LỊCH SỬ CỦA CÁC CHÒM SAO HIỆN ĐẠI
Sau các chuyến đi vòng quanh thế giới của Magienlăng và các nhà thám hiểm khác vào thế kỷ XVI, giới thiên văn học hiểu rằng phần lớn bầu trời phương Nam còn chưa được phân thành các chòm sao. Do vậy nhiều người lập bản đồ sao vào thế kỷ XVII - XIX đã đưa vào các chòm sao mới. Chẳng hạn, Bayec đã bổ sung thêm 12 chòm sao bán cầu nam trong cuốn Uranometria (năm 1603). Thế là xuất hiện nhiều chòm sao hiện đại mà tên gọi chẳng có liên quan gì đến thần thoại cổ đại. Ngay chòm sao lớn của bầu trời phương Nam là Thuyền Acgô (tên con thuyền do Giaxon (Jason) chỉ huy đi tìm lông cừu vàng trong thần thoại Hy Lạp, tên Latinh: Argo Navis; tiếng Hán dịch là Nam thuyền) có từ thời Ptôlêmê đã được chia lại thành 3 chòm: Đuôi Thuyền (Puppis), Sống Thuyền (Carina), Cánh Buồm (Vela) và bởi vì vùng trời phương Nam rất nhiều sao sáng và các thiên thể thú vị khác, nên không ai phản đối việc chia nó ra thành nhiều chòm sao nhỏ. Các nhà thiên văn đã nhất trí đưa lên trời các công cụ khoa học quan trọng nhất của họ: kính hiển vi, kính viễn vọng, compa và la bàn. Tuy nhiên không một cái tên mới nào xuất phát từ chính trị hoặc tôn giáo ở lâu được trên trời.
Chẳng hạn, các vua chúa Châu Âu đã bao lần toan “Cơ đốc (Ki tô) hóa” bầu trời, tức là toan tống cổ các nhân vật truyền thuyết đa thần giáo khỏi nơi đó và đưa các nhân vật Kinh Thánh thay vào: các chòm sao Hoàng đạo được đặt tên của 12 vị thánh tông đồ. . . Một tay nào đó ở Augxbuôc (Đức) tên là Giuliut Sile đã xuất bản atlat sao với tên gọi bầu trời sao Kitô giáo” vào năm 1627. Nhưng bất chấp sức mạnh ghê gớm của Giáo hội, các tên chòm sao mới vẫn không được thừa nhận rộng rãi. Ngay cả tên các ông vua ở Châu Âu cũng không lên được bầu trời: Gioocgiơ II và Gioocgiơ III (Anh), Sáclơ II (Anh) và Lui XIV (Pháp). Rồi đến mong muốn của sinh viên Trường đại học Tổng hợp Yêna (Jena) ở Đức, hân hoan trước các thắng lợi của Napôlêông, muốn đổi tên chòm sao Thợ Săn sang tên vị hoàng đế Pháp, cũng không được các nhà thiên văn đồng tình.
Đại hội Hội Thiên văn quốc tế lần thứ 1 (Rôma, năm 1922) đã đặt dấu chấm hết cho các mưu toan thay tên đổi họ các chòm sao trên trời bằng việc ấn định vĩnh viễn tên của 88 chòm sao bao phủ toàn bộ thiên cầu. Trong việc này, các nhà thiên văn đã giữ lại truyền thống
Châu Âu. Ngoài tên gọi bằng tiếng Latinh, các chòm sao còn được ký hiệu (viết tắt chính thức) bằng ba chữ cái, do Âyna Hecsprung và Henry Rutxen đề xuất (xem bảng các chòm sao” ở phần Phụ lục cuối sách). Sau này người ta cũng chấp nhận cả cách ký hiệu bốn chữ cái nhưng cách này hiếm khi được sử dụng.
Bởi vì các nhà thiên văn bây giờ dùng thuật ngữ chòm sao không phải với nghĩa là nhóm sao, mà là khu vực của bầu trời, nên vấn đề xác định chòm sao quy về việc xác định ranh giới (và diện tích) của nó. Người ta quyết định vách ranh giới bằng các đoạn thẳng gãy khúc chỉ đi dọc theo các đường xích vĩ và xích kinh tức là các thiên vĩ tuyến và thiên kinh tuyến theo hệ tọa độ xích đạo (trên một đường xích vĩ thì giá trị xích vĩ không đổi, trên một đường xích kinh thì giá trị xích kinh không đổi). Làm như thế thuận tiện về nhiều mặt do hình dạng toán học của chúng. Khi làm việc này, các nhà thiên văn gắng kế thừa thanh lịch sử và không để các sao có tên gọi phổ biến “lạc” sang chòm sao khác. Tại Đại hội III Hội Thiên văn Quốc tế (Lâyđen, Hà Lan, năm 1928) đã phê chuẩn ranh giới các chòm sao ở phía bắc xích vĩ -120. Năm 1930 nhà thiên văn Bỉ Ơgien Đenpooc đã công bố các bản đồ và mô tả chi tiết ranh giới mới của các chòm sao. Sau đó có một số thay đổi bổ sung nho nhỏ, và đến năm 1935 giới thiên văn quốc tế quyết định: thế là xong việc phân chia bầu trời. Trung quốc gọi các chòm sao hiện đại là “tinh tòa”.
Các nhà thiên văn chuyên nghiệp không chú trọng vào việc chuẩn hóa hình dáng các chòm sao mà để việc này cho những người nghiệp dư tha hồ tưởng tượng. Quả thực, đây không phải việc làm vô tích sự: chọn được cách nối các sao sáng sao cho thành một hình vẽ ấn tượng, thậm chí gắn với tên gọi chòm sao, sẽ làm cho chòm sao trở nên dễ nhớ hơn, giúp cho việc định hướng. Điều này quan trọng đối với cả các nhà thiên văn nghiệp dư, cả các nhà hàng hải và du lịch.
Còn đối với các nhà thiên văn chuyên nghiệp thì điều này không quan trọng lắm, vì các kính thiên văn hiện đại tự động hướng vào thiên thể cần quan sát theo toạ độ cho sẵn. Nói chung, đối với đa số các nhà thiên văn, khái niệm “chòm sao” đã dần lui vào quá khứ. Ngày nay khái niệm này chủ yếu chỉ có các nhà nghiên cứu các sao biến quang và cấu trúc thiên hà sử dụng.