Biến chuyển của xã hội Việt Nam
Thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác trên quy mô lớn từ đầu thế kỉ XX đã làm cho cơ cấu kinh tế Việt Nam có những biến chuyển quan trọng. Phương thức bóc lột mới theo lối tư bản chủ nghĩa đã được du nhập vào Việt Nam, bắt đầu xâm nhập các khu vực kinh tế nông, công thương nghiệp: Đồng thời, phương thức bóc lột cũ theo lối phong kiến cổ truyền cũng được thực dân Pháp cố tình duy trì để mang lại lợi ích cho chúng. Sự kết hợp giữa hai phương thức bóc lột đó đã dẫn tới sự hình thành phương thức bóc lột thuộc địa bảo đảm siêu lợi nhuận tối cao cho thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Trong bối cảnh đó, xã hội Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cũng bắt đầu thay đổi khá nhanh. Nhân dân lao động bị bần cùng hoá, xã hội phân hoá ngày càng sâu sắc, nông thôn và thành thị đều có những biến chuyển rõ rệt. Những biến đổi về cơ cấu xã hội tất yếu có ảnh hưởng đến tính chất của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đang diễn ra.
1. Những giai cấp, tầng lớp mới ra đời
Giai cấp cóng nhân
Công, thương nghiệp phát triển đã dẫn đến sự nẩy sinh lớp người làm thuê ăn lương, trong số đó có một số đã trở thành những người vô sản công nghiệp hiện đại. Khác với phương Tây, công nhân Việt Nam chủ yếu xuất thân từ những nông dân còn gắn bó nhiều với ruộng đất. Họ trở thành công nhân bằng nhiều con đường khác nhau.

Công nhân trong thời kì thực dân Pháp thống trị
Một số bị tước đoạt hết tư liệu sản xuất phải tự đến hầm mỏ, xí nghiệp kiếm công việc làm, hoặc thông qua bọn cai thầu mộ phu mới có việc làm. Một số khác là “công nhân theo mùa”. Họ tranh thủ tháng ba ngày tám ra hầm mỏ làm thuê kiếm thêm ít đồng lương để bổ sung cho thu hoạch nông nghiệp vốn rất thấp kém. Số khác là những “phu” hay công nhân bị cưỡng bức, số người này thực dân cấu kết với phong kiến bắt các làng xã phải giao đủ theo quy định để làm đường sắt, đường bộ, công sở... Có cả một số “tù nhân” cũng bị đẩy đi làm.
Suốt thời kì từ năm 1897 đến Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ (1914), những công trình lớn như đặt đường xe lửa, vét sông, đào kênh, làm đường, bắc cầu đã được tiến hành khắp Bắc - Trung - Nam, huy động một số công nhân khá đông. Đồng thời, một số lớn các ngành công nghiệp của tư bản Pháp cũng được phát triển, như nhà máy xay, máy rượu, xà phòng, máy diêm, máy dệt, máy giấy...; còn có những xưởng sửa chữa ô tô, đóng tàu, sửa chữa xe lửa, làm cầu cống, xưởng làm và chữa vũ khí... cũng nối tiếp nhau được thành lập và hoạt động vào thời kì này. Đặc biệt nhất là ngành khai mỏ, số mỏ khai thêm từ 1910 trở đi ngày càng nhiều, khắp nơi và đủ loại. Số công nhân mỏ năm 1904 là 4000; 1908: 9000; 1910: 16000; 1912: 12000 và 1914: 15000.
Ba nhà máy dệt ở Hà Nội, Nam Định và Hải Phòng năm 1910 đã có 1800 công nhân. Nhà máy xi măng Hải Phòng có 1500 công nhân. Bốn nhà máy rượu lớn của Pháp ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Chợ Lớn có 1200 công nhân. Nhà máy Ba Son, Sài Gòn có trên 1000 công nhân. Các nhà máy gạo ở Sài Gòn, Chợ Lớn có 8000 công nhân. Các đồn điền trồng cà phê, chè, cao su, tuy mới ở thời kì thí nghiệm cũng đã có một số lượng công nhân đáng kể.
Như vậy, những lớp công nhân đầu tiên này đã có những nét chung cơ bản, trước hết là tính tập trung ngày càng mạnh trong quá trình phát triển về số lượng.
Năm 1906, số công nhân thường xuyên làm việc trong 200 xí nghiệp của tư bản Pháp ở Đông Dương là 55000 người. Họ là cốt lõi đầu tiên của giai cấp công nhân công nghiệp Việt Nam, trong đó đã có một số đạt trình độ chuyên môn kĩ thuật nhất định, biểu hiện rõ tính chất của giai cấp vô sản công nghiệp hiện đại. Năm 1906 ở Nam Kì có 25000 công nhân, trong đó có 900 công nhân chuyên môn. Ở Trung Kì có 4500 công nhân, trong đó có 100 công nhân chuyên môn. Ở Bắc Kì có 20000 công nhân, trong đó có 800 công nhân chuyên môn.
Còn tổng số các nhà máy, xí nghiệp trong toàn quốc, năm 1906 là 200 nhà máy với tổng công suất 26000 mã lực, riêng Bắc Kì đã có 85 nhà máy. Số lượng công nhân ngày một tăng: năm 1909 tổng số công nhân toàn quốc đã lên tới 55000 người. Riêng công nhân của Bắc Kì năm 1908 là 15308, năm 1912 là 17050 người.
Nói chung mức độ tập trung ở Bắc Kì và Trung Kì cao, còn Nam Kì tuy tổng số công nhân đông hơn, nhưng cũng phân tán hơn. Tuy có sự tập trung, nhưng cũng chỉ diễn ra trong công nhân công nghiệp. Đối với công nhân nông nghiệp, đây mới chỉ là bước đầu, vị trí các đồn điền nông nghiệp so với các ngành khác vẫn còn kém, cà phê, chè, cao su chỉ mới bước đầu được xuất khẩu. Các đồn điền kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa còn gặp nhiều khó khăn, vì thiếu nhân công. Năm 1909, Pháp chỉ mới bắt được 90 gia đình với 328 người từ Thái Bình vào Nam. Một số đốn điền vì vậy phải bỏ đó hay chỉ khai thác cầm chừng. Dù vậy, đến đầu thế kỉ XX, tầng lớp công nhân nông nghiệp đồn điền cũng đã bắt đầu thành hình, tuy rằng số lượng còn ít.
Ngoài ra, còn nhiều công nhân ít tập trung hơn, như công nhân vận tải, công nhân khuân vác ở các bến tàu Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Bến Thuỷ, Hồng Gai ngày càng phát triển. Công phải kể tới những người thợ, viên chức phụ thuộc các công ti thương mại lớn nhỏ. Đó là chưa kể đến số công nhân lẻ tẻ và công nhân các xướng nhỏ, số công nhân làm trên hàng vạn chiếc thuyền xuôi ngược trên những sông rạch chằng chịt như mạng nhện khắp Bắc - Nam.
Công trường đường sắt Hải Phòng - Vân Nam từ 1898 đến 1918 đã huy động đến 6 vạn người, hầu hết là phu bắt ở các địa phương về làm, trả tiền công nhật. Các công trình giao thông công chính khác thường xuyên huy động tới 30 vạn lao động.
Như vậy là đến thời kì này, ba miền Bắc - Trung - Nam, vùng nào cũng có công nhân công nghiệp tập trung làm nòng cốt cho số công nhân lẻ tẻ khác. Họ sớm có tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Họ đã đứng lên đấu tranh bằng nhiều hình thức, từ bỏ trốn tập thể, công khai bỏ việc, đấu tranh bạo lực phối hợp với các phong trào yêu nước, đưa đơn tố cáo cử đại biểu đi khiếu tố, mít tinh trước văn phòng chủ mỏ tới phát động đình công, bãi công là những hình thức đấu tranh mới chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Chỉ trong 2 năm 1904 - 1905 đã có 10 cuộc đấu tranh:
Ngày 20 - 10 - 1904, công nhân lên Bắc Ninh trên công trường đường sắt Yên Bái gửi đơn lên tổng đốc Bắc Ninh tố cáo về việc bắt công nhân làm khoán. Tháng 11 - 1904, công nhân công trường đường sắt Lào Cai cử đại biểu trực tiếp lên đồn điền khiếu tố về việc bạc đãi công nhân. Tháng 12 - 1904, công nhân lán Hải Dương gửi đơn cho công sứ Hải Dương tố cáo việc thực dân và tay sai chửi bới, đánh đập tàn tệ công nhân.
Năm 1906, công nhân mới làm việc ở mỏ Hà Tu nghỉ việc đấu tranh đòi chủ phải trả tiền đi đường, công nhân cũ đã giúp đỡ nên cuộc đấu tranh thắng lợi.
Năm 1908, công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) bỏ việc, phản đối việc chủ trả lương quá chậm.
Ngày 1 - 5 - 1909, nữ công nhân nhà máy chai Nam Định bỏ việc, phản đối bọn Pháp khám xét nữ công nhân. Cũng năm 1909, công nhân làm đường Hà Tu - Cẩm Phả đấu tranh đòi tăng lương, đốt lán, đốt dụng cụ.
Đặc biệt, tháng 5 - 1909, 200 cộng nhân viên chức hãng Liên hiệp Thương mại Đông Dương (L’U.C.I.) bãi công. Cuộc bãi công ở hãng này đã bắt đầu xuất hiện yếu tố đấu tranh chính trị.
Năm 1912, công nhân Ba Son kết hợp với bãi khoá của học sinh trường Bách Nghệ Sài Gòn có Tôn Đức Thắng tham gia.
Học sinh trường Bách Nghệ bãi khoá phản đối việc giám đốc bắt họ làm việc quá nhiều và bắt học sinh nhốt vào xà lim. Để phá cuộc bãi khoá, chính quyền thực dân bắt những người cầm đầu và điều công nhân Ba Son sang làm thay. Nhưng công nhân không chịu làm, chúng bắt luôn cả những công nhân Ba Son đã dám chống đối lại. Toàn thể công nhân Ba Son bãi công đòi thả những người bị bắt. Thực dân Pháp phải nhượng bộ.
Với số lượng phát triển khá cao, với chất lượng biểu hiện rõ ở tính tập trung (lao động trong guồng máy tư bản chủ nghĩa với kĩ thuật hiện đại), có tinh thần đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung, công nhân Việt Nam đã có các điều kiện cần và đủ để hình thành một giai cấp. Tuy vậy, vì chưa có lí luận tiên tiến soi đường, họ chưa quan niệm được mình là một giai cấp riêng, có quyền lợi và nguyện vọng riêng, chưa nhận thức được rõ vị trí và vai trò của mình trong lịch sử xã hội, giai cấp công nhân tuy đã ra đời, nhưng mới ở giai đoạn “tự phát”.
Sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam trước giai cấp tư sản dân tộc là một đặc điểm lịch sử quy định những nét đặc thù của sự phát triển sau này của cách mạng Việt Nam.
Tầng lớp tư sản, tiểu tư sản
Cuối thế kỉ XIX, đô thị Việt Nam nằm trong guồng quay của phương thức khai thác bóc lột tư bản chủ nghĩa nên đã phát triển theo kiểu đô thị công, thương nghiệp; không còn mang nặng tính chất trung tâm hành chính văn hoá như trước nữa. Hà Nội năm 1899 đã có 73 nhà công thương Việt Nam gồm 60 nhà buôn, 12 chủ xưởng và 1 thầu khoán. Hải Phòng năm 1893 có 41 nhà công thương Việt Nam gồm 27 nhà buôn, 5 nhà thầu khoán, 8 hiệu may, 1 hiệu giặt. Sài Gòn năm 1896 có 366 nhà công thương Việt Nam, gồm 26 hiệu kim hoàn, 15 hiệu đồng hồ, 24 hiệu may, 113 hiệu buôn. Chợ Lớn năm 1896 có 306 nhà công thương Việt Nam, gồm 10 hiệu kim hoàn, 15 xưởng đóng thuyền, 16 nhà máy xát gạo, 74 nhà buôn.
Cùng với sự phát triển này, tầng lớp tư sản đầu tiên đã xuất hiện, tuy chưa đông về số lượng và có nguồn gốc xuất thân khác nhau. Xuất hiện sớm nhất là một số tư sản mại bản đứng ra bao thầu các bộ phận kinh doanh của Pháp như thầu làm cầu đường, trại lính, đồn bốt, phà, một đoạn đường xe lửa; nhận cung cấp, tiếp tế lương thực, nguyên liệu cho Pháp hay đứng ra làm đại lí phân phối hàng hoá của chúng trong nhân dân. Quyền lợi bọn này gắn với quyền lợi thực dân Đinh Tráng, Đinh Hoè làm thầu khoán đã sử dụng tới 500 phu. Đầu thế kỉ XX, Bùi Huy Tín vào những năm 1903 - 1906 chuyên cung cấp “tà vẹt” đường sắt cho Pháp. Có người đã góp cổ phần với Pháp như Lê Phát An trong công ti Đờlinhông (Delignon) dệt lụa ở Phú Phong (Bình Định), hoặc một số tư sản Việt Nam đã góp cổ phần vào Công ti Nông nghiệp Pháp - Việt ở miền Tây Nam Kì.
Cũng có một bộ phận kinh doanh riêng biệt, nhằm phát triển theo một hướng độc lập. Họ trước cũng làm với Pháp, nhưng sau khi đã có số vốn tương đối thì tách ra kinh doanh riêng, như Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, Đào Huống Mai...
Bùi Huy Tín từ chỗ là thầu khoán đã đứng ra mở nhà in. Trần Huỳnh Ký chuyển sang chung cổ phần với Ngân hàng Việt Nam, Đỗ Hữu Thục, Trương Hoành Tĩnh mở nhà máy rượu Văn Điển.
Một số xuất thân từ địa chủ giàu có cũng chuyển một phần vốn sang kinh doanh công thương nghiệp với ý thức chống lại độc quyền của thực dân Pháp. Trương Văn Bền, đại địa chủ có 17000 hecta là chủ một xí nghiệp xà phòng, sử dụng 700 công nhân.
Một số quan lại cáo quan về kinh doanh công thương nghiệp với ý thức phát triển kinh tế dân tộc. Nghiêm Xuân Quảng, nguyên án sát Lạng Sơn thành lập Công ti Quảng Hợp Ích buôn vải lụa, mở xưởng dệt ở Hà Nội. Một số quan chức về hưu ở Thái Bình mở Công ti Nam Phong chuyên dệt chiếu bán trực tiếp cho lái buôn nước ngoài.
Một số đã có ý thức hùn vốn lại thành lập những công ti lớn để có thể cạnh tranh với Pháp và ngoại kiều. Ở Quảng Nam có Quảng Nam hiệp thương công ti phát triển từ 1906 - 1907, vốn chừng 20 vạn đồng, thu mua lâm thổ sản ở nông thôn chở đi Hà Nội, Sài Gòn, Hồng Kông bán, rồi lại mua hàng ở các nơi đó về ở Phan Thiết có công ti nước mắm Liên Thành đặt nhiều chi nhánh trong nước. Công ti Phượng Lâu (Thanh Hoá) chuyên buôn tơ lụa, năm 1907 phát triển thêm nhiều chi nhánh ở Huế, Vinh, Hà Tĩnh...
Cũng có những người hoạt động yêu nước chuyển sang kinh doanh thương nghiệp để hỗ trợ cho công tác chính trị.
Ở Nghệ An, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế mở Triệu Dương thương quán. Ở Hà Tĩnh, Lê Văn Huân mở hội buôn Mộng Hanh. Ở Hà Nội, Nguyễn Quyền mở hiệu Hồng Tân Hưng; Hoàng Tăng Bí lập công ti Đông Thành Xương... Những cơ sở này vì ít vốn, cổ phần nhỏ nên quy mô kinh doanh không phát triển mạnh.
Vì bị thực dân chèn ép nặng nề, tư sản Việt Nam phát triển chậm về mọi mặt, chưa đủ điều kiện để hình thành một giai cấp. Nhưng sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa dân tộc nói chung là cơ sở thuận lợi để tiếp thu các trào lưu tư tưởng từ ngoài vào.
Cùng ra đời với tầng lớp tư sản là các tầng lớp tiểu tư sản, có trước và đông hơn tầng lớp tư sản. Đó là những nhà tiểu công nghệ, tiểu thương, những người làm việc ở các sở công hay tư, những người làm nghề tự do, học sinh các trường.
Trước kia, tại các đô thị lớn, những nhà buôn nhỏ và những thợ thủ công cũng đã tập hợp khá đông thành từng phường, từng hội. Khi Pháp sang, chúng độc chiếm thị trường, hàng hoá của chúng tràn ngập khắp nơi nên các nghề thủ công, nghề phụ của nhân dân ta đều bị phá sản. Nhà máy sợi thành lập thì khung cửi ở nông thôn nghỉ việc. Bông sợi ngoại quốc nhập vào thì nghề trồng bông bị bóp nghẹt. Tư bản Pháp nắm độc quyền nấu rượu thì bao nhiêu người ở nông thôn sống về nghề này phải bỏ nghề. Dân làm muối ven biển bị điêu đứng vì bị bắt bán rẻ cho nhà nước. Tuy nhiên cũng có ngành vẫn phát triển do nhân dân lao động không có khả năng mua hàng ngoại, hoặc do có ý thức dùng hàng nội, tẩy chay hàng ngoại. Chẳng hạn làng La Khê (Hà Đông) nơi dệt tơ lụa nổi tiếng ở Bắc Kì, năm 1884 - 1885 mới có khoảng 50 khung dệt với khoảng 100 thợ, năm 1918 đã lên tới 500 - 600 khung dệt với khoảng 1000 đến 1200 thợ. Nghề dệt thủ công phát triển vì công nghiệp tơ sợi của Pháp đã cung cấp sợi cho hàng vạn khung dệt ở Nam Định. Chúng cũng thu mua kén tằm của nông dân khiến nghề tầm tang phát triển.
Các nghề thợ bạc, vàng; thợ chạm sừng, ngà, gỗ quý; thợ thêu, thợ sơn; dệt chiếu; các nghề mới du nhập như đăng ten, dệt thảm len, đều có cơ hội phát triển vì tư bản Pháp vơ vét để xuất khẩu.
Lớp tiểu thương khá đông đảo đã đứng làm trung gian giữa những người sản xuất và những người tiêu thụ. Lớp công chức, trí thức và những người làm các dịch vụ cũng ngày càng tăng. Số lượng giáo viên, học sinh so với trước tăng lên. Năm 1918, số học sinh tiểu học trường công ở Bắc Kì là 34292 người, ở Trung Kì là 15051, ở Nam Kì là 48131, tổng cộng là 97474 người. Số giáo viên người Việt là 502 người.
Tuy đời sống vật chất của những người này so với các tầng lớp khác có phần khá hơn đôi chút, nhưng họ cũng bị chèn ép rất nhiều về mặt chuyên môn lẫn chính trị, thấm sâu nỗi nhục của người dân mất nước.
2. Các giai cấp cũ phân hoá
Nông dân và thợ thủ công bị bần cùng hoá và phá sản hàng loạt
Đume sang, nạn chiếm hữu ruộng đất diễn ra một cách khủng khiếp trong toàn quốc. Hết điều ước tháng 10 - 1897 của triều đình Huế nhượng cho thực dân quyền khai thác đất hoang đến nghị định ngày 1 - 5 - 1900 phủ nhận quyền sở hữu ruộng đất trong luật pháp phong kiến càng giúp tư bản Pháp và bè lũ phong kiến tay sai, trắng trợn cướp đoạt ruộng đất của nông dân trên quy mô lớn. Có một điều cần làm rõ là thực dân Pháp sau khi chiếm đoạt ruộng đất của nông dân để lập các đồn điền nông nghiệp (trồng lúa) vẫn áp dụng chế độ bóc lột phong kiến cũ, phát canh thu tô đối với các tá điền, giống hệt như các địa chủ người Việt vì chúng nhận thấy đó là cách làm ăn ít tốn kém, chắc ăn và nhiều lời nhất. Thêm vào đó, nạn sưu, thuế ngày một nặng, nạn cho vay lãi và cầm cố vẫn duy trì càng làm cho nông dân xơ xác, cuối cùng còn mảnh đất, mảnh vườn nào cũng bị tước đoạt.
Thực dân Pháp lại không chú ý đến việc đắp và bảo vệ đê điều, nạn vỡ đê lụt lội xảy ra liên miên vào những năm 1904, 1911, 1913. Trong hoàn cảnh đó, đời sống nông dân càng thêm điêu đứng.
Thợ thủ công cũng bị chính sách độc chiếm thị trường của thực dân Pháp bóp nghẹt. Trừ một số nghề mĩ nghệ ở các đô thị có điều kiện phát triển, nói chung các nghề thủ công và nghề phụ nông thôn đều bị đình trệ. Trước mắt, họ chỉ còn lại mấy con đường: ở lại làng làm tá điền cho bọn ăn cướp đất; hay ra thành phố, các khu công nghệ, vùng mỏ làm thuê, nếu cùng đường đành vào làm công trong các đồn điền.
Cuộc khai thác của tư bản Pháp càng đẩy mạnh bao nhiêu thì quá trình bần cùng hoá và phá sản của nông dân và thợ thủ công ở nông thôn càng nhanh chóng bấy nhiêu.
Địa chủ phân hóa
Được thực dân Pháp nâng đỡ, ưu thế kinh tế và chính trị của địa chủ Việt Nam tăng lên. Một số người kinh doanh công thương nghiệp xuất thân từ địa chủ vẫn cố giữ lấy một phần ruộng đất để phát canh thu tô. Một số ít khác, đề phòng công việc kinh doanh bấp bênh, cũng mua một ít ruộng đất cho phát canh thu tô. Như vậy, ngoài địa chủ Pháp, địa chủ Nhà thờ; địa chủ quan lại, địa chủ thường, còn có các địa chủ kiêm công thương. Địa chủ phong kiến Việt Nam phát triển hơn trước và trở thành chỗ dựa đắc lực cho thực dân Pháp trong công cuộc khai thác thuộc địa và duy trì trật tự xã hội có lợi cho chúng.
Với sự du nhập của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, phương thức sản xuất phong kiến có tính chất tự cung, tự cấp không còn độc quyền thống trị như trước nữa.
Trong số nông dân phá sản, một số bỏ làng ra thành thị hay các trung tâm kinh tế của tư bản Pháp kiếm ăn. Nhưng một số không nhỏ ở lại nông thôn biến thành những bần hay cố nông, mảnh đất cắm dùi không có, sẵn sàng bán sức lao động của họ với những điều kiện rẻ mạt. Do đó, sự bóc lột theo kiểu phú nông dễ phát triển, một số nông dân tư hữu hay người làm nghề thủ công nhờ làm ăn khá giả hơn xưa nên mua thêm ruộng đất bóc lột nhân công. Như vậy là nông thôn nước ta ngày một phân hoá, cố nhiên mức độ phân hoá so với thành thị chậm hơn nhiều vì tuy có xuất hiện một vài yếu tố mới, nhưng về căn bản quan hệ phong kiến vẫn còn thống trị.
Nhìn chung, tới đầu thế kỉ XX, xã hội Việt Nam đã có chuyển biến mới, các mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn giữa công nhân với tư bản, nông dân với địa chủ, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam và bọn thực dân Pháp xâm lược càng trở nên sâu sắc hơn, quyết liệt hơn dẫn đến cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ngày càng phát triển mạnh mẽ.