Tài liệu: Nghiên cứu sao kim

Tài liệu
Nghiên cứu sao kim

Nội dung

NGHIÊN CỨU SAO KIM

 

Bề mặt của sao Kim bị một lớp mây dày đặc bao phủ hoàn toàn và chỉ có máy rađa định vị mới giúp các nhà khoa học "nhìn thấy" được địa hình của nó.

Vào tháng 3 năm 1966 trạm vũ trụ "Venera -3" đã được phóng lên và mang theo một cỗ máy có thể thả xuống có dạng hình cầu đường kính 0,9m với lớp vỏ chịu nhiệt. Các máy móc được thả xuống từ các trạm "Venera -4, -5, -6" đã truyền về Trái Đất những thông tin về áp suất nhiệt độ và thành phần khí quyển trong thời gian hạ xuống. Thế nhưng những máy móc này không xuống tới được bề mặt của hành tinh bởi vì người ta đã không lường được áp suất khí quyển sao kim lại lên tới 90 atmôtphe. Và chỉ đến lượt trạm vũ trụ "Venera -7" máy móc vũ trụ mới hạ xuống được bề mặt sao kim và truyền về Trái Đất những số liệu về thành phần khí quyển, nhiệt độ của những lớp khác nhau và của bề mặt hành tinh này, cũng như về sự thay đổi áp suất. Vào tháng 7 năm 1972 máy móc được thả xuống từ trạm "Venera -8" lần đầu tiên đã hạ cánh được lên bề mặt phía ban ngày của hành tinh và báo rằng độ rọi trên bề mặt sao Kim tương đương với một ngày mù trời ở Trái Đất. Máy móc đã đi qua được những đám mây của sao Kim từ độ cao 70 đến 30 km và những đám mây này có cấu tạo tầng lớp nhưng không đậm đặc lắm.

Vào tháng 10-1975 những máy móc thế hệ mới của các trạm "Venera -9, -10" đã thực hiện những cuộc đổ bộ nhẹ nhàng và cách nhau trên 2000 km lên bề mặt phía được chiếu sáng của hành tinh này và lần đầu tiên gửi về Trái Đất những bức hình toàn cảnh các vùng xung quanh nơi hạ cánh. Khối lượng của mỗi máy là 1560 kg với đường kính 2,4m. Trong vòng một giờ các máy móc còn lại trên quỹ đạo đã chuyển phát những thông tin khoa học từ bề mặt của hành tinh về Trái Đất.

Loài người đã có thể nhìn thấy những đặc điểm toàn cầu của địa hình phần lớn bề mặt sao Kim nhờ công tác rađa định vị do trạm tự động Mỹ “Pioneer - Venus -1” thực hiện vào tháng 1 năm 1978. Trên những tấm bản đồ lập được nhờ kết quả đo đạc các độ cao của hệ mặt, có thể thấy rõ những vùng đất cao rộng lớn những khối núi riêng biệt và những vùng đất thấp.

Một thực nghiệm thú vị đã được thực hiện trên trạm vũ trụ "Pioneer -Venus -2": nhờ trạm này các nhà bác học đã tung vào bầu khí quyển sao Kim một cỗ máy lớn (đường kính 1,5 m và khối lượng 316 kg) và ba cỗ máy nhỏ hơn (đường kính 0,7 m và khối lượng 96,6 kg) hạ cánh xuống cả mặt ban ngày và mặt ban đêm cũng như ở một vùng thuộc cực bắc của hành tinh. Các máy móc đã truyền thông tin trong quá trình hạ cánh, còn một trong những máy nhỏ đã chịu đựng được một cuộc va chạm và truyền những số liệu từ bề mặt hành tinh này trong khoảng 1 giờ. Kết quả của thực nghiệm này đã khẳng định rằng bầu khí quyển của hành tinh này chứa tới 96% khí cacbonic, 4%, nitơ và một ít hơi nước. Trên bề mặt hành tinh đã phát hiện được một lớp bụi mỏng.

Tháng 12 năm 1978 các con tàu "Venera - 11 , -12" của Liên Xô đã tiến hành nghiên cứu sau khi đã hạ cánh cách nhau chừng 800 km. Những số liệu ghi nhận được về hiện tượng phóng điện trong khí quyển của hành tinh là những số liệu thú vị. Một trong những máy móc đã chịu đựng 25 cú chớp đánh vào trong một giây còn một máy khác phải chịu đến 1000 lần hơn thế nữa có một đợt sấm rền kéo dài đến 15 phút. Dường như axit sunphuric nồng độ cao chứa trong tầng mây đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những cú phóng điện này.

Những số liệu về thành phần hoá học của đất đá trên sao Kim ở nơi hạ cánh của các trạm "Venera – 13, -14" đã thu được vào tháng 3 -1982, nhờ những thiết bị đào đất đặc biệt cho mẫu đất đá vào bên trong các cỗ máy được thả xuống. Những số liệu phân tích do các máy móc tự động thực hiện đã được chuyển về Trái Đất để các nhà khoa học có thể so sánh các mẫu đất đá này với đất bazan thường gặp ở những vực sâu dưới đáy các đại dương trên Trái Đất.

Từ trên quỹ đạo của các vệ tinh nhân tạo bay xung quanh sao Kim, "Venera - 15, - 16" có các máy rađa đã truyền những hình ảnh bề mặt của một phần bán cầu bắc hành tinh này và các số liệu đo độ cao địa hình. Kết quả của mỗi lần bay qua theo những quỹ đạo thuôn dài gần các cực là chụp được cả một dải bề mặt có chiều rộng 160 km và chiều dài tới 8.000 km. Dựa theo các bức hình này, các nhà khoa học đã lập ra atlat bề mặt sao kim bao gồm các bản đồ địa hình, bản đồ địa chất và những bản đồ chuyên biệt khác.

Những máy móc loại mới bao gồm máy hạ cánh và khí cầu thám không đã được các trạm "Venera -1, -2" của Liên Xô thả xuống hành tinh này. Các trạm nói trên được thiết kế để nghiên cứu sao Kim và sao chổi Halây năm 1985. Các khí cầu thám không đã bay lơ lửng ở độ cao gần 54 km và truyền về Trái Đất những số liệu trong thời gian hai ngày đêm, còn những máy hạ cánh đã tiến hành nghiên cứu bầu khí quyển và bề mặt hành tinh.

Các bức ảnh chi tiết nhất về toàn bộ bề mặt của sao Kim đã có được nhờ cỗ máy của Mỹ "Magellan" được các nhà du hành vũ trụ trên tàu con thoi "Atlantis" phóng xuống vào tháng 5 - 1989. Việc quay phim, chụp ảnh bằng các thiết bị rađa được tiến hành thường xuyên trong vài năm đã cho phép nhận được hình ảnh địa hình của bề mặt sao Kim với độ phân giải không kém hơn 300m.

Nhờ kết quả thăm dò khảo sát do các máy móc vũ trụ thục hiện nên có lẽ sao Kim đã được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các hành tinh khác thuộc hệ Mặt Trời.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/453-02-633329782326181250/Nhung-cuoc-tham-hiem-vu-tru-trong-he-Mat-T...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận