng 9. Đây là một hệ sao elip khổng lồ mà từ nhân của nó phóng ra dòng plasma hùng hậu (một quần thiên hà gồm khoảng 3000 thiên hà cách ta 50 triệu năm ánh sáng, mà tâm là thiên hà M87). Trong chòm này còn có quada 3C 273, sáng nhất và vào loại gần chúng ta nhất (cách khoảng 3 tỉ năm ánh sáng). Nhưng ngay cả quada này cũng xa và yếu (cấp sao 12), nên chỉ nhìn thấy được qua kính thiên văn cỡ lớn.
Chòm Trinh Nữ có diện tích lớn thứ hai trên thiên cầu và có 95 sao sáng tối thiểu đến cấp 6.
Tóc Tiên, tên tiếng Hán: Hậu Phát (tóc Hoàng Hậu), tên Latinh: Coma Berenices nghĩa là “tóc của Bêrênixơ”. Chòm sao nằm giữa chòm Chó Săn (phía bắc) và Trinh Nữ (phía nam). Êraxtôxthen (thế kỷ III trước Công nguyên) đã gọi đây là “Tóc của Ariatnơ" (Ariadne), con gái vua Minôt trong thần thoại. Sau đó Ptôlêmê xếp các sao chòm này vào chòm Sư Tử. Chỉ đến năm 1602 chòm Tóc Tiên mới được chính thức đưa vào danh mục của Tychô Brahê. Chòm sao được đặt tên để ghi nhớ Hoàng hậu Bêrênixơ, vợ vua Ai Cập Ptôlêmê III Êvecgiet (trị vì vào các năm 246-221 trước Công nguyên). Theo truyền thuyết, bà đã cắt mái tóc đẹp của mình dâng lên đền thờ Thần Vệ Nữ để tỏ lòng biết ơn các đấng thần linh đã ban cho chồng bà những chiến thắng quân sự. Khi mớ tóc biến mất khỏi đền, nhà thiên văn kiêm tư tế Cônôn đã tâu với Hoàng hậu rằng thần Dớt đã đem tóc bà lên trời.
Chòm sao này ít sao sáng, có khoảng 50 sao sáng tối thiểu đến cấp 6. Trong chòm có quần sao mở khá nhỏ tên là Melotte III ở ngay chỗ sao của chòm. Thiên cực bắc ở trong phạm vi chòm này, cách Melotte III khoảng 5o về phía đông.
Xà Phu, tên gốc Hán nghĩa là “người mang rắn” (tên Latinh Ophiuchus cũng có nghĩa như vậy). Thần thoại Hy Lạp gắn Xà Phu với vị thần nghề y vĩ đại Axclêpi; mà vật bất ly thân của ông là con rắn. Ông là học trò của con nhân mã thông thái Hirôn giỏi nghề y. Lớn lên, Axclêpi quyết tâm làm sống lại những người đã chết. Vì sự táo tợn ấy mà thần Dớt nổi trận lôi đình giáng sét vào ông và đem ông đặt lên trời.
Chòm sao này nằm ở phía nam chòm Lực Sĩ. Con rắn trong tay Xà Phu thò ra hai phía, trở thành chòm sao Con Rắn, có phần đầu và phần đuôi tách rời nhau. Trong chòm này có nhiều quần sao và sao mới lặp lại RS Ophiuchi. Đặc biệt có sao Barnard là sao có chuyển động riêng nhanh nhất so với bất cứ sao nào khác đã biết: cứ 350 năm đi được 10 trên trời (tức là l0” trong một năm). Sao được đặt theo tên nhà thiên văn Mỹ Etuôt Banơt, người đã phát hiện ra hiện tưọng này. Đây là sao trắt đỏ khá yếu (cấp sao 10), nên chỉ nhìn thấy qua kính viễn vọng. Chòm này có khoảng 100 sao sáng tối thiểu đến cấp 6. Tuy không phải là chòm sao Hoàng đạo, nhưng Mặt Trời hàng năm vẫn ở trong chòm sao này 20 ngày, từ 27 – 11 đến 17 - 12.