Tài liệu: Phong trào hội kín Nam Kì

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Bước vào những năm cuối thế kỉ XIX, khi thực dân Pháp đã bình định xong và thiết lập bộ máy đàn áp kìm kẹp ở Nam Kì, phong trào đấu tranh vũ trang không còn có điều kiện tồn tại và phát triển.
Phong trào hội kín Nam Kì

Nội dung

Phong trào hội kín Nam Kì

Bước vào những năm cuối thế kỉ XIX, khi thực dân Pháp đã bình định xong và thiết lập bộ máy đàn áp kìm kẹp ở Nam Kì, phong trào đấu tranh vũ trang không còn có điều kiện tồn tại và phát triển. Ở đây xuất hiện hình thức đấu tranh mới là lập các hội kín.

Trong 4 năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, hội kín Nam Kì phát triển mạnh nhất ở Biên Hòa, Bến Tre, Châu Đốc, sau đó lan ra khắp Nam Kì. Trong những năm chiến tranh có từ 70 đến 80 hội kín.

Thành phần tham gia đông nhất vào các hội kín Nam Kì là nông dân và dân nghèo thành thị.

Tôn giáo và phương thuật giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, tổ chức hội viên v.v... Biện pháp thường dùng là bùa chú, các hội viên tin tưởng vào một sức mạnh huyền bí, cho rằng những lá bùa sẽ giúp họ tránh được mũi tên hòn đạn.

Các hội kín hoạt động độc lập, không có một hệ thống chỉ huy chung. Mỗi hội kín đều có hội chủ (gọi là ông chủ). Hội chia ra từng nhóm chỉ khoảng vài chục người gọi là “kèo”. Giữa các “kèo” không được biết nhau, khi cần gặp nhau hội viên phải dùng ngôn ngữ và dấu hiệu do hội chủ quy định. Tuy nhiên, tất cả các hội kín ở Nam Kì đều suy tôn Phan Xích Long làm hoàng đế.

Hoạt động có tiếng vang lớn của phong trào hội kín Nam Kì trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất là cuộc đấu tranh chống chính sách động viên, bắt lính của thực dân Pháp và cuộc đột nhập vào Sài Gòn đêm 14 tháng 2 năm 1916.

1. Đấu tranh chống chính sách dộng viên

Từ cuối năm 1915 sang đầu năm 1916, giữa lúc thực dân Pháp tiến hành bắt lính đợt hai thì cuộc đấu tranh của phong trào hội kín bùng nổ, lan rộng nhiều nơi và lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia.

Tháng 1 năm 1916, phong trào đấu tranh diễn ra ở các tỉnh Mĩ Tho, Trà Vinh, Tây Ninh, Bến Tre, Biên Hòa. Sang tháng 2 năm 1916, phong trào lan rộng sang các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa, Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ, Thủ Dầu Một, Tân An, Bình Đông, Sa Đéc, Bạc Liêu, Rạch Giá, Gia Định v.v... Có thể kể ra một số cuộc bạo động như sau:

Ngày 20-1-1916, tại tỉnh Trà Vinh đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh vũ trang ở khắp các làng chống lại việc mộ lính của chính quyền thực dân.

Ngày 23-1-1916, khoảng 200 người do Lê Văn Hổ, Phạm Văn Hậu, Nguyễn Văn Liên cầm đầu kéo tới đánh phá trụ sở “tuyển mộ” ở tổng Chánh Mĩ, tỉnh Biên Hòa. Ngày 25-1, tù nhân nhà ngục Biên Hòa nổi dậy phá ngục.

Tháng 2-1916, nhóm hội kín Vương Văn Lê, Nguyễn Văn Thạch, Lê Văn Hà làm chủ vùng Tân Triều tây (Tây Ninh).

Cũng trong tháng 2, nhóm hội kín Nguyễn Văn Huệ võ trang tấn công Ô Cấp (Bà Rịa).

Đêm mồng 2 rạng mồng 3 tháng 2, hơn 200 hội viên hội kín Nghĩa Hòa tập trung ở Mỏ Cày, mang giáo, mác, gậy gộc bao vây trụ sở mộ lính nhằm giải thoát cho một số trai tráng chờ khám sức khỏe để xuống tàu.

Đêm 14 tháng 2, nhiều nông dân tụ tập ở Cửa Lập định đánh úp tỉnh lị, nhưng bị quân Pháp đàn áp.

Các cuộc bạo động nổ ra ở hầu khắp nông thôn lục tỉnh. Nghĩa quân không có vũ khí, chỉ mang theo giáo, mác, gậy gộc, tin vào những điều thần bí nên khi thực dân Pháp đàn áp, phong trào nhanh chóng thất bại.

2. Cuộc đột nhập phá khám lớn Sài Gòn

Cuộc đột nhập phá khám lớn Sài Gòn nổ ra đêm 14 rạng 15 tháng 2 năm 1916. Theo kế hoạch, một lực lượng đột nhập phá khám lớn, cứu Phan Xích Long và thả các tù nhân. Sau đó, theo hiệu lệnh, lực lượng các hội kín ở các tỉnh lân cận nổi dậy phối hợp, tiến vào Sài Gòn, chiếm các công sở, rồi đưa Phan Xích Long lên cầm quyền.

3 giờ sáng ngày 15 tháng 2 năm 1916, khoảng 300 người mặc áo đen, quần trắng, khăn trắng quấn cổ, mang dao, giáo, kiếm và bùa hộ mệnh chia làm nhiều ngả tiến vào Sài Gòn. Gặp địch, các mũi tiến quân này không trụ lại được, đều phải rút lui.

Còn các lực lượng nghĩa quân của các hội kín ở Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Chợ Lớn đã tập hợp xung quanh Sài Gòn chờ phối hợp, nhưng không thấy có hiệu lệnh như đã định nên cũng rút.

Phong trào hội kín Nam Kì là phong trào quần chúng rộng lớn, lôi cuốn đông đảo nông dân tham gia. Phong trào diễn ra khắp lục tỉnh, từ các tỉnh miền Đông như Biên Hòa, Tân An, Gia Định, Mĩ Tho... đến các tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Rạch Giá, Bến Tre, Sa Đéc, Châu Đốc... Tuy có nhiều nhóm, nhiều tổ chức hội kín khác nhau, nhưng đều có sự thống nhất hành động. Mặc dù phong trào diển ra dưới nhiều hình thức khác nhau như đốt phá trụ sở làng xã, chống lại các cuộc bắt lính, đốt sổ sách giấy tờ, diệt bọn hội tề, phú hộ gian ác, xung đột với sen đầm, binh lính địch..., nhưng mục đích chung là nhằm lật đổ chính quyền thực dân và tay sai, giành độc lập dân tộc.

Hạn chế của phong trào là mang màu sắc huyền bí, mê tín. Khi thực dân Pháp dùng súng đạn đàn áp, phong trào đã tan rã nhanh chóng. Sau vụ phá khám lớn Sải Gòn, thực dân Pháp khủng bố các hội kín rất dữ dội. Hàng trăm người bị bắt và bị kết án, gần 40 người bị xử tử. Mặc dù vậy, phong trào chỉ tạm lắng xuống và sẽ có cơ hội vùng dậy trong những năm sau.

Phong trào hội kín Nam Kì đã biểu lộ tinh thần quật khởi của nông dân miền Nam. Phong trào hội kín thực chất là phong trào yêu nước tự phát của nông dân khi chưa bắt gặp sự lãnh đạo của giai cấp tiên tiến.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4645-02-633921695447653750/Viet-Nam-trong-Chien-tranh-the-gioi-thu-n...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận