HOÀNG HÔN
Mặt Trời đã lặn xuống dưới chân trời. Trời chạng vạng tối. Trên trời bắt đầu xuất hiện các vì sao. Tuy nhiên, ngày chưa chuyển ngay sang đêm. Sau khi Mặt Trời lặn, Trái Đất còn nhận được ánh sáng khuếch tán yếu khá lâu, ánh sáng này tắt dần dần, nhường chỗ cho bóng đêm. Khoảng thời gian này được gọi là hoàng hôn.
Hoàng hôn giúp cho con mắt ta thích nghi dần từ lúc có ánh sáng rõ sang tình trạng mờ tối. Bình minh vào buổi sáng cũng có tác dụng tương tự, nhưng ngược lại. Các đo đạc cho thấy ở các vĩ độ trung bình độ rọi (độ chiếu sáng) giảm đi 2 lần trong khoảng 5 phút. Thời gian đó đủ để thị giác thích ứng. Sự thay đổi dần dần độ sáng tự nhiên khác hẳn với nguồn sáng nhân tạo. Đèn điện được bật sáng và tắt đi tức thời, làm chúng ta phải nheo mắt vì chói hoặc bị “mù dở” chốc lát trong bóng tối.
Giữa hoàng hôn (chạng vạng tối) và bóng đêm không có ranh giới rõ rệt. Nhưng trên thực tế buộc phải xác định ranh giới: cần phải biết khi nào thì bật hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hoặc đèn tín hiệu ở sân bay hoặc trên sông, biển. Do đó từ lâu người ta đã chia hoàng hôn ra thành ba giai đoạn căn cứ vào độ xuống sâu của Mặt Trời phía dưới đường chân trời.
Giai đoạn đầu tiên là từ lúc Mặt Trời lặn cho tới khi nó xuống sâu tới 6o và có tên gọi là hoàng hôn dân sự. Ở giai đoạn này con người nhìn vẫn rõ như ban ngày, nên chưa cần đến ánh sáng nhân tạo.
Khi Mặt Trời xuống sâu từ 6o đến 12o thì giai đoạn hoàng hôn hàng hải đã tới. Lúc này ánh sáng tự nhiên đã giảm tới mức không thể đọc sách được, còn hình ảnh các vật xung quanh mờ đi nhiều. Tuy nhiên hoa tiêu tàu biển vẫn có thể định hướng được dựa theo đường nét, hình thù các bờ biển không được chiếu sáng.
Sau khi Mặt Trời xuống quá 12o thì trời tối hẳn, tuy nhiên nền sáng lờ mờ trên trời vẫn còn ngăn cản ta nhìn thấy các ngôi sao yếu. Đó là giai đoạn hoàng hôn thiên văn. Chỉ khi Mặt Trời xuống tới 17 – 18o dưới chân trời, thì các ngôi sao yếu nhất trên trời mới đủ sáng để ta nhìn thấy bằng mắt thường.
Ở vùng xích đạo, hoàng hôn diễn ra ngắn nhất, do Mặt Trời lặn vuông góc với đường chân trời. Càng ở vĩ độ cao, hoàng hôn càng kéo dài.
Ở những vùng vĩ độ lớn, Mặt Trời có thể không lặn xuống tới 60 dưới chân trời, khi mà tổng đại số (có tính cả dấu) của vĩ độ vùng đó và xích vĩ của Mặt Trời có giá trị tuyệt đối 84o ; khi đó chỉ có hoàng hôn dân sự và không có đêm thực sự. Hiện tượng này được gọi là đêm trắng, quan sát được ở các địa phương ở phía Bắc vĩ độ +50o và phía Nam vĩ độ -60o. Chẳng hạn ở Xanh Pêtecbua (Nga), đêm trắng kéo dài từ 11- 6 đến 2 - 7 hàng năm. Ở Pari (Pháp) vào đêm 24-6 hàng năm, Mặt Trời chỉ lặn xuống tối đa dưới chân trời là 17o 41’. Như vậy vào hôm đó, hoàng hôn thiên văn kéo dài cho tới rạng sáng mà không có đêm tối thật sự.