Tài liệu: Vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội (27-6-1908)

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Thực dân Pháp áp dụng trong quân đội chế độ phân biệt đối xử với lính Pháp và lính Việt rất khốc liệt.
Vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội (27-6-1908)

Nội dung

Vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội (27-6-1908)

Thực dân Pháp áp dụng trong quân đội chế độ phân biệt đối xử với lính Pháp và lính Việt rất khốc liệt. Khi ra trận, binh lính người Việt luôn luôn bị đẩy lên phía trước để hứng đạn chết thay cho chúng, nhưng sĩ quan Pháp lại rất khinh rẻ họ. Chúng luôn nghi kị, dè chừng và sử dụng hình phạt nặng nề đối với người có lỗi. Vì vậy, binh lính Việt phần đông đều là những nông dân nghèo bị ép buộc đi lính luôn luôn nuôi sẵn trong người lòng uất ức căm thù đối với bọn chỉ huy Pháp: “Bài ca vận động lính tập” của nhà yêu nước Phan Bội Châu nói rõ thân phận của những người nông dân mặc áo lính:

“Chú mãn hạn về,

Thuế sưu chú chết!

Họ đương chú la lết,

Thân thích chú xác xơ.

Chú nghĩ lại biết chưa,

Tây thương yêu gì chú?

Tây công ơn gì chú?!..”.

Mãi đến năm 1903, theo sắc lệnh ngày 19 - 9 của Phủ Toàn quyền, lính chiến đấu người Việt mới được chính thức thừa nhận với cái tên là lính khố đỏ, chủ yếu phục vụ trong pháo binh, kị binh, công binh, lính thợ. Số lượng binh lính người Việt ngày càng đông, thường bị điều đi các nơi hiểm trở, khí hậu độc, còn lính Pháp chỉ đóng ở những nơi đô thị có đủ tiện nghi. Tinh thần dân tộc kết hợp với ý thức giai cấp vì vậy được khơi dậy, và chỉ chờ có dịp thuận lợi là cuộc đấu tranh bùng nổ.

Chúng ta còn nhớ trong cuộc hội kiến với Phan Bội Châu vào tháng 12 - 1906, thủ lĩnh nông dân Yên Thế là Hoàng Hoa Thám đã đồng ý gia nhập Duy Tân hội và cam kết phối hợp hành động. Hoàng Hoa Thám sau đó đã lập ra đảng Nghĩa Hưng gồm mấy thủ hạ của ông như Chánh Tỉnh (tức Chánh Song), Nguyễn Viết Hanh (tức đội Hổ), Lý Nho (cựu lí trưởng một làng ngoại thành Hà Nội), Đồ Hà Nam (tức Đồ Đảm), Nguyễn Văn Phúc (tức Lang Seo, có nhà tại 51 Hàng Buồm). Họ chia nhau về các tỉnh, nhất là về Hà Nội bắt liên lạc với các nhà yêu nước từng hoạt động cho Đông Kinh nghĩa thục như Lê Đại, Nguyễn Quyền, Phan Tuấn Phong, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành... và với một số anh em lính khố đỏ trong trại lính của Pháp như Nguyền Chí Bình (Đội Bình), Nguyễn Văn Cốc (Đội Cốc), Đặng Đình Nhân (Đội Nhân), Nguyễn Tắc Á (Cai Nga)... Họ đã họp với nhau nhiều lần ở nhà Lang Seo bàn kế hoạch bạo động, đánh chiếm thành phố Hà Nội. Lực lượng chính của cuộc bạo động là anh em binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Nếu thắng lợi sẽ đón Cường Để và Phan Bội Châu về nước lập Chính phủ.

Kế hoạch hành động là sau khi định ngày khởi nghĩa rồi thì tin cho Hoàng Hoa Thám đem một số quân về bố trí sẵn quanh Hà Nội. Anh em binh lính ở Hà Nội làm nội ứng, lấy gỗ lim bịt miệng các khẩu súng đại bác của địch trong thành, còn người nấu bếp thì bỏ thuốc độc vào thức ăn để các sĩ quan và binh lính Pháp trúng độc không tác chiến được. Sau đó sẽ bắn pháo hiệu để lực lượng đóng quanh Hà Nội xông vào thành cướp khi giới, tiêu diệt hết quân Pháp, chiếm thành phố.

Lúc đầu dự định sẽ hành động vào đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng 11 năm 1907, là lúc lính khố đỏ Bắc Kì được phát súng đi luyện tập ở Sơn Tây. Vào đêm hôm đó, có khoảng 200 nghĩa quân Đề Thám do Lang Seo và Lý Nho điều khiển đã tập trung ở bãi cát Đồng Nhân gần đồn Vĩnh Tuy, có trách nhiệm sẽ đánh vào mặt Tây thành, còn mặt Đông thì do bộ phận lính khố đỏ phụ trách. Nhưng đến giờ dự kiến lại được tin là chỉ có một nửa số lính khố đỏ đi Sơn Tây, còn một nửa ở lại không được phát súng đạn nên chưa thể khởi sự được, Lang Seo phải cho cánh quân của mình rút lui.

Sau đó, Lý Nho hứa với Đề Thám là sẽ mộ thêm đồ đảng và đánh úp thành Hà Nội vào khoảng thời gian từ ngày 15 đến 20 - 5 - 1908. Nhưng đến phút cuối cùng lại hoãn.

Ngày khởi sự hoãn lại nhiều lần, trong khi đó thì binh lính lại nóng vội muốn hành động ngay. Hoàng Hoa Thám cũng báo tin cần hoạt động gấp vì trì hoãn mãi địch có thể dò ra manh mối. Trước tình hình đó, những người cầm đầu quyết định hành động vào đêm 27 - 6 - 1908, nhân lúc quân đội Pháp mở tiệc chiêu đãi các sĩ quan.

Kế hoạch được bố trí như sau:

- Một đội quân đánh thẳng vào Đồn Thuỷ ở phía bờ sông.

- Một đội khác chờ sẵn trong các thuyền gần xưởng thuốc lá, từ Cửa Bắc đánh thốc vào thành.

- Đội thứ ba trong đó có 20 người của Đề Thám được trang bị bằng súng lục, do Đội Hổ chỉ huy, chờ sân ở đám đất cửa Vọng Lâu Phủ toàn quyền, sẽ đánh ngay vào trại lính khố đỏ ở phía tây.

- Còn một số người dự trữ từ Sơn Tây đến sẽ tụ tập ở Ô Cầu Giấy, trên đường Hà Nội - Sơn Tây chờ đánh phối hợp.

Hiệu lệnh khởi sự là ba phát súng đại bác. Một số súng đại bác đã được bố trí ở đầu cầu Long Biên nhằm chặn đường địch từ Bắc Ninh về Hà Nội. Ở Gia Lâm cũng có một toán quân chờ sẵn, hễ nghe súng hiệu thì đánh vào đồn Gia Lâm, chiếm ga xe lửa và các đầu tầu, làm cho giao thông mọi ngả bế tắc.

Nhân dân các làng ở ven Hồ Tây cũng được bố trí chuẩn bị đánh vào thành Hà Nội. Một toán 30 người do Trần Văn Tuân (Xã Tuân) chỉ huy, giữ nhiệm vụ canh giữ kho bạc và nhà băng sau khi binh lính nổi dậy.

Bên trong trại lính, một đội khố đỏ sẽ ra phía đường Sơn Tây cắt dây điện thoại để không cho địch liên lạc với quân đóng ở Chùa Thông (Sơn Tây). Mấy anh em trong đơn vị pháo binh chuẩn bị cất giấu kim hoả để vô hiệu hoá các khẩu đại bác. Họ cũng chuẩn bị cả những tờ truyền đơn nhỏ hình chữ nhật, ở góc cố dán mảnh lụa vàng làm dấu, ghi dòng chữ: “Nhận được giấy này, hãy hạ súng đầu hàng!”.

Thuốc độc làm bằng cô độc dược chế biến từ hôm trước đã được phân phát cho các đầu bếp “người” của nghĩa đảng ở các nhà bếp nấu ăn cho Pháp để họ trộn vào thức ăn vào lúc gần 7 giờ tối là giờ ăn tối của đơn vị lính người Âu.

Sau bữa tiệc, 80 lính Pháp của trung đoàn bộ binh thứ 9 và 125 tên của trung đoàn pháo binh số 4 đã bị ngất xỉu, nhưng chất độc của cà độc dược không đủ mạnh nên chúng không chết.

Trước đó, thực dân Pháp đã nhận thấy tình hình bất lợi cho chúng nên đã kịp thời ứng phó. Từ tháng 5 - 1908, công sứ Hà Đông đã cho mật thám dò xét nhà hàng cơm của Nhiêu Sáu (số nhà 20 phố Cửa Nam) là nơi lui tới của nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau ở Hà Nội. Anh em binh lính người Việt thuộc cơ công binh pháo thủ số 9 là khách cơm tháng đông nhất của nhà hàng. Một số nhà nho tân học, một số người làm nghề xem tướng số cũng có mặt tại đây. Nhiều tin đồn sắp có cuộc nổi loạn, nên thực dân Pháp đã cắt cử các binh đội đề phòng cẩn mật, nhất là các kho khí giới đạn dược.

Tối ngày 27 - 6 - 1908, ngay sau khi một số binh lính Pháp bị ngộ độc, tên Trương người công giáo là lính trong cơ công binh pháo thủ số 9 có tham gia vụ này đi xưng tội với cố đạo Ân ở Nhà thờ Hà Nội. Được cấp báo, thực dân Pháp một mặt lập tức cho các thầy thuốc cứu chữa những binh lính sĩ quan bị ngộ độc, mặt khác cho bắt ngay những hạ sĩ quan và lính người Việt mà chúng tình nghi, sau đó tước hết khí giới của binh lính người Việt và giam chặt họ trong trại. Lệnh thiết quân luật được ban bố. Những nơi trọng yếu trong thành phố được canh giữ nghiêm ngặt. Nhiều đội kị binh đi tuần tiễu lùng sục trong thành phố và ngoại ô.

Trong khi đó, các toán nghĩa quân cũng như các lực lượng chuẩn bị phối hợp tác chiến của ta đã ém sẵn ở các vị trí từ vòng ngoài chờ mãi không thấy súng hiệu nổ, biết là việc đã lộ nên vội rút lui để khỏi sa vào lưới giặc. Hơn 200 lính Pháp được cứu thoát, trật tự an ninh trong thành phố dần được lập lại.

Vụ đầu độc đã gây tiếng vang lớn. Sĩ quan và binh lính Pháp sợ hãi, mấy hôm liền không dám ăn cơm ở trại. Thức ăn dọn ra, người nhà bếp phải nếm trước. Báo chí tay sai thi nhau công kích Bộ chỉ huy và Sở Mật thám, cho là đã dò ra âm mưu bạo động từ trước mà vẫn không ngăn ngừa được.

Ngày 28 - 6 - 1908, Hội đồng đề hình được thành lập cấp tốc để xét xử vụ đầu độc Hà thành. Cuộc điều tra cứu xét đang còn tiếp tục, nhưng ngày 8 - 7 - 1908 chúng đã xử chém Đội Bình, Đội Cốc và Đội Nhân tại Bãi Gáo, gần Cột Cờ, rồi bêu đầu ở Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy và chợ Mơ (Bạch Mai) để uy hiếp tinh thần dân chúng. Cả ba người trước khi bị hành quyết tại pháp trường đều có thái độ hiên ngang, bất khuất.

Thực dân Pháp bắt những người tham gia cuộc khởi nghĩa của binh lính Việt Nam (1908) (Ảnh của VNTTX)

Tháng 10 - 1908, Hội đồng đề hình Pháp họp và xử tử thêm 13 người, trong số này có Hai Hiên, Lang Seo, Cai Tôn, Đội Hổ, Đồ Đảm... ; kết án tử hình vắng mặt 6 người và tù chung thân 4 người, còn số người bị án có hạn thì khá nhiều.

Bà Nhiêu Sáu bị tra tấn cực hình và chết trong tù; cô Đồng Đa giữ một ngôi chùa ở Phúc Yên, làm liên lạc cho Đề Thám cũng bị bắt, rồi tự tử. Còn lại một số trốn lên Phồn Xương tiếp tục chiến đấu.

Nhân vụ này, thực dân Pháp có cớ để bắt, lưu đày một số nhân sĩ ở Đông Kinh nghĩa thục. Chúng kết án họ đã tuyên truyền cho nhân dân bất phục chính quyền.

Trong quá trình tiến hành điều tra, thực dân Pháp đã phát hiện được nhiều chứng cứ là Đề Thám có tham gia tích cực vào vụ Hà thành đầu độc. Đó là một nguyên nhân khiến cho chúng có thái độ cương quyết, mở cuộc tấn công lớn vào tháng 1 - 1909, nhằm thanh toán căn cứ Yên Thế.

Trước mắt kẻ địch đang mạnh, một cuộc bạo động nhỏ bé, cô lập, lại tổ chức thiếu chặt chẽ không thể thành công được. Nhưng vụ đầu độc này là một sự kiện rất đáng chú ý trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX. Đó là cuộc nổi dậy đầu tiên của binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Cuộc nổi dậy chứng tỏ binh lính người Việt trong quân đội Pháp cũng là một lực lượng lợi hại trong cuộc đấu tranh chống đế quốc. Cuộc bạo động của binh lính ngay trong lòng địch đã báo trước phong trào đấu tranh cứu nước sẽ lan rộng, huy động được nhiều giới, nhiều tầng lớp tham gia. Nhiều cơ sở của phong trào cách mạng từ đây có chỗ dựa vững vàng thêm.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4644-02-633921692161716250/Phong-trao-yeu-nuoc---cach-mang-Viet-Nam-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận