Tài liệu: Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Tư Bản Pháp (1897-1914)

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ cuối thế kỉ XIX, phong trào vũ trang khởi nghĩa từ Nam chí Bắc sau khi Hàm Nghi xuất bôn và phát hịch Cần Vương đã tàn lụi dần với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Sơn (1896)
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Tư Bản Pháp (1897-1914)

Nội dung

Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Tư Bản Pháp (1897-1914)

Từ cuối thế kỉ XIX, phong trào vũ trang khởi nghĩa từ Nam chí Bắc sau khi Hàm Nghi xuất bôn và phát hịch Cần Vương đã tàn lụi dần với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Sơn (1896). Một số thổ hào địa phương nổi dậy ngay từ khi thực dân Pháp mới đặt chân tới đất nước ta đến nay tuy vẫn còn cố gắng cầm cự, nhưng cũng chỉ đóng khung trong phạm vi nhỏ hẹp từng vùng và trên con đường tan rã. Duy có cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) lãnh đạo trong tình thế bị bao vây o ép nên đến tháng 12 - 1897 buộc phải đình chiến lần thứ hai với kẻ thù. Thực dân Pháp cố tranh thủ thời gian này chuẩn bị mọi điều kiện chờ ngày triệt hạ pháo đài cuối cùng của phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta. Về phía nghĩa quân thì những hoạt động cuối cùng từ 1909 đến 1913 cũng chỉ là những đợt sóng cuối cùng của một cao trào yêu nước chống xâm lược của nhân dân ta mà thôi.

Thực dân Pháp như vậy về căn bản đã hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam về mặt quân sự, và trong bối cảnh đó đã có thể bắt tay vào khai thác thuộc địa Việt Nam nói riêng cũng như đông Dương nói chung một cách quy mô.

Ngày 22 - 3 - 1897, Toàn quyền Đông Dương Poon Đume (Paul Doumer) gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp dự án chương trình hoạt động:

“1. Tổ chức một chính phủ chung cho toàn Đông Dương và tổ chức bộ máy cai trị hành chính riêng cho từng “xứ” thuộc Liên bang.

2. Sửa đổi lại chế độ tài chính, thiết lập một hệ thống thuế khóa mới sao cho phù hợp với yêu cầu của ngân sách, nhưng phải dựa trên cơ sở xã hội cụ thể, và phải chú ý khai thác những phong tục, tập quán của dân Đông Dương.

3. Chú ý xây dựng thiết bị lớn cho Đông Dương, như xây dựng hệ thống đường sắt, đường bộ, sông đào, bến cảng... rất cần thiết cho công cuộc khai thác.

4. Đẩy mạnh nền sản xuất và thương mại bằng việc phát triển công cuộc thực dân của người Pháp và lao động của người bản xứ.

5. Bảo đảm phòng thủ Đông Dương bằng việc thiết lập những căn cứ hải quân và phải tổ chức quân đội và hạm đội cho thật vững mạnh.

6. Hoàn thành công cuộc bình định xứ Bắc Kì, bảo đàm an ninh vùng biên giới Bắc Kì.

7. Khuếch trương ảnh hưởng của nước Pháp, mở rộng quyền lợi của nước Pháp ở vùng Viễn Đông, nhất là ở các nước lân cận”[1].

Đume rất am hiểu tình hình Đông Dương vì đã từng là nghị sĩ giữ chức Thượng thư Tài chính trong Chính phủ Pháp và là báo cáo viên những dự án luật thanh toán tạm thời và tổng thanh toán tài chính Bắc và Trung Kì. Chương trình khai thác do Đume vạch ra để thi hành ở Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) từ những năm đầu thế kỉ XX có mục đích tối thượng là biến gấp Đông Dương thành một thuộc địa khai khẩn bậc nhất, bảo đảm siêu lợi nhuận cao nhất cho đế quốc Pháp.

Sênô (Jean Chesneaux) trong cuốn Đóng góp vào lịch sử dân tộc Việt Nam đã đánh giá cao Đume:

“Chính ông đã đưa chế độ thuộc địa từ giai đoạn kinh nghiệm chủ nghĩa hầu như “thủ công” sang giai đoạn tổ chức hệ thống. Chính ông đã tạo dựng bộ máy thống nhất về bóc lột tài chính và đàn áp chính trị trong thực tế sẽ được duy trì nguyên vẹn đến tận 1945”[2].

1. Một bộ máy hành chính cai trị chặt chẽ

Mới đặt chân sang Việt Nam được vài tuần, Đume đã gửi về Bộ Thuộc địa một bản báo cáo tổng quát về tình hình Đông Dương:

“Hiện nay tình hình chính trị toàn cõi Đông Dương không một nơi nào đáng lo ngại hay quá bi đát. Thực tế, tại nhiều nơi cũng có những khó khăn có thể sẽ trầm trọng thêm; nhân dân toàn xứ đều như đã khuất phục dưới quyền thống trị của chúng ta, nhưng chưa phải đã thấm nhuần tính chất vĩnh viễn của nền đô hộ Pháp và sẵn sàng nắm lấy một thời cơ thuận lợi hay một giây phút yếu đuối của chúng ta để lật đổ ách nặng trên đầu”[3].

Để phục vụ kịp thời và đắc lực cho công cuộc khai thác và bóc lột kinh tế, Đume chú ý tới hai yếu tố chính trị “chia để trị” và “dùng người Việt trị người Việt”.

Một mặt, Đume tìm mọi cách chia cắt đất nước, chia rẽ dân tộc Việt Nam hòng phân tán lực lượng để dễ bề cai trị. Nhưng mặt khác, ông ta lại quan tâm đến sự thống nhất của bộ máy thuộc địa toàn Đông Dương. Đó là sự phức tạp trong tính chất hai mặt của một chính sách thâm độc.

Theo sắc lệnh ngày 17 - 10 - 1887, thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, năm đó mới bao gồm có Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì và Campuchia, trực thuộc Bộ Hải quân và Thuộc địa[4]. Ngày 19 - 4 - 1899, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh sáp nhập thêm Lào vào Liên bang Đông Dương. Việt Nam bị chia cắt làm 3 kì: Bắc Kì, Trung Kì và Nam Kì với ba chế độ cai trị khác nhau. Bắc Kì và Trung Kì là hai xứ bảo hộ vẫn còn giữ lại chính quyền phong kiến về hình thức; Nam Kì là đất thuộc địa hoàn toàn do Pháp nắm cùng với Lào và Campuchia cũng là đất bảo hộ của Pháp, hợp thành Liên bang Đông Dương. Với thủ đoạn này, chúng nhằm xoá bỏ tên Việt Nam, Lào, Campuchia trên bản đố thế giới.

Đứng đầu Liên bang Đông Dương có Toàn quyền, là người thay mặt chính phủ Pháp cai trị Đông Dương về mọi mặt. Dưới Toàn quyền là Thống đốc Nam Kì, Thống sứ Bắc Kì và Khâm sứ ở Trung Kì, Lào, Campuchia.

Cơ quan quyền lực tối cao là Hội đồng tối cao Đông Dương, Chủ tịch Hội đồng là Toàn quyền, các Uỷ viên Hội đồng hầu hết là người Pháp, chỉ có hai người Việt đại biểu cho dân “bản xứ”. Các Uỷ viên là giám đốc các công sở, các viên quan cai trị đứng đầu 5 xứ, chủ sự các Phòng Thương mại và Canh nông...

Hội đồng họp thường kì mỗi năm một lần để bàn bạc và thông qua ngân sách Đông Dương, ngân sách hàng xứ, cùng các công việc do Toàn quyền đề xuất có liên quan đến việc thống trị và khai thác Đông Dương.

Đến năm 1911, đổi thành Hội đồng Chính phủ Đông Dương gồm 23 ủy viên, có 4 người “bản xứ” do Toàn quyền lựa chọn và chỉ định hằng năm (gồm 3 người Việt của 3 xứ và 1 người Campuchia).

Văn phòng Phủ Toàn quyền gồm có các phòng: Chính trị, Hành chính, Quân sự, Nhân sự và Văn thư là cơ quan thường trực của Phủ Toàn quyền kiêm cả công việc đối ngoại và khen thưởng kỉ luật. Các cơ quan khác có Hội đồng phòng thủ Đông Dương thành lập ngày 31 - 10 - 1902; ủy ban Tư vấn về mỏ thành lập ngày 26 - 5 - 1913; Hội đồng Tư vấn Học chính Đông Dương thành lập ngày 21 - 12 – 1917; Sở chỉ đạo công việc chính trị và bản xứ, Sở tình báo An ninh trung ương (tức Sở mật thám)...

Việc củng cố chính quyền Liên bang gắn với việc củng cố chính quyền các xứ Thủ đoạn “chia để trị” là một trong những nguyên tắc chỉ đạo hành động của chúng.

Nam Kì là đất thuộc địa không có quan hệ phụ thuộc vào Nam triều. Ngày 8 - 2 - 1880, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Hội đồng thuộc địa Nam Kì, quy định rõ chức năng của nó là cơ quan “tư vấn”, có thể bàn về thuế má, thu chi..., tuyệt đối không được đề cập đến vấn đề chính trị. Hội đồng thuộc địa có 16 thành viên (10 Pháp, 4 Việt đã vào “làng Tây”, nói được tiếng Pháp và một số đại biểu của Phòng Thương mại và Hội đồng Tư vấn).

Giúp việc cho Thống đốc còn có Hội đồng Tư vấn (Thống đốc chủ tọa và 4 ủy viên người Pháp, 2 ủy viên người Việt do Thống đốc chỉ định và 4 ủy viên dự khuyết); Hội đồng hình sự (tức Hội đồng tư vấn thêm 2 quan toà, có quyền hạn đối với cả Campuchia và Lào). Ngoài ra còn có Phòng Thương mại thành lập từ năm 1868 và Phòng Canh nông thành lập từ năm 1897 gồm toàn người Pháp. Đây là tổ chức của “Côlông” (người Pháp sang làm ăn ở Đông Dương) lập nên. Hai phòng này được cử một nghị sĩ vào Nghị viện Pháp.

Nam Kì được chia thành 20 tỉnh: Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Vĩnh Long. Có 2 thành phố: Sài Gòn là thành phố cấp I và Chợ Lớn là thành phố cấp II.

Đứng đầu tỉnh là công sứ người Pháp. Tỉnh nào lớn có thêm phó công sứ Giúp việc cho Chánh, Phó Công sứ có Sở Tham biện và Hội đồng hàng tỉnh.

Đứng đầu thành phố có Chánh, Phó Đốc lí với Toà Đốc lí và Hội đồng thành phố (cho thành phố cấp I) hoặc Uỷ ban thành phố (cho thành phố cấp II)

Tỉnh có một số trung tâm hành chính hoặc Sở Đại lí. Tính đến năm 1919, Nam Kì có 64 trung tâm hành chính và Sở Đại lí. Đứng đầu các đơn vị này có Đốc phủ sứ, Tri phủ hay Tri huyện. Một số địa phương hoặc khu vực có tầm quan trọng đặc biệt về chính trị hoặc quân sự có Đại lí người Pháp, đại diện trực tiếp của công sứ cai trị.

Để giúp việc cho bộ máy hành chính cai trị của Pháp, thực dân Pháp vẫn giữ hệ thống chính quyền phong kiến ở dưới làng xã, có xã trưởng, hương trưởng và Hội đồng kì hào. Nam giới có 2 loại: tráng đinh (có tài sản, phải nộp thuế) và bạch đinh (không có tài sản).

Trung Kì là xứ bảo hộ, vẫn duy trì “triều đình nhà Nguyễn”, nhưng vua An Nam không có “thực quyền”. Giúp việc vua có Hội đồng Phụ chính cùng Viện Cơ mật trông coi về đường lối lãnh đạo quốc gia, Viện Đô sát kiểm soát hoạt động của quan lại. Còn có Hội đồng Phủ Tôn nhân để quản lí công việc của dòng họ nhà vua. Quyền hành thực sự nằm trong tay Khâm sứ Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ Trung Kì. Sau khi ép Thành Thái ra đạo dụ ngày 27 - 9 - 1897, toàn bộ quyền cai trị giao cho Toà Khâm sứ. Hội đồng Phụ chính, Hội đồng Thượng thư đều bãi bỏ. Có Hội đồng Cơ mật gồm 6 bộ (Lại, Hình, Binh, Hộ, Lễ, Học), nhưng mọi quyết định của Hội đồng này đều phải được Khâm sứ thông qua mới chuyển lên nhà vua. Khâm sứ có quyền chủ tọa cả Hội đồng Cơ mật và Hội đồng Phủ Tôn nhân. Mỗi bộ đều có một viên chức Pháp đại diện cho Khâm sứ nắm gọi là Hội lí. Các quan lại triều đình, từ chánh nhất phẩm đến tòng tam phẩm, triều đình Huế chỉ được bổ dụng sau khi Khâm sứ chuẩn y. Quan lại từ chánh tứ phẩm trở xuống do Khâm sứ bổ nhiệm.

Khâm sứ có một Hội đồng giúp việc gồm một số viên chức người Pháp, một đại diện của Phòng Thương mại và Canh nông, hai đại diện của Viện Cơ mật. Việc xử án do một Hội đồng luận án chung cho cả Trung Kì và Bắc Kì đặt tại Hà Nội giải quyết.

Trung Kì có 14 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Phan Rang, Bình Thuận, Đắc Lắc, thành phố Đà Nẵng là “đất nhượng địa”.

Đứng đầu tỉnh là viên Công sứ người Pháp, có cơ quan Toà Công sứ giúp việc. Cũng có các bộ phận công tác khác như ở Nam Kì. Nhưng ở đây (và cả Bắc Kì) vẫn tồn tại hệ thống tổ chức quan lại cũ của Nam triều, đứng đầu tỉnh là Tổng đốc (tỉnh lớn) hoặc Tuần phủ (tỉnh nhỏ), án sát coi việc tư pháp, Bố chính coi việc thuế khoá, Lãnh binh (tỉnh nhỏ) hoặc Đề đốc (tỉnh lớn) coi việc binh.

Dưới tỉnh là phủ, huyện, châu (miền núi), có các Tri phủ, Tri huyện, Tri châu thay mặt Công sứ và Tổng đốc (Tuần phủ) cai quản từng phủ hoặc từng huyện. Có một số nha thuộc giúp việc như đề lại, lục sự, thừa phái.

Tổng là đơn vị hành chính trung gian giữa phủ, huyện với các làng, xã trực thuộc. Một phủ hay huyện có nhiều tổng (thường là dưới 10 tổng) do chánh, phó tổng cai quản. Mỗi tổng quản lí một số làng xã (thường là trên dưới 10 làng xã).

Xã và làng (thôn) là cấp cơ sở của chính quyền Nhà nước. Đứng đầu là lí trưởng, phó lí trưởng. Còn có Hội đồng kì hào, kì mục điều hành mọi công việc của làng xã. Chế độ này ở cả ba xứ Việt Nam gần giống nhau, Đume thấy rõ sự lợi hại của nó: “Duy trì trọn vẹn, thậm chí tăng cường cách tổ chức cũ kĩ mà chúng ta đã thấy đó là một điều tốt. Theo cách tổ chức này thì mỗi làng xã sẽ là một nước cộng hoà nhỏ, độc lập trong giới hạn những quyền lợi địa phương. Đó là một tập thể được tổ chức rất chặt chẽ, rất có kỉ luật và rất có trách nhiệm đối với chính quyền cấp trên về những cá nhân thành viên của nó, những cá nhân mà chính quyền cấp trên có thể không cần biết tới, điều đó rất thuận lợi cho công việc của chúng ta”[5].

Bắc Kì có cơ quan cai trị cao nhất là Phủ Thống sứ do Thống sứ người Pháp đứng đầu, có Hội đồng Bảo hộ giúp việc. Hội đồng này có thể chuyển thành Hội đồng xét xử chung cho cả Bắc Kì và Trung Kì. Còn có thêm hai Phòng Thương mại và Canh nông ở hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng được cử đại biểu vào Hội đồng Bảo hộ.

Bắc Kì có 26 tỉnh, 35 đại lí và 2 thành phố. 26 tỉnh là Bắc Giang, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Giang, Hải Dương, Hải Ninh, Hà Nam, Hoà Bình, Hưng Yên, Kiến An, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phúc Yên, Phú Thọ, Quảng Yên, Sơn Tây, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Yên Bái.

Đến 20 - 8 - 1891, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định cắt một số khu vực của một số tỉnh để thành lập tại Bắc Kì 4 đạo quan binh: Phả Lại, Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La. Năm 1916, đặt thêm đạo quan binh thứ 5 gồm Lai Châu và Thượng Lào. Những đạo quan binh này, chú trọng nhiều về việc bố phòng, tiễu phỉ, đàn áp các cuộc nổi dậy chống đối của nhân dân trong vùng.

Hệ thống chính quyền của Bắc Kì từ cấp tỉnh trở xuống về đại thể giống như ở Trung Kì.

Hầu hết các quan viên nắm quyền cai trị từ cấp xã trở lên đều thuộc giai cấp địa chủ phong kiến, cấu kết với thực dân Pháp, làm tay sai cho chúng, tiếp tục áp bức bóc lột nhân dân, nhất là ở các cấp làng xã, phủ huyện, đạo, châu. Còn từ cấp tỉnh , xứ và Liên bang Đông Dương thì quyền lực tập trung vào tay những quan chức người Pháp. Vua tôi nhà Nguyễn chỉ là bù nhìn được hưởng một số phụ cấp lương bổng do thực dân Pháp chi trả. Số công chức người Pháp ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung ngày một tăng thêm và chiếm tỉ lệ cao nhất so với thuộc địa của các nước khác. Họ hưởng lương rất cao và hưởng một chế độ hưu trí đặc biệt, trở thành một lớp người sâu mọt đục ruỗng ngân sách Đông Dương để làm giàu cho cá nhân. Năm 1907, chỉ riêng Sở Thương chính (Douane) đã có tới 3341 nhân viên, tức là chiếm tỉ lệ 1 người trên số 5000 dân.

Số viên chức người Pháp ở Đông Dương năm 1897 là 2860, năm 1902 là 3778, năm 1906 là 4890, năm 1911 là 5683 người[6].

Vào những năm 20 của thế kỉ này, Đông Dương với 25 triệu dân, có tới 4700 quan chức người Pháp, tương đương với số lượng quan chức người Anh ở Ấn Độ, một xứ có 350 triệu dân[7]. Tới những năm 30, số lượng đó tăng gấp 3 lần số công chức người Anh ở Ấn Độ.

Lương và phụ cấp lương của một Tổng đốc người Việt là 300 đồng Đông Dương tương ứng với 750 phơrăng (1 đồng Đông Dương bằng 2,5 phơrăng), bằng lương và phụ cấp lương của một viên thư kí toà sứ hạng nhì người Pháp, hoặc chỉ bằng một phần ba lương và phụ cấp lương của Công sứ hạng nhì đầu tỉnh. Ngoài tiền lương, họ còn được hưởng những khoản phụ cấp lớn và những khoản cướp đoạt tài sản, xương máu của nhân dân Việt Nam. Một cựu nghị sĩ Pháp sau khi đi thăm Đông Dương về đã than phiền: “So với bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những người lương thiện”[8].

Bên cạnh tổ chức chính quyền cấp cao nhất xuống tận cơ sở, ở mỗi xứ đều có các Nha là chi nhánh của các công sở trung ương, có nhân viên hoạt động tới tỉnh, huyện, xã. Các chi nhánh này tuy đặt bên cạnh chính quyền xứ, tỉnh, song lại thuộc hệ thống dọc chịu sự điều khiển của các công sở trung ương.

Hệ thống tòa án ở các xứ và tỉnh đều trực thuộc Tổng biện lí bên cạnh Toàn quyền. Cơ quan chính quyền xã chỉ làm việc hoà giải. Chỉ có toà án tỉnh, thành phố và các Toà án tối cao mới có quyền xử án, xử theo luật của Pháp từ thời kì Napôlêông phối hợp với luật Gia Long, hoàn toàn không có sự hiểu biết đầy đủ về phong tục tập quán Việt Nam. Khi cần khủng bố nhân dân, đàn áp dập tắt các cuộc khởi nghĩa, các hoạt động chống đối chính quyền thuộc địa, chúng thiết lập một Hội đồng đề hình (Toà án đặc biệt) để xét xử. Hội đồng này chủ yếu tìm cách làm thật nhiều án chém và án nặng, việc xét xử chỉ làm chiếu lệ.

2. Bộ máy quân sự, cảnh sát, toà án và nhà tù

Đume mong muốn hoàn thành bình định sớm để “phòng thủ Đông Dương”, “mở rộng quyền lợi của nước Pháp ở vùng Viễn Đông, nhất là ở các nước lân cận với đông Dương”[9]. Tình hình quốc tế lúc này đang có chiều hướng căng thẳng. Thực dân Anh tăng cường lực lượng ở căn cứ Hương Cảng và Xingapo. Đế quốc Đức có mặt ở Viễn Đông. Quân đội Nhật xâm lược Trung Quốc và nhòm ngó Đông Dương.

Thực dân Pháp triệt để thực hiện chính sách “dùng người Việt trị người Việt”, dùng binh lính thuộc địa để bảo vệ thuộc địa, hoặc để lấn chiếm thuộc địa. Vì vậy, việc tăng cường lực lượng vũ trang, bắt lính người Việt là cấp bách.

Ngày 7-7-1900, chúng ra đạo luật về tổ chức quân đội thuộc địa (troupes coloniales) bao gồm vừa binh lính Pháp, vừa binh lính người bản xứ.

Ở Việt Nam, lính cơ (milice) là lực lượng bổ sung cho quân đội thuộc địa. Hội đồng phòng thủ Đông Dương do Toàn quyền Đông Dương làm Chủ tịch có quyền huy động quân đội, lập các đạo quan binh, tuyển mộ binh lính và phân bố  lực lượng. Trực tiếp điều khiển quân đội ở Đông Dương là viên Tổng chỉ huy người Pháp. Dưới quyền y có Tổng tham mưu trưởng và các viên chỉ huy bộ binh, hải quân, pháo binh.

“Tính đến năm 1897, đội quân viễn chinh đã có:

- 3 liên đội bộ binh gồm 8 đại đội.

- 4 đại đội và 2 trung đội lê dương.

Phân phối như sau: 10 đại đội ở Bắc Kì, 2 đại đội ở Nam Kì, 2 trung đội ở Trung Kì.

Về quân lính bản xứ, con số cũng tăng nhiều:

- 3 liên đội pháo thủ Bắc Kì có 13 đại đội, đóng ở Bắc Kì.

- 1 liên đội pháo thủ Trung Kì có 3 đại đội đóng ở Nam Kì.

Súng ống trang bị cho quân lính được tăng cường, có các binh chủng mới như pháo binh (bắt đầu từ 1899), kị binh (1900), công binh (1903), đội cầu, thông tin, vẽ bản đồ... bổ sung thêm tướng tá, lấy binh lính bản xứ ngày một đông, tổ chức những đội quân dự trữ (1898), tăng cường lính da đen châu Phi (cuối 1900); lập phòng tuyển lính và dự trữ ở Hà Nội, Sài Gòn (1901).

Lực lượng vũ trang của thực dân Pháp ở Đông Dương ngày một mạnh, nên năm 1900 chúng đã có thể gửi sang Trung Quốc 4 đại đội và 3 pháo đội để tham gia cuộc “ Liên quân 8 nước bảo vệ quyền lợi xâm lược ở Trung Quốc”(!)

Lúc bấy giờ, dưới quyền Tổng chỉ huy quân đội Pháp đã có đến 3 Thiếu tướng, Tổng cục trưởng hậu cần, Giám đốc quân y, Đại tá chỉ huy pháo binh, Đại tá chỉ huy công binh.

Về hải quân, có phân nhánh hạm đội Nam Kì và hải quân công xưởng Sài Gòn dưới quyền chỉ huy của một Đại tá hải quân; hải cảng Hồng Gai và Quảng Châu Loan do 1 Trung tá hải quân chỉ huy, cả hai đều đặt dưới quyền một Thủy sư đô đốc chỉ huy tối cao hạm đội Viễn Đông, có chân trong Hội đồng phòng thủ Đông Dương”[10].

Ngày 1-11-1904, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh bắt thanh niên ở Bắc Kì và Trung Kì từ 22 tuổi đến 28 tuổi phải làm “nghĩa vụ binh dịch”. Thời hạn tại ngũ là 5 năm, hết hạn có thể xin ở lại. Hạn tại ngũ tối đa là 20 năm. Đồng thời, Tổng thống Pháp cũng ban bố sắc lệnh tổ chức lực lượng quân dự bị người bản xứ ở Đông Dương (Réserves Indigènes en Indochine). Lực lượng này mỗi năm phải luyện tập tối đa 15 ngày và sẽ phải động viên từng khóa hay toàn bộ khi cần thiết. Ngày 5 - 11 - 1904, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập những trung đội công binh người bản xứ toàn Đông Dương. Ngày 22 - 3 - 1910 lại có sắc lệnh quy định tất cả thanh niên Việt Nam sau khi mãn hạn đi lính thường trực phải chuyển sang lực lượng quân dự bị tới khi đủ 15 năm, kể cả thời gian tại ngũ, mới được hoàn toàn giải ngũ.

Ngoài quân đội chính quy, còn có đội lính khố xanh (theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 17 - 6 - 1897) chuyên để đàn áp các cuộc khởi nghĩa, hoặc canh giữ các nhà tù, phục vụ ở các đạo quan binh. Tại các phủ, huyện, châu còn có lính cơ và lính lệ. Ở các làng xã có những tuần phu, một lực lượng nửa vũ trang dưới quyền của trương tuần và lí trưởng.

Ngày 30 - 6 - 1915, Tổng thống Pháp lại ra sắc lệnh xây dựng lực lượng cảnh sát đặc biệt (Force de Police spéciale) cho toàn Đông Dương. Tổ chức này có một số đặc điểm sau:

- Tất cả binh lính người bản xứ tại ngũ, nhưng không nằm trong lực lượng chính quy, đều thuộc lực lượng cảnh sát đặc biệt.

- Đối với Việt Nam, binh lính người Việt không nằm trong lực lượng quân đội chính quy đều thuộc quyền tối cao của Thống đốc (Nam Kì), Thống sứ (Bắc Kì), Khâm sứ (Trung Kì).

- Số binh lính này cũng được tuyển lựa như binh lính chính quy. Toàn quyền Đông Dương ấn định số lượng cần tuyển cho từng “Kì”, sau đó Thống đốc, Thống sứ và Khâm sứ lại ấn định số lượng cần tuyển cho từng tỉnh. Quân nơi nào, nơi đó chỉ đạo. Lực lượng này còn gọi là địa phương quân.

- Chức năng của địa phương quân trong thời bình là bảo đảm trật tự an ninh trong tỉnh hoặc đạo, canh giữ các công sở, các tuyến đường giao thông... Khi có chiến tranh, có thể chuyển từng phần hay toàn bộ lực lượng địa phương sang chính quyền quân sự.

Ở Nam Kì, ngày 15 - 5 - 1917, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thiết lập lực lượng cảnh sát người Việt cho toàn xứ, gọi là lực lượng dân vệ (garde civile). Ngoài ra, ở cả ba xứ, chúng còn tổ chức đội thân binh, dưới quyền của bọn Việt gian phản động như Nguyễn Thân, Lê Hoan, Hoàng Cao Khải, Trần Bá Lộc, có nhiệm vụ thường trực đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân.

Về số lượng, tính đến năm 1912 (năm chúng xây dựng tương đối hoàn chỉnh đội quân thuộc địa), lính tại ngũ là 23.847 người, lính trù bị là 29.064 người.

Để tăng cường đàn áp, ngày 28 - 6 - 1917, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Sở Tình báo và An ninh trung ương (Serviee central de Renseignement et de Sureté Générale) chung cho toàn Liên bang, thường được gọi là Sở Mật thám Đông Dương, tạm thời cho trực thuộc Ban chỉ đạo các công việc chính trị và bản xứ của Phủ Toàn quyền (thành lập ngày 23-5-1915). Mỗi xứ có một cơ quan mang tên Cảnh sát an ninh (Police de Sûreté).

Cơ quan Cảnh sát an ninh cấp xứ có nhiệm vụ theo dõi ngăn ngừa tất cả các hành động có tính chất chống đối, điều tra, truy lùng thủ phạm và cùng giới cầm quyền đàn áp các vụ nổi loạn.

Sở Tình báo và an ninh trung ương có hai nhiệm vụ chính là: tổng hợp, nghiên cứu tất cả các tin tức tình báo có liên quan đến trật tự an ninh; đào tạo, chỉ đạo và kiểm soát về mặt kĩ thuật chuyên môn đối với tất cả các cơ quan tình báo chính trị hiện có ở Liên bang, nhằm đàm bảo tính thống nhất của phương pháp tình báo chính trị và đảm bảo việc xử lí các tin tức tình báo, thu lượm được chính xác, nhanh chóng[11].

Hệ thống toà án - nhà tù cũng dày đặc khắp Việt Nam.

Từ năm 1881, ở Nam Kì sau khi chế độ Đô đốc không còn, người Việt Nam và người Pháp đều do toà án Pháp xét xử, nhưng theo hai thứ pháp luật phân biệt công dân Pháp và không phải công dân Pháp (Code de I’indigénat). Tất cả những người Việt Nam bị chúng quy là “phiến loạn” đều bị đưa ra Toà án binh xét xử. Trên hết là Toà đại hình Sài Gòn, để xét xử “những vụ do người Việt gây ra đối với người Âu”.

Ở Trung Kì, bộ luật Gia Long vẫn là luật của xứ “bảo hội” này. Tháng 2-1888, triều đình Đồng Khánh đã cho sao lục bộ Hình luật các triều Nguyễn từ Gia Long trở về sau, trao cho thực dân Pháp tham khảo để đề ra luật pháp.

Đối với người Pháp và ngoại kiều khác, quan lại Nam triều không có quyền xét xử. Hiệp ước 1884 đã quy định những việc xảy ra giữa người Việt và người Âu đều do bọn thực dân giải quyết. Năm 1849, chúng lập ra các tòa án hỗn hợp hàng tỉnh dưới quyền chỉ đạo của Công sứ Pháp và án sát Việt Nam để kết tội những người “khởi loạn”.

Ở Bắc Kì có hai loại toà án, toà án Tây và toà án Nam. Các tỉnh đều có toà án hỗn hợp dưới quyền chỉ đạo của Công sứ Pháp và án sát Việt Nam.

Ở cấp “Kì”, từ năm 1896 thực dân Pháp lập ra Hội đồng đề hình Hà Nội (theo sắc lệnh ngày 15 - 9 - 1896 của Tổng thống Pháp) để xét xử những người Việt Nam yêu nước có hành động chống Pháp ở Trung Kì và Bắc Kì. Ở cấp phủ, huyện, châu, quyền hành chính và tư pháp đều nằm trong tay các tri phủ, tri huyện và tri châu. Ở các làng, xã, bọn kì hào hoành hành dường như không có giới hạn[12].

Riêng đối với Bắc Kì, Khải Định ban bố đạo dụ bổ sung gồm một số điểm sau:

- Tổ chức Toà Nam án ở các cấp

- Ban hành luật tố tụng về dân sự, hình sự, thương mại.

- Ban hành bộ Hình luật.

Trừ Hà Nội và Hải Phòng, Toà Nam án có sơ cấp (tri phủ, tri huyện, tri châu xét xử ở phủ, huyện, châu do Thống sứ Bắc Kì chỉ định), đệ nhị cấp (quan tỉnh xét xử hoặc do một quan chuyên nghiệp được Sở Tư pháp Đông Dương tạm thời cử đến), Toà Thượng thẩm đặt tại Hà Nội là một Toà án đặc biệt, do hai viên quan lại người Việt phụ trách xét xử. Hai viên này được Chính phủ Nam triều chỉ định theo sự lựa chọn của Toàn quyền Đông Dương[13].

Gắn liền với tổ chức toà án là cảnh sát, nhà tù và trại giam. Tỉnh nào cũng có Ti cảnh sát, từ huyện trở lên đều có trại giam trước khi chuyển tù nhân lên tỉnh.

Trong mười năm từ 1902 đến 1912, Toà án thực dân đã kết án 24,380 người từ tù giam, khổ sai chung thân đến tử hình[14].

Các nhà tù ở Hà Nội, Sơn La, Thái Nguyên, Lao Bảo, Sài Gòn, Côn Đảo... lúc nào cũng đông tù nhân, Côn Đảo năm 1912 giam tới 1326 người. Riêng ở Bắc Kì, năm 1909, ngân sách để “giữ gìn trật tự” gấp 4 lần tiền chi cho giáo dục, y tế nông nghiệp, công chính.

Riêng vụ xử của Toà đề hình “kết án các tên tù phạm về việc trái phá Thái Bình và Hà Nội” tuyên đọc ngày 5 - 9 - 1913 có đến 84 người bị kết án, trong số đó có 7 người tử hình, 62 người từ 3, 8, 10 năm đến khổ sai chung thân và 13 người tử hình vắng mặt.

3. Văn hoá, giáo dục

Trong báo cáo gửi Toàn quyên Đông Dương ngày 1 - 8 - 1899, Thống sứ Bắc Kì đã viết: “Kinh nghiệm của các dân tộc châu Âu khác đã chỉ rõ rằng việc truyền bá một nền học vấn đầy đủ cho người bản xứ là hết sức đại dột”. Rõ ràng ngư dân về mặt giáo dục, đầu độc về mặt văn hoá là một trong những biện pháp cai trị của bọn thực dân. Mục đích của nền giáo dục thuộc địa là duy trì vĩnh viễn ách thống trị của Pháp, nên tuỳ theo yêu cầu chính trị của từng giai đoạn mà chúng đưa ra những chủ trương cụ thể.

Đầu tiên, ý định của chúng là muốn lợi dụng nền Nho học với chế độ khoa cử lỗi thời. Báo cáo của P.Đume đọc trước Hội đồng tối cao Đông Dương có đoạn: “Những nguyên tắc đã làm cho trong xã hội người bản xứ, gia đình được vững mạnh, cha mẹ được kỉnh trọng chính quyền được tuân thủ đều được rút ra từ các sách Hán học dạy ở các trường làng. Ngay từ khi học những chữ đầu tiên, họ đã được học ngay những nguyên tắc nên tảng của luận lí Nho giáo; họ khắc sâu vào lòng dạ những nguyên tắc sẽ hướng dẫn họ trong cả cuộc đời. Chính các trường làng đã đem lại cho họ nền học vấn đó”[15].

Trường Hán học có ba bậc: bậc ấu học ở các xã thôn học chữ Nho, thêm chữ Quốc ngữ và một số ít kiến thức khoa học phổ thông; bậc tiểu học ở phủ, huyện dạy chữ Hán, Quốc ngữ, khoa học, lịch sử, địa lí ở mức sơ đẳng, chữ Pháp là môn tình nguyện; bậc trung học ở tỉnh học các môn như ở trường huyện, nhưng chữ Pháp là môn bắt buộc. Năm 1906, cả nước chỉ mới có 25 trường loại này. Đồng thời với hệ thống giáo dục đó, các khoa thi Hương, Hội, Đình vẫn mở như cũ, chỉ có khác là từ năm 1906 các thí sinh phải thi thêm tiếng Pháp và toán đố là môn số học sơ đẳng.

Từ năm 1905, Toàn quyền Bô (Paul Beau) chủ trương cải cách giáo dục, lập Hội đồng cải cách giáo dục toàn Liên bang và Nha học chính Đông Dương (1905).

Riêng đối với Trung và Bắc Kì, Toàn quyền Bô cho mở rộng thêm bậc tiểu học Pháp - Việt, lại còn đặt thêm bậc tiểu học bổ túc (thường gọi là bậc Thành chung) và sửa lại nền Hán học cũ chia làm 3 bậc như sau:

- Bậc ấu học ở xã thôn (dạy chữ Hán và Quốc ngữ).

- Bậc tiểu học ở phủ, huyện (dạy chữ Hán, Quốc ngữ văn chữ Pháp là môn tình nguyện).

- Bậc trung học ở tỉnh (dạy chữ Hán, Quốc ngữ và chữ Pháp bắt buộc).

Chương trình khoa cử cũng được sửa đổi cho phù hợp với tổ chức học mới đó.

Ngoài ra còn mở thêm các trường sư phạm ở Hà Nội, Nam Định, Huế, Gia Định; các trường chuyên nghiệp và xưởng học nghề; các trường Kỉ thuật thực hành, trường Mĩ thuật thực hành; trường Thợ máy như trường Cơ khí Á châu (École des Mécaniciens Asiatiques) ở Sài Gòn (1906), trường Mĩ thuật Gia Định (1913)... Trường Y sĩ Hà Nội (sau này thành Đại học Y khoa) mở ra từ năm 1902.

Cuối năm 1907, nhằm giành ảnh hưởng với Đông Kinh nghĩa thục, và ngăn chặn luồng thanh niên xuất dương sang Nhật học (phong trào Đông Du), đồng thời cũng để cổ động cho thế lực nước Pháp ở Á Đông và loại bỏ ảnh hưởng Trung Hoa trên nước ta, cũng không ngoài mục đích đào tạo một tầng lớp “tan học”, “thượng lưu tri thức” mới sẵn sàng cộng tác với chúng, thực dân Pháp quyết định mở trường Đại học Đông Dương. Nhưng năm 1908, xảy ra nhiều vụ “lộn xộn”, Toàn quyền Klôbuycôpxki (Klobukovski) đã hạ lệnh đóng cửa trường.

Năm 1917, Xarô (A.Sarraut) sang làm Toàn quyền lại cho mở lại trường đại học để thu phục nhân tâm. Thi Hương trước đó đã bị bãi bỏ ở Nam Kì từ 1867. Khoa thi hương cuối cùng ở Nam Định năm 1915, Thanh Hóa năm 1918. Thi Hội cũng chấm dứt năm 1919 ở Huế kết thúc chế độ khoa cử phong kiến ở nước ta. Ngày 14 - 6 - 1919, Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các trường chữ Hán.

Báo chí là công cụ tuyên truyền đắc lực nên thực dân Pháp lưu ý tới. Ở Nam Kì, tờ Nam Trung nhật báo, sau đổi là Lục tỉnh tân văn do Sơnâyđe (Schneider) sáng lập, Nguyễn Văn Của tiếp thu. Tờ Đại Việt quan báo sau đổi là Đại Việt tân báo, rồi đến Đại Việt công báo do Babuýt (Babut) làm chủ nhiệm, Đào Nguyên Phổ chủ bút, nội dung nặng về thông tin và giải thích những mệnh lệnh của chính quyền cai trị, thỉnh thoảng có bài xã luận về chính sách mới của thực dân. Nông cổ mín đàm ở Nam Kì cổ động kinh doanh, thực nghiệp theo hướng tư bản chủ nghĩa do Canavagio (Paul Canavagio) sáng lập năm 1901. Đăng cổ tùng báo kế thừa tờ Đại Nam đồng văn nhật báo xuất bản ở Hà Nội. Báo có nhiệm vụ ca ngợi chính sách “khai hóa”, hô hào mở rộng công thương nghiệp, cổ động bỏ khoa cử, hướng theo tân học. Trong thời gian tờ báo này xuất bản, các nhà yêu nước đã lợi dụng được để đăng một số bài thơ văn yêu nước, cổ động tinh thần dân tộc, nên đã bị đình bản ngày 14 - 11 - 1907. Năm 1913, chính quyền thực dân cho ra đời tờ Đông Dương tạp chí là chi nhánh đặc biệt của Lục tỉnh tân văn xuất bản cho miền Trung và miền Bắc, chủ bút là Nguyễn Văn Vĩnh. Tạp chí này ca ngợi công ơn thực dân Pháp, nhưng cũng đăng những tác phẩm dịch văn học Pháp như thơ ngụ ngôn của La Phôngten (La Fontaine), kịch của Môlie (Molière), truyện của Đuyma (Alexandre Dumas)... hay văn học Trung Quốc (Thủy hủ, Tam quốc chí...), giới thiệu cả những tư tưởng triết học của Mặc Tử, Hàn Phi Tử v. v... Hai người dịch nhiều và xuất sắc lúc đó là Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Kế Bính.

Công tác xuất bản sách, báo, tranh ảnh, bản đồ, tem thư... cũng được chú ý. Sách được viết bằng 4 thứ chữ: Hán, Nôm, Pháp, Quốc ngữ. Sách chữ Hán, Nôm phải dùng bản khắc gỗ, giá thành cao, số lượng bản in ít. Sách chữ Pháp, Quốc ngữ được xuất bản ở Nam Kì nhiều hơn Trung và Bắc Kì.

Ở Nam Kì, nổi lên hàng đầu có Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Trần Chánh Chiếu, Đặng Lễ Nghi.

Ở Bắc Kì, số tác giả và tác phẩm được xuất bản ít hơn. Những người có tên tuổi là Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà).

Năm 1907, các nhà yêu nước đứng đầu là Lương Văn Can, dưới danh nghĩa Đông Kinh nghĩa thục đã tổ chức biên soạn và xuất bản một số sách có nội dung yêu nước để dạy và phổ biến ra ngoài: Quốc văn độc bản, Nam quốc giai sự, Nam quốc địa dư, Quốc văn giáo khoa thư, Luân lí giáo khoa thư v.v...

Tình hình “sinh hoạt văn hoá” có ít nhiều biến đối và phát triển chủ yếu ở các đô thị. Ở nông thôn, “văn hoá làng” vẫn tồn tại trong chính sách “bần cùng hóa” và “ngu dân hoá”. Những thói hư tật xấu vẫn được dung dưỡng. Nạn cờ bạc không bị cấm mà còn được khuyến khích bằng cách cho mở các sòng bạc để thu thuế. Tệ uống rượu không bị hạn chế, mà dân ta còn bị bắt phải uống một loại rượu cồn độ nặng do Hãng rượu độc quyền Phôngten (Fontaine) sản xuất trên khắp cả nước. Thực dân Pháp còn mở các cơ quan thu mua và các ti bán thuốc phiện để lập quỹ cho Phủ Toàn quyền, chính là trực tiếp khuyến khích nạn nghiện hút. Ở nông thôn, hủ tục ma chay, cưới xin, tệ hương ẩm, nạn thù hằn giữa các phe giáp vẫn tồn tại, thêm vào đó nạn bói toán, đồng bóng, mê tín dị đoan ngày càng nặng nề. Nhân dân bị thất học đến 95 %.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại”[16].

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4643-02-633921686043747500/Nhung-bien-doi-cua-xa-hoi-Viet-Nam-dau-th...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận