Cuộc kháng chiến chống xâm lược Tần và sự hình thành nhà nước Âu Lạc.
1. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Tần
Năm 221 tr.CN, nước Tần tiêu diệt 6 nước, kết thúc cục diện “thất hùng” thời Chiến quốc (Tế, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tần), thống nhất Trung Quốc. Vua nước Tần là Doanh Chính tự xưng là Tần Thủy Hoàng, thiết lập một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền chuyên chế hùng mạnh.
Để thực hiện tham vọng mở rộng hơn nữa lãnh thổ của đế chế, Tần Thủy Hoàng một mặt đem quân đánh người Hung nô, xâm chiếm đất đai vùng Hà Sáo, lập thành 44 huyện đặt dưới quyền cai trị của đế chế Tần, củng cố vững chắc thêm Vạn lí trường thành để ngăn chặn người Hung nô tấn công; mặt khác, huy động một đạo quân khổng lồ 50 vạn tiến xuống phía nam xâm lược các nước của các dân tộc Bách Việt.
Năm 218 tr.C.N, Tần Thủy Hoàng sai hiệu úy Đồ Thư chỉ huy 50 vạn quân chia làm 5 đạo tiến xuống phía nam.
Để cuộc hành quân được nhanh chóng, nhà Tần còn cử tướng Sử Lộc phụ trách việc xây dựng, sửa chữa đường sá, vận chuyển lương thực. Sau ba năm hành quân, quân Tần mới tiến đến đất Lĩnh Nam của người Việt. Đất Lĩnh Nam bấy giờ tương ứng với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và là địa bàn sinh sống của người Mân Việt, Tây Âu v.v... Năm 214 tr.CN, với một lực lượng mạnh, quân xâm lược Tần đã chiếm được cả vùng Lĩnh Nam, giết chết tù trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống, chia đất Lĩnh Nam thành 3 quận sáp nhập vào lãnh thổ đế chế Tần (3 quận là Nam Hải, Quế Lâm, Quận Tượng). Nhưng bây giờ người Việt Tây Âu không chịu khuất phục, kéo nhau chạy vào rừng, dưới sự chỉ huy của các tù trưởng chiến đấu chống lại quân Tần. Từ Tây Giang, quân Tần đã tiến vào xâm lược nước Văn Lang. Người Tây Âu và người Lạc Việt đã chiến đấu rất ngoan cường. Họ rút vào rừng “Không ai chịu để cho quân Tần bắt”, ngày ẩn, đêm đánh phá quân xâm lược, dựa vào các chiềng, chạ, tận dụng địa hình địa vật hiểm trở là núi rừng để chiến đấu lâu dài, tiêu hao binh lực địch. Cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân Tây Âu và Lạc Việt đã làm cho quân Tấn tiến thoái lưỡng nan “lương thực bị tuyệt và thiếu, đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được mà thoái cũng không xong”. Khi quân Tần đã lâm vào tình thế khốn quẫn, người Việt tổ chức tấn công tiêu diệt giặc, giết chết chủ tướng Đồ Thư. “Quân Tần thây phơi, máu chảy, hàng mấy chục vạn”.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt chống quân xâm lược Tần trên địa bàn nước Văn Lang bấy giờ kéo dài liên tục năm, sáu năm (từ khoảng năm 214 đến 208 tr.C.N) vô cùng anh dũng đã làm thất bại âm mưu xâm lược và đô hộ của đế chế Tần.
Năm 208, tình hình đế chế Tần gặp nhiều khó khăn: Tần Thủy Hoàng đã chết, nông dân Trung Quốc nổi dậy khắp nơi, bọn tướng tá Tần thừa cơ mưu bá đồ vương, cát cứ chống lại nhà Tần, buộc Tần Nhị Thế phải ra lệnh bãi binh, rút quân khỏi đất nước ta.
2. Sự ra đời của nước Âu Lạc
Người Lạc Việt và người Tây Âu vốn từ lâu đã có mối quan hệ kinh tế - văn hóa gần gũi. Thủ lĩnh của nhóm người Tây Âu sống trên đất Văn Lang là Thục Phán. Liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng mạnh lên.
Từ trước cuộc xâm lăng của quân Tần, giữa vua Hùng và họ Thục đã xảy ra một cuộc xung đột kéo dài chưa phân thắng bại. Trong bối cảnh đó, cuộc xâm lăng của quân Tần xảy ra ồ ạt. Đứng trước tình hình mới, hai bên chấm dứt xung đột, cùng chiến đấu chống ngoại xâm. Kháng chiến thắng lợi, Thục Phán với tư cách người chỉ huy chung đã thay thế Hùng Vương làm vua, đặt tên nước mới là Âu Lạc. Quốc gia Âu Lạc ra đời khoảng cuối thế kỉ III tr.C.N.
Nước Âu Lạc là bước kế tục và phát triển cao hơn của nước Văn Lang và trên một phạm vi rộng lớn hơn của người Lạc Việt và người Tây Âu. Tổ chức bộ máy nhà nước và các đơn vị hành chính dưới thời Âu Lạc vẫn chưa có gì thay đổi khác với thời Văn Lang của các vua Hùng. Đứng đầu nhà nước là Thục An Dương Vương. Dưới đó, trong triều vẫn có các lạc hầu giúp vua cai quản đất nước. Ở các địa phương (bộ) vẫn do các lạc tướng đứng đầu quản lí. Đơn vị hành chính cấp cơ sở vẫn là các công xã nông thôn (kẻ, chiềng, chạ).
Mặc dù, nước Âu Lạc tồn tại không lâu, chỉ trong khoảng từ năm 208 đến năm 179 tr.C.N, nhưng về các mặt vẫn tiếp tục được phát triển trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được thời Văn Lang, nhất là trên lĩnh vực quân sự.
Theo tài liệu khảo cổ thì An Dương Vương xây dựng được một đạo quân khá mạnh sử dụng thành thạo cung tên. Các loại vũ khí phong phú, đa dạng và hơn vạn mũi tên đào được ở chân thành Cổ Loa đã chứng tỏ điều đó. Âu Lạc còn có thủy quân và được luyện tập khá thường xuyên. Sau khi nước Âu Lạc ra đời, Thục An Dương Vương đã chọn Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) làm kinh đô và cho xây dựng thành Cổ Loa kiên cố, trở thành trung tâm của nước Âu Lạc và là một căn cứ quân sự vững chắc, lợi hại.

Đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)
Thành Cồ Loa nằm ở vị trí trung tâm đất nước và là đầu mối của các hệ thống giao thông đường thủy. Ở đây có sông Hoàng chảy qua, thuận lợi cho việc đi lại quanh vùng, rồi tỏa đi các nơi, theo sông Hồng, sông Đáy xuôi về đồng bằng rồi ra biển cả, hoặc lên sông Cầu qua sông Thương, sông Lục Nam tới vùng rừng núi Đông Bắc v.v...
Thành Cổ Loa gồm có ba vòng thành chính khép kín (thành nội, thành trung, thành ngoại). Thành nội (vòng trong cùng) hình chữ nhật, có chu vi 1650 mét, cao khoảng 5 mét, mặt thành rộng từ 6 đến 12 mét, chân rộng từ 20 đến 30 mét. Thành nội chỉ có một cửa thành. Trên mặt thành có 18 ụ đất nhô ra ngoài để làm vọng gác. Những vọng gác này,được đắp cao hơn mặt thành từ 1 mét đến 2 mét. Thành trung có năm cửa. Ở đây cũng có một số ụ đất đắp cao hơn để làm vọng gác. Thành ngoại (vòng ngoài cùng) dài 8 km, cao từ 4 đến 9 mét. Chân thành rộng từ 12 - 20 mét. Thành có 3 cửa ra vào. Cả 8 vòng thành đều có hào ở phía ngoài. Cả ba hào được nối liền với nhau và nối với sông Hoàng để bảo đảm quanh năm đều có nước, và làm tăng thêm sự hiểm yếu của Kinh thành Cổ Loa. Giữa các vòng thành và phía ngoài thành ngoại có nhiều ụ đất và lũy chắc chắn.

Một đoạn thành ngoại Cổ Loa
Với vị trí kiên cố và lợi hại đó, thành Cổ Loa đã góp phần vào chiến thắng vẽ vang của nhân dân Âu Lạc chống các cuộc xâm lược của quân Triệu (trước năm 179 tr.C.N).