CỰC VŨ TRỤ, XÍCH ĐẠOTRỜI, TRUNG TUYẾN TRỜI
Chúng ta sẽ theo dõi xem các sao di chuyển như thế nào trên trời trong một ngày đêm. Tốt hơn hết là theo dõi bằng ảnh tức là mở ống kính máy ảnh rồi hướng máy ảnh lên trời và cứ để nguyên như vậy trong vài giờ. Trên ảnh sẽ thấy rõ là các sao đều vẽ trên nền trời các đường tròn có cùng một tâm. Điểm tương ứng với tâm ấy được gọi là thiên cực hay cực vũ Trụ. Chúng ta ở bán cầu Bắc của Trái Đất nên thiên cực bắc ở phía trên đường chân trời và ở sát cạnh sao Bắc Cực. Ở bán cầu Nam cũng có sự di chuyển tương tự của các sao xung quanh thiên cực nam. Trục nối hai cực này được gọi là trục Vũ Trụ. Chuyển động một ngày đêm (nhật động) của các tinh tú diễn ra tựa như toàn bộ thiên cầu quay thành một khối xung quanh trục Vũ Trụ theo hướng từ đông sang tây. Dĩ nhiên chuyển động này chỉ là ảo (biểu kiến): nó phản ánh chuyển động thực của Trái Đất quanh trục của mình từ tây sang đông.
Ta lại lập một mặt phẳng đi qua người quan sát và vuông góc với trục vũ trụ. Nó sẽ cắt thiên cầu theo một vòng tròn lớn: xích đạo trời (thiên xích đạo). Xích đạo trời chia thiên cầu thành hai nửa: bán cầu bắc và bán cầu nam. Xích đạo trời cắt đường (vòng tròn) chân trời ở hai điểm: đó là điểm đông và điểm tây. Còn đường tròn lớn đi qua cả hai cực vũ trụ, thiên đỉnh và thiên để được gọi là trung tuyến trời (có sách gọi là vòng kinh tuyến) tức trung thiên. Nó cắt đường chân trời ở các điểm bắc và nam. Trong một ngày đêm, các tinh tú lên đến điểm đỉnh (tức điểm cao nhất trên vòm trờì là lúc chúng cắt trung tuyến trời và được gọi là qua trung thiên.