BẢN ĐỒ VÀ ATLAT BẦU TRỜI
Hiểu biết cặn kẽ bầu trời thường dẫn đến những phát hiện thú vị mà nhiều khi do dân thiên văn nghiệp dư thực hiện. Chẳng hạn một ngôi sao mới bừng lên vào năm 1901 ở chòm sao Dũng Sĩ lần đầu tiên được các nhà thiên văn nghiệp dư ở Kiep (Ucraina) quan sát thấy. Dân nghiệp dư cũng tìm ra các sao mới trong chòm Thiên Nga năm 1920 và trong chòm Lực Sĩ năm 1936. Sự kiên nhẫn và kỹ năng làm việc với bản đồ đã giúp họ hàng năm khám phá được vài sao chổi mới, nghiên cứu hoạt tính của các dòng thiên thạch đã biết và phát hiện những dòng mới.
Cái khó khi lập bản đồ sao là mọi tinh tú và lưới tọa độ dường như ở trên mặt trong thiên cầu mà phải thể hiện chúng trên tờ giấy phẳng. Vấn đề tương tự như vậy đã từng được các nhà bản đồ học giải quyết: họ đã áp dụng các loại hình chiếu để tái hiện lại trên mặt phẳng các khu vực rộng lớn của bề mặt địa cầu. Tất nhiên các hình chiếu đều làm sai lệch kích thước và hình dáng các khu vực riêng rẽ của mặt cầu. Nhưng nếu chọn đúng hình chiếu phù hợp thì có thể giảm tới tối thiểu các sai lệch để cho hình trên bản vẽ không khác là bao so với hình dạng phân bố quan sát thấy trên trời.
Đôi khi việc chọn hình chiếu bị chi phối bởi các nhiệm vụ quan sát. Ví dụ, khi vạch trên bản đồ sao các đường “sao băng” tức là các thiên thạch thì người ta sử dụng hình chiếu tâm cầu, theo đó các cung của các đường tròn lớn đều là đường thẳng. Đoạn lóe sáng trên đường đi của phần tử thiên thạch hầu như cũng là đường thẳng, bởi vì tốc độ phần tử rất lớn (11- 72 km/s).
Đối với các quan sát và nghiên cứu đơn giản nhất về các chòm sao thì chỉ cần các bản sao cả nhỏ, trên đó chỉ ghi những ngôi sao sáng và các chòm sao chính, chẳng hạn loại bản đồ sao xoay được. Với những quan sát phức tạp hơn thì cần tới các bản đồ chi tiết có tất cả các sao nhìn thấy bằng mắt thường.
Thường thường các bản đồ sao được tập hợp thành tập sách, gọi là atlat sao. Các atlat có thể chứa sao của toàn bộ thiên cầu hoặc các phần lớn của thiên cầu.
Đối với các quan sát đặc biệt thì đã có các bản đồ chi tiết cỡ lớn và bản đồ ảnh có cả các sao yếu chỉ nhìn thấy qua kính thiên văn. Các sao càng yếu thì số lượng của chúng càng nhiều. Một ống nhòm cỡ trung bình có thể giúp ta thấy số sao nhiều gấp 40 lần số sao nhìn thấy bằng mắt thường, còn nếu nhìn qua kính thiên văn trường học thì số sao tăng lên hơn 1000 lần. Vì thế, trước khi quan sát bằng ống nhòm hoặc kính thiên văn cần chuẩn bị sẵn các bản đồ sao.