Tài liệu: Niên đại và địa bàn cư trú của người Việt cổ thời Hùng Vương

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Dựa vào các nguồn tư liệu mới phát hiện và kết quả nghiên cứu, nhiều nhà khảo cổ học và sử học cho rằng thời kì dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam
Niên đại và địa bàn cư trú của người Việt cổ thời Hùng Vương

Nội dung

Niên đại và địa bàn cư trú của người Việt cổ thời Hùng Vương

1. Niên đại

Dựa vào các nguồn tư liệu mới phát hiện và kết quả nghiên cứu, nhiều nhà khảo cổ học và sử học cho rằng thời kì dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam - thời Hùng Vương đã trải qua 4 giai đoạn phát triển nối tiếp nhau liên tục và ngày càng cao trên cơ sở kế thừa thành quả giai đoạn trước. 4 giai đoạn đó phản ánh quá trình hình thành và phát triển của nhà nước và quốc gia Văn Lang - Âu Lạc.

- Giai đoạn Phùng Nguyên[1] tồn tại vào khoảng nửa đầu thiên niên kỉ II tr. CN, thuộc sơ kì thời đại đồng thau. Giai đoạn này chưa có công cụ bằng đồng.

- Giai đoạn Đồng Đậu[2] ở vào khoảng nửa sau thiên niên kỉ II tr.CN, thuộc trung kì thời đại đồng thau. Đây là giai đoạn phát triển kế tiếp và cao hơn giai đoạn Phùng Nguyên. Người thời Đồng Đậu vẫn dùng đồ đá trong sản xuất và đời sống là chủ yếu, nhưng hiện vật bằng đồng thau đã chiếm khoảng trên dưới 20% số công cụ và vũ khí. Kĩ thuật làm đồ gốm và luyện kim phát triển hơn.

- Giai đoạn Gò Mun[3] tồn tại vào nửa đầu thiên niên kỉ I tr.CN. Đặc điểm của giai đoạn này là đồ đá giảm sút rõ rệt, chỉ chiếm 48% trong tổng số hiện vật, đồ đồng thau chiếm tỉ lệ cao, trên 50% tổng số công cụ và vũ khí. Đây là giai đoạn hậu kì thời đại đồng thau.

- Giai đoạn Đông Sơn[4] tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỉ VIII tr.CN đến thế kỉ II sau CN. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ sự phát triển rực rỡ của đồ đồng sang sơ kì đồ sắt. Ở đây chỉ đề cập đến văn hóa Đông Sơn - giai đoạn thuộc thế kỉ III tr.CN. Ở giai đoạn này tỉ lệ đồ đá trong tổng số các hiện vật thu thập được chỉ còn khoảng 13,4%. Công cụ và vũ khí bằng đồng đã chiếm ưu thế với tỉ lệ rất cao. Kết quả nghiên cứu ở một số di tích khảo cổ thuộc văn hóa Đông Sơn[5] cho thấy: ở di tích Làng Cả tổng số hiện vật khai quật thu thập được có 182, trong đó có 161 hiện vật bằng đồng thau, chiếm tỉ lệ 88,5% tổng số hiện vật; đồ gốm có 12 hiện vật, chiếm 6,5% tổng số hiện vật. Các hiện vật đá chỉ có 9, chiếm tỉ lệ 5% tổng số hiện vật mà chủ yếu là đồ trang sức (7 khuyên tai, 1 hạt chuỗi và một hiện vật khác giống khuy áo có 2 lỗ). Ở di tích Đông Sơn có 270 hiện vật, trong đó đồ đồng có 222 hiện vật, chiếm 82,2%, đồ sắt có 6 hiện vật, chiếm 2,2%, đồ đá có 42 hiện vật, chiếm 15,5%. Di tích Làng Vạc thu thập được 624 hiện vật, trong đó có 522 hiện vật bằng đồng, chiếm 83,6%, đồ thủy tinh có 43 hiện vật, chiếm 6,9%, đồ đá có 59 hiện vật, chiếm 9,4%.

2. Địa bàn cư trú

Căn cứ vào các di tích khảo cổ học thuộc văn hóa Đông Sơn đã phát hiện được, có thể xác định địa bàn cư trú của người Việt cổ ở nước Văn Lang tương ứng với vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ của nước ta ngày nay[6], mà chủ yếu sống tập trung trong các đồng bằng thuộc lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả, một số ít sống rải rác dọc miền núi theo các thung lũng của miên Bắc, miền Trung nước ta.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4620-02-633921636922028750/Thoi-dai-dung-nuoc/Nien-dai-va-dia-ban-cu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận