Bối cảnh thế giới sau chiến tranh thế giới thứ nhất
Cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) về thực chất chỉ là một cuộc chiến tranh phân chia thế lực, khu vực ảnh hưởng và các thuộc địa giữa các cường quốc đế quốc. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng hậu quả của nó để lại còn hết sức nặng nề cho toàn nhân loại. Khoảng 10 triệu người chết và 20 triệu người tàn phế do chiến tranh. Các khoản chi trực tiếp về quân sự của các nước tham chiến đã lên tới trên 200 tỉ đôla. Chiến tranh đã tàn phá hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, đường giao thông, nhà cửa, trường học, đồng thời đẩy nhiều nước tư bản vào tình trạng suy kiệt về tài chính.
Ngày 18 - 1 - 1919, đại diện của các nước thắng và bại trận trong hai phe Đồng minh và Hiệp ước đã tổ chức họp tại Vécxai (Versailles) gần thủ đô nước (Pháp) để phân chia quả thực chiến tranh.
Nước Anh, rồi đến Pháp giành được nhiều quyền lợi nhất. Còn những nước bại trận, điển hình là Đức vừa mất các thuộc địa, vừa phải bồi thường các chi phí chiến tranh lên đến trên 100 tỉ mác. Kết quả của Hội nghị Vécxai cũng đã dẫn đến sự ra đời của một số quốc gia mới trên lãnh thổ của đế quốc Áo - Hung và một phần lãnh thổ mà Đức chiếm đóng trước kia. Đó là các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Áo, Hunggari và Nam Tư. Từ đầu những năm 20 trở đi, các nước tư bản bước vào thời kì khôi phục và phát triển kinh tế. Đây là thời kì ổn định cục bộ và tạm thời của chủ nghĩa tư bản thế giới.
Chiến tranh thế giới đã làm thay đổi vị trí và tương quan lực lượng giữa các nước đế quốc, đồng thời còn đưa đến một hệ quả ngoài ý muốn của tất cả các nước tư bản: đó là cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi dẫn đến sự ra đời của Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười, hệ thống dây chuyền đế quốc chủ nghĩa thế giới bị chặt đứt, và con đường cách mạng vô sản đã được khai thông, nối liền từ Tây sang Đông. Về ý nghĩa to lớn của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Bônsêvich Nga và Nhà nước Xô viết, J. Xtalin đã viết: “Cách mạng tháng Mười đã mở đầu một thời đại mới, thời đại cách mạng vô sản trong các nước đế quốc chủ nghĩa... Cách mạng tháng Mười đã mở đầu một thời đại mới, thời đại cách mạng thuộc địa, các nước bị áp bức trên thế giới liên minh với giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Cách mạng tháng Mười đã làm cho vấn đề dân tộc trước kia là một vấn đề hẹp hòi, cục bộ giữa các dân tộc “văn minh” châu Âu trở thành một vấn đề rộng lớn bao gồm các dân tộc bị áp bức trên thế giới đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức chủ nghĩa. Cách mạng tháng Mười đã bắc một cái cầu gắn liền cách mạng vô sản phương Tây và cách mạng giải phóng dân tộc phương Đông lập thành một mặt trận cách mạng rộng lớn của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc”.
Dưới ảnh hưởng trực tiếp của Cách mạng tháng Mười Nga và cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào đấu tranh chống đế quốc ở các nước tư bản phương Tây đã dâng lên mạnh mẽ, sôi nổi. Đầu năm 1918, cách mạng công nhân bùng nổ ở Phần Lan. Tháng 10-1918, chế độ quân chủ ở Áo - Hung bị sụp đổ. Cũng trong năm này, giai cấp công nhân Đức đã nổi dậy quật đổ chế độ quân chủ, và thành lập chính quyền Xô viết trong một thời gian. Tháng 3-1919, nước Cộng hòa Xô viết Hunggari đã được thành lập và tồn tại trong hơn 4 tháng. Tại các nước tư bản khác như Anh, Pháp, Ý, Mĩ..., nhiều cuộc bãi công và đấu tranh của công nhân và lao động đã nổ ra khá rầm rộ.
Do sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, từ năm 1918 trở đi, tại nhiều nước châu Âu, các Đảng Cộng sản đã lần lượt được thành lập. Tháng 3- 1919, trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, Quốc tế cộng sản - tức Quốc tế III: đội tham mưu chiến đấu của giai cấp vô sản Quốc tế đã ra đời tại Mátxcơva. Sau khi được thành lập, Quốc tế III đã tiến hành tuyên truyền tư tưởng cộng sản, đồng thời đề ra đường lối, phương hướng và trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ các nước thuộc địa và phụ thuộc trong cuộc đấu tranh chống ách nô dịch của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Ở châu Á, tháng 8-1919, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Triều Tiên chống Nhật bùng nổ. Sang tháng 5 năm đó, phong trào Ngũ Tứ mang tính chất dân tộc dân chủ đã nổ ra và lan rộng khắp Trung Quốc, thu hút hàng triệu người tham gia. Tại Ấn Độ, phong trào bất hợp tác chống ách thống trị của thực dân Anh cũng đã nhận được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nhiều năm.
Tuy nhiên, từ những năm 1924 - 1925 trở đi, phong trào cách mạng thế giới tạm thời lắng xuống. Đối với các nước đế quốc, đây là thời kì vừa ra sức khôi phục, phát triển kinh tế, vừa tìm cách bao vây, phá hoại Liên Xô thành trì của cách mạng thế giới. Sự đối địch lúc ngấm ngầm khi công khai giữa hai phe, hai hệ thống có chế độ xã hội - chính trị khác nhau là tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện và trở thành đặc điểm lớn nhất của thời đại, của lịch sử thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cuộc vận động giải phóng dân tộc Việt Nam thời kì sau chiến tranh đã diễn ra và phát triển trong bối cảnh lịch sử đó.