Việt Nam quang phục hội
Tháng 10 - 1911, Cách mạng Tân Hợi bùng nổ. Trong không đầy 2 tháng, hầu khắp các tỉnh của Trung Quốc đều tuyên bố độc lập. Chính phủ Dân quốc lâm thời được thiết lập ở Nam Kinh, ách thống trị của triều đình Mãn Thanh bị lật đổ, kết thúc chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc. Được tin vui đó, cụ Phan và các đồng chí rất phấn khởi và tin tưởng. Lúc này, nghĩa quân Yên Thế đang bị quân đội Pháp bao vây, cô lập. Ít lâu sau, cái chết bi tráng của lãnh tụ Hoàng Hoa Thám đã chấm dứt hẳn cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Các cơ sở Duy Tân hội cũng bị tan rã dần trong đợt khủng bố trắng của kẻ thù, số đông các nhân vật quan trọng của Hội đã bị bắt. Trong khi đó, Nhật Bản đã vào hùa với các đế quốc da trắng trong việc giành giật thuộc địa. Còn nước Xiêm tuy có tiếng là độc lập, nhưng không có thực quyền. Những người yêu nước cách mạng Việt Nam đều hướng tới Trung Hoa dân quốc. Trong Niên biểu, Phan Bội Châu đã viết: “Tôi nghĩ Đảng Cách mạng Trung Hoa thành công thì chính phủ bây giờ không phải chỉnh phủ thối nát như trước; nước Trung Hoa tất nhiên hùng cường không kém gì Nhật Bản, nếu hai nước Trung- Nhật đều dốc toàn lực để tiêu diệt bọn xâm lược Âu châu thì không những Việt Nam ta mà cả Ấn Độ, Phi Luật Tân cũng đồng thời độc lập”.
Đây cũng là ý nghĩ chung của các đồng chí của Phan Bội Châu ở trong cũng như ngoài nước. Họ tự động tập trung cả về Quảng Đông để cùng nhau bàn bạc kế hoạch hành động.
Phan Bội Châu và một số đồng chí từ Xiêm (Thái Lan) trở về Trung Hoa tháng 1 - 1912, mang theo một số bản in cuốn Liên Á sô ngôn do Phan mới thảo để tuyên truyền các nước Á Đông liên minh chống đế quốc. Lúc này, các đồng chí của Phan đến Quảng Đông đã tới trên 100 người. Nguyễn Trọng Thường từ trong nước ra cũng cho biết: “Việc cách mạng Trung Hoa thành công có ảnh hưởng lớn đến nước ta, nhân dân phấn khởi hơn trước nhiều lắm, nếu bây giờ ở ngoài tạo được thanh thế thì không lo gì khí thế bên trong không sống được”.
Hội viên Duy Tần hội và những người Đông Du còn lại trên dưới 100 người từ Xiêm đến, từ Nhật Bản về, trong nước sang, với niềm phấn khởi đã họp nhau để bàn định phương châm hoạt động, xác định chủ nghĩa của Hội, giải quyết vấn đề quốc thể, chọn các uỷ viên trở về nước vận động cách mạng, đồng thời bàn việc “liên lạc với các người cách mệnh đảng Trung Hoa, đặt thành cơ quan, mời các người có thế lực tới, cầu viện khí giới cho mình. Bởi vì lúc đó đảng người mình, tất thảy bàn tay trắng, nếu không nhờ được ở ngoài thì không biết làm sao”.
Thượng tuần tháng 5 Nhâm Tý (1912), trong cuộc “Đại hội nghị” tại từ đường nhà Lưu Vĩnh Phúc, có đông đủ đại biểu khắp ba kì đã quyết định thủ tiêu Duy Tân hội và thành lập Việt Nam Quang phục hội. Vấn đề gay go nhất được nêu ra thảo luận là theo quân chủ hay dân chủ. Cụ Phan Bội Châu là người đầu tiên đề ra và cũng là người tranh luận hăng hái nhất để bảo vệ chủ nghĩa dân chủ, cuối cùng đã được đa số chấp thuận. Chương trình hành động do Phan Bội Châu thảo ra cũng được toàn thể hội viên thừa nhận.
Tôn chỉ duy nhất của Hội là: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hoà Dân quốc Việt Nam”.
Hội trưởng là Cường Để và Tổng lí là Phan Bội Châu.
Về tổ chức Hội có ba bộ phận lớn:
Bộ Tổng vụ do Cường Để kiêm nhiệm làm Bộ trưởng và Phan Bội Châu làm Phó Bộ trưởng.
Bộ Bình nghị: gồm đủ đại biểu cả 3 kì, mỗi kì cũ một người có tuổi, có học thức và danh vọng sung vào:
Bắc Kì: Nguyễn Thượng Hiền.
Trung Kì: Phan Bội Châu.
Nam Kì: Nguyễn Thần Hiến.
Bộ Chấp hành có 10 ủy viên đặc trách về:
Quân vụ: Hoàng Trọng Mậu, Lương Lập Nham.
Kinh tế: Mai Lão Bạng, Đặng Tử Kính.
Giao tế: Lâm Đức Mậu, Đặng Bỉnh Thành.
Văn thư: Phan Bá Ngọc, Nguyễn Yến Chiêu.
Thứ vụ: Phan Quý Chuân, Đinh Tế Dân.
Ngoài các uỷ viên Bộ chấp hành, Hội lại cử 3 uỷ viên về nước vận động:
Nam Kì: Đặng Bỉnh Thành.
Trung Kì: Lâm Quảng Trung.
Bắc Kì: Đặng Xung Hồng.
Việt Nam Quang phục hội chủ trương “đánh đuổi giặc Pháp” bằng bạo lực quân sự, nên có đội “Quang phục quân” được tuyển mộ trong đồng bào miền núi gần biên giới Trung - Việt. Cán bộ chỉ huy đều là các sĩ quan và học viên quân sự đã tốt nghiệp trường Sĩ quan Bắc Kinh, trường Quân nhu Bắc Kinh, trường Cán bộ Lục quân Quảng Tây.
Các học sinh Đông Du đã từng công tác lâu ở trong quân đội Trung Quốc như Hoàng Trọng Mậu, Đặng Xung Hồng, Nguyễn Hải Thần... nay được giữ những địa vị trọng yếu của Quang phục quân.
Quang phục quân cũng chia thành các “binh chủng” như bộ binh, pháo binh, có Bộ Tổng tư lệnh, Tổng tham mưu... Quân lính được phiên chế thành Ngũ, Thập, Cai, Đội, Cơ, Vệ, Doanh, Trấn, Quận.
Vũ khí quân dụng, phần lớn mua của Trung Quốc, Nhật Bản..., cũng có bí mật lập một số “binh công xưởng” để chế tạo thêm.
Quốc kì hình chữ nhật nên vàng 5 ngôi sao đỏ, quân kì nền đỏ 5 sao trắng kiểu “ngũ tinh liên châu” (một chuỗi 5 ngôi sao).
Phương châm và quy chế xây dựng quân đội được trình bày trong cuốn Việt Nam Quang phục quân phương lược.
Ngoài lời nói đầu (dài 3 trang) có ý nghĩa như tuyên ngôn chung về chủ nghĩa của Quang phục quân, sách gồm 4 chương chính:
Chương I: Tôn chỉ của Quang phục quân (4 trang)
“Tôn chỉ của Quang phục quân là đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam và thành lập nước Cộng hoà Dân chủ”.
Chương II: Nghĩa vụ của Quang phục quân (12 trang).
Đối với nhân dân, có 15 điều quy định rõ mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân, trách nhiệm bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
- Đối với người Pháp, có 10 điều quy định đổi với giáo sĩ, thương nhân, viên chức, binh sĩ người Pháp còn tại ngũ hoặc đã hồi hưu.
- Đối với những người nước ngoài khác, có 11 điều quy định cụ thể như đối với những người có quốc tịch Việt Nam hoặc chưa vào quốc tịch Việt Nam, những thương nhân, những kiều dân cư ngụ tạm thời, những nhà khoa học, những người đi du lịch...
Đối với quân nhân, có 7 điều quy định cụ thể cho từng hạng quân nhân (tại ngũ, phục viên); thương binh, gia đình tử sĩ... có những quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau.
Ngoài quân đội chính quy, còn có đội hương binh bổ sung cho quân chính quy. Còn có một số điều nói về chính sách binh vận, nguỵ vận, chính sách hàng binh, tù binh.
Chương III: Kỉ luật của Quang phục quân (6 trang) có 37 điều.
- 25 điều nói về thưởng phạt, gọi là 25 điều răn của quân đội.
- 4 điều cần chú ý trong quân thứ.
- 5 điều cần chú ý với tù và hàng binh.
- 3 điều cần chú ý sau khi chiến tranh kết thúc.
Chương IV. Kế hoạch của Quang phục quân (13 trang) có 45 điều chia ra mấy vấn đề sau:
- Thời kì quân chính: tổ chức quân đội (có 18 điều).
- Biên chế các cấp trong quân đội (có 7 điều).
- Lương bổng, trang phục và phù hiệu (có 3 điều).
- Tài chính của quân đội, phát hành quân dụng phiếu, quốc trái, quân lương (có 12 điều).
Tổ chức dân chính lâm thời các cấp, các đơn vị hành chính, hệ thống quan chức văn võ (có 5 điều).
Nguồn tài chính nếu chỉ dựa vào sự viện trợ của Trung Quốc thì quá hạn chế. Theo sự góp ý của Tô Thiệu Lâu, bạn thân của Phan Bội Châu, đảng viên cách mạng Quảng Châu, Quang phục hội đã phát hành tín phiếu là Quân dụng phiếu và Thông dụng ngân phiếu.
Quân dụng phiếu có 4 loại: 5 đồng, 10 đồng, 30 đồng, 100 đồng. Mặt trước, phía trên viết “Việt Nam quang phục quân dụng phiếu”, giữa ghi số tiền chữ lớn, 4 góc ghi số tiền chữ nhỏ bằng chữ Hán. Mặt sau viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ: “Phiếu này do lâm thời quân chính phủ của Việt Nam quang phục quân phát hành, để đổi lấy thực ngân theo số tiền đã ghi trong phiếu, đợi sau này Chính phủ dân quốc chính thức thành lập, sẽ đem thực ngân đổi lại và trả lãi gấp đôi, cấm không ai được làm giả, người nào trái lệnh sẽ bị trừng phạt”. Dưới cùng là chữ kí của Phan Bội Châu và Hoàng Trọng Mậu.
Thông dụng ngân phiếu có 4 loại: 5 đồng, 10 đồng, 50 đồng và 100 đồng. Mặt phải in chữ Quốc ngữ, mặt trái ghi số tiền bằng chữ số Ả rập, bên phải vẽ hai lá cờ trên 3 cụm súng và một cái trống, một cái kèn. Mặt trái in bằng chữ Hán. Phiếu này do Cường Để kí tên.
Để thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc ở châu Á, Hội Chấn Hoa hưng Á được thành lập, có hơn 200 người tham gia. Đặng Cảnh Á người Trung Quốc làm Hội trưởng và Phan Bội Châu làm Phó hội trưởng.
Chương trình hành động của Hội chủ yếu giúp cho Việt Nam Quang phục hội thực hiện nhanh chóng việc đánh đổ thực dân xâm lược Pháp, trong đó bước 1 là viện trợ cho Việt Nam, bước 2 là viện trợ cho Ấn Độ và Miến Điện, bước 3 mới viện trợ cho Triều Tiên.
Nhờ có Hội, Quân dụng phiếu được mua ở Quảng Đông khá nhiều. Các công thương gia lớn, lại có cả một số nhân viên trong quân đội Trung Quốc, một số chị em phụ nữ đã góp hơn 1000 đồng cho Hội.
Tuy vậy, số tiền bán công trái cũng chi đủ trang trải các món chi phí hằng ngày, chưa đủ điều kiện sắm sửa vũ khí, lương thực... Trong khi đó, ở trong nước bọn thống trị ra sức đàn áp, tiếp tục bắt bớ, tù đày các yếu nhân còn sót lại của Đông Kinh nghĩa thục và phong trào Duy Tân. Bọn mật thám, lính kín lùng sục khắp nơi. Các uỷ viên của Việt Nam Quang phục hội phải về nước vận động thấy cần phải có tiếng vang “kinh thiên động địa” để thức tỉnh dân chúng. Vì vậy, Việt Nam Quang phục hội quyết định tiến hành một số cuộc ám sát, xử trí một số tên thực dân đầu sỏ và tay sai đắc lực của chúng. Cuối mùa thu năm 1912, Việt Nam Quang phục hội cử về nước một số người để thi hành các bản án trên. Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Trọng Thường theo đường Lạng Sơn về Bắc Kì; Hà Đương Nhân và Đặng Tử Vũ theo đường Xiêm về Trung Kì; Bùi Chính Lộ cũng theo đường từ Xiêm về Nam Kì, tất cả đều có mang theo tạc đạn để hành động.
Hai nhóm Trung và Nam không hoàn thành được nhiệm vụ. Riêng nhóm về Bắc Kì, Nguyễn Hải Thần về Nam Định để hạ sát viên Toàn quyền Xarô nhân dịp tuyên bố kết quả kì thi Hương tháng 11 - 1912, nhưng do thiếu tinh thần nên không thực hiện được, sau đó Nguyễn Hải Thần trốn trở lại Trung Quốc.
Sau những thất bại trên, các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục hội triệu tập một cuộc họp ở Nam Ninh (Trung Quốc) vào tháng 2 - 1913. Tại cuộc họp, Phạm Văn Tráng tình nguyện về hạ sát Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn, về nước lần này còn có Nguyễn Khắc Cần.
Ngày 13 - 4 - 1913, Tráng đứng đợi trên con đường chính của tỉnh lị Thái Bình. Khoảng 11 giờ 30, xe kéo Tuần phủ Thái Bình chạy qua, Tráng liệng tạc đạn. Tạc đạn nổ, viên Tuần phủ chết.
Các đồng chí cảm tử cũng được lệnh ngày hôm sau ném tạc đạn hạ sát Tổng đốc Hà Đông là Hoàng Trọng Phu, nhưng hôm ấy Phu đi vắng nên không thực hiện được kế hoạch.
Sau vụ ném tạc đạn, bọn quan lại tay sai rất khiếp đảm. Những viên chức khác dè dặt hơn trong hành động chỉ điểm. Các hội viên Quang phục hội càng hăng hái thi hành kế hoạch.
Ngày 26 - 4 - 1913, tại khách sạn Hà Nội trên đường Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), vào lúc 7 giờ rưỡi tối, khi khách hàng phần nhiều là người Pháp ngồi uống rượu và ăn ở sân trước thì một trong hai anh ném một quà tạc đạn, hạ sát 2 viên thiếu tá đã về hưu, nhiều thực khách khác bị thương. Ngay sau đó, Nguyễn Khắc Cần đã bị Pháp bắt khi đang tìm đường sang Trung Quốc. Trong đợt khủng bố trắng sau đó, thực dân Pháp đã lùng sục khắp nơi, bắt 254 người tập trung về Hà Nội. Ngày 5 - 9 - 1918, Hội đồng đề hình tuyên án tử hình 7 người: Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng, Phạm Đệ Quý, Vũ Ngọc Thụy, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết, Phạm Văn Tiên. Cường Để, Phan Bội Châu ở nước ngoài cũng bị kết án tử hình vắng mặt.
Song song với thủ đoạn đàn áp khủng bố trên, thực dân Pháp còn cấu kết chặt chẽ với đế quốc Anh và Tổng đốc Quảng Đông để thao túng cả vùng Hoa Nam là địa bàn các chiến sĩ yêu nước cách mạng Việt Nam lui tới hoạt động. Cường Để với tư cách Hội trưởng Việt Nam Quang phục hội về Nam Kì vận động tài chính cho Hội, trên đường từ Sài Gòn sang Hương Cảng đã bị cảnh sát Anh bắt ngày 8 - 7 - 1913. Cường Để đưa tiền nhờ một luật sư bảo đảm để được tại ngoại, rồi lợi dụng cơ hội được tạm tha xuống tàu thuỷ trốn đi châu Âu.
Vài tuần lễ trước đó, ngày 16 - 6 - 1913, cảnh sát Anh đã vây một ngôi nhà ở Cửu Long (Hương Cảng) bắt 9 hội viên Việt Nam Quang phục hội. Họ đến đây mở một xưởng bí mật làm thuốc nổ, chế tạo vũ khí, trong số đó có Nguyễn Thần Hiến, Huỳnh Hưng.
Cuối năm 1913, Xarô đến Quảng Đông “mặc cả” với Tổng đốc Long Tế Quang yêu cầu bắt Phan Bội Châu và các yếu nhân khác của Việt Nam Quang phục hội. Long Tế Quang đã bắt Phan Bội Châu ngày 24 - 12 - 1913, với mưu đồ sẽ nộp cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương.
Được tin đó, các đồng chí điện cho Nguyễn Thượng Hiền ở Bắc Kinh nhờ vận động để Cụ Phan khỏi bị giao nộp cho thực dân Pháp. Cuối cùng, Long Tế Quang đã không giao nộp Phan Bội Châu cho Pháp mà đưa giam vào nhà tù Quảng Đông, mãi đến tháng 2 - 1917 Cụ mới được giải thoát.
Nhìn chung, dự định của Việt Nam Quang phục hội cũng đã đạt được một số kết quả, các cuộc bạo động lẻ tẻ cũng đã khuấy động dư luận trong và ngoài nước. Nhưng thực dân Pháp nhân đó càng tăng cường khủng bố. Hàng trăm người bị bắt bớ tù đầy, những người trực tiếp tham gia các vụ ném bom ở Thái Bình và Hà Nội đều bị xử tử (Phạm Văn Tráng và Nguyễn Khắc Cần..). Phan Bội Châu và Cường Để bị kết án tử hình vắng mặt. Sau Phan Bội Châu, một số yếu nhân khác của Việt Nam Quang phục hội cũng lần lượt sa vào lưới giặc. Cách mạng Việt Nam đang trải qua những ngày đen tối. Một giai đoạn mới của lịch sử Việt Nam sắp mở màn, giai đoạn bước vào Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918).
Việt Nam Quang phục hội và Phan Bội Châu trong quá trình hoạt động đã kiên trì chủ trương vũ trang bạo động. Theo Cụ Phan chỉ có con đường vũ trang bạo động mới có thể đánh đổ được cường quyền, giải phóng được đất nước. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa mà bất cứ một sự phản kháng hoà bình nào cũng bị đàn áp dã man thì việc dùng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng là con đường đúng đắn nhất để giành thắng lợi cho cách mạng. Phan Bội Châu đã thấy rằng sức mạnh của bạo lực là sức mạnh có vũ trang của nhiều người, do đó phải chuẩn bị chu đáo và phải đấu tranh lâu dài.
Nhưng chính Phan Bội Châu đã rút ra được bài học thất bại của con đường đấu tranh yêu nước cách mạng “trăm thất bại mà không một chút thành công” của mình như sau: “Sau nghĩ ra việc này (tức việc thành lập Việt Nam Quang phục hội - TG) cũng rất hoang đường, vì trong nước không có một kinh doanh tổ chức gì, chỉ chủ trương thế lực bên ngoài, trăm nghìn việc đều nương dựa vào người khác thì từ xưa đến nay, từ Đông đến Tây, không bao giờ có một đảng cách mạng ăn nhờ như thế” như thế mới biết không có lực lượng bên trong mà chỉ ỉ lại vào người ngoài thì thật là khó” và “ỉ lại vào người thì không thể thành công được”. Những lời tự phê phán trên thật sự nghiêm khắc mà cũng vô cùng chính xác!
Tuy nhiên, đường lối bạo động cách mạng của Phan Bội Châu có ý nghĩa rất lớn. Mặc dù không giành được thắng lợi, nhưng vì đi đúng xu thế phát triển của lịch sử, đường lối bạo động cách mạng đó đã phát động mạnh mẽ tinh thần yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Đó là những cống hiến lớn lao của Phan Bội Châu và Việt Nam Quang phục hội vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.