Tài liệu: Nghiên cứu Mặt Trăng

Tài liệu
Nghiên cứu Mặt Trăng

Nội dung

NGHIÊN CỨU MẶT TRĂNG

 

Mặt Trăng là thiên thể gần Trái Đất nhất nên đương nhiên trở thành thiên thể đầu tiên có các máy móc vũ trụ được phóng lên.

Trạm tự động liên hành tinh của Liên Xô thế hệ thứ nhất là các trạm "Luna - l , -2, -3" đã không phải xử lý điều chỉnh lại lộ trình từ Trái Đất lên Mặt Trăng, và cũng không phải dùng phanh hãm khi bay tới gần Mặt Trăng. Chúng đã thực hiện những chuyến bay thẳng. Xuất phát từ Trái Đất ngày 2 tháng 1 năm 1959, trạm "Luna - 1" với khối lượng 361 kg lần đầu tiên đã đạt được tốc độ vũ trụ cấp II (tức là tốc độ tối thiểu mà một vật thể cần đạt được khi rời khỏi một thiên thể để thắng được sức hút của thiên thể đó; đối với Trái Đất thì tốc độ đó là 11, 19 km/s). Con tàu đó đã vượt được một chặng đường dài để đến cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 6.000 km.

"Luna -2" đã tới được bề mặt Mặt Trăng ngày 14 tháng 9 năm 1959 ở ngay gần kinh tuyến giữa (nơi đổ bộ của trạm này ngày nay được gọi là Vịnh Lunnic). Những thiết bị của trạm này đã khẳng định rằng Mặt Trăng hầu như không có từ trường riêng. Trên trạm "Luna -3" có những thiết bị chụp ảnh truyền hình và lần đầu tiên những bức hình bán cầu nhìn thấy được và khoảng 2/3 phần bán cầu không nhìn thấy được của Mặt Trăng đã được truyền về Trái Đất. Trên những bức ảnh này có khá nhiều những khiếm khuyết. Mặc dù vậy, các nhà bác học cũng làm sáng tỏ được rất nhiều những chi tiết trên bề mặt phía bên kia của Mặt Trăng. Những núi miệng phễu (crate) do "Luna -3" khám phá đã lần lượt được đặt tên là Xiôncôpxki, Cuôcchatôp, Gioocđanô Brunô, Giuyn Vecnơ. . .

Các trạm thăm dò vũ trụ của Mỹ "Ranger -7, -8, -9" phóng lên vũ trụ vào năm 1964, 1965, khi rơi xuống Mặt Trăng đã thu được những tấm ảnh cỡ lớn chụp những vùng riêng trên bề mặt của bán cầu nhìn thấy được Trõm "Zond - 3" của Liên Xô đã thực hiện việc chụp nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng.

Trạm tự động Luna -9" của Liên Xô đã thực hiện việc đổ bộ nhẹ nhàng đầu tiên lên Mặt Trăng vào tháng 2 năm 1966. Các camera truyền hình đã truyền được về Trái Đất toàn cảnh khu vực xung quanh nó, với độ phân giải tới vài milimet. Cũng trong năm 1966 Liên Xô đã phóng những vệ tinh nhân tạo "Luna -10, - 11, -12" lên quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng. Trên những vệ tinh này có đặt những thiết bị để nghiên cứu thành phần phổ của bức xạ hồng ngoại và tia gamma phát ra từ bề mặt Mặt Trăng thiết bị để ghi nhận các phần tử thiên thạch. Cũng năm đó cỗ máy của Mỹ "Surveyor - 1" đã thực hiện việc đổ bộ nhẹ nhàng lên Mặt Trăng và trong thời gian 6 tuần lễ nó đã truyền về Trái Đất những bức ảnh bề mặt Mặt Trăng. Vào cuối tháng 12 năm 1966, "Luna - 13" cũng đã đổ bộ nhẹ nhàng xuống Mặt Trăng. Các máy móc do trạm này mang theo đã nghiên cứu những tính chất của đất trên Mặt Trăng, còn những camera truyền hình đã ghi lại khu vực xung quanh, nơi máy móc đổ bộ.

Các trạm thăm dò vũ trụ của Mỹ "Surveyor -3, -5, -6, -7" (phóng lên vào năm 1967 và 1968) cũng đã đổ bộ nhẹ nhàng xuống các khu vực khác nhau trên Mặt Trăng. Chúng có nhiệm vụ nghiên cứu bề mặt Mặt Trăng và lựa chọn nơi hạ cánh của loạt (xêri) các con tàu "Apollo". Năm vệ tinh Mặt Trăng của Mỹ "Lunar Orbiter" phóng lên vũ trụ vào những năm 1966 - 1967 đã chụp ảnh Mặt Trăng và nghiên cứu trường hấp dẫn của nó. Các vệ tinh này cũng thực hiện việc quay phim chi tiết vùng xích đạo của Mặt Trăng những hình ảnh này rất cần thiết để lựa chọn địa điểm cho các cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng của các con tàu có các nhà du hành vũ trụ.

Việc hoàn chỉnh các công đoạn của chương trình bay lên Mặt Trăng đầu tiên do các con tàu không người lái loạt "Apollo" thực hiện, sau này là loạt tàu vũ trụ có người điều khiển, các tàu "Apollo -8, -9, - 10". Con tàu vũ trụ "Apollo" nặng 44 tấn bao gồm một blốc chính và một cabin để đổ bộ lên Mặt Trăng. Cabin này có bộ phận hạ cánh (mô đun đổ bộ) và bộ phận cất cánh.

Biển Yên tĩnh, nơi đã có các trạm vũ trụ "Ranger -8" và "Surveyor -5" hạ cánh được chọn làm nơi cho cabin Mặt Trăng của con tàu "Apollo" đổ bộ. Các nhà du hành vũ trụ Nin Amxtơrông và Etuyn Onđrin đã đổ bộ lên Mặt Trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969. Người đầu tiên bước ra ngoài cabin là Amxtơrông. Và anh đã nói một câu mà sau này đã trở thành câu nói lịch sử: "Đây là bước chân bé nhỏ của một con người nhưng lại là bước nhảy vọt vĩ đại đối với toàn nhân loại". Các nhà du hành đã đàm thoại với Tổng thống Mỹ thông qua hệ thống liên lạc vô tuyến vũ trụ. Họ cũng đặt một tấm phản xạ bức xạ laze, một địa chấn kế,


chụp một số bức ảnh và lấy về 22 kg mẫu đất đá Mặt Trăng. Họ làm tất cả những công việc đó trong 2 giờ 30 phút. Cũng trong thời gian đó các nhà du hành vũ trụ đã đi ra ngoài cách mô đun đổ bộ của con tàu 100 mét. Còn trên blôc chính của con tàu vẫn đang trên quỹ đạo, nhà du hành vũ trụ Maicơn Côlindơ (Michel Collins) cũng thực hiện những nghiên cứu khoa học.

Các nhà du hành vũ trụ trên con tàu "Apollo -12" phóng lên quỹ đạo ngày 14 tháng 11 năm 1969 là Saclơ Conrat và Alan Bin đã đổ bộ lên vùng Đại dương Bão Táp cách xích đạo Mặt Trăng không xa. Nhà du hành Risơt Gođơn (Richard Gordon) vẫn ở lại trên blôc chính của con tàu bay trên quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng. Conrat và Bin đã hai lần bước ra bề mặt Mặt Trăng, đặt máy móc để nghiên cứu hoạt động nguyệt chấn và thành phần những hạt của gió Mặt Trời trên Mặt Trăng. Bởi vì ngay gần chỗ đổ bộ của con tàu này là nơi trạm "Sulveyor -3" đã đổ bộ lên 2 năm 7 tháng trước đó, các nhà du hành vũ trụ có nhiệm vụ xem xét trạm. Họ không phát hiện được những dấu vết huỷ hoại nào của trạm "surveyor -3", mà chỉ có một lớp bụi màu đỏ phủ lên nó. Lần này họ đã thu thập 34 kg mẫu đất đá Mặt Trăng để đem về.

Phi hành đoàn tàu "Apollo - 13" đã không thể nào thực hiện được cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng vì có vụ nổ ở trong khoang động cơ của blôc chính. Sau khi bay vòng quanh Mặt Trăng, các nhà du hành vũ trụ bay trở về Trái Đất sau 7 ngày.

Tháng 9 năm 1970 trạm tự động "Luna -16" của Liên Xô đã đổ bộ nhẹ nhàng xuống vùng Biển Phì Nhiêu. Tại đó một thiết bị đào đất đặc biệt đã lấy một mẫu đất đá khoảng chừng l05 g, sau đó đổ vào con tàu để mang trở về Trái Đất. Cũng năm đó trạm "Luna -17" lần đầu tiên đã đặt một máy tự hành "Lunokhod - 1" lên Mặt Trăng. Máy này đã đi được một đoạn đường dài 105 km và truyền về Trái Đất rất nhiều ảnh. Nhờ tấm phản chiếu tia laze đặt trên máy tự hành đó các nhà khoa học đã xác định được chính xác khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng.

Cuộc thám hiểm của con tàu "Apollo -14" được tiến hành từ ngày 31 tháng l cho tới ngày 9 tháng 2 năm 1971. Có một phóng sự được truyền trực tiếp từ địa điểm đổ bộ của cabin

Mặt Trăng tại núi miệng phễu Fra Mauro về Trái đất. Các nhà du hành vũ trụ Alan Sêpat và Etga Mitchen đã ở trên bề mặt Mặt Trăng 9 giờ và thu nhập được 44,5 kg đất đá Mặt Trăng. Tháng 9 năm 1971 tại vùng chan núi Apennin con tàu "Apollo -15" đổ bộ cùng với phi hành đoàn. Lần đầu tiên các nhà du hành vũ trụ Đavit Xcôt và Giêmxơ Ơuyn đã sử dụng một xe tự hành để di chuyển trên Mặt Trăng. Họ đã đi trên xe đó được 10 km và tiến hành vô số các công việc nghiên cứu. Nhất là họ đã nghiên cứu một khe sâu có tên gọi là Chòm Râu Hetli, nhưng họ đã không dám xuống phía dưới khe vì không có trang thiết bị chuyên dụng.

 

Tháng 4 năm 1972 phi hành đoàn của cabin Mặt Trăng trên con tàu vũ trụ "Apollo -16" đã thực hiện việc đổ bộ lên vùng lục địa thuộc khu vực núi miệng phễu Đềcac. Vào tháng 12 năm đó người ta cũng đã thực hiện được cuộc thám hiểm thứ 6 và là cuộc cuối cùng trên con tàu "Apollo - 17".

Thiết bị tự hành thứ hai "Lunokhod -2" đã được "Luna - 21" đưa lên Mặt Trăng vào tháng 1 năm 1973. Nó tiếp tục nghiên cứu một vùng khá phức tạp trên Mặt Trăng: khu vực chuyển tiếp từ biển sang lục địa. Nhờ những thiết bị truyền hình đặt trên đó vô số những bức ảnh toàn cảnh và ảnh khu vực xung quanh được gửi về Trái Đất cùng những thông tin về các tính chất của đất đá và thành phần hoá học của nó. Cỗ máy tự hành đã đi tất cả 37 km. Năm 1974, tàu "Luna 22" đã thực hiện việc nghiên cứu địa hình và trường hấp dẫn từ trên quỹ đạo của vệ tinh nhân tạo của Mặt Trăng. Cũng trong năm này "Luna - 23" đã đổ bộ lên vùng Biển Khủng Hoảng. Công cuộc nghiên cứu Mặt Trăng của các trạm tự động của Liên Xô đã được hoàn tất bằng con tàu "Luna -24". Nó đã thực hiện khoan tự động đất đá Mặt Trăng ở Biển Khủng Hoảng ở độ sâu tới 2 m và đưa về Trái Đất 170 kg đất đá vào ngày 22 tháng 8 năm 1976.

Sau những sự kiện này đã lâu cả ở hai nước Liên Xô và Mỹ không hề thực hiện một chuyến bay nào nữa về phía Mặt Trăng. Thật thú vị rằng 14 năm sau. Vào tháng 3 năm 1990, Nhật Bản đã dùng tên lửa "Nisan" để đưa lên quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng một máy tự động "Muses -A" (Hiten) để nghiên cứu từ xa bề mặt Mặt Trăng.

Trạm tự động "Clementine" đã được phóng vào tháng 1 năm 1994 thuộc những thiết bị thế hệ mới có sử dụng vật liệu siêu nhẹ để nghiên cứu. Ngoài việc chụp ảnh bề mặt Mặt Trăng, trạm tự động kể trên còn đo độ cao của địa hình cũng như xác định chính xác độ dày của lớp vỏ Mặt Trăng xác định hình mẫu trường hấp dẫn và một vài tham số khác.

Trong một tương lai không xa sẽ bắt đầu công cuộc chinh phục khai thác Mặt Trăng. Hiện nay người ta đã vạch ra những dự án xây dựng trên bề mặt Mặt Trăng những căn cứ cho con người sinh hoạt thường xuyên trên đó. Sự có mặt thường xuyên hay kéo dài trên Mặt Trăng của những kíp phi hành thay ca nhau ở cơ sở này sẽ cho phép giải quyết được cả những bài toàn khoa học và ứng dụng phức tạp hơn.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/453-02-633329778057587500/Nhung-cuoc-tham-hiem-vu-tru-trong-he-Mat-T...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận