Chính sách chính trị, xã hội và văn hóa của thực dân Pháp sau chiến tranh thế giới thứ nhất
Những biến đổi của xã hội Việt Nam trước hết chịu sự chi phối của quá trình phát triển kinh tế, đồng thời còn trực tiếp chịu ảnh hưởng của các chính sách xã hội do chính quyền thực dân - phong kiến thi hành.
1. Chính sách “cải lương hương chính”
Nhằm mục đích can thiệp trực tiếp vào các làng xã, từ năm 1904 thực dân Pháp bắt đầu quá trình “cải lương hương chính” với ý đồ đưa tầng lớp tân học lên cầm quyền thay tầng lớp cựu học trước kia. Nhưng sau nghị định đầu tiên ngày 27-8-1904 ở Nam Kì, phải tới 17 năm sau, tức năm 1921, thực dân Pháp mới tiếp tục thực hiện được ý đồ đó trên đất Bắc Kì với nghị định ngày 12-8-1921. Sau đó công cuộc cải lương hương chính tiếp tục được tiến hành ở cả hai nơi: Bắc Kì với các nghị định kí ngày 25-2-1927 của Thông sứ Bắc Kì; Nam Kì với các nghị định kí ngày 30-10-1927 của Toàn quyền Đông Dương.
Chủ trương chung của thực dân Pháp là tiếp tục thực hiện việc sử dụng giai cấp địa chủ và tay sai người Việt vào việc cai trị. Các thành phần này ở bên trên chỉ là những kẻ có chức, nhưng không có quyền hành gì đáng kể. Bộ phận đắc lực là guồng máy tay sai ở các cấp dưới, chủ yếu làm nhiệm vụ thừa hành các mệnh lệnh của trên. Ngoài bộ phận tay sai cũ được duy trì và cải tạo để sử dụng, Pháp tăng cường đào tạo lực lượng mới để bổ sung và củng cố cho bộ máy chính quyền của chúng. Chính sách này có hiệu lực ở mức độ nhất định, còn bộ phận rộng lớn nhất của xã hội Việt Nam là các làng xã thì Pháp khó chi phối hơn. Chúng không thể mở trường đào tạo các lí trưởng, chánh tổng được, các làng xã bị đóng kín. Đây là bộ phận quan trọng bậc nhất trong cấu trúc xã hội Việt Nam. Mỗi làng là một tế bào, là một cấu kiện ghép thành xã hội nông thôn - nông nghiệp Việt Nam, vì vậy Pháp ra sức tìm một con đường để xâm nhập vào và chi phối các làng xã.
Về căn bản, các chính sách cải lương hương chính chấp nhận những cơ chế cổ truyền của các làng xã, song nó cố gắng nắm lấy bộ phận cầm đầu các hương thôn. Dù gặp phải những khó khăn và phản ứng từ các làng xã, nhưng kết quả của quá trình “cải lương hương chính” là thực dân Pháp đã thành công trong việc can thiệp vào các làng xã thông qua việc “viên chức hóa” các chức dịch, kì hào, kiểm soát được nhân sự, tài chính, đưa các thành phần có gắn bó với chế độ thực dân vào chính quyền v.v… sau khi đã xây dựng và củng cố được quyền lực của mình trên thực tế, thực dân Pháp tìm cách gạt bỏ vai trò của triều đình phong kiến trong công việc quốc gia. Với bản quy ước ngày 6 - 11 - 1925, Pháp đã công khai bãi bỏ thực quyền của giai cấp phong kiến và nắm lấy quyền thống trị trên cả ba phương diện quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Một bộ máy của nhà nước thực dân Pháp vừa trùm lên, vừa chi phối hệ thống chính quyền phong kiến hình thành.
2. Các cuộc cải cách về chính trị - hành chính
Trong những năm 20, thực dân Pháp đã tiến hành một số cải cách nhằm đối phó lại những biến động đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Mục tiêu của các cuộc cải cách này là mở rộng cơ sở xã hội của thực dân Pháp, nhưng không làm ảnh hưởng tới nền tảng thống trị ở thuộc địa. Xuất phát từ đó, Pháp kiên trì đường lối nhượng bộ đối với các giai cấp có của, đồng thời tăng cường đàn áp chống lại quần chúng lao động.
Nhằm xoa dịu quần chúng, các viên Toàn quyền Pháp từ Xarô qua Lông (Maurice Long) đến Varen (Alexandre Varenne) đã tiến hành một số biện pháp như lập các Viện dân biểu Bắc Kì, Trung Kì, mở rộng các công sở cho người Việt, lập các ngạch công chức tương đương cho người Pháp và người Việt có bằng cấp ngang nhau, nhưng với các chức vụ và chế độ lương bổng khác nhau. Bộ phận các ủy viên người Việt trong các Phòng Thương mại và Canh nông của các thành phố lớn cũng được tăng thêm số lượng. Năm 1928, Pháp lập ra Đại hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương với tư cách là cơ quan tư vấn về các vấn đề kinh tế, tài chính trong Liên bang Đông Dương.
Một trong những biểu hiện khác của chính sách cải cách này là tăng cường số lượng công chức người Việt trong bộ máy hành chính thuộc địa. Để thực hiện mục tiêu đó, Toàn quyền Đông Dương Lông đã ban hành sắc lệnh ngày 20 - 6 - 1921 về việc tăng cường lựa chọn vào bộ máy hành chính những quan lại người Việt. Đây là điều kiện cần thiết để tạo ra đội ngũ cán bộ địa phương người Việt. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử xâm lược và thống trị nước ta, thực dân Pháp mới ban hành một quy chế chính thức nhằm tuyển chọn công chức người Việt vào cơ quan hành chính thuộc địa. Tuy nhiên, cuộc cải cách của toàn quyền Lông đã không đạt được mục đích, vì nó không làm thay đổi căn bản tình hình, số lượng công chức Việt Nam vẫn không đáng kể.
Nói chung, vấn đề xây dựng đội ngũ công chức người Việt trong những năm 20 là một vấn đề hết sức gây cấn. Một số nhà hoạt động trên lĩnh vực hành chính của Pháp đã coi vấn đề này như chìa khóa để giải quyết tất cả các vấn đề khác của chính sách thuộc địa ở Việt Nam.
Để tiếp tục giải quyết vấn đề công chức người Việt, nghị định ban hành ngày 27 tháng 2 năm 1926 đã chỉ rõ từ nay tất cả các chức vụ trong cơ quan hành chính Pháp, trừ một số chức vụ cao, sẽ được xếp ngang nhau cho người Việt Nam và người Pháp. Tuy nhiên, những quy định đó vẫn chỉ là trên giấy tờ, còn trong thực tế Toàn quyền Varen đã phê chuẩn một khoản gọi là phụ cấp thuộc địa cho các quan lại người Pháp, tương đương 0,7%, lương hàng tháng.
Vì thế, cuộc cải cách trên đã không thỏa mãn được các công chức Việt Nam, khiến họ phải công khai nói rằng: “Các công chức Việt Nam do nguồn gốc của mình đã không có quyền nhận khoản phụ cấp thuộc địa và như vậy, chính sách trên chỉ có mục đích hạ thấp chủng tộc châu Á”.
Tóm lại, chính sách của thực dân Pháp trong những năm 20 là nhằm ve vãn, tranh thủ và lôi kéo một bộ phận rất nhỏ trong giới “thượng lưu” Việt Nam, bao gồm một số nhà tư sản địa chủ và trí thức lớn. Lực lượng này vì quyền lợi cá nhân đã đứng về phía bọn xâm lược, cấu kết với chính quyền thực dân Pháp áp bức bóc lột nhân dân ta. Còn đại đa số các tầng lớp nhân dân thì bị đẩy về bên kia trận tuyến, đối lập với toàn bộ chế độ thực dân.
3. Chính sách thuế khóa
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, cùng với việc tăng cường đầu tư khai thác, chính quyền thực dân cũng ra sức bóc lột nhân dân ta qua con đường thuế má. Các loại thuế trực thu và gián thu tăng lên. Số tiền thuế càng ngày càng nặng thêm. Từ 1919 đến 1921, chính quyền thực dân ra lệnh bãi bỏ việc đóng thuế theo mức cũ ở Bắc, Trung Kì và tiến hành đánh thuế đồng loạt với mức thuế thân là 2,5 đồng. Mức thuế thân ở Nam Kì tăng từ 5,58 đ (1913) lên 7,5 đ (1929). Tổng số tiền thu thuế ở ba kì từ 1912 đến năm 1929 tăng gấp ba lần so với thời kì trước đó. Trong các năm bình thường, mức thuế này đã là một gánh nặng đối với người dân nếu so với mức thu nhập kém cỏi của họ. Trong các năm khó khăn, mất mùa, khủng hoảng kinh tế, gánh nặng đó trở nên đặc biệt khủng khiếp. Tính đổ đồng đầu người, không phân biệt già trẻ lớn bé, mỗi người dân Việt Nam phải đóng 8 đ tiên thuế, tương đương 70 kg gạo trắng hạng nhất lúc bấy giờ.
Bên cạnh thuế khóa, chính quyền thực dân còn tìm cách bắt buộc nhân dân mua các loại công trái, quốc trái để lấy tiền xây dựng các công trình công cộng hoặc phục vụ nhu cầu quân sự. Nhiều người không muốn mua cũng bị “gán” cho. Riêng công trái phát hành trong những năm khủng hoảng kinh tế đã thu về cho chính quyền thực dân tới 150 triệu đồng.
4. Chia rẽ dân tộc và chủng tộc
Chính sách xã hội của thực dân Pháp đối với các giai tầng xã hội cũng rất khác nhau. Với các tầng lớp trên của xã hội như những kẻ hữu sản, giàu có, quyền lợi ít nhiều gắn với chính quyền thực dân, chúng dành cho những đặc quyền, đặc lợi cả về kinh tế, chính trị lẫn văn hóa, xã hội. Đối với các tầng lớp dưới, thực dân Pháp chủ trương tăng cường bóc lột, áp bức và đẩy họ vào vòng tăm tối của chế độ ngu dân.
Bên cạnh sự phân biệt giai cấp, các chính sách của Pháp tiếp tục thể hiện sự phân biệt chủng tộc một cách trắng trợn. Tất cả người Pháp đều được ưu tiên trong mọi vị trí, mọi công việc và thời gian. Người Việt bị coi thường và khinh rẻ. Người Việt tốt nghiệp các trường cao đẳng ra, thậm chí tốt nghiệp ở Pháp về, cũng hầu như không bao giờ được coi là có trình độ tương đương với người Pháp cùng trường đó ra. Còn trong một công sở có hai người, một Pháp và một Việt có bằng cấp tương đương, người Pháp được xếp vào ngạch cao hơn, tiền lương cũng cao hơn nhiều.
5. Chính sách văn hóa giáo dục và những chuyển biến mới
Vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, cùng với sự biến đổi trong kinh tế và cơ cấu giai cấp xã hội, tình hình giáo dục, đời sống tư tưởng, văn hóa và tâm lí ở Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến.
Những chuyển biến trong giáo dục
Ngay từ cuối năm 1917, sau khi được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương, Xarô (Albert Sarraut) đã ra Nghị định ban hành “Học chính tổng quy” (Règlement général de I’instruction publique) để cải cách hệ thống giáo dục. Đây là cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai tiếp sau cuộc cải cách của Toàn quyền Bô (Paul Beau) vào năm 1906. Trong thời kì thực hiện cải cách giáo dục thứ hai (1917-1929), thực dân Pháp chủ trương nhanh chóng xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học (trên thực tế kì thi Hương cuối cùng kết thúc vào năm 1919), đồng thời tiếp tục mở rộng hệ thống giáo dục Pháp - Việt Theo tinh thần bản “Học chính tổng quy”, nền giáo dục bao gồm hai bộ phận: các trường Pháp chuyên dạy học sinh người Pháp theo chương trình “chính quốc” (Métropole) và các trường Pháp Việt chuyên dạy người Việt theo chương trình “Bản xứ” (Indigène).
Toàn bộ hệ thống giáo dục được chia thành ba cấp: tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học.
Thời gian theo học các cấp của trẻ em, được cụ thể hóa như sau: Cấp tiểu học 5 năm sau khi hoàn thành chương trình tiểu học và thi đỗ, học sinh được nhận bằng tốt nghiệp tiểu học (Certificat d’Études Primaires) và được thi vào trường trung học. Ở bậc trung học, học sinh sẽ học trong 4 năm (trung học đệ nhất cấp).
Năm 1923, Méclanh (Martial Merlin) thay thế Xarô lên làm Toàn quyền Đông Dương đã có một số thay đổi và điều chỉnh trong chương trình cải cách giáo dục ở Việt Nam. Theo quy định mới của chính quyền Méclanh, từ 1924 trở đi, với chương trình “bình diện” nhằm mục đích hạn chế việc học của thanh niên và học sinh Việt Nam, học sinh sau khi học xong ba năm bậc sơ đẳng phải thi lấy bằng Sơ học yếu lược, rồi mới được lên lớp trên; học hết 2 năm nữa lại phải thi lấy bằng tốt nghiệp Tiểu học bổ túc bản xứ (Certificat d’études primaires complémentaires indigènes), trước cách mạng thường được gọi là bằng “Rim”. Nhưng ngay ở 3 năm học sơ đẳng này, học sinh phải học bằng tiếng Pháp nên rất nhiều trẻ em nông thôn không thể theo học được. Đã vậy, còn quy định hạn tuổi vào học các cấp rất chặt chẽ, càng góp phần gạt bớt số học sinh muốn đi học.
Để củng cố và hoàn chỉnh một bước giáo dục trung học, năm 1927 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đặt thêm bằng Tú tài bản xứ, tức bằng Trung học đệ nhị cấp. Bằng Tú tài bản xứ được coi tương đương với bằng Tú tài thời đó quen gọi là Tú tài Tây học theo đúng chương trình dạy bên Pháp. Những người có bằng Tú tài bản xứ có thể thi vào các trường cao đẳng, đại học ở Đông Dương và cả ở Pháp. Bên cạnh các trường phổ thông (tiểu, trung học), chính quyền thuộc địa cũng chú ý xây dựng các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, như các trường Bách công, Bách nghệ (École pratique d’industrie). Ở một số thành phố lớn, các học sinh có bằng tốt nghiệp tiểu học được quyền thi vào các trường này.
Để thủ tiêu và thay thế các trường đào tạo quan lại theo kiểu phong kiến, thực dân Pháp đã giải tán hai trường “Sĩ hoạn” ở Hà Nội, “Hậu bổ” ở Huế vào năm 1917, và quyết định thành lập trường Pháp - Chính (École de Droit ét d’Administration) để đào tạo các quan lại cai trị cho chính quyền thuộc địa ở Việt Nam và Đông Dương. Về mặt tổ chức, Trường Pháp - Chính trực thuộc Đại học Đông Dương, do Giám đốc Đại học Đông Dương quản lí.
Cùng với trường Pháp - Chính, trong thời kì này một số trường cao đẳng khác đã được thành lập, thuộc các ngành Sư phạm, Công Chính, Thương mại. Năm 1918, Pháp thành lập thêm trường Cao đẳng Nông nghiệp; còn trường Y Học Đông Dương sau 16 năm hoạt động cũng được đổi thành trường Kiêm bị can đảng Y - Dược.
Rõ ràng, so với đầu thế kỉ XX, nền giáo dục Việt Nam trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất có nhiều thay đổi về hệ thống tổ chức, cơ cấu ngành nghề và nội dung đào tạo. Về số lượng trường học và những người đi học, đến niên khóa 1922-1923, tức là sau 5 năm thực hiện cải cách giáo dục lần thứ hai, ở Việt Nam đã có 3.039 trường tiểu học, 7 trường cao đẳng tiểu học và 2 trường trung học; số học sinh gồm 163.110 người. Từ niên khóa 1923-1925 đến 1930, số lượng học sinh tăng từ 187.000 người lên 434.385 người, trong đó có cả học sinh trường công và tư với các cấp từ vở lòng đến trung học.
Riêng số lượng sinh viên mới chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong số những người đi học. Trong năm học 1922-1923, tổng số sinh viên các trường cao đẳng là 436 người, đông nhất là sinh viên các ngành Y - Dược (106 người) và Công chính (104 người), còn ngành Sư phạm có số lượng sinh viên đứng gần cuối bảng gồm 41 người. Đến niên khóa 1929-1930, lực lượng sinh viên tăng lên khoảng hơn một trăm, gồm 551 người.
Ngoài ra, còn phải kể tới một bộ phận học sinh các trường chuyên nghiệp và kĩ nghệ thực hành. Tính đến năm học 1929-1980, riêng ở Bắc Kì có 900 học sinh chuyên nghiệp và học nghề.
Cũng cần nhấn mạnh rằng phần lớn học sinh, nhất là học sinh các lớp cao (cao đẳng tiểu học, trung học) và sinh viên đại học đều là con em các gia đình giàu có hoặc có địa vị nhất định trong xã hội. Còn các gia đình nông dân nghèo may lắm cũng chỉ có khả năng cho con em theo học các lớp chữ Hán hoặc Quốc ngữ ở trường làng. Chính vì vậy, số trẻ em thất học vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn, khoảng 7-8 phần mười số người ở độ tuổi đi học.
Cùng với học sinh, lực lượng giáo viên cũng tăng nhanh so với hồi đầu thế kỉ. Theo thống kê của chính quyền Pháp, năm 1930 ở Việt Nam có 12.000 giáo viên các cấp.
Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ngoài các cơ quan và viện nghiên cứu đã được thành lập từ đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp còn xây dựng thêm một số cơ sở mới như: Túc mễ cục, Viện Hải dương học, và nhất là Hội đồng nghiên cứu khoa học (Conseil des recherches scientifiques) vào năm 1928. Thành phần của Hội hầu hết là các kĩ sư, bác sĩ, các nhà quản lí các cơ quan khoa học và giáo dục. Mục đích của các cơ quan và tổ chức khoa học này là nhằm tìm hiểu và khai thác các nguồn tài nguyên, của cải của đất nước ta, phục vụ yêu cầu lợi nhuận của các nhà tư bản Pháp.
Sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong thời gian này cũng có những tiến bộ đáng kể. Số bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công và tư có tăng thêm. Việc thành lập Viện Pátxtơ (Pasteur) với các chi nhánh của nó đã góp phần nghiên cứu, sản xuất một số vacxin chữa bệnh cho người Pháp và người Đông Dương. So với đầu thế kỉ XX, lực lượng bác sĩ, y sĩ, y tá dược sĩ và nhân viên y tế cũng tăng lên. Tuy nhiên, đến năm 1929 trên toàn lãnh thổ Đông Dương (20.900.000 người, trong đó có 43.000 người Âu) chỉ có 761 thầy thuốc, trung bình cứ 30.000 người mới có một thầy thuốc. Thêm vào đó, một số loại bệnh nan y như dịch tả, sốt rét, đậu mùa, lao phổi có xu hướng gia tăng. Phần lớn các gia đình nông dân, thị dân nghèo không có tiền khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, buộc phải tự chạy chữa bằng các phương pháp y học cổ truyền.
Đời sống văn hóa, nghệ thuật
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đời sống kinh tế và xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi. Một số ngành kinh tế mới như ngân hàng, công nghiệp chế biến, cơ khí đã hình thành. Các đô thị được mở mang, các lực lượng xã hội mới như công nhân, tư sản, tiểu tư sản cũng ra đời và ngày càng phát triển. Hệ thống giáo dục Pháp - Việt mở rộng hơn trước; tầng lớp học sinh, sinh viên, công chức và trí thức ngày càng thêm đông đảo. Cơ sở in ấn và xuất bản đã xuất hiện ở khắp ba kì, với hàng chục tờ báo, tạp chí chữ Pháp và chữ Quốc ngữ.
Trong bối cảnh đó, các trào lưu tư tưởng mới, các thành tựu khoa học và kĩ thuật, văn hóa và nghệ thuật từ phương Tây thông qua sách báo nước ngoài đã ồ ạt tràn vào trong nước, thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ tiếp xúc giữa hai nên văn hoá Á- Âu và Đông - Tây ở Việt Nam. Việc in ấn, xuất bản và giới thiệu các công trình về khoa học tự nhiên, về triết học, luật học của các học giả phương Tây đã góp phần làm thay đổi phương pháp tư duy, nghiên cứu trong một số trí thức tân học, hình thành phương pháp tư duy duy lí tồn tại bên cạnh lối tư duy duy cảm của người Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 1919 đến 1929 được xem như giai đoạn giao thời, chuyển tiếp của lịch sử dân tộc. Trong giai đoạn đó, đường như có sự giao thoa, đan xen và tồn tại đồng thời giữa những yếu tố văn hóa truyền thống và văn hóa ngoại lai, giữa nền văn hóa nô dịch của các nhà tư bản thực dân và một nền văn hóa mới đang nẩy sinh và dần dần phát triển trong lòng xã hội thuộc địa Việt Nam.
Trong thời gian này, thực dân Pháp ra sức sử dụng vũ khí văn hóa phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa, tuyên truyền chính sách hợp tác Pháp - Việt. Chính quyền Pháp ưu tiên xuất bản các sách báo phổ biến tư tưởng Âu châu, cho Phạm Quỳnh ra Nam Phong tạp chí thay Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh; cho lập “Hội Khai trí tiến đức” tập hợp những người thuộc các tầng lớp trên trong xã hội lúc đó. Trên tờ Nam phong tạp chí và các báo chí thực dân, một số học giả Việt Nam thân Pháp ra sức viết bài tán dương chủ trương Pháp - Việt đề huề, thừa nhận chế độ cai trị của Pháp, tuyên truyền và ca ngợi văn minh Pháp như là nền văn minh cao nhất của phương Tây...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một nền văn hóa mới của dân tộc Việt Nam cũng đang trên đường hình thành và phát triển mạnh mẽ. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, văn học mới đã chiếm được ưu thế trên văn đàn và đã được công chúng thành thị đón nhận với tấm lòng ưu ái. Nhiều truyện ngắn đã được đăng tải trên các báo chí ở Hà Nội, lúc đầu là của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn rồi đến Tản Đà, Nguyễn Công Hoan. Những truyện ngắn như Sống chết mặc bay (1918) của Phạm Duy Tốn, Câu chuyện một tối của người tân hôn (1921) của Nguyễn Bá Học đều có giá trị hiện thực phê phán nhất định.
Về tiểu thuyết, năm 1916 Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho ra đời Giấc mộng con. Nhưng trong nhiều tiểu thuyết xuất hiện vào những năm 20, nổi bật nhất và đáng chú ý nhất là tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Với tác phẩm Tố Tâm (năm 1925), lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, lối kết cấu chương hồi được thay thế bằng lối kết cấu theo quy luật tâm lí. Lần đầu tiên các tập tục tâm lí truyền thống của Nho giáo đã bị phê phán gay gắt, tự do cá nhân đã được ca ngợi, bảo vệ. Có thể nói Tố Tâm tuy chưa đạt tới một tiểu thuyết “lãng mạn chủ nghĩa”, song nó đã “mở ra con đường tiến tới chủ nghĩa lãng mạn của văn học Việt Nam”.
Tiếp theo tiếu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, từ sau 1925 còn có thêm các tác phẩm Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, Sóng hồ Ba bể của Phạm Bùi Cầm, cùng cuốn Nho phong và Người quay tơ của Nguyễn Tường Tam. Trên báo Phụ nữ tân văn đã dành nhiều kì để in tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Ngoài ra, một loạt tiểu thuyết lịch sử viết về các anh hùng dân tộc và những chiến công của cha ông ta thuở trước đã xuất hiện như Tiếng sấm đêm đông, Lê Đại Hành; Việt - Thanh Chiến kỷ, Vua Bố Cái vv... của Nguyễn Tử Siêu.
Trong lĩnh vực nghệ thuật tuồng có Hoàng Tăng Bí; chèo có Nguyễn Đình Nghi.
Về kịch nói, năm 1922, vở kịch đầu tiên Chén thuốc độc của Vũ Đình Long đã được biểu diễn thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội. Từ đó, các vở kịch nói nối tiếp nhau ra mắt độc giả: Tòa án lương tâm và Tây Sương tân kịch của Vũ Đình Long, Bạn và vợ, Thủ phạm là tôi, Giời đất mới của Nguyễn Hữu Kim, Uyên ương, Hoàng Mộng Diệp của Vi Huyền Đắc, Ông Tây An Nam, Chàng ngốc của Nam Xương...
Về thơ, vào cuối những năm 20, xuất hiện tập thơ khóc vợ Linh Phượng ký của Đông Hồ và tập thơ khóc chồng Giọt lệ thu của Tương Phố.
Có thể nói hầu hết các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói và thơ trong thời gian này đều hướng vào mục đích phê phán tình trạng thối nát của xã hội đương thời, nêu lên những xung đột giữa các quan điểm phong kiến và tư tưởng tư sản vừa mới nảy sinh, đả kích những kẻ trưởng giả học đòi làm sang, phơi bày những cảnh lầm than, khốn khó của quần chúng lao động bị bọn thực dân, địa chủ, quan lại ức hiếp, bóc lột; đồng thời nói lên tình cảm yêu nước thương nòi và sự bất lực, chán chường của tầng lớp tiểu tư sản thành thị trước thời cuộc.
Trong các ngành nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc ... cũng có những biến đổi nhất định. Các mô típ và tư tưởng nghệ thuật phương Tây ngày càng có ảnh hưởng sâu đậm trong phương pháp tư duy và sáng tác của các nghệ sĩ Việt Nam, thể hiện qua các bức tranh, bức tượng, nhà cửa do họ làm ra. Tuy nhiên, các mô típ mĩ thuật truyền thống, nhất là trong kiến trúc xây dựng đình chùa, nhà cửa ở nông thôn, vẫn đóng vai trò chủ yếu trong các xu hướng mĩ thuật lúc bấy giờ. Đội ngũ nghệ sĩ mĩ thuật chuyên nghiệp chủ yếu là những nghệ sĩ dân gian như thợ mộc, thợ nề, thợ thêu, thợ chạm, thợ tạc tượng, thợ gốm, thợ đúc chuông... Các loại hình mĩ thuật mới chịu ảnh hưởng hay mô phỏng của phương Tây mặc dù đã phát triển và mở rộng hơn trước, nhưng chưa đủ sức lấn át các mô típ nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Tóm lại, từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến 1930 là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Nhưng trong khoảng thời gian đó đã diễn ra những biến đổi sâu sắc và mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, giáo dục và văn hóa, tư tưởng và tâm lí. Cùng với bước chuyển mình của phong trào dân tộc, nhất là sự lớn mạnh của xu hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa, một mô hình giáo dục hiện đại và một nền văn hóa mới đang trên đường hình thành và phát triển, tạo tiền đề thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như cho các giai đoạn phát triển tiếp sau của dân tộc Việt Nam.

Bảo tàng nông nghiệp và thương mại năm 1923 (Ảnh của VNTTX)

Phố Hàng Đào năm 1926 (Ảnh của VNTTX)

Cầu Long Biên năm 1925 (Ảnh của VNTTX)

Phố Tràng Tiền năm 1921 (Ảnh của VNTTX)