CHUYỂN ĐỘNG VÀ CÁC PHA CỦA MẶT TRĂNG
Ai cũng biết chị Hằng luôn thay đổi khuôn mặt. Bản thân chị ta không phát sáng, vì thế ta chỉ thấy rõ phần bề mặt Mặt Trăng được Mặt Trời soi sáng phần nửa ban ngày. Khi chuyển dịch trên trời từ tây sang đông trong một tháng Mặt Trăng đuổi kịp và vượt Mặt Trời. Khi đó diễn ra sự đổi pha Mặt Trăng (nguyệt tướng): không trăng (sóc), thượng huyền, trăng tròn (vọng) và hạ huyền.
Ở pha không trăng (vào ngày sóc, tức là mồng một âm lịch) thì dù có nhìn qua kính thiên văn cũng không nhìn thấy Mặt Trăng. Đó là vì chị Hằng đã "ngoảnh mặt" về phía Mặt Trời (ở cùng hướng với Mặt Trăng, chỉ cao hơn hoặc thấp hơn Mặt Trăng), còn phía tối thì hướng về phía Trái Đất. Sau 1-2 ngày, khi Mặt Trăng xa dần Mặt Trời, thì có thể quan sát thấy cái lưỡi liềm mảnh trước khi Mặt Trời lặn ở hướng tây vài phút trên nền trời hoàng hôn. Sự xuất hiện trăng lưỡi liềm đầu tiên sau pha không trăng được người Hy Lạp và một số dân tộc khác gọi là "trăng mới". Thời điểm này được các dân tộc cổ xưa coi là bắt đầu tháng âm lịch (tháng Mặt Trăng). Bắt đầu kỳ trăng non.
Có khi trong vài ngày trước và sau pha không trăng có thể nhận thấy ánh màu tro sẫm của Mặt Trăng. Ánh mờ yếu ớt của nửa ban đêm của Mặt Trăng chính là ánh Mặt Trời được Trái Đất phản xạ hắt lên Mặt Trăng. Khi lưỡi liềm đầy tên thì ánh màu tro nhợt đi và không còn thấy rõ nữa.
Mặt Trăng càng ngày càng tụt lại (về phía trái) so với Mặt Trời. Hình lưỡi liềm ngày càng đầy lên và quay phần lồi (sống liềm) về phía Mặt Trời, tức là về phía tây. Sau 7 ngày 10 giờ tính từ pha không trăng, bắt đầu tới pha thượng huyền (khoảng ngày mồng 7-8 hàng tháng âm lịch). Lúc này Mặt Trăng cách Mặt Trời 900, và ánh sáng Mặt Trời rọi sáng nửa bên phải của vầng trăng, do đó Mặt Trăng có hình bán nguyệt. Sau khi Mặt Trời lặn, Mặt Trăng ở hướng nam bầu trời và lặn vào khoảng nửa đêm. Rồi Mặt Trăng tiếp tục rời xa Mặt Trời hơn nữa về phía đông và ngay từ chiều tối đã xuất hiện trên bầu trời phía đông. Nó lặn sau nửa đêm. Giai đoạn này mỗi đêm nó lại lặn muộn hơn đêm trước, đầy lên dần dần và có hình trăng lồi.
Khi vệ tinh này của Trái Đất chúng ta ở phía đối diện với Mặt Trời (khoảng cách góc là 1800) thì đến pha trăng tròn (vào ngày vọng, tức là khoảng 15-16 âm lịch). Vầng trăng tròn xuất hiện từ chiều tối chiếu sáng cả đêm và lặn lúc rạng sáng. Nguyễn Du có câu tả vẻ đẹp của Thúy Vân "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" chính là ví với vầng trăng lúc này. Sau 14 ngày 18 giờ từ pha không trăng, Mặt Trăng bắt đầu tiến lại gần Mặt Trời từ phía bên phải. Vầng trăng khuyết dần (vì thế được gọi là trăng khuyết cho đến cuối tuần trăng), do phần được Mặt Trời chiếu sáng giảm đi và có hình trăng lồi. Mặt Trăng lại mọc muộn hơn (vì thế gọi là trăng muộn) và đến sáng vẫn chưa lặn.
Khoảng cách giữa Mặt Trăng và Mặt Trời giảm từ 1800 xuống 900. Lại chỉ thấy nửa vầng trăng (bán nguyệt), lúc này là nửa bên trái. Đó là pha hạ huyền (khoảng ngày 22-23 hàng tháng theo âm lịch); pha này đến sau pha không trăng 22 ngày 3 giờ. Lúc này Mặt Trăng mọc quãng nửa đêm và tỏa sáng trên trời từ nửa đêm đến sáng. Đến lúc Mặt Trời mọc nó ở phía nam bầu trời.
Bề ngang của lưỡi liềm sáng bắt đầu giảm, và Mặt Trăng lại xích lại gần Mặt Trời từ phía bên phải (phía tây). Lưỡi liềm mảnh dẻ xuất hiện ở bầu trời phía đông lúc rạng sáng cứ mỗi ngày một muộn hơn. Lại thấy được ánh màu tro của Mặt Trăng đêm. Khoảng cách góc giữa hai thiên thể nói trên giảm từ 900 xuống 00. Cuối cùng Mặt Trăng lại đuổi kịp Mặt Trời (lùi kịp thì đúng hơn) và trở nên vô hình. Bắt đầu pha không trăng mới. Tháng (theo) Mặt Trăng đã kết thúc: 29 ngày 12 giờ 44 phút 2,8 giây, tức là gần 29,53 ngày đã trôi qua. Khoảng thời gian giữa hai pha cùng tên kế tiếp nhau của Mặt Trăng được gọi là tháng giao hội. Giao hội là hiện tượng hai thiên thể (trong trường hợp này là Mặt Trăng và Mặt Trời) có cùng một xích kinh (hay hoàng kinh) bằng nhau tại một thời điểm, nói nôm na là khi nhìn từ Trái Đất, ta thấy chúng "chập" vào nhau hoặc cùng dàn hàng ngang trên đường đi biểu kiến trên bầu trời. Như vậy tháng giao hội chính là chu kỳ giao hội của Mặt Trăng với Mặt Trời và liên quan đến vị trí biểu kiến (nhìn thấy) trên trời của Mặt Trăng đối với Mặt Trời. Nó chính là cơ sở để đặt ra tháng âm lịch (có số ngày nguyên), gọi theo dân gian là tuần trăng.
Nhưng Mặt Trăng lại thực hiện một vòng quay xung quanh Trái Đất so với vị trí các sao trong 27 ngày 7 giờ 43 phút 11,5 giây (tức là 27,32 ngày). Chu kỳ này được gọi là tháng sao (hoặc tháng thiên văn). Tháng sao ngắn hơn tháng giao hội một chút. Tại sao vậy? Ta hãy xem chuyển động của Mặt Trăng từ pha không trăng đến pha không trăng kế tiếp Mặt Trăng sau khi đã quay một vòng xung quanh Trái Đất hết 27,32 ngày, đã trở về đúng vị trí của mình so với các sao. Nhưng trong thời gian đó Mặt Trời đã dịch chuyển trên Hoàng đạo về phía đông, nên Mặt Trăng phải mất thêm thời gian để đuổi kịp nó thì mới đến pha không trăng tiếp theo. Nó cần thêm 2,21 ngày nữa để làm việc đó.
Đường đi của Mặt Trăng trên trời (được gọi là Bạch đạo) không xa Hoàng đạo vì thế trăng tròn mọc lên phía chân trời khi Mặt Trời lặn và gần như lặp lại đường đi của Mặt Trời nữa năm trước đó. Mùa hè Mặt Trời lên cao trên trời, thì Mặt Trăng tròn không lên cao là mấy so với chân trời. Ngược lại, mùa đông Mặt Trời nhô lên thấp thì Mặt Trăng lại lên cao rọi sáng cảnh mùa đông.