Tài liệu: Phan Châu Trinh với xu hướng cải cách

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Phan Châu Trinh, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh năm 1872 ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kì, tỉnh Quảng Nam.
Phan Châu Trinh với xu hướng cải cách

Nội dung

Phan Châu Trinh với xu hướng cải cách

1. Thân thế và những hoạt động

Phan Châu Trinh, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh năm 1872 ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kì, tỉnh Quảng Nam.

Cha là Phan Văn Bình giữ một chức võ quan nhỏ, sau năm 1885 theo phong trào Cần Vương trong tỉnh, làm chuyển vận sứ phụ trách việc quân lương. Mẹ là Lê Thị Chung, cũng thông hiểu chữ nghĩa. Sau khi kinh thành Huế thất thủ (1885), Phan theo cha, tập luyện võ nghệ, bắn cung, cưỡi ngựa. Nhưng nghĩa quân bị Nguyễn Thân dồn đánh, lâm vào thế khó khăn. Năm 1887, Phan Văn Bình bị nghi kị trong phong trào nên bị sát hại, nghĩa quân Quảng Nam không bao lâu sau cũng tan rã.

Phan Châu Trinh

Năm cha mất, Phan Châu Trinh mới 16 tuổi, gia đình phải dựa vào sự lo liệu của người anh cả. Năm 1892, Phan đi học, bạn cùng học là Huỳnh Thúc Kháng kém ông 4 tuổi. Ông nổi tiếng học giỏi, nhưng thi Hương hai khóa không đỗ. Năm 1898, ông xin vào học ở trường tỉnh do Tiến sĩ Trần Đình Phong giữ chức Đốc học phụ trách và giảng dạy. Trần Đình Phong học vấn uyên bác, lại có dụng ý đào luyện nhân tài.

Năm 1900, Phan Châu Trinh đỗ cử nhân, năm sau 1901 đỗ phó bảng. Năm 1902, ông vào học trường Hậu bổ, rồi ra làm quan với chức quan Thừa biện bộ Lễ. Tại triều đình, ông được chứng kiến cảnh mục nát hủ bại của quan trường, nên sinh ra chán nản, có khi vài tháng không đến cơ quan. Nhưng chính vào thời gian đó, ông giao du với nhiều người có tư tưởng canh tân như Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ, ..., được đọc Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch, Tân thư giới thiệu tư tưởng duy tân của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu) tư tưởng dân quyền của Ruxô (Rousseau), Môngtexkio (Montesquieu)..., phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, cách mạng ở Pháp, Mĩ.

Tháng 7 - 1904, Phan Châu Trinh gặp Phan Bội Châu, hai người trở thành đôi bạn tâm phúc. Cuối năm đó, lấy cớ phải chăm lo việc thờ phụng tổ tiên thay anh cả đã mất, ông xin cáo quan về quê. Từ đó, ông dốc lòng vào công cuộc cứu nước.

Mặc dù rất đau xót trước cảnh người Pháp ngược đãi người Việt Nam, quan điểm của ông là trước mắt chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, mà nhiệm vụ cấp bách là phải:

- Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế.

- Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa,

- Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hoá…

Phan Châu Trinh yêu cầu chính quyền thuộc địa sửa đổi chính sách cai trị hiện hành để có thể giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến đến văn minh. Ông đề cao phương châm “Tự lực khai hoá”, vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng tuyên truyền tư tưởng dân quyền.

Với phương châm đó, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh phía nam (đến Phan Thiết). Ông lai nuột mình ra Bắc, lên tận căn cứ Phồn Xương (Yên Thế, Bắc Giang) tìm gặp Hoàng Hoa Thám.

Năm 1906, nghe tin Phan Bội Châu lại mới lên đường xuất dương cương Cường Để, ông cũng ra nước ngoài định sang Nhật tham gia. Nhưng đến nhà Lưu Vĩnh Phúc tại Quảng Đông, ông đã gặp Phan Bội Châu đang ở đấy. Hơn 10 ngày ở Quảng Đông, hai ông cùng nhau bàn bạc việc nước. Phan Châu Trinh tán thưởng bài Khuyến tự trợ du học văn của Phan bội Châu, nhưng không nói gì khi xem xong chương trình của Duy Tân hội.

Sau đó, ông cùng Phan Bội Châu và Cường Để lên đường sang Nhật. Ông tham quan các trường học, khảo cứu tình hình giáo dục chính trị của Nhật Bản Phan Châu Trinh rất hoan nghênh việc Phan Bội Châu đã vận động được một số học sinh ra nước ngoài học tập và phổ biến những tài liệu tuyên truyền giáo dục quốc dân trong nước. Song ông phản đối chủ trương bạo động và tư tưởng quân chủ muốn dựa vào ngôi vua của Phan Bội Châu. Nhờ có Phan Bội Châu giới thiệu, ông cũng đã tiếp xúc với một số chính khách Nhật Bản.

Giữa tháng 5, ông rời Nhật Bản về nước. Khi từ biệt Phan Bội Châu, ông ân cần dặn dò: “Bác nên giữ gìn cẩn thận, bây giờ trong nước chỉ mong vào Bác, chứ như Kỳ Ngoại hầu (chỉ Cường Để - TG) thì chả hi vọng gì đâu”[1]

Về nước, sau một thời gian, ông gửi cho Toàn quyền Bô (Paul Beau) một bức thư dài đề ngày 15 - 8 - 1906.

Mở đầu Phan viết: “Trộm thấy nước Đại Pháp từ ngày bảo hộ nước Nam đến nay đã sửa chữa xây dựng cầu cống, đường sá, mở đường giao thông bằng xe lửa và tàu thủy, đặt đường truyền tin bằng điện báo và bưu dịch. Những việc ấy đều có lợi cho nước Nam, trước tai mắt của người ta, không thể chối được. Nhưng trong đó còn có điều không thể không nói. Đó là những tệ thông hành trong quan trường, những khổ tích lũy trong dân gian, cùng là sự hư hỏng của phong tục”. Những hiện tượng đó dẫn tới: “Một nước rộng hơn bốn mươi vạn dặm, đông hơn hai mươi triệu dân, mà cứ dần dần từ vị trí bán khai quay trở lại vị trí dã man”.

Tình trạng đó, theo Phan Châu Trinh, có 3 nguyên nhân:

“Một là nhà nước bảo hộ dung dưỡng quan lại Việt Nam để gây thành cái tệ nhu nhơ”. Các quan đại thần “ngoài việc chiếu lệ hội thương, hàng ngày xử kiện, hỏi đến việc lợi hại của cả nước, cả tỉnh thì lại không biết gì cả”. Các quan phủ, huyện “ngoài việc thôi thúc thuế sưu, tiếp đón quý quan, hỏi đến việc lợi hại cả phủ, cả huyện họ không biết tí gì”.

“Hai là chính phủ bảo hộ xem khinh sĩ dân Việt Nam gây thành cái tệ cách biệt”. Ông viết: “Mấy chục năm nay không cứ là quan lại hay là thân sĩ, có tội hay không có tội, nếu gặp khi quan thày Pháp giận dữ, thì không kể là quan hay là dân đều bị nhục cả. Còn dân nghèo đi làm thuê, dân làng đi sai dịch bị người Pháp đánh chết hay đá chết thì nhiều lắm... Người có lòng tốt không ai là không kinh ngạc mà phẫn uất cho rằng người Pháp đãi ta như cầm thú, vì ta như gỗ đá vậy”.

“Ba là quan lại An nam nhân sự li gián đã gây thành cái tệ ngược dân”. Bọn quan lại lợi dụng tình hình trên ra sức hoành hành, hút máu đẽo xương dân” đến nỗi ngày nay dân cùng của hết, nghèo giàu đều khốn, dân đói đầy đường, trộm cướp như rươi, oán trách rầm lên, tình thế thật là nguy ngập”.

Tiếp đó, phan Châu Trinh chỉ trích Chính phủ Pháp không lo mở mang khai thác hoá cho dân mà chỉ lo thu thuế cho nhiều, do đó dân đã khổ càng khổ hơn, “đến nỗi ngày nay trong số mười người cùng khốn thì có năm sáu người do quan lại ngược dân gây nên và ba bốn người do sưu dịch quá phiền gây nên”.

Ông đề nghị chính phủ Đông Dương nên thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Nam, cải tổ mọi chính sách cai trị: “Chính phủ bảo hộ quả thực có thay đổi hẳn chính sách, kén chọn kẻ tài năng, trao cho quyền bính lấy lễ mà đãi, tỏ rõ lòng thành, cùng với họ bàn mưu lập kế để hưng lợi trừ hại, mở đường sinh dưỡng cho dân nghèo, trao quyền nghị luận cho thân sĩ, rộng đường báo chí để thấu dân tình, phân minh thưởng phạt để trừ lại tệ, ngoài ra như sửa đổi pháp luật, bãi bỏ khoa cử, chấn hưng học hiệu, đặt dựng thư cục, đào tạo sư phạm cho đến học công thương khoa kĩ nghệ, phép thuế dịch, không có cái gì không lần lượt cải lương thì người dân đều yên làm ăn, kẻ sĩ đều vui phục vụ. Lúc ấy chỉ sợ nước Pháp bỏ nước An nam mà đi, còn ai xem nước Pháp là thù địch nữa”.

Trong bức thư có những suy nghĩ quá tin vào truyền thống cũ của cách mạng Pháp và lòng tốt của thực dân Pháp. Có đoạn có những lời lẽ có phần nghiệt ngã, cứng nhắc đối với chủ trương bạo động và phong trào đấu tranh vũ trang của dân tộc. Mặt khác, Phan Châu Trinh còn phê phán đánh giá trình độ của nhân dân ta quá kém, để từ đó dẫn đến mức không tin cậy vào khả năng cách mạng của nhân dân.

Mặc dù vậy, bức thư một khi được công bố đã gây tiếng vang lớn trong nhân dân, công khai nói lên tâm trạng bất mãn của dân chúng và khẳng định quyết tâm cải biến hiện trạng của đất nước. Chính quyền thuộc địa và những người Pháp có thiện chí cũng bắt đầu chú ý đến Phan Châu Trinh từ đó.

Cùng với việc gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương, Phan Châu Trinh còn ra sức đẩy mạnh “tự lực khai hóa”. Ông đã gặp các sĩ phu ở Hà Nội (Lương Văn Can, Nguyễn Quyền...) bàn việc mở tại Hà Nội một trường học theo gương Khánh ứng nghĩa thục của Nhật Bản. Sau đấy, tháng 3 - 1907, Đông Kinh nghĩa thục được thành lập và hoạt động ngay ở Hà Nội. Đặc biệt, ông hoạt động mạnh ở quê hương Quảng Nam và các tỉnh Nam Trung Kì là nơi ông có nhiều ảnh hưởng.

Tháng 7 - 1907, Phan Châu Trinh ra Hà Nội tham gia giảng dạy ở Đông kinh nghĩa thục, những buổi diễn thuyết của ông có rất đông người đến nghe. Ông mở rộng giao du với cả một số người Pháp.

Đầu tháng 8 - 1908, cuộc nổi dậy đòi giảm sưu thuế của nông dân bùng nổ tại Quảng Nam, rồi lan ra các tỉnh. Khâm sứ Trung Kì nhờ Thống sứ Bắc Kì cho bắt Phan Châu Trinh tại Hà Nội ngày 31 - 3, sau đó giải về Huế giao cho Nam triều giam giữ. Hội đồng xét xử gồm các quan lại Nam triều, có Khâm sứ Trung Kì ngồi dự đã kết án chém. Nhưng do sự can thiệp kịp thời của những người Pháp có thiện chí và những đại diện của Liên minh nhân quyền tại Hà Nội, Phan Châu Trinh chỉ bị đày đi Côn Đảo.

Đầu mùa hè năm 1910, Thống đốc Nam Kì theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương ra Côn Đảo thẩm vấn riêng Phan Châu Trinh.

Tháng 8 năm đó, ông được đưa về đất liền. Tại Sài Gòn, một hội đồng xử lại bản án được thiết lập, ông được “ân xá”, nhưng buộc phải xuống ở Mĩ Tho để quản thúc. Sau đó ông viết thư cho Toàn quyền đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Đảo, nhất định không chịu cảnh bị giam lỏng ở Mĩ Tho. Vì vậy, nhân dịp có nghị định ngày 31 - 10 - 1908 của Chính phủ Pháp về việc lập một nhóm giảng dạy tiếng Trung Hoa tại Pháp, chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, Phan Châu Trinh được đi với đoàn này, con trai ông là Phan Châu Dật cùng đi theo. Sang tới Pháp, mặc dù những bở ngỡ khó khăn buổi đầu về ngôn ngữ, sinh hoạt, ông đã tìm cách liên hệ với những người trong Liên minh nhân quyền và Đảng Xã hội Pháp. Nhiều Việt kiều tại Pháp cũng đến với Phan Châu Trinh. Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường đã lập Hội đồng bào thân ái gồm những Việt kiều gắn bó với quê hương.

Ông cũng tiếp xúc nhiều lần với những nhân vật cao cấp ở Bộ Thuộc địa, với Xarô (Albert Sarraut) sắp sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương để trình bày chính kiến của mình.

Ông viết bản điều trần về cuộc đấu tranh chống sưu thuế năm 1908 ở miền Trung Việt Nam gửi Liên minh nhân quyền (Trung Kì dân bến thủy mạt kê).

Cũng trong thời gian này, ông viết Pháp - Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam, cho rằng không thể nhìn Việt Nam một cách cô lập mà phải đặt trong mối quan hệ với thế giới, trước hết là với các nước mạnh và với nước Pháp, cũng như không thể chỉ nhìn hiện tại mà phải nhìn lại lịch sử đã qua và phải tìm hiểu xu thế phát triển sắp tới, tạo nên cách nhìn cả thời lần thế.

Trong bài trả lời phỏng vấn một tờ báo Pháp (đăng ngày 3 - 5 - 1918), ông khẳng định bạo động không thể tránh khỏi nếu Pháp không thực hiện những cải cách, đồng thời ông cũng cực lực phản đối sự đàn áp của nhà cầm quyền Pháp. Ông viết: “Dân An nam muốn được học hỏi, muốn được kính trọng, không muốn bị đổ rượu vào đầy họng, dân muốn dần dần tự giải thoát...

Ngày mà nhân dân An nam được nước Pháp giúp cho học hành, được tự chủ, giúp cho chúng tôi được tự ao, nước Pháp sẽ đảm bảo quyền lợi và chúng tôi sẽ là bạn và đồng minh của nước Pháp mãi mãi...

Phải bỏ độc quyền rượu, cấm hút thuốc phiện, cho tự do học hành, xác định lại chế độ chính trị và hành pháp ở Đông Dương, ân xá những chính trị phạm, có thái độ mới đối với mọi người bản xứ vốn là nạn nhân của sự khinh bỉ quá đáng”[2].

Tháng 6 - 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, nhà cầm quyền Pari đưa giấy gọi Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường đi lính, nhưng hai ông đã phản đối. Mấy tháng sau, chúng lại vu cho hai ông có liên hệ với Đức để bắt giam từ tháng 9 năm 1914. Nhưng rồi không có chứng cớ xác đáng, tháng 7 -1915, chúng buộc phải trả tự do cho hai ông.

Trong những năm sống ở thủ đô Pháp, ông làm nghề sửa ảnh, sống thanh bạch. Năm 1926, ông về nước và mất ở Sài Gòn.

Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỉ XX. Ông là một nhà nho yêu nước chân chính, có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể khẳng định rằng ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỉ, và có những đóng góp lớn trong công cuộc vận động cứu nước. Với tinh thần yêu nước nồng nhiệt, suốt đời gắn bó với vận mạng đất nước, với cuộc sống sôi nổi, sóng gió, gian khổ và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ.

2. Cuộc vận động Duy Tân

Cuộc vận động cải cách Duy Tân ở miền Trung được khởi xướng đầu tiên ở Quảng Nam với Phan Châu Trinh và hai đồng chí thân thiết Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng.

Trần Quý Cáp sinh năm 1870 ở làng Bát Nhị, huyện Diên Phong tỉnh Quảng Nam. Ông học giỏi, nhưng thi Hương ba lần chỉ đỗ tú tài, được đặc cách thi Hội và đậu tiến sĩ (1904). Năm 1906, ông nhận chức giáo thụ phủ Thăng Bình (Quảng Nam). Sau đó ông rất nhiệt thành với sự nghiệp cải cách của Phan Châu Trinh.

Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876 trong một gia đình nông dân ở làng Thanh Bình, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam. Khoa thi hương năm 1900, ông đậu giải nguyên; thi Hội năm 1904 đậu tiến sĩ, nhưng ông không chịu ra làm quan, ở nhà đọc nhiều Tân thư, nuôi chí cứu nước, dốc lòng theo chủ trương vận động duy tân của Phan Châu Trinh.

Cuộc vận động cải cách ở Quảng Nam diễn ra trên nhiều lĩnh vực:

- Kinh tế

Thông qua buôn bán để tập hợp nhau lại, tiền kiếm được để nuôi thầy giáo mở trường học, cung cấp sách vở cho học sinh, vì vậy còn gọi là “Quốc thương”. Cử nhân Phan Thúc Duyên lập Hợp thương Diên Phong tại làng Phong Thử, buôn các loại thổ sản (vải, sợi, đường, lợn, dầu lạc...), trở thành đầu não các thương hội ở Quảng Nam. Nguyễn Toản tuy làm bang tá cho Pháp, nhưng cũng mở hiệu bán đủ loại: vải, gạo, đường, quế, tơ, cau khô, dầu lạc...; ngoài ra còn bán Tân thư, bản đồ, sách vở, bút mực... cho học sinh và nho sĩ.

Về nông nghiệp, các nhà nho bị hạn chế về kinh nghiệm, nhân công thiếu, lại phải đối phó với khí hậu khắc nghiệt nên gặp nhiều khó khăn.

- Mở trường dạy học

Mở trường dạy học là hình thức hoạt động chính của các sĩ phu trong việc mở mang dân trí. Tại đây, nhiều cuộc diễn thuyết cổ động dân quyền, tự chủ, đổi mới phong tục cũng được tổ chức.

Các trường học đều dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, toán, lịch sử và địa lí Việt Nam, các kiến thức về khoa học tự nhiên, thể dục, hát...

Trần Quý Cáp với tư cách Đốc học trường tỉnh đã mở lớp ngay trong trường của Nhà nước, rước thầy về dạy chữ Pháp, chữ Quốc ngữ, học sinh có đến vài trăm người.

Trường Diên Phong có ảnh hưởng lớn vì là một trường tư ở nơi đã có thương hội Diên Phong. Trường đã dùng bảng đen, phấn trắng... Đối với người lớn, trường tổ chức giảng về sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, về thuyết dân quyền...

Trường Phú Lâm có một lớp dành riêng cho nữ sinh, có hai nữ giáo viên tham gia giảng dạy. Trường do Lê Cơ (anh em con cô con cậu với Phan Châu Trinh) lập. Lê Cơ đi thi không đậu, năm 1908 đã ra làm lí trưởng với hoài bão: “Ta không làm nổi việc lớn cho thiên hạ thì ta thử nghiệm ở một làng”. Ông bắt đầu cải cách việc xâu thuế, tế tự, giảm cúng bái, bài trừ nạn xôi thịt... Ông còn lập hiệu buôn tạp hoá, những nông đoàn trồng quế, hồ tiêu, chè..., mở lò rèn, lò chén, xưởng mộc...

Tại Quảng Ngãi, Lê Đình Cẩn trở thành người cầm đầu cuộc vận động cải cách đổi mới, ông được Phan Châu Trinh trao tận tay một số Tân thư và cùng trao đổi về chủ trương cứu nước.

Cử nhân Nguyễn Đình Quảng đã mở một trường ở làng Song Tích huyện Sơn Tịnh, học sinh không hạn chế về tuổi, học ngoài giờ lao động vào buổi trưa và buổi tối.

Tại Bình Thuận, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng ở tại nhà của Nguyễn Quý Anh (con Nguyễn Thông, một danh sĩ yêu nước ở Nam Kì cuối thế kỉ XIX).

Một thư xã được thành lập (1905) là nhà giảng sách, đặt tại đình Phú Tài. Lễ khai giảng có công sứ và các quan tỉnh đến dự. Diễn giả khai mạc là Phan Châu Trinh. Tại Thư xã, những tư tưởng của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, những tư tưởng về dân chủ, tự cường lần lượt được giới thiệu.

Năm 1906, Nguyễn Trọng Lợi (anh ruột Nguyễn Quý Anh) lập Công ti Liên Thành buôn nước mắm ở Phan Thiết. Liên Thành phát triển thành một hãng buôn lớn, có xưởng chế biến nước mắm đặt trụ sở ở Phan Thiết, Sài Gòn... Năm 1907, ông lập trường tư thục Dục Thanh do Nguyễn Quý Anh làm quản đốc. Phí tồn của trường do công ti Liên Thành chu cấp.

Nguyễn Tất Thành có dạy một thời gian ở trường này.

Tại Nghệ An, Hà Tỉnh có Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế... .Đặng Nguyên Cẩn đậu phó bảng năm 1895, được bổ làm học quan giáo thụ, rồi đốc  học. Sau khi đậu tiến sĩ cùng khoa thi Hội với Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế không ra làm quan. Tháng 6 - 1906, Triệu Dương thương quán được thành lập với sự góp vốn chung của Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế.

Tại Thanh Hoá Hạc thành thư xã, liên hệ với Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, hội Hợp thương ở Quảng Nam, Triệu Dương thương quán ở Nghệ - Tĩnh.

Cuộc vận động cải cách ở miền Trung được sự hưởng ứng của đông đảo nho sĩ và dân chúng. Những thế lực bảo thủ, lạc hậu điên cuồng chống lại. Đặc biệt, chính quyền thực dân phong kiến tìm mọi cách ngăn cấm. Tổng đốc Quảng Nam Hồ Đắc Trung cấm không cho dân chúng tụ tập nghe diễn thuyết. Trần Quý Cáp bị đổi vào Khánh Hoà, Lê Cơ bị kìm kẹp hằng ngày. Đặng Nguyên Cẩn đang là đốc học Hà Tĩnh bị đổi vào Bình Thuận đi năm 1907. Ngô Đức Kế bị bắt vì án sát Cao Ngọc Lễ[3] vu cho tội âm một làm loạn. Tại Quảng Ngãi, Lê Đình Cẩn bị công sứ xét hỏi nhiều lần.

Phong trào cải cách Duy Tân ở Trung Kì khẳng định sức thu hút mạnh mẽ của tư tưởng duy tân và vai trò lãnh đạo của những sĩ phu tiến bộ. Phong trào đã có ảnh hướng lớn đến trình độ giác ngộ và tinh thần đấu tranh của nhân dân đòi cải cách đời sống về mọi mặt.

Nam Kì, Trần Chánh Chiếu (Gilbert Chiếu) có vai trò rất quan trọng trong phong trào. Ông sinh năm 1867 ở Rạch Giá trong một gia đình điền chủ, lúc nhỏ học trường trung học Adran, rồi ra làm thông ngôn, xã trưởng, được chức Tri phủ danh dự nên còn gọi là Phủ Chiếu. Ông nhập quốc tịch Pháp nên được tự do đi lại. Con là Trần Chánh Tuyết học ở Hương Cảng. Phan Bội Châu thường đến chỗ Tuyết trọ học để tuyên truyền tư tưởng ái quốc, nhờ chuyển văn kiện về cho bố, và đề nghị mời bố ra Hương Cảng. Sau đó Trần Chánh Chiếu đã sang Nhật và có gặp Phan Bội Châu (bàn bạc công việc, nên khi về nước rất tích cực hoạt động cho phong trào Đông Du và Duy Tân.

Nguyễn Thần Hiến cũng là một nhân vật hoạt động tích cực cho Đông Du. Ông sinh năm 1856 ở Hà Tiên, nhưng lập nghiệp ở Cần Thơ. Ông lập Khuyến du học hội và giúp quỹ du học sinh phần lớn gia tài. Ông xuất dương cùng Phan Bội Châu hơn 7 năm, về sau mất ở Hà Nội.

Số học sinh Nam Kì tham gia Đông Du đông nhất, bằng cả số học sinh của Bắc Kì và Trung Kì cộng lại.

Về kinh doanh, Trần Chánh Chiếu thành lập Minh Tân công nghệ xã. Đây là một công ti cổ phần có điều lệ gần giống các công ti của Pháp, Trần Chánh Chiếu còn lập Minh Tân khách sạn ở Mĩ Tho và Nam Trung khách sạn Sài Gòn. Đây cũng là nơi hội họp của nhiều người có chí hướng khác nhau.

Nguyễn An Khang, nhà văn và nhà báo đã lập Chiêu Nam Lầu tại đường Kênh Lấp, gần chợ Sài Gòn.

Ngoài ra còn nhiều tổ chức khác lập nhà in, bào chế thuốc bắc, vận tải đường sông, cho vay nhẹ lãi... ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kì.

Đặc biệt đáng chú ý là việc xuất bản Lục tỉnh tân văn, một tờ báo chữ Quốc ngữ do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút. Báo ra mỗi tuần một số, từ tháng 11 - 1907 đến tháng 11 - 1908 được 52 số. Báo hô hào bỏ cờ bạc, hút thuốc phiện... ; giảm bớt nghi thức khi cưới xin, ma chay; kêu gọi giành lại quyền lợi kinh tế trong thương mại, dịch vụ, đấu thầu... đang nằm trong tay Hoa kiều và Ấn kiều được Chính phủ Pháp che chở. Báo còn lên án bọn quan lại tham nhũng, kêu gọi đồng bào hợp quần, tương thân tương ái.

Nhìn chung, phong trào Duy Tân ở Nam Kì có những yêu cầu và hình thức tổ chức ở mức độ cao hơn so với Bắc Kì và Trung Kì. Chủ trương của Phan Bội Châu với danh nghĩa Cường Để có vai trò quan trọng trong việc  tập hợp lực lượng này.

3. Phong trào chống sưu thuế Trung Kì (1908)

Nhân dân các tỉnh Nam Trung Kì bị thực dân Pháp và phong kiến tay sai, tiếp tay nhau đè nén, bóc lột nặng nề. Ở Quảng Nam, dân phải đào sông Cu Nhí để chở than từ Nông Sơn ra Đà Nẵng, đắp đường tới mỏ Bồng Miêu để khai thác vàng, đắp đường từ Đà Nẵng đến đèo Ai Lao đi Di Linh, Tây Nguyên... Năm 1908, thực dân Pháp bắt đầu sửa đường, mở rộng mặt đường và rải đá từ huyện Đại Lộc lên tỉnh. Viên tri huyện ăn hối lộ nên phân bổ công việc không đều làm cho dân tình xôn xao. Ngày 11 - 3, họ kéo nhau lên tỉnh, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đấu tranh đòi bỏ lệ đi xâu, giảm thuế. Từ Đại Lộc lên tỉnh lị ở Hội An trên 40 km, dân chúng hai bên đường theo mỗi lúc một đông, tại bến đò Vĩnh Điện gần tỉnh số người lên đến năm, sáu trăm. Đoàn người kéo đến toà sứ, công sứ Sáclơ (Charles) chỉ cho đại diện vào. Viên công sứ vừa doạ nạt, vừa hứa xin ý kiến cấp trên và xét xử viên tri huyện. Dân chúng không chịu giải tán, một mực đòi giải quyết, bọn cầm quyền đã cho bắt ba người đại diện, sau đó đày đi Lao Bảo (Quảng Trị). Nhân dân căm phẫn, kéo đến đông hàng vạn. Công sứ ra lệnh cho lính đánh đập, bắn súng thị uy, đoàn biểu tình cũng chi tạng thời tản ra, rồi lại tụ lại.

Ngày 21 - 8, một đoàn biểu tình kéo vào bao vây dinh, đòi viên Tổng đốc cùng đi với nhân dân đến toà sứ xin giảm xâu thuế cho dân, Tổng đốc Hồ Đắc Trung bỏ trốn. Trong khi đó thì Toà sứ Hội An bị đoàn biểu tình bao vây hơn một tháng, hết đợt này đến đợt khác. Viên công sứ hứa sẽ cách chức tri huyện Đại Lộc và từ nay sẽ không tăng xâu thuế nữa, lúc đó nhân dân mới chịu giải tán dần. Nhưng các phủ huyện khác ở Quảng Nam vẫn kế tục nhau nổi dậy. Ngày 22 - 3, nhân dân kéo nhau đến phủ lị Điện Bàn đòi tri phủ đi xin xâu cùng với nhân dân. Tri phủ không chịu đi, bị nhân dân bỏ lên xe kéo đi. Viên đề lại trốn được, chạy đến báo Toà sứ. Công sứ đã điều động lính khố xanh tới bủa vây đoàn biểu tình, rồi dùng roi, gậy, báng súng đánh túi bụi. Bọn lính nổ súng cả vào những người biểu tình. Một số người nhảy xuống sông bị chết đuối, viên tri phủ được giải thoát.

Nhưng ngay sau tối hôm đó, dân chúng tụ tập trở lại. Thực dân Pháp ban hành lệnh giới nghiêm, tăng cường binh lính cho phủ, huyện.

Tại phủ Thăng Bình, nhân dân cũng đòi tri phủ cùng đi xin xâu. Lính đến giải vây, bắn bị thương một số và bắt đi những người bị nghi là cầm đầu Đoàn biểu tình phải giải tán.

Tại Tam Kì, Hoà Vang, Duy Xuyên, dân chúng đều nổi dậy.

Ở Quảng Ngãi, dân chúng cũng xôn xao bàn tán. Công sứ Quảng Ngãi Đôđê (Daudet) đi khắp các xã, thôn, phủ dụ dân chúng. Từ chiều 28 - 3, phong trào bắt đầu bùng lẽn. Nhân dân huyện Bình Sơn cùng với 25 hào lí các xã kéo đến dinh công sứ xin giảm sưu thuế.

Ở các phủ, huyện, nhân dân vây bắt vợ con bọn quan lại tay sai, lập nhà giam để giam giữ chúng. Họ còn rải truyền đơn kể tội Nguyễn Thân là tên tay sai đắc lực của Pháp. Đến ngày 3 - 4, công sứ ra lệnh bắt một số người, trong đó có Lê Khiết và Nguyễn Bá Loan là hai người cầm đầu, dùng roi gậy, đàn áp đoàn biểu tình. Nhưng dân chúng không vì vậy mà chùn bước, vẫn kéo đến ngày càng đông. Thực dân Pháp phải điều động lính khố đỏ từ Bắc Kì vào đàn áp. Cuối tháng 4, tình hình mới lắng xuống.

Tại Bình Định, những người biểu tình mang theo dao kéo, cắt “búi tóc” tất cả những người gặp trên đường. Họ gọi nhau là “đồng bào”, khắc con dấu “Đồng bào kí”, phát thẻ truyền khắp trong dân chúng. Bọn thu thuế chợ, những cường hào hương lí tàn ác bị bắt và bị trừng trị; những tên nguy hiểm, có nợ máu đều bị xử tội.

Đến ngày 18 - 4, số người biểu tình lên đến một vạn, bao vây tỉnh thành Bình Định. Hết đợt này về, đợt khác lên thay, người nhà mang cơm nước đến tiếp tế. Nhiều cuộc xung đột đã diễn ra.

Ở Phú Yên, đến giữa tháng 5 cũng bùng nổ những cuộc biểu tình. Trong khi các tỉnh từ Quảng Nam trở vào đang sôi sục đấu tranh như vậy thì ở các tỉnh phía bắc Quảng Nam, phong trào tuy có chậm hơn, nhưng cũng không kém phần mãnh liệt.

Từ đầu tháng 4 - 1908, nhân dân Thừa Thiên biểu tình. Bọn cầm quyền vội điều lính tới ngăn chặn. Bọn lính nổ súng bắn chết một người, đám biểu tình liền xông lên tước khí giới chúng, rồi trói tên phó lãnh binh và bắt viên Phủ Doãn phải dẫn đầu đoàn biểu tình (11 - 4). Trên đường kéo về Huế, một số nơi đã bố trí sẵn để cắt tóc ngắn và khâu áo ngắn lại cho những ai còn búi tóc và mặc áo dài. Khi vào tới thành phố Huế, số người tham gia đoàn biểu tình rất đông. Học sinh trường Quốc học và trường Quốc tử giám đến đọc thơ ca, hò vè yêu nước, khích lệ tinh thần đấu tranh. Thực dân Pháp phải đua vua Duy Tân (8 tuổi) ra phủ dụ, nhưng không có tác dụng. Cuối cùng, chúng điều lính đến đàn áp. Cuộc xô xát lớn diễn ra ở đầu cầu Tràng Tiền, có nhiều người bị bắt hay bị trúng đạn, buộc phải giải tán.

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng nổi dậy hưởng ứng phong trào chống xâu thuế, nhưng khá muộn (hạ tuần tháng 5).

Tại Hà Tĩnh, ngày 21 - 5, khoảng 100 người ở xung quanh thị xã kéo đến. Toà sứ đòi giảm thuế, nhưng bị lính khố xanh giải tán. Ngày 23 - 5, một đoàn biểu tình kéo đến huyện lị Can Lộc định bắt viên tri huyện, tên này đã bỏ trốn.

Ở Nghệ An và Thanh Hóa nhiều truyền đơn, cáo thị được dán ở các chợ, đường phố, thị trấn kêu gọi dân chúng nổi dậy. Chính quyền thực dân vừa phủ dụ, vừa bắt giam những sĩ phu có uy tín cầm đầu phong trào. Phong trào chưa dấy lên đã bị đàn áp.

Cuộc vùng dậy của nông dân miền Trung trong thời gian dài đã làm tê liệt bộ máy của chính quyền thực dân - phong kiến ở nông thôn. Trong giai đoạn đầu mọi người biểu tình không mang theo vũ khí, đông đảo quần chúng không dùng bạo lực, nhưng rất kiên trì, khi yêu cầu chưa được giải quyết không chịu giải tán, mọi dụ dỗ hứa hẹn, doạ dẫm đều không có hiệu lực.

Chính quyền thực dân và phong kiến tay sai thẳng tay đàn áp, lính khố xanh lùng sục khắp nơi, bắt bớ, bắn giết những người cắt tóc ngắn. Từ giữa tháng 4, nhiều đại đội lính khố đỏ từ Bắc Kì vào đàn áp. Hai đại đội lính Âu cũng được phái vào Quy Nhơn (Bình Định) để thị uy. Chúng còn giải tán những hội buôn, đập phá những trường học do các thân sĩ đứng tên xin phép lập. Đặc biệt, nhiều người bị kết án tử hình, trong đó có tiến sĩ Trần Quý Cáp, Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan (Quảng Ngãi), Ông Ích Đường (Quảng Nam), Trịnh Khắc Lập, Nguyễn Hàng Chi (Nghệ Tĩnh)... Hàng trăm người bị đày ra Côn Đảo: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyên, Trần Cao Vân (Quảng Nam); cử Quản, cử Suý, Tú Chẩm, Tú Tuyên, huyện Mai... (Quảng Ngãi); Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế...(Nghệ Tĩnh); cử Xứng, tú Thiệp... (Thanh Hoá). Hàng trăm người khác bị đày đi Lao Bảo.

Phong trào này thực sự là một cuộc đấu tranh công khai, tự phát của nông dân nhằm đòi chính quyền thục dân thực hiện những cải cách dân chủ. Phong trào đã kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động Duy Tân đang phát triển mạnh. Do đó, hình thức đấu tranh rất mới và phong phú. Nhưng vì thiếu sự lãnh đạo và tổ chức chặt chữ, phong trào đã bị đàn áp và cuối cùng tan rã. Chính quyền thực dân đã phải nới rộng tay trong nhiều lĩnh vực. Sau vụ này, chúng phải giảm thuế thân từ 2,40 đồng xuống 2,20 đồng, giảm 4 ngày xâu công ích xuống 3 ngày, và tuyên bố không tăng 5% thuế điền. Đồng thời, nhằm xoa dịu, mua chuộc dân chúng, một vài nhà thương và trường học đã được mở.

Phong trào kháng thuế thể hiện rõ tinh thần và năng lực cách mạng của nông dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời cũng cho thấy mặt hạn chế của họ khi chưa có sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4644-02-633921690868903750/Phong-trao-yeu-nuoc---cach-mang-Viet-Nam-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận