Những biến đổi về cơ cấu xã hội Việt Nam
Trong những năm chiến tranh, quá trình phân hóa xã hội ở Việt Nam càng sâu sắc hơn. Đó là hậu quả tất yếu của chính sách kinh tế thời chiến do nhà nước thực dân thực hiện.
“Kế hoạch thu thuế” đã khiến cho nhiều nông dân phải bán cả nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn để nộp thuế. Sau đây là bảng tổng kết khối lượng lương thực và hàng hóa thực dân Pháp đã vơ vét được ở Việt Nam trong thời chiến:
Gạo: 268.433 tấn
Ngô: 18.756 –
Thóc: 3.000 tấn
Rượu: 19.950 –
Đường: 10.758 –
Dầu: 2.452 –
Thầu dầu: 5.159 –
Thuốc lá : 2.344 -
Cao su: 1.248 –
Cùi dừa: 1150 –
Bông: 672 –
Gỗ: 548 –
Chất mỡ: 543 –
Các thứ khác: 899.
Nông dân còn phải mua công trái, “phiếu quốc phòng”, góp tiền vào “quỹ chiến tranh” và nộp nhiều thứ tiền do chính quyền Đông Dương và các địa phương đặt ra. Trong 4 năm chiến tranh, chính quyền thuộc địa đã thu được 184.805. 144 phơrăng tiền công trái và 13.816.117 phơrăng tiền quyên góp.
Trong thời gian này, thiên tai lụt lội, hạn hán xảy ra liên tiếp, khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhiều nơi, mùa màng mất trắng. Nông dân phải bán ruộng vườn ra thành thị, khu công nghiệp, tìm kiếm công ăn việc làm, bổ sung vào đội ngũ công nhân và những người làm nghề tự do. Quá trình tập trung ruộng đất vào tay địa chủ phong kiến, tư bản diễn ra mạnh mẽ.
Đó là chưa nói tới nạn hàng vạn thanh niên nông dân bị bắt lính ngay trên mảnh ruộng của mình để đưa sang chết thay cho binh lính Pháp trên các chiến trường Pháp và châu Âu đã làm suy giảm lực lượng sản xuất tại nông thôn...
Trong những năm chiến tranh, số lượng công nhân Việt Nam tăng lên rõ rệt. Sự tăng trưởng đó bắt nguồn từ nhiều điều kiện. Trước hết, trong chiến tranh nước Pháp cần nhiều công nhân làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng để chế tạo, sửa chữa vũ khí, sản xuất quân trang quân dụng. Chính quyền Đông Dương đã tuyển mộ nhiều lính thợ Việt Nam đưa sang Pháp. Từ năm 1915 đến năm 1919, số lính thợ sang Pháp là 48.891 người.
Chính quyền Đông Dương đã có những chính sách khuyến khích các nhà tư bản Pháp và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để ổn định kinh tế thuộc địa và cung cấp sản phẩm cho nhu cầu của nước Pháp trong thời kì chiến tranh. Một số nhà máy và xí nghiệp được xây dựng. Các mỏ đẩy mạnh khai thác. Số lượng công nhân Việt Nam vì vậy ngày càng tăng. Thống kê số lượng công nhân mỏ qua các năm như sau: năm 1913: 12.000 người; năm 1914: 15.000 người; năm 1915: 15.500 người, năm 1916: 17.000 người.
Trong những năm chiến tranh, chính quyền Đông Dương lại có chính sách nới rộng kinh doanh cho tư sản bản xứ. Giới kinh doanh Việt Nam có điều kiện phát triển cơ sở sản xuất của mình. Một số nhà tư sản có số vốn lớn, thu hút hàng ngàn công nhân.
Trước đây, công nhân Việt Nam chỉ tập trung ở các trung tâm khai thác mỏ, nay tập trung cả trong một số ngảnh phục vụ chiến tranh, như khai thác than, thiếc, các ngành đóng tàu, sửa chữa quân nhu, sản xuất cao su, hóa chất v.v...
Do tác động của chiến tranh, tư bản Pháp không thể độc quyền và lũng đoạn thị trường Việt Nam như trước nữa. Tranh thủ thời cơ tư bản Pháp đang gặp khó khăn, ngần ngại trong việc bỏ vốn ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa lại nới rộng thể lệ kinh doanh, tư sản Việt Nam ở Bắc Kì và Trung Kì đã vươn mạnh lên trước tiên. Trong số đó có những tư sản tiêu biểu.
Nguyễn Hữu Thu trước năm 1914 chỉ là một chủ hãng xe kéo ở Hải Phòng, trong chiến tranh có tới hàng chục chiếc tàu chạy sông, chạy biển, chạy sang cả Hương Càng, Xingapo.
Bạch Thái Bưởi đầu tư khai thác mỏ than Bí Chợ (Quảng Yên) và kinh doanh tàu chở khách đường sông và đường biển. Công ti Bạch Thái Bưởi phát triển mạnh, có tàu chạy khắp sông và ven biển Bắc Trung Kì trở ra, cạnh tranh với các công ti của tư bản Pháp và Hoa kiều.
Xưởng chế sơn của Nguyễn Sơn Hà (Hải Phòng) đã cạnh tranh với sơn của hãng Poăngxa Vâyrê (Poinsard Veyret), của tư bản Pháp.
Ngoài ra, còn có một số cơ sở kinh doanh khác cũng được khôi phục hoặc xây dựng mới, như xưởng thủy tinh Chương Mĩ; các nhà in Lê Văn Phúc, Mạc Đình Tư, Nguyễn Ngọc Xuân; công ti nhà máy kéo chỉ Kiến An; công ti nhà máy chai Hải Phòng v.v...
Ở Nam Kì, tư sản Việt Nam tập trung vào kinh doanh xay xát gạo. Các nhà máy xay có trước chiến tranh đều được tăng cường, như nhà máy Nguyễn Thanh Liêm, nhà máy Đức Khải. Năm 1915, một nhà máy xay mới được xây dựng ở Mĩ Tho. Năm 1916, một nhà máy xay bột ở Rạch Giá cũng ra đời.
Mấy nhà tư sản Trương Văn Bền, Trần Văn Trương, Ngô Khắc Mẫn, Trương Hoàn Phát, Đỗ Hữu Trí... có chân trong các tập đoàn cao su Rivô của Pháp thành lập năm 1917 (Rivaud).
Ngoài ra còn có nhà máy nấu rượu ở Bạc Liêu, xưởng sửa chữa xà lúp ở Cần Thơ, lò khai thác đá gơranit ở Ô Cấp (Vũng Tàu) v.v...
Trong lĩnh vực thương mại, tư sản Việt Nam trực tiếp mở rộng kinh doanh với tư bản nước ngoài, từ việc mua nguyên liệu, máy móc đến việc bán sản phẩm thủ công, nông nghiệp. Tiêu biểu là các Công ti thương mại Thái Bình (Thái Bình), công ti Quảng Hưng Long (Hà Nội), hãng nước mắm Liên Thành (Phan Thiết). Góp phần vào phát triển nội thương có hãng tàu Bạch Thái Bưởi chở khách và chở hàng trên các đường sông, đường biển, ra cả nước ngoài; công ti ô tô của Phạm Văn Phi ở miền Trung.
Còn tầng lớp tiểu tư sản trong thời chiến cũng có điều kiện tốt để tập hợp nhanh và đông hơn. Trong chiến tranh, hàng hóa Pháp trên thị trường Việt Nam trở nên khan hiếm. Do đó, những nghề thủ công ở làng xã, các xưởng thủ công nhỏ ở thành thị và nghề phụ gia đình được phục hồi trở lại. Giới tiểu chủ, tiểu thương chớp thời cơ phát triển mạnh.
Chiến tranh xảy ra, một số công chức người Pháp ở Đông Dương phải về nước nhập ngũ, số công chức ở Pháp cũng không sang Đông Dương được, số công chức người Việt có dịp vào thế chân ngày một thêm đông. Do yêu cầu đào tạo công chức và đẩy mạnh chính sách mua chuộc nhân dân thuộc địa trong thời chiến nên chính quyền thực dân mở thêm trường học các cấp. Đó là điều kiện dẫn đến tiểu tư sản viên chức, học sinh, sinh viên, trí thức ngày một đông hơn. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, đời sống của các tầng lớp trên, nhất là các viên chức, học sinh, trí thức có khá hơn chút ít so với đời sống của nhân dân lao động, nhưng nói chung họ cũng bị chèn ép bạc đãi, luôn luôn bị đói rét, thất nghiệp đe dọa. Vốn có tinh thần dân tộc một số đông trong các tầng lớp đó sẽ hăng hái tham gia vào các phong trào yêu nước cách mạng sau chiến tranh…