Tài liệu: Thời đại dựng nước

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sau hàng chục vạn năm gian khổ lao động và sáng tạo, từ những công cụ bằng đá cũ thô sơ tiến đến phát minh ra kĩ thuật luyện kim và nghề nông trồng lúa nước dùng cày có sức kéo là trâu bò
Thời đại dựng nước

Nội dung

Thời đại dựng nước

Sau hàng chục vạn năm gian khổ lao động và sáng tạo, từ những công cụ bằng đá cũ thô sơ tiến đến phát minh ra kĩ thuật luyện kim và nghề nông trồng lúa nước dùng cày có sức kéo là trâu bò; đời sống vật chất và tinh thần của người nguyên thủy Việt Nam ngày càng được nâng cao, từng bước làm thay đổi bộ mặt xã hội, đưa đến hình thành một lãnh thổ chung, một nền văn hóa, văn minh chung và một tổ chức chính trị, xã hội chung, đó là quốc gia và nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong lịch sử xã hội Việt Nam, mở ra một thời đại mới - thời đại dựng nước. Thời đại lịch sử quan trọng này đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu, đã có nhiều tài liệu đề cập tới.

Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, trong một số tác phẩm đã có đề cập đến thời đại này dưới dạng truyền thuyết, lịch sử hay địa lí. Đó là các tác phẩm Việt Nam thế chí[1], Việt sử lược[2], Việt điện u linh[3], Lĩnh Nam chích quái[4] (biên soạn thời Trần), Đại Việt sử kí toàn thư[5], Dư địa chí[6], Việt sử thông giám[7] (biên soạn thời Hậu Lê), Lịch triều hiến chương loại chí[8] (thời Nguyễn) v.v... Tuy vậy, nhiêu nhà sử học của nước ta thời bấy giờ còn tỏ ra hoài nghi về sự tồn tại của thời kì lịch sử này mà nguyên nhân của sự hoài nghi đó là bởi thiếu các cứ liệu đáng tin cậy.

Sang thời Pháp thuộc, với sự thành lập trường Viễn Đông Bác Cổ (năm 1900), công tác nghiên cứu thời đại này được chú ý. Việc tìm kiếm, thăm dò, khai quật và nghiên cứu được quan tâm và có bước chuyển biến mới thực sự từ năm 1924 khi khu di tích cư trú và mộ táng Đông Sơn (Thanh Hóa) được khai quật. Từ năm 1924 đến năm 1982, nhà khảo cổ học người Pháp là Pagiô (Pajot) đã nhiều lần khai quật di tích văn hóa Đông Sơn này, đã phát hiện được nhiều đồ đồng[9], đồ gốm và đồ sắt. Với kết quả khai quật nói trên, một cuốn sách về thời đại đồng thau ở Bắc kì và Bắc Trung kì đã ra đời năm 1929, do Gôlubép biên soạn. Tiếp sau đó, nhiều nhà khảo cổ học nước ngoài đã tham gia vào việc nghiên cứu thời đại này trong lịch sử nước ta như H.Ghenđec (H.Geldern), O.Yanxe (O.Janse) v.v... Nhiều di tích khảo cổ được phát hiện và khai quật. Từ năm 1935 đến năm 1939, nhà khảo cổ học Thụy Điển đã khai quật di tích Đông Sơn 3 lần và thu thập đồ đồng ở Cầu Công (Thanh Hóa), Phố Lu (Lào Cai) v.v... Một số công trình nghiên cứu mới về văn hóa Đông Sơn lần lượt được công bố như Nguồn gốc và sự phân bố của trống đồng kim loại, khai quật Đông Sơn, Nhà Đông Sơn, Niên đại sơ kì văn hóa Đông Sơn v.v...

Lăng Hùng Vương trên núi Nghĩa (Phú Thọ)

Trên cơ sở những cứ liệu mới, các nhà khảo cổ học nước ngoài đã bước đầu nêu lên được những đặc trưng cơ bản của văn hóa Đông Sơn, khẳng định sự tồn tại của một nền văn hóa đồng thau phát triển ở Việt Nam – nền văn hóa Đông Sơn, đề xuất một số nhận định về niên đại, nguồn gốc của nền văn hóa này.

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, các nhà khảo cổ học nước ngoài bấy giờ đã không đi sâu vào nghiên cứu toàn diện các mặt của đời sống xã hội và bản chất của nền văn hóa Đông Sơn (về kinh tế, quan hệ xã hội, tổ chức nhà nước...), mà chỉ tập trung vào nghiên cứu niên đại ra đời, sự tồn tại và nguồn gốc của nền văn hóa đó. Một sai lầm của các nhà khảo cổ học nước ngoài thời đó là đã phủ nhận tính bản địa của nền văn hóa Đông Sơn. Họ cho rằng nền văn hóa đó bắt nguồn từ nước ngoài (từ Trung Quốc và xa hơn nữa là từ châu Âu).

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là từ năm 1954, sau khi thực dân Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, ngành sử học và khảo cổ học Việt Nam chính thức ra đời và ngày càng phát triển, việc nghiên cứu một cách toàn diện về thời đại Hùng Vương An Dương Vương mới thực sự được chú trọng và ngày càng được đẩy mạnh, do đó đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Các nguồn tài liệu được phát hiện và thu thập ngày càng phong phú. Các công trình nghiên cứu có giá trị lần lượt được công bố như: Văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Lạc Việt, Văn hóa đồ Đồng và trống đồng Lạc Việt của Đào Duy Anh, Lịch sử chế độ Cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam của Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn, Xã hội nước Văn Lang và Âu Lạc của Văn Tân, Hùng Vương dựng nước[10]. Trên cơ sở nhiều di tích văn hóa Đông Sơn được khai quật ở nhiều địa phương[11] như di tích Núi Nấp, Quỳ Chữ, Đồng Ngầm, Đồng Vừng, Bái Tê, Cồn Cầu[12] (Thanh Hóa Làng Vạc (Nghệ An), Làng Cả (Phú Thọ), Đường Cồ, Phú Lương, Vinh Quang, Phương Tú (Hà Tây), Bãi Mèn, Chùa Thông, Đình Chàng (Hà Nội), Đồng Mõm (Nghệ An) v.v... mà ngày càng có nhiều sách, báo, tạp chí, kỉ yếu khảo cổ học hàng năm được công bố. Thời đại Hùng Vương được nghiên cứu sâu sắc, toàn diện. Nhiều nội dung quan trọng thuộc thời đại này được làm rõ hơn: niên đại, nguồn gốc và đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn, hình thái kinh tế - xã hội, thiết chế chính trị đương thời v.v...

Trên cơ sở những thành tựu mới đó, chúng ta đi vào tìm hiểu một số nội dung chủ yếu sau đây của thời đại này mà chúng tôi gọi chung là thời Hùng Vương hay thời Văn Lang.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4620-02-633919054820010704/Thoi-dai-dung-nuoc/Thoi-dai-dung-nuoc.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận