Tài liệu: Chính sách cai trị thời chiến của thực dân Pháp

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trước tiên, thực dân Pháp đã nới rộng phần nào quyền hạn cho Chính phủ Nam triều.
Chính sách cai trị thời chiến của thực dân Pháp

Nội dung

Chính sách cai trị thời chiến của thực dân Pháp

Chiến tranh bùng nổ, nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam một mặt ra sức củng cố và mở rộng chỗ dựa xã hội, mặt khác tăng cường hơn nữa mọi hoạt động đề phòng và đàn áp những cuộc cách mạng có thể xảy ra trong khi chúng đang bận tham chiến, để trên cơ sở đó mới có điều kiện thực hiện mọi thủ đoạn bắt người, vét của ném vào lò lửa chiến tranh ở Pháp.

Trước tiên, thực dân Pháp đã nới rộng phần nào quyền hạn cho Chính phủ Nam triều. Năm 1916, chúng đưa Khải Định lên ngôi vua, đổi phủ Phụ chánh thành Viện Cơ mật do Khâm sứ Trung Kỳ chủ toạ. Chúng cố tạo ra “uy tín” cho Khải Định, như đúc tiền Khải Định, tổ chức “Ngư giá Bắc tuần”. Từ năm 1918, ngày 2 tháng 5 Âm lịch hàng năm trở thành ngày “Hưng quốc khánh niệm”!

Đồng thời, thực dân Pháp ban bố bộ luật mới nhằm chấn chỉnh lại quan trường ở Bắc Kì. Bộ luật “Hoàng Việt tân luật” ban bố ngày 16 thăng 7 năm 1917, được thi hành ở Bắc Kì từ ngày 1 tháng 1 năm 1918. Nội dung bộ luật bao gồm những vấn đề cơ bản sau: tập trung quyền lực xử án vào Công sứ Pháp đứng đầu mỗi tỉnh, khôi phục Tòa án quân sự. Những phần khác chỉ là sao chép lại luật Gia Long nhằm bảo vệ lợi ích của thực dân và địa chủ phong kiến.

Chính quyền thực dân cử một Hội đồng biên soạn bộ Dân luật, theo đó quyền của Nam triều được nới rộng.

Cuộc cải cách “chấn chỉnh quan trường” nhằm củng cố lại hệ thống quan lại Bắc Kì cũng được thực hiện: tách Bắc Kì ra khỏi Nam triều, quy định thành văn bản hệ thống tổ chức chính quyền ở Bắc Kì; định rõ phạm vi hoạt động của từng cấp quan lại; định rõ cách tuyển dụng quan lại (tri huyện, tri phủ, nha lại...). Riêng ở vùng dân tộc thiểu số, quyền bổ nhiệm quan lại tập trung về phủ Thống sứ Bắc Kì, tất cả những quan lại tại chức sẽ đều do Thống sứ Bắc Kì bổ nhiệm, sáp nhập vào ngạch mới. Thực dân Pháp còn mở rộng các cơ quan chuyên môn cao cấp, cho người Việt Nam tham gia để mua chuộc, sử dụng họ trong việc ổn định guồng máy chính trị thuộc địa, thực hiện những yêu cầu của chúng trong thời chiến.

Chính quyền thực dân cũng thực hiện ở cấp xã, thôn một vài biện pháp “cải lương” hương tục và hương chính nhỏ nhặt, nặng về hình thức. Năm 1917, tổ chức chính quyền làng xã kiểu phong kiến được cải tổ thành Hội đồng hàng xã.

Xarô (Albert Sarraut), Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ, còn cho tăng thêm đại biểu bản xứ trong các cơ quan bầu cử hiện có, nơi nào chưa có phải đưa “đại diện” bản xứ vào, mở rộng khối cử tri bản xứ để có đại biểu.

Về đối ngoại, thời gian cuối chiến tranh, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương chủ trương đòi nới rộng thêm quyền hạn cho Toàn quyền về nội trị và ngoại giao (được tự do giao dịch với các nước khác trên thế giới, nhất là với các nước láng giêng châu Á, không cần thông qua bộ Thuộc địa như trước). Chính quyền Đông Dương tăng cường hoạt động ngoại giao với các nước trong khu vực: mở các cuộc thương thuyết với Chính phủ Trung Hoa để phối hợp đàn áp, tiêu diệt các tổ chức cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc.

Năm 1915, Toàn quyền Rumơ (Ernest Roume) sang Nhật để đàm phán về thương mại. Năm 1917, Toàn quyền Xarô (Albert Sarraut) sang Ấn Độ để thương thuyết về kinh tế.

Tóm lại, những cải cách chính trị của chính quyền thực dân ở Việt Nam trong những năm chiến tranh nhằm ổn định tình hình thuộc địa, huy động tiềm năng của thuộc địa phục vụ cuộc chiến tranh ở nước Pháp. Để làm được việc đó chính quyền thuộc địa đã thực hiện một số chính sách mua chuộc tầng lớp thượng lưu, quan lại bản xứ, xây dựng cơ sở xã hội vững chắc ở Việt Nam. Đồng thời, họ cũng cấu kết với các thế lực phản động trong khu vực, đàn áp, cô lập phong trào cách mạng Việt Nam.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4645-02-633921694273122500/Viet-Nam-trong-Chien-tranh-the-gioi-thu-n...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận