Phan Bội Châu với xu hướng bạo động – Từ duy tân hội đến phong trào Đông du.
1. Những hoạt động yêu nước đầu tiên
Phan Bội Châu sinh ngày 26 - 12 - 1867 ở thôn Sa Nam, xã Đông Liệt, sau dời về xã Đan Nhiệm, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa), cả hai nơi đều thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hiệu là Sào Nam, tự là Hải Thụ.
Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước, quê hương lại là nơi có phong trào chống xâm lược Pháp mạnh mẽ, ngay từ hồi còn trẻ Phan đã sục sôi nhiệt tình cứu nước. Năm 17 tuổi, khi thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần thứ hai (1882), nửa đêm ông đã viết bài hịch “Bình Tây thu Bắc” đem dán ở thân cây to bên đường để cổ động nhân dân chống Pháp. Năm 19 tuổi, hưởng ứng lời chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (13- 7-1885), ông đã tổ chức đội quân học trò (Thí sinh quân) hơn 60 người, nhưng chưa kịp hành động thí quân Pháp đã kéo tới càn quét đốt phá xóm làng, đội quân thí sinh phải giải tán.

Phan Bội Châu
Tiếp đến là mười năm ở nhà dạy học, tuyên truyền yêu nước, giáo dục lớp thanh niên ưu tú, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Thời kì này, Phan giao du mật thiết với những người đã từng tham gia khởi nghĩa Hương Khê như Tán tương Nguyễn Quýnh, Đốc biện Hà Văn Mỹ, Phó lãnh binh Ngô Quảng, Quản cơ Lê Hạ, Đội Quyên, Đội Quế... Năm 1897, Phan vào Huế, gặp Nguyễn Thượng Hiền, được xem các Tân thư của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi như Trung Đông chiến kỷ, Phổ Pháp chiến kỷ, Doanh hoàn chí lược, tầm mắt ông nhờ vậy được mở rộng thêm.
Năm 1900, Phan đỗ đầu khoa thi Hương (Giải nguyên) trường thi Nghệ An. Cũng năm đó cụ thân sinh ông qua đời, Phan rảnh việc nhà mới chuyên tâm lo việc cứu nước.
Năm 1901, Phan cùng một số đồng chí vạch ra 3 kế hoạch sau đây:
- Liên kết với dư đảng Cần Vương và các tráng kiện ở chốn sơn lâm, xướng khởi nghĩa binh, mục đích là đánh giặc phục thù với thủ đoạn bạo động.
- Tìm người dòng họ nhà vua lập làm minh chủ, rồi ngầm liên kết với những người có thế lực, tập hợp những người trung nghĩa ở Bắc Kì và Trung Kì cùng nhau khởi sự.
- Khi cần thiết sẽ phái người xuất dương cầu ngoại viện.
Mục đích: “Cốt sao khôi phục được nước Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác cả. Ba kế hoạch này có thể coi là sự khởi đầu một cương lĩnh hoạt động của Duy Tân hội sau này.
Năm 1902, mượn cớ đi xem lễ khánh thành cầu sông Hồng ở Hà Nội, Phan Bội Châu lên đồn Phồn Xương yết kiến Hoàng Hoa Thám, nhưng chỉ gặp được Cả Trọng là con trai của Đề Thám, hai bên giao ước Trung Kì khởi nghĩa trước thì Yên Thế sẵn sàng hưởng ứng.
Năm 1903, Phan mượn cớ vào học ở Quốc Tử Giám (Huế) để tiện việc tìm đồng chí. Sau đó, ông vào Quảng Nam gặp Tiểu La Nguyễn Hàm, một nhà hoạt động Cần Vương nổi tiếng. Theo gợi ý của Nguyễn Hàm, Phan trở về Huế tìm cách bắt liên lạc với Kỳ Ngoại hầu Cường Để thuộc dòng Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh là người có tư tưởng ghét Pháp. Cũng năm này, Phan viết Lưu Cầu huyết lệ tân thư (Sách mới viết bằng máu và nước mắt về đảo Lưu Cầu), mượn việc đảo Lưu Cầu để khơi dậy tinh thần yêu nước chống Pháp của số quan lại tại triều đình Huế, nhưng không được mấy người hưởng ứng. Tuy vậy, nhờ cuốn sách đó, Phan kết giao được với một vài nhà nho tâm huyết như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng v.v...
Đầu năm 1904, Phan vào Nam gặp nhà sư Trần Thị, một nhà hoạt động chống Pháp, bị bắt tù nhiều lần, đang tu ở chùa Thất Sơn; rồi tới Sa Đéc gặp ông hội đồng Nguyễn Thành Hiến, một nhà yêu nước. Hai ông này về sau đều giúp việc đắc lực cho phong trào Đông Du.
Tiếp đó, ông về Huế, rồi đi các nơi để kết nạp những người cùng chí hướng, tranh thủ ngay cả sự đồng tình của các linh mục Thiên chúa giáo nhờ đó, sau này nhiều giáo dân đã tham gia sự nghiệp cứu nước do ông đứng đầu.
2. Thành lập Duy Tân hội (1904)
Đầu năm 1904, Phan Bội Châu cùng Cường Để và hơn 20 đồng chí họp tại nhà riêng của Nguyễn Hàm cùng nhau thành lập một tổ chức bí mật có tên là Duy Tân hội. Cường Để được cử làm hội chú. Nguyễn Hàm, Phan Bội Châu, Lê Võ, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân là những hội viên trọng yếu.
Mục đích chính của hội là đánh Pháp, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Căn cứ vào việc tôn Cường Để làm hội chủ, Duy Tân hội vẫn không ra ngoài chủ nghĩa quân chủ, nhưng là quân chủ lập hiến, vua chỉ có danh mà không có quyền. Cường Để được mời làm hội chủ để “thu phục nhân tâm”, tập hợp sĩ phu yêu nước, tranh thủ sự đồng tình và sự giúp đỡ của nhiều người trong nước.
Hội nghị thành lập Hội đề ra ba nhiệm vụ trước mắt như sau:
1. Phát triển thế lực hội về người cũng như về tài chính.
2. Xúc tiến việc chuẩn bị bạo động và các công việc sau đó.
3. Chuẩn bị xuất dương cầu viện, xác định phương châm và thủ đoạn xuất dương.
Nhiệm vụ thứ ba hết sức trọng yếu và phải tuyệt đối bí mật, Hội giao cho Nguyễn Hàm và Phan Bội Châu định liệu. Đó cũng chính là tiền đề của phong trào Đông Du sau này.
Về việc xuất dương cầu viện, Nguyễn Hàm nói rõ: “tôi tưởng tình thế liệt cường bây giờ, nếu không phải nước đồng chủng đống văn tất không ai chịu giúp cho ta.
Nước Tàu đã chịu nhượng Việt Nam cho Pháp, lại thêm hiện nay quốc thể suy hèn, cứu mình không xong mà còn cứu được ai. Duy nước Nhật Bản là một nước tân tiến ở trong nòi giống vàng mới đánh được Nga, dã tâm đang hăng lắm. Tới đó, đem hết lợi hại tỏ với nó, tất nó ứng viện cho ta. Nếu nó không xuất binh nữa mà mướn tư lương mua khí giới, tất có thể dễ lắm. Vậy nên chúng ta muốn đứng khóc sân Tần không chi bằng Nhật Bản là phải”.
Như vậy là Nguyễn Hàm cũng thấy rõ dã tâm của Nhật Bản, nhưng lại nghĩ có thể lấy tình “đồng văn đồng chủng” mà thuyết phục được!
Ngày 23 - 2 - 1905, Phan Bội Châu dẫn đầu đoàn xuất dương đầu tiên gồm ba người (Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ) lên đường sang Nhật.
Vừa đặt chân đến Hoành Tân (Yokohama) trên đất Nhật, Phan Bội Châu đã tới gặp Lương Khải Siêu.
Trong khi bút đàm, Lương khuyên Phan Bội Châu nên thực sự chú trọng việc giáo dục và thức tỉnh nhân dân nước mình trước những tiến bộ của thế giới, khẳng định chỉ khi nào việc đó có kết quả thì ngoại viện mới có ý nghĩa. Ông khuyên không nên để cho quân đội Nhật vào Việt Nam, mà chỉ dừng ở mức có thể là nước lớn đầu tiên công nhận về mặt ngoại giao trong trường hợp giành được độc lập. Theo ông không nên tìm cách cầu ngoại viện để lấy lại độc lập, mà nên chuẩn bị cho nhân dân để mọi người đều sẵn sàng nổi dậy khi có thời cơ tốt.
Lương Khải Siêu còn giới thiệu Phan với hai nhân vật quan trọng của Đảng Tiến bộ đang cầm quyền ở Nhật Bản: Bá tước Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) và Thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), để trực tiếp đặt vấn đề xin Thiên hoàng và Chính phủ Nhật giúp Việt Nam đánh Pháp. Nhưng họ đều thoái thác từ chối việc giúp đỡ về quân sự, chỉ khuyên nên kiên trì chờ đợi thời cơ mới. Theo họ, thời cơ mới là lúc Đức tuyên chiến với Pháp hoặc cách mạng Trung Quốc bùng nổ, còn trước mắt cần đưa gấp Cường Để sang Nhật để khỏi rơi vào tay Pháp; là viết sách báo nói rõ thảm trạng xã hội trong nước để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của dư luận thế giới và cổ động thanh niên ra nước ngoài học tập. Theo gợi ý của Lương, Phan đã viết Việt Nam vong quốc sử, nhờ Lương xuất bản, rồi đưa về nước đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong nhân dân.
Chuyến ra nước ngoài đầu tiên đã giúp Phan Bội Châu mở rộng tầm mắt, không còn bó hẹp trong hoạt động bạo động đơn thuần. Ông đã nhận thấy muốn mở rộng cuộc vận động cách mạng phải chấn hưng kinh tế, xuất bản sách báo, lập các đoàn thể để nâng cao lòng yêu nước căm thù giặc, trình độ văn hoá và chính trị trong nhân dân. Đồng thời, Phan cũng thấy cách mạng Việt Nam cần có sự đồng tình và ủng hộ của dư luận tiến bộ và phong trào cách mạng thế giới.
3. Phong trào Đông Du
Tháng 6 năm 1905, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính mang theo một số sách Việt Nam vong quốc sử về nước. Tháng 8 năm 1905, ông về đến Hà Tĩnh. Trong các cuộc gặp gỡ bàn bạc với các đồng chí trong nước, ông đã đề ra kế hoạch hành động:
- Nhanh chóng đưa Cường Để ra nước ngoài.
- Lập các hội nông, hội buôn, hội học để tập hợp quần chúng.
- Chọn ngay một số thanh niên thông minh hiếu học, chịu được lao khổ, càng trẻ càng tốt đưa đi học nước ngoài.
Tháng 10 - 1905, Phan trở lại Nhật Bản cùng 3 thanh niên: Nguyễn Thúc Canh, Nguyễn Điền và Lê Khiết. Sau đó, lại có thêm hai anh em Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh, Nguyễn Văn Điền và hai người khác nữa:
Năm 1906, Cường Để qua Nhật, được bố trí vào học trường Chấn Võ cùng Lương Ngọc Quyến. Hầu hết những thanh niên đến Nhật vào các năm 1906 - 1907 đều học tại Đồng Văn thư viện ở Tôkiô. Đến năm 1908, số học sinh du học lên tới 200 người.
Tại các trường Chấn Võ và Đông Văn thư viện, lưu học sinh Việt Nam được phiên chế vào các ban ngành chuyên môn. Buổi sáng học văn hoá, buổi chiều học các tri thức quân sự và luyện tập ở thao trường.
Chương trình nhằm đào tạo những người có trình độ văn hoá và quân sự cần thiết cho công cuộc đánh Pháp cứu nước về sau.
Để tăng cường quản lí học sinh, giữa năm 1907, Phan Bội Châu tổ chức Việt Nam Công hiến hội do Cường Để làm Hội trưởng, Phan Bội Châu làm Tổng lí kiêm Giám đốc trực tiếp chỉ đạo tổ chức này.
Có 4 bộ lớn:
Bộ Kinh tế chuyên trách việc thu chi.
Bộ Kỉ luật chuyên theo dõi ưu, khuyết điểm và thưởng, phạt học sinh.
Bộ Giao tế phụ trách việc giao thiệp với người nước ngoài và đưa đón người trong nước ra.
Bộ Văn thư chuyên trách việc giấy tờ đi lại và phát hành, lưu trữ các văn kiện.
Ngoài ra còn có Cục Kiểm tra để giám sát nhân viên cán bộ trong khi thừa hành nghiệp vụ.
Đến giữa năm 1908, việc học tập của học sinh Việt Nam ở Nhật đã ổn định và phát triển thuận lợi.
4. Các hoạt động mở rộng giao du và liên kết đồng chí
- Gặp Hoàng Hoa Thám và các đồng chí ở Trung Kì và Bắc Kì
Cuối năm 1906, Phan Bội Châu theo đường Lạng Sơn về nước, trước tiên đến gặp Hoàng Hoa Thám ở Phồn Xương (Yên Thế, Bắc Giang). Sau hơn 10 ngày bàn bạc, Hoàng nhận gia nhập hội Duy Tân, ứng viên khi Trung Kì khởi nghĩa, nhận giúp đỡ và che chở các nghĩa sĩ Trung Kì ra Bắc ẩn náu. Về phía mình, Phan hứa sẽ giúp Hoàng về quân số, vũ khí, ngoại viện, khi Phồn Xương có chiến sự thì Trung Kì sẽ khởi nghĩa hưởng ứng. Ngay sau đó, Hoàng đã làm nhà trên một quả đồi sau đồn để tiếp đón các nhà cách mạng ở Trung Kì (đồn Tú Nghệ).
Sau khi gặp Hoàng Hoa Thám, Phan về họp mặt với các đồng chí ở Trung Kì và Bắc Kì ở Nội Duệ (Bắc Ninh), định kế hoạch hành động chung. Các hội viên trong nước phân công nhau các công việc cần làm. Một số chuyên lo việc diễn thuyết, tuyên truyền, mở các nông, thương, học hội để lo kinh phí cho hội và thúc đẩy việc duy tân đất nước. Một số lo vận động quân đội nguỵ quay súng chống Pháp, chuẩn bị vũ khí tiến tới bạo động.
- Tiếp xúc với Tôn Trung Sơn
Ngay lần đầu tới Nhật, được Khuyển Dưỡng Nghị giới thiệu, Phan đã hai lần gặp Tôn Trung Sơn. Trong khi đàm đạo, Tôn kịch liệt công kích chủ trương quân chủ lập hiến của Duy Tân hội và tỏ ý muốn các nhà cách mạng Việt Nam tham gia Đảng cách mạng Trung Quốc, sau khi cách mạng Trung Quốc thành công sẽ viện trợ cho các nước châu á, trước hết giúp Việt Nam. Nhưng Phan lại muốn Đảng cách mạng Trung Quốc giúp Việt Nam trước, khi Việt Nam khôi phục được độc lập thì sẽ cho cách mạng Trung Quốc mượn việt Bắc làm căn cứ địa để tiến công khôi phục Trung Nguyên.
Hai bên tuy không đi đến sự thoả thuận, nhưng Phan Bội Châu cũng thấy rằng chính thể dân chủ cộng hoà là hay, là đúng. Sau này khi đảng gặp lúc cùng quẫn, phải nhờ vào đảng cách mạng Trung Quốc, cũng là do sự môi giới của hai buổi tiếp xúc này.
Những cuộc gặp gỡ với Phan Châu Trinh
Hạ tuần tháng 2 - 1906, Phan Châu Trinh đến Hương Cảng, ghé qua Quảng Đông tìm gặp Phan Bội Châu, sau đó cùng nhau qua Nhật Bản. Phan Bội Châu viết: “Cụ (Phan Châu Trinh) muốn đánh đổ nền quân chủ, cốt vun trồng nền tảng dân quyền, dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, nước mình độc lập rối mới bàn đến việc khác. Vì thế mà đang lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ. Chính kiến của hai người rất phản đối nhau vì Cụ với tôi vẫn cùng một mục đích mà thủ đoạn thì khác nhau xa. Cụ thì muốn đi theo lối dựa vào Pháp, đánh đổ vua, tôi ưng đi theo lối bài Pháp phục Việt, sở dĩ mâu thuẫn với nhau là vì thế”.
Rõ ràng Phan Châu Trinh tin vào khả năng hoạt động hợp pháp, có thể cộng tác với chính quyền thực dân để làm thay đổi hiện trạng xã hội bằng cải cách dần dần. Phan Bội Châu ngược lại, không tin vào điều này, mà chủ trương phải tập hợp mọi lực lượng của các tầng lớp xã hội để giải phóng dân tộc bằng bạo lực, sau đó các vấn đề khác mới giải quyết được. Phan Bội Châu chủ trương quân chủ chỉ là sách lược nhất thời. Chính ông đã nói: “Dân không còn nữa, mà chủ với ai?”.
- Cộng tác với Vân Nam tạp chí
Vân Nam tạp chí là tờ báo của lưu học sinh Trung Quốc tại Nhật Bản, một trong những tờ báo của Đảng cách mạng Trung Quốc nhằm tuyên truyền chủ nghĩa dân chủ, phản đối sự xâm lược của đế quốc Anh-Pháp. Phan là ủy viên biên tập phụ trách mục Xã thuyết của tạp chí. Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc thảm trạng, Ai Việt điếu Điền. (Thương nước Việt Nam, xót tỉnh Vân Nam), Hòa lệ cống ngôn (Gửi lời hòa trong nước mắt)... đều được đăng trong chuyên mục quan trọng của tạp chí.
Cũng trong thời gian tham gia biên tập cho tờ báo này, nhờ tiếp xúc với các nhà hoạt động cách mạng Trung Quốc, Phan càng gần hơn với chủ nghĩa dân chủ. Phan viết trong Niên biểu: “Tôi được trao đổi nhiều với đảng viên cách mạng Trung Quốc nên càng ngày càng thấm nhuần được tư tưởng dân chủ: tuy bị kế hoạch cũ ngăn trở, lời lẽ chưa phát biểu được mạnh dạn, nhưng trong bụng đã chứa sân một động cơ thay đổi bắt đầu từ đó...”.
- Thành lập các Hội Đông Á Đồng minh và Điền - Quế - Việt liên minh
Mấy tháng trước khi bị trục xuất khỏi Nhật, biết không thể trông cậy vào Nhật được, Phan đã nghĩ đến việc liên hiệp toàn châu Á, đoàn kết với các chí sĩ lưu vong Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Phi Luật Tân hiện sống ở Nhật Bản để cùng nhau trao đổi, bàn định kế hoạch cứu nước và họp nhau trong một tổ chức chính trị gọi là Đông Á Đồng minh hội.
Phan Bội Châu được bầu làm Phó Hội trưởng trực tiếp lãnh đạo Hội cùng với Hội trưởng Chương Bỉnh Lân người Trung Quốc. Nhưng Hội thành lập được 5 tháng thì bị Chính phủ Nhật giải tán.
Hội Điền- Quế Việt- liên minh thành lập do sáng kiến của Phan Bội Châu nhằm thu hút sự tham gia của các học sinh người Vân Nam, Quế Châu và các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam. Hội có mục đích giúp đỡ nhau giải phóng đất nước khỏi ách thống trị và sự ràng buộc của đế quốc. Nhưng cũng chỉ hoạt động được 3 tháng, các chính phủ Mãn Thanh, Pháp và Nhật Bản đã cấu kết với nhau buộc hội phải giải tán.
Những hoạt động trên chứng tỏ Phan Bội Châu đã nhận thức được mối liên hệ khăng khít giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng ở châu Á, đầu mối của sự hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các chiến sĩ cách mạng Trung Quốc và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam sau này.
5. Phong trào Đông Du tan rã
Cuộc vận động cứu nước của hội Duy Tân đã tạo nên một không khí cách mạng sôi nổi. Phong trào Đông Du lan rộng khắp Bắc, Trung, Nam. Việc học tập của lưu học sinh bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan. Trước tình hình mới, năm 1907 Đông Kinh nghĩa thục thành lập, thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng dân trí, năm 1908 phong trào chống sưu thuế lan rộng khắp miền Trung và vụ đầu độc lính Pháp gây náo động Hà thành, chính quyền thực dân tìm mọi cách đàn áp phong trào.
Bấy giờ ở Nam Kì, tri phủ Trần Chánh Chiếu có con là Trần Văn Tuyết sang học ở Hương Cảng. Theo gợi ý của Phan Bội Châu, Tuyết bí mật gửi các tài liệu tuyên truyền cách mạng về cho bố và mời bố sang chơi. Sau chuyến đi Hương Cảng về, Trần Chánh Chiếu lập Minh Tân công nghệ xã và khách sạn Nam Trung, bên ngoài là làm kinh tế, nhưng bên trong là nơi gặp gỡ của những người yêu nước. Ông còn ra báo đăng những bài có tư tưởng chống Pháp. Thực dân Pháp định kết án ông, vì chứng cớ không rõ ràng nên thất bại. Nhưng từ đó, nhiều người cùng hoạt động với ông bị Pháp bí mật khủng bố. Giữa lúc đó, các phụ huynh du học sinh Nam Kì gửi thư công khai theo đường bưu điện cho Phan Bội Châu nhắn cử người về nhận tiền quyên góp. Thực dân Pháp biết trước nên đã bố trí người trên bờ, khi tàu vừa cập bến thì hai phái viên là Hoàng Quang Thành và Đặng Bỉnh Thành bị bắt ngay cùng với mọi giấy tờ.
Lúc này, pháp và Nhật vừa kí với nhau một hiệp ước, Pháp đồng ý cho Nhật vào buôn bán ở Việt Nam, còn Nhật thì cam đoan không để cho các nhà yêu nước Việt Nam trú ngụ và hoạt động trên đất Nhật. Các phụ huynh du học sinh ở Nam Kì bị chính quyền thực dân buộc phải viết thư gọi con ở Nhật về, nhiều người bị bắt giam. Chính phủ Nhật cho cảnh sát đến trường Đông Á đồng văn thư viện giải tán học sinh Việt Nam. Phan Bội Châu phải thu xếp cho học sinh Nam Kì về nước, còn số đông học sinh Bắc Kì và Trung Kì vẫn bí mật tìm cách ở lại chờ cơ hội hoạt động. Phan Bội Châu và Cường Để bị trục xuất khỏi Nhật.
Phong trào Đông Du hoàn toàn tan rã vào tháng 10 - 1908, kết thúc một giai đoạn quan trọng của Duy Tân hội.
6. Những cơ sở cách mạng cuối cùng của Duy Tân hội ở nước ngoài
Trong nước, mọi hoạt động quyên góp tài chính và vũ trang bạo động cũng đều bị đàn áp. Những người còn sống sau các đợt khủng bố đều nằm im, hoặc vượt biên giới qua Trung Quốc, xiêm, Lào tính kế lâu dài. Cuối năm 1910, Phan chuyển đại bộ phận anh em ở Quảng Đông về xây dựng “căn cứ địa” ở Bạn Thầm (Xiêm). Tại đây, khoảng 50 thanh niên có sức khoẻ, biết cày cấy được tổ chức thành một trại cày cùng nhau sinh hoạt, học tập sản xuất đồng thời cũng luyện tập võ nghệ như một trại quân, chuẩn bị cho kế hoạch phục quốc sau này. Chính Phan đã sáng tác vở tuồng Trưng Nữ Vương cùng với các bài ca Ái quốc, Ái quần, Ái chủng... trong thời gian ở Bạn Thầm.
Duy Tân hội trong suốt cả thời kì từ 1904 - 1911 thực sự đóng vai trò như một Đảng chính trị. Đóng góp lớn lao nhất của Duy Tân hội là đã phát động mạnh mẽ phong trào yêu nước rầm rộ trong toàn quốc, tập hợp được một lực lượng kháng Pháp khá hùng hậu, chuẩn bị đầy đủ về mặt tinh thần cho các cuộc đấu tranh sắp tới.