ĐƯỜNG ĐI MỘT NGÀY ĐÊM CỦA MẶT TRỜI
Hàng ngày, sau khi nhô khỏi chân trời ở phía đông bầu trời, Mặt Trời “đi” trên bầu trời rồi lặn ở phía tây. Đối với người dân ở bán cầu bắc chuyển động này diễn ra từ bên trái sang bên phải khi họ đứng quay mặt về phía Mặt Trời, còn đối với người ở bán cầu nam thì từ phải sang trái. Đến giữa trưa Mặt Trời lên đến độ cao tối đa, mà các nhà thiên văn thường nói là lên đỉnh điểm hoặc đi qua trung thiên (lúc đó nó cắt trung tuyến trời). Giữa trưa (giờ ngọ) tương ứng với trung thiên trên (điểm đỉnh phía trên, còn trung thiên dưới (điểm đỉnh phía dưới) ở vào lúc nửa đêm (giờ tý). Ở các vĩ độ trung bình và thấp thì không nhìn thấy trung thiên dưới của Mặt Trời. Nhưng ở phía trên Vòng Bắc Cực, nơi mà mùa hè Mặt Trời có khi không lặn thì có thể quan sát được cả trung thiên trên lẫn trung thiên dưới.
Ở ngay tại cực địa lý của Trái Đất đường đi một ngày đêm (nhật động) của Mặt Trời gần như song song với đường chân trời. Xuất hiện vào ngày Xuân phân trong thời gian một quý (1/4 năm) Mặt Trời nhô lên ngày càng cao, vẽ thành các vòng tròn phía trên chân trời. Vào ngày Hạ chí, nó đạt độ cao tối đa (23,5o). Sang quý sau, cho đến ngày Thu phân, Mặt Trời hạ dần độ cao. Đó là một ngày cực (kéo dài 6 tháng). Nửa năm kế tiếp Mặt Trời không xuất hiện: đó là đêm cực.
Ở các vĩ độ trung bình trong suốt một năm, đường đi nhật động biểu kiến (nhìn thấy) của Mặt Trời khi dài khi ngắn. Đường đi ấy ngắn nhất vào ngày đông chí và dài nhất vào ngày Hạ chí. Vào các ngày phân (Xuân phân hoặc Thu phân) Mặt Trời ở trên xích đạo trời. Vào những ngày này nó mọc ở đúng điểm đông và lặn đúng điểm tây.
Trong khoảng thời gian từ ngày Xuân phân đến ngày Hạ chí, điểm mọc của Mặt Trời xê dịch từ điểm đông lên phía bắc về phía trái và điểm lặn cũng lùi khỏi điểm tây về phía phải, tức là cũng lên phía bắc. Vào ngày Hạ chí Mặt Trời xuất hiện ở phía đông bắc đến trưa nó lên tới điểm đỉnh (trung thiên) cao nhất trong cả năm (nếu nhìn từ một địa điểm từ chí tuyến bắc trở lên phía bắc, rồi lặn ở hướng tây bắc.
Sau ngày đó các điểm mọc và lặn của Mặt Trời lại xê dịch dần xuống phía nam. Vào ngày đông chí Mặt Trời mọc ở hướng đông nam, cắt trung tuyến trời ở độ cao thấp nhất trong năm rồi lặn ở hướng tây nam. Nên nhớ rằng, do sự khúc xạ ánh sáng trong khí quyển, độ cao biểu kiến của Mặt Trời luôn luôn lớn hơn độ cao thực. Vì thế ta thấy Mặt Trời mọc sớm hơn và lặn muộn hơn so với trường hợp không có khí quyển.
Như vậy, đường đi nhật động của Mặt Trời là một vòng tròn nhỏ của thiên cầu song song với xích đạo trời. Trong suốt một năm Mặt Trời luôn dịch chuyển so với xích đạo trời khi thì về phía bắc, khi thì về phía nam. Phần ban ngày và phần ban đêm của đường đi Mặt Trời nói chung cũng không bằng nhau. Hai phần ấy chỉ bằng nhau vào các ngày phân (Xuân phân và Thu phân), khi mặt trời ở đúng xích đạo trời.