Tài liệu: Nghiên cứu Mặt Thổ

Tài liệu
Nghiên cứu Mặt Thổ

Nội dung

NGHIÊN CỨU SAO THỔ

 

Con tàu đầu tiên tới thăm những vùng lân cận của sao Thổ là "Pioneer -11". Nó được phóng lên vũ trụ ngày 1- 9- 1979 và bay cách lớp mây của hành tinh này 21.400 km. Từ trường của sao Thổ mạnh hơn Trái Đất, nhưng yếu hơn sao Mộc. Các máy móc đã xác định được khối lượng sao Thổ. Theo đặc tính của trường hấp dẫn các nhà khoa học đã rút ra kết luận rằng cấu tạo bên trong của sao Thổ cũng giống như cấu tạo của sao Mộc. Qua những số liệu đo bức xạ hồng ngoại các nhà khoa học đã xác định được nhiệt độ bề mặt nhìn thấy được của sao Thổ. Nó vào khoảng 100 K và điều này chứng tỏ rằng hành tinh này bức xạ gấp đôi nhiệt lượng mà nó hấp thụ ở Mặt Trời. Ở những vĩ độ cao rất có thể đã có những hiện tượng cực quang.

Lần đầu tiên các nhà khoa học đã có ảnh vệ tinh Titan - vệ tinh lớn nhất trong gia đình các vệ tinh của sao Thổ, nhưng tiếc rằng độ phân giải của nó rất thấp. Những bức ảnh về các vành sao Thổ trông rất khác thường. Mặt không được Mặt Trời chiếu sáng của các vành này lại hướng về phía con tàu bởi vậy máy móc đã ghi nhận được ánh sáng đi xuyên qua các vành này chứ không phải ánh sáng phản chiếu từ chúng.

"Pioneer - 11" đã rời khỏi hệ Mặt Trời nhưng những tín hiệu của nó vẫn bắt được qua các ăngten ở trên mặt đất.

Những bức ảnh chất lượng cao hơn đã nhận được nhờ những chuyến bay của các trạm "Voyager" khi bay ngang qua sao Thổ. Vì chịu ảnh hưởng lực hút của sao Mộc, nên các trạm này đã thay đổi quỹ đạo đường bay và hướng về sao Thổ. Trên các bức ảnh về các tầng mây bao phủ hành tinh này ta thấy rõ những dải xoáy những cơn lốc, những vầng hào quang và những vệt màu khác nhau từ màu vàng tới màu nâu, làm ta nhớ lại một hiện tượng tương tự ở trên sao Mộc. Trạm vũ trụ cũng khám phá được một vết đỏ có bề ngang khoảng 1250 km và những hình ôvan màu tối sẫm biến nhanh. "Voyager - 1, lần đầu tiên đã chứng minh được rằng hệ thống các vành sao Thổ bao gồm hàng ngàn vành nhỏ hẹp riêng biệt. Nó cũng phát hiện ra 6 vệ tinh mới. Khi bay ngang qua vệ tinh Titan ở khoảng cách 4030 km, nó cũng xác định được rằng thành phần cơ bản nhất trong khí quyển của vệ tinh Titan là nitơ chứ không phải là mêtan như đã tưởng trước đây. Người ta cũng ghi nhận được một số thông tin về các vệ tinh khác của sao Thổ: Têthit, Minat, Điônê, Rêa và Enxelat. Tàu "Voyager - 1" đã thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản của mình và sau đó đã rời hệ Mặt Trời.

"Voyager -2" đã bay đến được gần sao Thổ nhất. Trong hệ thống các vành sao Thổ hóa ra có rất nhiều các vành nhỏ riêng biệt, được hình thành từ vô số các phần tử nước đá, những mảnh vụn to và nhỏ. Trên vệ tinh Têthit, "Voyager -2" đã khám phá ra được một núi miệng phễu lớn nhất trong toàn bộ hệ thống của sao Thổ, với đường kính 400 km và sâu 16 km. Sau cuộc "gặp gỡ" với sao Thổ, quỹ đạo bay của "voyager -2" đã thay đổi đến mức vào tháng l 1986 nó bay ngang qua gần sao Thiên Vương.

Những nghiên cứu mới về sao Thổ các vành của nó cùng những vệ tinh bay xung quanh hành tinh này nằm trong một dự án mang tên "Cassini". Vào tháng 10-1997 con tàu Cassini của NASA đã được phóng lên vũ trụ sẽ đến vùng lân cận sao Thổ vào tháng 6-2004 theo một quỹ đạo bay phức tạp và sẽ tiến hành những quan sát trong suốt 4 năm. Điều thú vị nhất trong dự án này là sẽ thả một thiết bị thăm dò đặc biệt xuống vùng khí quyển vệ tinh Titan.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/453-02-633329787624462500/Nhung-cuoc-tham-hiem-vu-tru-trong-he-Mat-T...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận