Phong trào đấu tranh tự vệ của nông dân yên thế và đồng bào miền núi
Trong phong trào dân tộc cuối thế kỉ XIX, song song với các cuộc đấu tranh Cần Vương còn có các cuộc đấu tranh tự phát của nông dân và đồng bào miền núi.
Theo bước chân xâm lược của thực dân Pháp, phong trào kháng chiến của nhân dân ta nổ ra từ đồng bằng, rồi lan dần lên trung du, miền núi. Trong hàng loạt cuộc nổi dậy của nông dân cuối thế kỉ XIX, nổi bật nhất là phong trào nông dân Yên Thế.
1. Phong trào nông dân Yên Thế (1884-1913)
Phong trào nông dân Yên Thế là phong trào đấu tranh vũ trang lớn và kéo dài nhất trong phong trào chống Pháp cuối thế kỉ XIX sang hơn mười năm đầu thế kỉ XX.
Căn cứ Yên Thế ở phía tây Bắc Giang, có diện tích rộng chừng 40 đến 50 km2, gồm đất đồi là chủ yếu, có cây cối rậm rạp, gò bụi um tùm. Từ đây có thể đi thông sang Tam Đảo, Thái Nguyên, xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên...
Tình hình suy sụp của nông nghiệp Việt Nam dưới thời Nguyễn đã làm cho nông dân nhiều vùng đồng bằng miền Bắc buộc phải bỏ làng mạc đi nơi khác kiếm sống, trong đó có một số người đã lên Yên Thế. Từ giữa thế kỉ XIX, họ bắt đầu lập ra một số làng mạc và tổ chức làm ăn, chống lại các thế lực đe dọa từ bên ngoài tới.
Khi thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng ra Bắc Kì, Yên Thế trở thành đối tượng bình định đầu tiên của chúng. Để bảo vệ cuộc sống của mình, nông dân Yên Thế đã nổi dậy chống Pháp. Phong trào bắt đầu bùng nổ từ năm 1884 và kéo dài mãi tới năm 1913.

Hoàng Hoa Thám (Ảnh của VNTTX)
Lãnh đạo phong trào đa số là nông dân, như Cả Dinh, Cả Huỳnh, Cai Cờ, Cả Trọng (con Đề Thám). Nhưng người có công và đóng vai trò to lớn hơn cả là Lương Văn Nắm (Đề Nắm) và tiếp đó là Hoàng Hoa Thám (Đề Thám). Trong hàng ngũ chỉ huy còn phải kể đến nhiều nhân vật khác, đặc biệt có bà Ba Cẩn (vợ ba Đề Thám).
Phương thức tác chiến của nghĩa quân là đánh du kích, lấy ít đánh nhiều. Nghĩa quân thường đánh những trận nhỏ, dựa vào địa hình hiểm trở và công sự dã chiến để đánh gần, đánh nhanh, rồi rút lui nhanh.
Tên sĩ quan thực dân Galiêni (Galliéni) trong cuốn “Ba binh đoàn ở Bắc Kì” đã nhận xét: “Nghĩa quân Yên Thế tất cả đều can đảm, thiện chiến, tuyệt đối phục tùng người chỉ huy, xuất sắc trong cách đánh phục kích và đánh trong rừng, hiểu biết một cách kì lạ mọi thuận lợi của địa hình để vận dụng trong chiến đấu”.
Nhờ chiến thuật đánh du kích mà nghĩa quân Yên Thế đã có thể duy trì được cuộc chiến đấu trong gần 30 năm ròng rã.
Phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế được bắt đầu bằng việc chống trả cuộc hành binh của quân Pháp tháng 6-1884 vào căn cứ Yên Thế, do tướng Bờrie đờ Litxlơ chỉ huy. Trong cuộc hành binh này, quân Pháp đã bị các đội quân của Đề Nắm, Đề Thám chặn đánh quyết liệt, buộc chúng phải rút lui.
Khởi nghĩa Yên Thế diễn ra qua bốn giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất (1884-1892)
Giai đoạn này, các toán nghĩa quân còn hoạt động riêng lẻ, chưa có sự phối hợp và chỉ huy thống nhất. Lúc bấy giờ xuất hiện hàng chục toán nghĩa quân của Đề Nắm, Bá Phức, Thống Luận, Tổng Tài, Đề Thuật, Đề Chung... Mỗi thủ lĩnh cầm đầu một toán quân và làm chủ một vùng.
Trong giai đoạn này, tuy phong trào chưa được thống nhất vào một mối, nhưng nghĩa quân vẫn hoạt động có hiệu quả. Tháng 11-1890, nghĩa quân Đề Thám đã giành thắng lợi trong trận chống càn ở Cao Thượng. Từ đầu đến cuối tháng 12-1890, ba lần quân Pháp tấn công vào Hố Chuối, nhưng cả ba lần chúng đều bị nghĩa quân Đề Thám đánh bại.
Đến cuối năm 1891, nghĩa quân đã làm chủ hầu hết vùng Yên Thế, mở rộng hoạt động sang cả Phủ Lạng Thương.
Năm 1891, quân Pháp lại tấn công Hố Chuối, nghĩa quân Đề Thám phải rút lên Đồng Hom. Tranh thủ thời cơ, chúng tiến nhanh vào vùng Nhã Nam, rồi vừa tổ chức các cuộc càn quét, vừa xây dựng các đồn bốt để bao vây nghĩa quân.
Nhằm ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét của địch, nghĩa quân đã lập một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự ở phía bắc Yên Thế do Đề Nắm, Đề Thám, Bá Phức, Đề Tâm, Đề Tuất, Đề Chung, Tổng Tài chỉ huy: Lúc này, Đề Nắm là một trong những thủ lĩnh có uy tín nhất của nghĩa quân Yên Thế.
Tháng 8-1892, Pháp huy động hơn 2.200 quân bao gồm nhiều binh chủng (công binh, pháo binh...) do tướng Voarông (Voiron) chỉ huy ào ạt tấn công vào căn cứ nghĩa quân. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân sau nhiều trận kịch chiến đã phải rút khỏi căn cứ. Lực lượng nghĩa quân bị suy yếu rõ rệt. Khó khăn ngày càng nhiều, một số thủ lĩnh ra hàng, một số khác hi sinh trong chiến đấu, trong đó có Đề Nắm bị giết vào tháng, 4-1892.
Để cứu vãn tình thế, Đề Thám đã đứng ra tổ chức lại phong trào và trở thành thủ lĩnh tối cao của nghĩa quân Yên Thế.
Giai đoạn thứ hai (1893-1897)
Trong giai đoạn này, nghĩa quân đã hai lần đình chiến với Pháp, lần thứ nhất vào tháng 10-1894, lần thứ hai vào tháng 12-1897.
Sau khi Đề Nắm hi sinh, Đề Thám đảm nhận vai trò lãnh đạo phong trào Yên Thế. Ông đã khôi phục những toán quân còn sót lại ở Yên Thế và các vùng xung quanh, rồi tiếp tục hoạt động. So với giai đoạn trước, số lượng nghĩa quân tuy có giảm, nhưng địa bàn hoạt động lại mở rộng hơn. Năm 1894, nghĩa quân trở về Yên Thế tiến hành xây dựng lại căn cứ Hố Chuối, đồng thời mở rộng hoạt động ra các vùng thuộc Bắc Ninh, Bắc Giang.
Lúc này, các phong trào Bãi Sậy, Ba Đình, cũng như các đội quân kháng chiến của Đốc Ngữ, Đề Kiều đều đã tan rã, nên thực dân Pháp có điều kiện tập trung lực lượng đàn áp khởi nghĩa Yên Thế.
Về phía nghĩa quân, tuy có giành được một số thắng lợi, nhưng lực lượng cũng suy yếu rõ rệt. Trong tình hình đó, Đề Thám thấy cần phải hòa hoãn với Pháp để tranh thủ thời cơ củng cố lực lượng. Tháng 10-1894, cuộc thương lượng giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp kết thúc. Kết quả quân Pháp phải rút khỏi khu vực Yên Thế, giao các tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ, Hữu Thượng cho nghĩa quân kiểm soát. Nhưng thời gian hòa hoãn chưa được bao lâu, quân Pháp đã bội ước, lại tổ chức tấn công. Nghĩa quần Đề Thám đã chống đỡ quyết liệt. Để tránh những cuộc đụng độ lớn với địch, Đề Thám chủ trương chia nghĩa quân thành những toán nhỏ phân tán hoạt động trong rừng và ở các làng mạc. Nghĩa quân phải di chuyển hoạt động trong bốn tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phúc Yên.
Trước sự truy lùng và vây quét ráo riết của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng suy yếu. Để bảo toàn lực lượng, Đề Thám lại xin giảng hòa với Pháp lần thứ hai. Thực dân Pháp lúc này cũng muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa. Vì vậy, tháng 12-1897, hiệp ước hòa hoãn giữa thực dân Pháp và nghĩa quân Đề Thám đã được kí kết với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn, nghĩa quân phải nộp cho Pháp tất cả vũ khí và phải bãi binh. Đề Thám bề ngoài tỏ ra là phục tùng, nhưng bên trong vẫn ngầm củng cố lực lượng.
Giai đoạn thứ ba (1898 - 1908)
Trong suốt 11 năm đình chiến, nghĩa quân Yên Thế vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Tại căn cứ Phồn Xương, nghĩa quân vừa sản xuất tự túc lương ăn, vừa tăng cường sắm sửa vũ khí, ra sức luyện tập. Nhờ vậy, lực lượng nghĩa quân ở Phồn Xương tuy không đông (khoảng 200 người), nhưng rất thiện chiến. Đồng thời, Đề Thám còn mở rộng quan hệ giao tiếp với các nhà yêu nước ở Bắc và Trung Kì.
Tại Yên Thế, nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đã hai lần đón tiếp nhà yêu nước Phan Bội Châu. Giữa năm 1906, Phan Châu Trinh cũng lên Yên Thế gặp Đề Thám. Đề Thám còn lập một căn cứ gọi là đồn Tú Nghệ dành cho các nghĩa sĩ miền Trung ra huấn luyện quân sự.
Về phía Pháp, trong thời gian này chúng đã ráo riết lập đồn, bốt, mở đường giao thông..., tạo mọi điều kiện cần thiết để đánh đòn quyết định vào căn cứ nghĩa quân Yên Thế.
Giai đoạn thứ tư (1909-1913)
Giữa năm 1908, xảy ra vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội có sự tham gia của Đề Thám. Nhân cơ hội này, thực dân Pháp chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt nghĩa quân. Tháng 1-1909, dưới quyền chỉ huy của đại tá Batay (Bataille), khoảng 15.000 quân cả Pháp và ngụy đã ào ạt tấn công vào Yên Thế. Nghĩa quân vừa chống đỡ, vừa chuyển dần xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, rồi rút sang Tam Đảo, Thái Nguyên. Trên đường di chuyển, nghĩa quân vẫn tổ chức đánh trả quyết liệt, gây cho địch những thiệt hại nặng nề. Điển hình là trận chặn giặc ở đồn Hom, Yên Thế (30-1-1909); trận núi Hàm Lợn ở Tam Đảo, Phúc Yên (15-3-1909).
Trước các cuộc vây quét tiêu diệt gắt gao của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng giảm sút. Đến cuối năm 1909, hầu hết các tướng lĩnh đã hi sinh, hoặc sa vào tay giặc, như. Cả Trọng, Cả Huỳnh, Cả Tuyển (con Nguyễn Thiện Thuật), Ba Biều, bà Ba Cẩn... Có một số người ra hàng như Cả Dinh, Cai Sơn... Đến đây, phong trào coi như đã thất bại về cơ bản. Ngày 10-2-1913, Đề Thám bị giết hại tại một khu rừng cách chợ Gỗ 2 km. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào nông dân Yên Thế.
Khởi nghĩa Yên Thế trước sau là một phong trào đấu tranh tự phát của nông dân. Trong quá trình tồn tại, phong trào phần nào đã kết hợp được yêu cầu độc lập dân tộc với nguyện vọng dân chủ, bước đầu giải quyết được yêu cầu ruộng đất cho nông dân.
Khởi nghĩa Yên Thế là phong trào đấu tranh lớn nhất của nông dân trong những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Sự tồn tại bền bỉ, dẻo dai của phong trào đã nói lên tiềm năng, ý chí và sức mạnh to lớn của nông dân. Nhưng nông dân chỉ có thể trở thành lực lượng cách mạng thật sự khi được giai cấp tiên tiến dẫn đường.
2. Phong trào đấu tranh của đồng bào miền núi
Các vùng trung du và miền núi là nơi thực dân Pháp tiến hành bình định muộn hơn. Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược nơi đây bùng nổ sau phong trào vùng đồng bằng, nhưng tồn tại bền bỉ và kéo dài hơn.
Ở Nam Kì, trong cuộc khởi nghĩa của Trương Định, đồng bào Khơme, Stiêng, Mơnông đã tham gia rất tích cực... Sau đó, người Khơme ở Cao Miên và một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã kề vai sát cánh chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Trương Quyền và Pu Cum Pao.
Ở miền Trung, phong trào đấu tranh vũ trang của đồng bào thiểu số rất sôi nổi. Đáng chú ý có đội nghĩa quân người Mường do Hà Văn Mao cầm đầu Hà Văn Mao tham gia chiến đấu tại căn cứ Ba Đình, sau khi Ba Đình bị vở thì rút lên căn cứ Mã Cao để tiếp tục chiến đấu. Tháng 4-1887, Hà Văn Mao bị giết, lực lượng chống Pháp ở miền núi Thanh Hóa lại được tập hợp dưới ngọn cờ của Cầm Bá Thước, một tù trưởng người Thái ở vùng Thường Xuân (Thanh Hóa).
Địa bàn hoạt động của đội nghĩa quân do Cầm Bá Thước phụ trách chủ yếu ở vùng rừng núi miền Tây Thanh Hóa với căn cứ trung tâm Trịnh Vạn. Ông còn phối hợp tác chiến với nghĩa quân Hùng Lĩnh của Tống Duy Tân ở Vĩnh Lộc, nhất là vào giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa. Sau khi căn cứ Hùng Lĩnh bị phá vỡ, ông lại gia nhập nghĩa quân Hương Khê (Hà Tĩnh) và đứng đầu quân thứ Thanh Hóa (Thanh thứ). Năm 1895, ông bị Pháp bắt, phong trào đấu tranh phong Pháp ở miền núi Thanh Hóa mới hoàn toàn tan rã.
Ở Tây Nguyên, khi quân Pháp kéo lên bình định, các tù trưởng N’Trang Guh, Ama Wal, Ama Kol, Ama Jhao đã kêu gọi nhân dân rào làng đánh Pháp. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt từ năm 1889 đến năm 1905 mới chấm dứt.
Ở vùng Tây Bắc (Bắc Bộ), đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông đã tập hợp dưới ngọn cờ chống Pháp của Ngô Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp. Nghĩa quân đã xây dựng căn cứ ở Lai Châu, Sơn La và hoạt động mạnh trên vùng lưu vực sông Đà.
Trong những năm 1884 - 1890, xuất hiện nhiều thủ lĩnh người Thái như Đèo Văn Trì, Nông Văn Quang, Cầm Văn Thanh, Cầm Văn Hoan... Đáng chú ý là đồng bào Dao, Thái ở Sơn La, Yên Bái do Đèo Chính Lục, Đặng Phúc Thành, Bàn Văn Siêu đứng đầu đã tổ chức nhiều trận phục kích quân Pháp ở Tuyên Quang, Hà Giang. Đồng bào Mông do Hà Quốc Thượng lãnh đạo cũng nổi dậy chống Pháp từ năm 1894 đến 1896.
Ở vùng Đông Bắc (Bắc Bộ) bùng nổ một số phong trào chống Pháp của người Dao, người Hoa. Tiêu biểu là đội nghĩa quân của Lưu Kỳ (người Hoa). Đội quân này hoạt động mạnh ở vùng Móng Cái, Đông Triều, có lúc tràn xuống vùng đồng bằng quấy rối quân Pháp. Sau khi Lưu Kỳ mất (đầu 1892), phong trào chống Pháp ở vùng Đông Bắc mới bị dập tắt.
Nhìn chung, phong trào chống Pháp của đồng bào miến núi bùng nổ khá kịp thời, phát triển mạnh mẽ và được duy trì tương đối dài, vì vậy đã trực tiếp góp phần làm chậm quá trình xâm lược và bình định của thực dân Pháp lên các vùng sâu, vùng xa. Nhưng phong trào cuối cùng đã thất bại. Đó là do thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp ngày càng kết hợp chặt chẽ đàn áp quân sự với mua chuộc chính trị, các toán nghĩa quân của đồng bào miền núi lại hoạt động riêng lẽ, thiếu liên kết phối hợp với nhau nên dễ bị tiêu diệt.
3. Phong trào yêu nước mang màu sắc tôn giáo
Từ trước tới nay, khi nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam, người ta thường chú trọng nhiều tới các phong trào do các sĩ phu lãnh đạo, mà ít chú ý tới những phong trào yêu nước mang màu sắc tôn giáo. Trên thực tế loại hình phong trào này là một bộ phận quan trọng của phong trào yêu nước nói chung.
Nguyên nhân xuất hiện phong trào trên là do sự khủng hoảng của hệ tư tưởng phong kiến, không còn đủ khả năng tập hợp nhân dân vào công cuộc cứu nước.
Ở Nam Kì, từ cuối thế kỉ XIX, đã xuất hiện phong trào “Hội kín”. Đây là một tổ chức yêu nước mang mầu sắc mê tín, tôn giáo của nhân dân, chủ yếu là nông dân.
Hội kín ra đời trước hết xuất phát từ nhu cầu đoàn kết tự bảo vệ của những người dân nghèo bị áp bức, bóc lột. Họ thấy cần phải tương trợ giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Từng bước một, họ tự tổ chức thành các nhóm tiến hành đấu tranh chống Pháp, bảo vệ cuộc sống của mình.
Phong trào hội kín phát triển mạnh nhất ở các tỉnh miền Đông Nam Kì với các hội Nghĩa Hòa, Phục Hưng, Thị Bình, Ái Quốc... Tại những vùng phong trào phát triển mạnh thường nổ ra các vụ khủng bố và ám sát cá nhân những tên tay sai của Pháp.
Ở ngoài Bắc, vào những năm cuối thế kỉ XIX có phong trào của Kỳ Đồng và Mạc Đĩnh Phúc.
Kỳ Đồng quê ở Thái Bình, tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, được gọi là “Kỳ Đồng” (đứa bé kì dị) vì thuở bé ông học rất thông minh (như thần đồng). Năm 1888, ông phất cờ khởi nghĩa định chiếm thành Nam Định. Việc không thành, ông bị bắt, rồi bị đày sang châu Phi. Để mua chuộc ông, bọn thực dân đã cho ông sang Pháp học, sau đưa về nước làm công chức cho chính quyền thuộc địa.
Năm 1896, Kỳ Đồng mua đất ở gần vùng Yên Thế lập đồn điền. Vẫn không nguôi căm hờn giặc Pháp, ông bí mật liên hệ với Mạc Đĩnh Phúc, một thủ lĩnh yêu nước đang dấy binh hoạt động ở vùng duyên hải từ năm 1895.
Mạc Đĩnh Phúc, tên thật là Tình (Khóa Tình), quê ở Thư Trì (Thái Bình), tự xưng là Đổng thống nguyên nhung để hô hào nhân dân đứng lên đánh đuổi Pháp, lật đổ nhà Nguyễn lập lại nhà Mạc.
Ông tuyên truyền mình có phép thần thông làm cho súng của Pháp không nổ, nghĩa quân không phải sắm vũ khí. Lời giải thích đó mang đầy tính huyền bí, ma thuật.
Phong trào Mạc Đĩnh Phúc và Kỳ Đồng phát triển khắp các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam. Ngày 13-12-1897, nghĩa quân đã đánh vào thị xã Hải Dương, bao vây Ninh Giang, phá huyện lị Vĩnh Bảo; đêm 17-12-1897 tập kích Hải Phòng.
Cuộc khởi nghĩa thất bại sau ba năm hoạt động (1895 - 1897). Mạc Đĩnh Phúc bị bắt, bị xử tử. Còn Kỳ Đồng bị thực dân Pháp đẩy ra đảo Haiti.
Ngoài Bắc còn có phong trào Vương Quốc Chính
Vương Quốc Chính quê ở Cổ Am (Hải Dương) vốn là một nhà nho, bạn thân của Nguyễn Thiện Thuật. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, ông đi tu ở chùa Ngọc Long Động (huyện Chương Mĩ, Hà Tây).
Năm 1895, ông lập hội Thượng Chí và bí mật xây dựng lực lượng chống Pháp. Phần lớn các chùa từ Nghệ An ra Bắc đều là cơ sở của hội, trong đó chùa Ngọc Long Động là trung tâm. Năm 1897, Vương Quốc Chính được tôn làm “quốc sư”.
Với danh nghĩa phò nhà Lý, Vương Quốc Chính cùng hội Thượng Chí tích cực chuẩn bị kế hoạch khởi nghĩa, nhằm đánh thẳng vào đầu não của địch tại Hà Nội.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 5-12-1898, cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Nhân dân hầu hết các tỉnh miền Bắc sôi nổi hưởng ứng. Nhưng do chuẩn bị chưa chu đáo, nhất là trong bối cảnh thực dân Pháp đang mạnh, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng bị đàn áp.
Thời gian này trong miền Trung có cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ, Trần Cao Vân ở Phú Yên (1898).
Bọn Pháp thường gọi những người tham gia cuộc khởi nghĩa này là “Giặc Rựa”, “Giặc thầy chùa” (vì phong trào có đông đảo nhà sư tham gia và vũ khí phần lớn là dao rựa).
Võ Trứ quê ở Bình Định, biết chữ nho, đã từng làm lí trưởng. Ông ở chùa, làm nghề thầy thuốc và phù thủy. Với tinh thần yêu nước, ông đã vận động nhân dân hai tỉnh Bình Định và Phú Yên nổi dậy chống Pháp. Trong quá trình hoạt động, ông được sự giúp đỡ và phối hợp của một số sĩ phu ở Quảng Nam, đặc biệt là Trần Cao Vân.
Trần Cao Văn xuất thân trong một gia đình nho học ở Quảng Nam. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, ông vẫn bí mật tiếp tục hoạt động. Ông gặp Võ Trứ và hai ông đã lấy chùa Chánh Danh làm căn cứ, từ đây mở rộng hoạt động ra khắp hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Hầu hết các chùa ở hai tỉnh này đều là cơ sở của Võ Trứ và Trần Cao Vân.
Sau một thời gian tuyên truyền vận động và chuẩn bị, đến mùa hè năm 1898, hai ông quyết định khởi nghĩa. Lực lượng nghĩa quân có khoảng 1.000 người do Võ Trứ, Trần Cao Vân trực tiếp chỉ huy.
Theo kế hoạch, nghĩa quân bí mật kéo xuống đánh chiếm tỉnh lị Phú Yên. Đội quân khởi nghĩa với vũ khí thô sơ toàn là dao rựa, lại tin vào các đạo bùa hộ mệnh, đã tan rã nhanh chóng khi Pháp nổ súng. Võ Trứ bị xử tử, còn Trần Cao Vân phải ngồi tù 3 năm.
Mặc dù có nhiều hạn chế về tư tưởng và tổ chức, các phong trào đấu tranh vũ trang mang màu sắc tôn giáo vẫn giữ một vị trí nhất định trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỉ XIX của nhân dân ta.