Tài liệu: Nghiên cứu sao hỏa và các vệ tinh của nó

Tài liệu
Nghiên cứu sao hỏa và các vệ tinh của nó

Nội dung

NGHIÊN CỨU SAO HỎA VÀ CÁC VỆ TINH CỦA NÓ

 

Một chuyến bay lên sao Hoả phải mất từ 6 đến 8 tháng trời. Bởi vì khoảng cách giữa Trái Đất và sao Hoả luôn luôn thay đổi, còn khoảng cách tối thiểu giữa chúng (khi hai hành tinh này ở vị trí xung đối, tức là chúng thẳng hàng với Mặt Trời và Trái Đất ở giữa) chỉ có một lần trong hai năm nên phải lựa chọn thời điểm xuất phát của chuyến bay sao cho sao Hoả nằm ở giao điểm với quỹ đạo của con tàu vũ trụ khi con tàu này đạt tới quỹ đạo của nó.

Con tàu "Mars - 1" của Liên Xô xuất phát vào tháng 11 - 1962 là chuyến bay đầu tiên về phía sao Hoả. Nó bay ngang qua cách hành tinh này 197000 kilômet. Những bức ảnh về bề mặt của hành tinh này đã được con tàu của Mỹ "Mariner - l" phóng hai năm sau đó chụp được. Con tàu này đã bay ngang cách bề mặt của sao Hoả 10000 kilômet vào ngày 15-7- 1965. Té ra là sao Hoả cũng bị phủ đầy các núi miệng phễu. Các nhà khoa học cũng xác định được chính xác hơn khối lượng của hành tinh này cùng thành phần khí quyển của nó. Vào năm 1969 các trạm "Mariner -6, -7" đã đi cách sao Hoả 3400 km và truyền về Trái Đất vài chục bức ảnh với độ phân giải là 300 m, đồng thời chúng cũng đo được nhiệt độ vùng chỏm cực nam (-1250C).

Vào tháng 5- 1971 các con tàu "Mars -2, -3" và "Mariner -9" đã được phóng về phía sao Hoả. Mỗi con tàu "Mars - 2, -3" có khối lượng nặng tới 4,65 tấn và đều có khoang buồng bay trên quỹ đạo và phần môđun tách rời để hạ cánh. Chỉ có môđun tách rời của con tàu "Mars -3" mới thực hiện được việc hạ cánh nhẹ nhàng.

Các con tàu vũ trụ “Mars -2, -3” đã thực hiện các nghiên cứu từ quỹ đạo các vệ tinh nhân tạo, đồng thời truyền những số liệu về các tính chất của khí quyển và bề mặt của sao Hoả dựa theo đặc tính bức xạ của tia nhìn thấy được, tia hồng ngoại và tử ngoại, cũng như của dải sóng vô tuyến. Các máy này đo nhiệt độ ở cực bắc của hành tinh (thấp hơn -1100C), xác định chiều dày, thành phần và nhiệt độ của khí quyển nhiệt độ bề mặt của hành tinh, đồng thời cũng thu được những số liệu về độ cao của các đám mây bụi và về từ trường yếu, cũng như những ảnh màu của sao Hoả.

"Mariner -9" cũng được phóng lên quỹ đạo thành một vệ tinh nhân tạo của sao hoả với một chu kỳ khoảng 12 giờ. Nó truyền về Trái Đất 7329 bức ảnh sao Hoả với độ phân giải là 100 m, cùng những bức ảnh các vệ tinh của sao hoả là Phôbôt và Đâymôt. Trên những tấm ảnh bề mặt sao Hoả cũng thấy rõ những núi lửa khổng lồ đã tắt rất nhiều hẻm vực và thung lũng lớn nhỏ làm cho ta liên tưởng tới các dòng sông khô cạn. Các núi miệng phễu ở sao hoả khác với những núi miệng phễu ở trên Mặt Trăng ở các dạng đá thải (đây là bằng chứng về vùng băng ở dưới bề mặt), và ở những dấu vết của hiện tượng nước ăn mòn và của những luồng gió mạnh.

Toàn bộ phi đội gồm 4 tàu vũ trụ "Mars -4, -5, -6, -7" được phóng lên quỹ đạo vào năm 1973, đã đến được vùng gần sao hoả vào đầu năm 1974. Do hư hỏng của hệ thống hãm trên tàu "Mars -4", nên nó bay quay cách bề mặt của hành tinh này 2200 km và chỉ thực hiện được việc chụp ảnh. Con tàu "Mars -5" đã tiến hành các nghiên cứu từ xa bề mặt và khí quyển từ trên quỹ đạo của vệ tinh nhân tạo. Phần máy hạ cánh của tàu "Mars -6" đã thực hiện đổ bộ nhẹ nhàng lên bề mặt hành tinh ở phía nam bán cầu. Nó đã truyền về Trái Đất những số liệu về thành phần hoá học, áp suất và nhiệt độ của khí quyển. "Mars -7" đã bay ngang qua cách bề mặt hành tinh này 1300 km và đã không thực hiện được chương trình của mình.

Những chuyến bay của hai con tàu "Viking" của Mỹ, phóng lên vũ trụ vào năm 1975 là có kết quả nhất. Trên tàu đã có những camêra truyền hình, máy đo phổ hồng ngoại, để ghi nhận hơi nước trong khí quyển và các máy do bức xạ để thu nhận những số liệu về nhiệt độ. Máy hạ cánh của con tàu "Viking - 1" đã hạ cánh nhẹ nhàng lên đồng bằng Crixơ (Chryse Planitia vào ngày 20-7- 1976, còn máy hạ cánh của con tàu "Viking -2" hạ cánh lên đồng trống Không Tưởng (Utopia Planitia) vào ngày 3-9- 1976. Tại những nơi hạ cánh các máy móc đã tiến hành các thí nghiệm độc đáo nhằm khám phá ra các dấu hiệu của sự sống trong đất đá sao Hoả.

Một thiết bị đặc biệt đã lấy mẫu đất rồi cho vào một trong những hòm kín có nước hoặc các chất dinh dưỡng. Bởi vì bất kỳ một cơ thể sống nào sẽ thay đổi môi trường sống của mình các máy móc cần phải ghi nhận được điểm đó. Mặc dù đã quan sát thấy một vài thay đổi môi trường trong chiếc hòm kính nhưng một chất ôxy hoá mạnh cũng có thể dẫn tới điều đó. Vì thế các nhà bác học vẫn chưa thể khẳng định được chắc chắn rằng những thay đổi này là kết quả hoạt động của các vi sinh vật.

Từ trên các trạm quỹ đạo người đã thực hiện việc chụp ảnh chi tiết bề mặt sao hoả và các vệ tinh của nó. Trên cơ sở những thông tin thu nhận được người ta đã lập ra những bản đồ Chi tiết bề mặt của hành tinh này; bản đồ địa chất, bản đồ nhiệt và các bản đồ chuyên biệt khác.

Nhiệm vụ của các trạm "Phobos -1, -2" của Liên Xô phóng lên sao Hoả sau 13 năm gián đoạn là nghiên cứu sao hoả và vệ tinh Phôbôt của nó. Do phát đi lệnh sai lệch ngay từ trên Trái Đất nên "Phobos -l" bị mất hướng và không thể khôi phục được liên lạc với thiết bị máy. "Phobos -2" được phóng lên quỹ đạo thành vệ tinh nhân tạo bay quanh sao hoả vào tháng 1 năm 1989. Nhờ những phương pháp nghiên cứu từ xa các máy móc đã ghi nhận được những thay đổi nhiệt độ trên bề mặt sao Hoả và những thông tin số liệu về các tính chất của đất đá của vệ tinh Phôbôt, 38 bức hình nhận được với độ phân giải là 40 m. Đã đo được nhiệt độ bề mặt của Phôbôt. Ở những điểm nóng nhất nhiệt độ lên tới 300C. Rất tiếc là đã không thực hiện được chương trình cơ bản về nghiên cứu vệ tinh Phôbôt. Ngày 27-3-1989 người ta đã mất liên lạc với trạm thăm dò này.

Một loạt những thất bại đã không dừng ở đó. Trạm vũ trụ của Mỹ "Mars - Observer" được phóng lên vào năm 1992 cũng không thực hiện được nhiệm vụ của nó. Liên lạc đã bị mất vào ngày 21 -8-1993. Trạm "Mars - 96" của Nga cũng không đưa được lên quỹ đạo bay về phía sao Hoả. Tháng 7- 1997, con tàu "Mars Pathfinder" (Người tìm đường sao Hoả) đã đưa được lên sao Hoả cỗ xe tự hành đầu tiên và đã nghiên cứu thành công thành phần hoá học của bề mặt hành tinh cũng như những điều kiện khí tượng.

Năm 1998, Nhật Bản đã lập kế hoạch phóng lên sao Hoả một trạm quỹ đạo "Planet - B". Vào năm 2003, cơ quan vũ trụ Châu Âu, Mỹ và Nga dự định lập mạng lưới các trạm đặc biệt trên sao Hoả. Họ cùng đã lập chương trình cho những chuyến bay lên sao Hoả có các nhà du hành vũ trụ. Cuộc thám hiểm này sẽ phải mất hai năm vì khi quay về họ phải đợi khi nào có tương quan vị trí thuận lợi giữa hai hành tinh Trái Đất và sao Hoả.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/453-02-633329786643368750/Nhung-cuoc-tham-hiem-vu-tru-trong-he-Mat-T...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận