Tài liệu: Phong trào cần vương bùng nổ (4-7-1885)

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Biết trước âm mưu của giặc nên mặc dù việc chuẩn bị chưa thật đầy đủ, Tôn Thất Thuyết vẫn nổ súng trước nhằm giành thế chủ động cho cuộc tấn công.
Phong trào cần vương bùng nổ (4-7-1885)

Nội dung

Phong trào cần vương bùng nổ (4-7-1885)

Biết trước âm mưu của giặc nên mặc dù việc chuẩn bị chưa thật đầy đủ, Tôn Thất Thuyết vẫn nổ súng trước nhằm giành thế chủ động cho cuộc tấn công.

Đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5-7-1885, hai đạo quân của triều đình cùng lúc nổ súng vào các căn cứ Pháp tại Huế. Đạo thứ nhất do Tôn Thất Lệ (em ruột Thuyết) chỉ huy tấn công vượt qua sông Hương đánh tòa Khâm sứ Pháp; đạo thứ hai do Trần Xuân Soạn chỉ huy đánh đồn Mang Cá góc đông - bắc thành Huế.

Bị đánh bất ngờ, lúc đầu quân địch hoảng loạn, nhưng sau đó chúng đã chấn chỉnh lực lượng đến gần sáng mở cuộc phản công chiếm kinh thành Huế.

Quân Pháp đã trắng trợn cướp bóc của cải và tàn sát vô cùng dã man nhiều người dân vô tội trên đường tiến quân. Trong ngày hôm đó, hầu như nhà nào cũng có người bị giết. Do đó từ đấy về sau, hàng năm nhân dân Huế đã lấy ngày 23-5 Âm lịch làm ngày giỗ chung.

Sáng hôm mồng 5-7, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng đời kinh đô Huế chạy ra sơn phòng Tân Sở (Quàng Trị). Tại đây, ngày 13-7-1885, Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, đã hạ chiến Cần Vương lần thứ nhất. Ở Quảng Trị một thời gian, để tránh sự truy lùng gắt gao của quân Pháp, Tôn Thất Thuyết lại đưa Hàm Nghi vượt qua đất Lào đến sơn phòng Ấu Sơn (Hương Khê, Hà Tĩnh). Tại đây, Hàm Nghi lại xuống chiếu Cần Vương lần hai ngày 20-9-1885[1].

Vua Hàm Nghi (Ảnh của VNTTX)

Hai tờ chiếu này tập trung tố cáo âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, đồng thời kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến giúp vua, bảo vệ quê hương đất nước.

Hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhân dân ta ở khắp nơi, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu văn thân yêu nước, đã sôi nổi đứng lên chống Pháp.

Mặc dù diễn ra dưới danh nghĩa Cần Vương, thực tế đây là một phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp xâm lược của nhân dân ta. Trong thời kì này, hoàn toàn vắng mặt sự tham gia của quân đội triều đình. Lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa Cần Vương không phải là các võ quan triều Nguyễn như trong thời kì đầu chống Pháp, mà là các sĩ phu văn thân yêu nước có chung một nỗi đau mất nước với quần chúng lao động, nên đã tự nguyện đứng về phía nhân dân chống Pháp xâm lược. Phong trào Cần Vương bùng nổ từ sau sự biến kinh thành Huế vào đầu tháng 7 năm 1885 và phát triển qua hai giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất từ lúc có chiếu Cần Vương đến khi vua Hàm Nghi bị bắt (11-1888)

- Giai đoạn thứ hai kéo dài tới khi khởi nghĩa Hương Sơn thất bại (1896).

1. Giai đoạn từ 1885 – 1888

Đặc điểm của giai đoạn này là phong trào còn đặt dưới sự chỉ huy thống nhất đến một trình độ nhất định của Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết.

Về mức độ, phong trào bùng nổ rầm rộ, rộng khắp, bao gồm hàng loạt cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ. Địa bàn của phong trào mở rộng trên phạm vi cả nước, từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào đến Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở các địa phương sau:

Ở Bình Định có phong trào của Mai Xuân Thưởng. Ông đã từng đem quân đánh vào tỉnh lị. Sau gần 2 năm tồn tại, đến tháng 6-1887 phong trào bị đàn áp thất bại, Mai Xuân Thưởng bị giết. Cùng nổi dậy với ông còn có Bùi Diễn, Nguyễn Đức Nhuận, Đào Doãn Địch, Nguyễn Duy Cung.

Ở Quảng Nam tiêu biểu là các phong trào của Trần Văn Dự, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Thanh Phiến.

Thực dân Pháp bắt những người tham gia cuộc khởi nghĩa do Trần Xuân Soạn, Tống Duy Tân lãnh đạo (1880-1887)

Ở Quảng Ngãi có phong trào của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân. Nghĩa quân Lê Trung Đình đã chiếm được tỉnh lị (13 - 7 - 1885), nhưng rồi cũng bị đàn áp tan rã.

Ở Quảng Trị có Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như.

Ở Quảng Bình điển hình là phong trào của Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân. Lê Trực từng là Đề đốc Hà Nội, ông đã xây dựng căn cứ kháng Pháp với một lực lượng gồm 2.000 người, hoạt động mạnh ở vùng thượng lưu sông Gianh. Năm 1888, Lê Trực bị Pháp bức ra hàng.

Nguyễn Phạm Tuân cũng lập một đội nghĩa quân đông tới 1.000 người, tổ chức đánh Pháp ở miền sông Gianh.

Lúc này, trong bộ chỉ huy triều đình kháng chiến, bên cạnh Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, còn có hai con trai của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Thiệp. Ngoài ra còn phải kể tới những tướng tài như Trần Xuân Soạn, Phạm Tường, Trần Văn Định. Bộ chỉ huy đóng ở miền rừng núi phía tây hai tĩnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và xây dựng nơi đây làm căn cứ kháng Pháp.

Ở Hà Tĩnh có Lê Ninh, Phan Đình Phùng, Cao Thắng.

Ở Nghệ An có phong trào của Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ.

Ở Thanh Hóa hình thành các đội nghĩa quân của Phạm Bành và Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân và Cao Điển.

Tại vùng đồng bằng Bắc Bộ có phong trào của Đề đốc Tạ Hiện (Thái Bình), Nguyễn Thiện Thuật (Hải Dương).

Ở vùng Lạng Sơn, Bắc Giang, đáng chú ý là cuộc kháng chiến của Hoàng Đình Kinh (thường gọi là Cai Kinh).

Ở vùng Tây Bắc, nghĩa quân Ngô Quang Bích và Nguyễn Văn Giáp hoạt động mạnh trên vùng sông Đà, có sự phối hợp hiệu quả của các đội nghĩa quân của Nguyễn Đức Ngữ (Đốc Ngữ), Hoàng Văn Thúy (Đề Kiêu), Đèo Văn Thanh, Cầm Văn Toa.

Tới cuối năm 1888, do sự phản bội của Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi đã bị bắt (11 - 1888)[2], sự kiện này gây tâm lí hoang mang trong hàng ngũ các sĩ phu văn thân yêu nước.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà phong trào tan rã. Trái lại, phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp xâm lược vẫn tiếp tục phát triển và càng về sau càng có xu hướng đi vào chiều sâu, hình thành những trung tâm kháng chiến lớn.

2. Giai đoạn từ 1888 – 1896

Ở giai đoạn này không còn sự chỉ đạo của triều đình kháng chiến. Nhưng phong trào vẫn tiếp tục phát triển quyết liệt, quy tụ dần vào một số trung tâm lớn như Hương Sơn - Hương Khê ở Hà Tĩnh, Ba Đình - Hùng Lĩnh ở Thanh Hóa, Bãi Sậy - Hai Sông (Hải Dương - Hưng Yên).

Nhìn chung phong trào trong giai đoạn này vẫn mang tính chất địa phương, chưa liên kết và phát triển thành một phong trào có quy mô toàn quốc. Đây là một hạn chế lớn của phong trào.

Sau đây là các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu:

Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892)

Bãi Sậy là một trong những trung tâm chống Pháp lớn nhất vào cuối thế kỉ XIX. Phong trào Bãi Sậy bắt đầu hình thành từ 1883 và kéo dài đến 1892 mới tan rã.

Trong thời kì đầu (1883 - 1885), phong trào do Đinh Gia Quế lãnh đạo, địa bàn hoạt động lúc này còn giới hạn ở vùng Bãi Sậy (bao gồm địa phận các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mĩ tỉnh Hưng Yên).

Từ 1885 trở đi, vai trò lãnh đạo thuộc về Nguyễn Thiện Thuật. Ông là thủ lĩnh cao nhất của nghĩa quân Bãi Sậy.

Nguyễn Thiện Thuật sinh năm 1844, quê ở Xuân Dục, Mĩ Hào, Hưng Yên. Năm Bính Tí (1876), ông đỗ Cử nhân, sau đó được phong chức Tán tương quân vụ tỉnh Hưng Hóa.

Tháng 8-1883, Pháp chiếm Hải Dương, ông đã mộ quân, mưu đánh chiếm tỉnh lị. Việc không thành, ông kéo quân lên phối hợp với Hoàng Tá Viêm chống Pháp ở Sơn Tây.

Khi triều đình Huế kí hiệp ước Hácmăng đầu hàng Pháp (1883), ông bỏ sang Trung Quốc. Tháng 7-1885, được tin Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, ông lập tức trở về nước, tổ chức phong trào chống Pháp ở Hưng Yên.

Dưới danh nghĩa Cần Vương, Nguyễn Thiện Thuật đã tập hợp được nhiều đội quân nhỏ ở trong vùng và các vùng lân cận, hình thành một phong trào có quy mô lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ.

Dưới quyền ông có các tướng lĩnh chỉ huy các đội nghĩa quân hoạt động phối hợp trên nhiều địa bàn khác nhau, như Nguyễn Thiện Kế (Hai Kế) và Nguyễn Thiện Giang (Lãnh Giang) đều là em Tán Thuật ở vùng Mĩ Hào, Phan Văn Khoát, Ba Biều ở Vĩnh Bảo; Đốc Tít, Tuần Văn ở vùng Hai Sông (Kinh Môn).

Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy mở rộng khắp hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và một phần các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Yên. Nghĩa quân có hai căn cứ lớn là Bãi Sậy và Hai Sông.

Bãi Sậy là căn cứ chính, do Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp chỉ huy. Nghĩa quân đã dựa vào địa thế hiểm trở của đầm hồ, lau sậy um tùm để xây dựng căn cứ, đào hào và đặt nhiều cạm bẫy.

Từ căn cứ Bãi Sậy, nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động ra vùng đồng bằng và khống chế những tuyến giao thông chính: đường số 5 (Hà Nội - Hải Phòng), đường số 1 (đoạn Hà Nội - Nam Định), đường Hà Nội - Bắc Ninh, và các tuyến đường thủy trên sông Thái Bình, sông Đuống, sông Hồng...

Ngoài Bãi Sậy, Hai Sông (thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương) là căn cứ lớn thứ hai của nghĩa quân, do Nguyễn Đức Hiệu (Đốc Tít) xây dựng. Tại căn cứ này, nghĩa quân tỏa ra hoạt động ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên. Dựa vào các núi đá vôi, các hang động và vách đá, cùng hệ thống sông ngòi và đầm lầy bao bọc xung quanh, nghĩa quân xây dựng các điểm đến trú và phòng ngự khi bị tấn công hoặc bao vây.

Nghĩa quân Bãi Sậy không tổ chức thành những đội quân lớn, mà phân tán thành các đội quy mô nhỏ hoạt động rải rác khắp nơi. Mỗi đội quân lại chia thành từng toán gồm khoảng 20 - 25 người, phân tán vào các làng ở lẫn với dân. Nghĩa quân dựa vào các lũy tre làng, đào hào đắp lũy, tổ chức chống giặc càn quét và bảo vệ lực lượng.

Bên cạnh sự giúp đỡ của nhân dân, nghĩa quân còn chủ động chuẩn bị về lương thực bằng cách tham gia sản xuất với nông dân, hoặc tổ chức canh tác riêng.

Về vũ khí, nghĩa quân tự trang bị là chính. Ngoài những thứ vũ khí thô sơ như giáo, mác, mã tấu, đinh ba, gậy gộc..., nghĩa quân còn sản xuất được loại súng theo mẫu súng của quân Pháp.

Phương thức tác chiến cơ bản của nghĩa quân Bãi Sậy là đánh du kích, lấy ít địch nhiều, lấy vũ khí thô sơ chống lại vũ khí hiện đại của địch. Nghĩa quân thường lợi dụng yếu tố bất ngờ để tổ chức những trận tập kích chớp nhoáng, hoặc phục kích chặn đường giao thông tiếp tế và vận tải của địch.

Một ưu điểm khá nổi bật của nghĩa quân Bãi Sậy là bên cạnh các hoạt động đấu tranh vũ trang, còn chú trọng tới công tác tuyên truyền, tố cáo hành động xâm lược của Pháp, đồng thời vận động nhân dân tích cực ủng hộ giúp đỡ nghĩa quân về lương thực, tiền bạc, vũ khí. Nguyễn Thiện Thuật còn kêu gọi các thanh niên trai tráng gia nhập nghĩa quân tham gia chống Pháp.

Đặc biệt là những người chỉ huy nghĩa quân rất chú ý đến công tác binh vận, tận dụng mọi cơ hội thuận lợi để vận động ngụy binh trở về hàng ngũ kháng chiến. Tiêu biểu là việc Đội Văn đã trá hàng để vận động lôi kéo hàng trăm lính khố xanh chạy về với nghĩa quân vào tháng 9-1889[3].

Trong suốt gần mười năm hoạt động, nghĩa quân Bãi Sậy đã làm cho Pháp nhiều phen khiếp vía kinh hồn, rất khốn đốn trong việc bình định và đặt ách thống trị ở các vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ.

Trong năm 1885 và đầu năm 1886, nghĩa quân đã phải tổ chức chống trả nhiều trận càn quét của quân Pháp do các đại tá Nêgriê (Négrier) Đôniê (Donnier) và trung tá Gôđa (Godart) chỉ huy vào căn cứ Bãi Sậy và các làng ở hai huyện Khoái Châu và Văn Giang.

Tại căn cứ Hai Sông, vào tháng 11-1885, suốt trong 2 tuần, nghĩa quân đã phải chống cự quyết liệt với một binh đoàn lớn do Phancông (Falcon) và Phôrơ (Faure) chỉ huy.

Bên cạnh hoạt động chống càn quét, nghĩa quân còn tổ chức nhiều trận tập kích đạt hiệu quả, ngày 26-6-1886, tấn công một đồn Pháp ở Cầu Đuống. Tháng 9-1885, Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp chỉ huy nghĩa quân tấn công chiếm lại thành Hải Dương, rồi tỏa ra đóng giữ các làng xung quanh. Nhưng do lực lượng quá yếu, nên sau đó nghĩa quân phải rút lui. Tháng 9 - 1886, nghĩa quân chặn đánh binh đoàn Badinê (Bazinet) và tấn công đồn Bần Yên Phú, đẩy mạnh các hoạt động ra các miền phụ cận Hà Nội, Bắc Ninh.

Ngày 12-2-1887, một trận đụng độ lớn đã xảy ra ở vùng Kẻ Sặt (Hải Dương).

Từ cuối 1888 đến đầu năm 1889, nghĩa quân còn tổ chức đánh thắng địch nhiều trận, như các trận ở Lang Tài (Bắc Ninh), Dương Hòa (Hưng Yên)...

Các hoạt động vũ trang của nghĩa quân chẳng những trực tiếp tiêu hao sinh lực địch, mà còn làm cho chính quyền tay sai vô cùng hoảng sợ. Chính bọn thực dân đã phải thừa nhận rằng ở nhiều nơi, quyền cai trị không còn nằm trong tay các quan lại, mà thuộc về nghĩa quân. Một số quan lại sợ hãi đã phải trao lại quyền hành cho lực lượng kháng chiến. Ở những vùng chính quyền địch rệu rã, nghĩa quân hầu như làm chủ.

Từ cuối 1886 sang đầu năm 1889, thực dân Pháp tập trung lực lượng bao vây tiêu diệt nghĩa quân Bãi Sậy. Chúng dùng tên Việt gian Hoàng Cao Khải đem quân đàn áp cuộc khởi nghĩa. Lúc đầu, chúng càn quét ở các vùng xung quanh Bãi Sậy, rồi hình thành thế bao vây từ bốn phía. Nghĩa quân đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng lực lượng ngày càng giảm sút và rơi dần vào thế bị bao vây cô lập.

Trước tình thế khó khăn, giữa năm 1889, Nguyễn Thiện Thuật giao lại binh quyền cho em và một số tướng lĩnh khác, rồi vượt vòng vây đến căn cứ Hai Sông. Tại đây, Đốc Tít đã tổ chức cho Nguyễn Thiện Thuật trốn sang Trung Quốc (7 - 1889). Ông đi Khâm Châu và Nam Ninh, rồi chết bên đó vào năm 1926, thọ 82 tuổi.

Ở căn cứ Hai Sông, vào cuối tháng 7-1889, Pháp tập trung binh lực bao vây và tấn công Trại Sơn là đại bản doanh của đội quân Hai Sông. Quân địch chia thành 4 đạo, vây chặt căn cứ trung tâm, rồi dùng tàu bè đi tuần tiễu ngày đêm trên các ngả sông quanh căn cứ. Nghĩa quân phải rút chạy hết nơi này qua nơi khác. Địch thắt chặt dần vòng vây, tăng cường truy quét và khủng bố nhân dân trong vùng nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa nghĩa quân và nhân dân. Thế cùng lực kiệt (lương thực, đạn dược hết), Đốc Tít phải ra hàng ngày 12-8-1889, rồi bị đày sang Angiêri.

Sau những tổn thất nặng nề đó, phong trào kháng Pháp vùng Hưng Yên, Hải Dương bị giảm sút rõ rệt, nhưng vẫn còn được duy trì thêm một thời gian nữa. Đến 1892, khi vị thủ lĩnh cuối cùng của phong trào Bãi Sậy là Đốc Vinh bị giết, lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy mới tan rã hẳn. Nguyễn Thiện Kế trước đó cũng bị Pháp bắt và đầy đi Côn Đảo.

Tóm lại, khởi nghĩa Bãi Sậy - Hai Sông (1883 - 1892) là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của nhân dân đồng bằng Bắc Bộ cuối thế kỉ XIX. Cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học bổ ích, nhất là về phương thức hoạt động và các hình thức tác chiến (du kích) của nghĩa quân ở một vùng đồng bằng đất hẹp, người đông.

Khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887)

Trung tâm kháng chiến Ba Đình là giai đoạn mở đầu của phong trào chống Pháp ở Thanh Hóa. Cuộc khởi nghĩa này có ý nghĩa to lớn về mặt nghệ thuật xây dựng chiến tuyến phòng ngự. Chính người Pháp đã phải thừa nhận: “Trong chiến dịch 1886-1887, cuộc công hãm Ba Đình là quan trọng nhất, cuộc chiến đấu này thụ hút nhiều quân lực nhất và làm cho các cấp chỉ huy lo ngại nhiều nhất”[4].

Người có công đầu trong việc xây dựng phong trào kháng chiến chống Pháp ở Thanh Hóa là Trần Xuân Soạn. Bên cạnh ông còn có nhiều thủ lĩnh hoạt động ở các khu vực khác nhau trong tỉnh như:

- Nguyễn Đôn Tiết ở Hoằng Hóa.

- Tôn Thất Hàn ở Nông Cống.

- Tống Duy Tân ở Vĩnh Lộc.

- Cầm Bá Thước (người Thái) và Hà Văn Mao (người Mường) ở miền núi Thanh Hóa.

- Hoàng Bật Đạt ở Hậu Lộc.

Các thủ lĩnh này đã liên hệ với nhau và thống nhất lại thành hai trung tâm kháng chiến lớn ở Ba Đình (Nga Sơn) và Hùng Lĩnh (Vĩnh Lộc).

Đứng đầu căn cứ Ba Đình là Phạm Bành và Đinh Công Tráng.

Phạm Bành quê làng Tương Xá, huyện Hậu Lộc, là một viên quan chủ chiến, đã treo ấn từ quan về quê vận động sĩ phu và nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Về danh nghĩa, ông được cử làm chỉ huy cao nhất của căn cứ. Nhưng quyền chỉ đạo trực tiếp về quân sự thuộc về Đinh Công Tráng.

Đinh Công Tráng quê làng Tràng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, là một cựu chánh tổng. Ông đã từng chiến đấu trong quân đội của Hoàng Tá Viêm và phối hợp với Lưu Vĩnh Phúc đánh Pháp khi chúng kéo ra Bắc Kì lần hai (1882).

Bên cạnh Phạm Bành, Đinh Công Tráng, hỗ trợ cho căn cứ Ba Đình còn có Hà Văn Mao (người Mường) đứng đầu căn cứ Mã Cao (Yên Định, Thanh Hóa), cách Ba Đình vài ba dặm về phía tây bắc.

Căn cứ Ba Đình cách huyện lị Nga Sơn 4 km, tây bắc giáp huyện Hà Trung, được xây dựng trên địa bàn ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mĩ Khê. Vào mùa mưa, căn cứ này trông như một hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông, tách biệt với các làng khác. Gọi là Ba Đình vì mỗi làng có một ngôi đình, từ làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng kia.

Bao bọc xung quanh căn cứ là lũy tre dày đặc và một hệ thống hào rộng, rồi đến một lớp thành đất cao 3m, chân rộng từ 8m đến 10m, mặt thành có thể đi lại được. Trên mặt thành, nghĩa quân đặt các rọ tre đựng bùn trộn rơm. Phía trong thành có hệ thống giao thông hào dùng để vận chuyển lương thực và vận động khi chiến đấu. Ở những nơi xung yếu đều có công sự vững chắc. Các hầm chiến đấu được xây dựng theo hình chữ “chi”, nhằm hạn chế thương vong.

Ở mỗi làng, tại vị trí ngôi đình làng được xây dựng một đồn đóng quân. Ở Thượng Thọ có đồn Thượng, ở Mậu Thịnh là đồn Trung, còn đồn Hạ ở Mĩ Khê. Ba đồn này có thể hỗ trợ tác chiến cho nhau khi bị tấn công, đồng thời cũng có thể chiến đấu độc lập.

Từ ngoài nhìn vào chỉ thấy lũy tre dày đặc bao quanh, nên không thể phát hiện được các hoạt động của nghĩa quân bên trong căn cứ.

Nhờ tinh thần yêu nước và sự đóng góp của nhân dân, chỉ trong vòng một tháng, căn cứ Ba Đình đã được xây đắp xong.

Có thể nói căn cứ Ba Đình có vị trí tiêu biểu nhất, là một chiến tuyến phòng ngự quy mô nhất trong thời kì Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX.

Ngoài Ba Đình, còn có một số căn cứ khác ở xung quanh, đóng vai trò hỗ trợ, như căn cứ Phi Lai (còn gọi là Phúc Thọ) của Cao Điển và căn cứ Quảng Hóa (thuộc huyện Vĩnh Lộc) của Trần Xuân Soạn v.v.. Nhưng đáng chú ý nhất là căn cứ Mã Cao do Hà Văn Mao đứng đầu.

Mã Cao ở phía tây bắc căn cứ Ba Đình, nằm ở giáp giới hai huyện Yên Định và Ngọc Lặc, có địa thế núi rừng hiểm trở. Hệ thống công sự ở đây rất kiên cố, được bố trí rải rác trên một địa bàn rộng 3 km. Đây là căn cứ lớn thứ hai sau Ba Đình, là nơi rút quân khi căn cứ Ba Đình bị phá vỡ.

Về tổ chức biên chế, lực lượng nghĩa quân Ba Đình gồm khoảng 300 người, tuyển lựa ở ba làng và các vùng xung quanh. Trong hàng ngũ nghĩa quân có cả người Kinh, người Thái và Mường.

Nghĩa quân chia làm 10 toán, mỗi toán có một hiệp quản chỉ huy.

Về vũ khí, nghĩa quân tự trang bị bằng súng hỏa mai, giáo mác, cung nỏ.

Trong quá trình xây dựng căn cứ, nghĩa quân chú ý đảm bảo yếu tố bí mật.

Hoạt động chủ yếu của nghĩa quân là chặn đánh các đoàn xe vận tải của địch và tập kích các toán lính hành quân qua căn cứ. Lúc đầu, thực dân Pháp còn coi thường, nhưng về sau do bị tấn công liên tiếp nên bắt đầu tìm cách đối phó.

Cuối năm 1886, địch tập trung lực lượng (với 500 quân, có đại bác yểm hộ) tấn công vào căn cứ Ba Đình, nhưng thất bại.

Tháng 1-1887, Pháp cử đại tá Bơrítxô (Brissaud) đã từng tham gia công phá thành Puêbla (Puebla) ở Mêhicô năm 1863, sang trực tiếp đảm nhiệm việc đánh phá căn cứ Ba Đình. Ngày 6-1-1887, Bơrítxô đã huy động khoảng 2.500 quân chia làm ba mũi đánh vào căn cứ với sự yểm trợ của pháo binh. Trước sức kháng cự quyết liệt của nghĩa quân, quân Pháp bị chặn lại trước hàng rào tre xung quanh căn cứ.

Lúc này, chính phủ Pháp yêu cầu phải sớm chấm dứt chiến dịch đánh chiếm Ba Đình. Vì vậy, Bơrítxô quyết định công phá căn cứ này bằng mọi giá. Để thực hiện mục đích đó, y tiến hành bao vây và lấn dần từng bước, nhằm cô lập căn cứ, cắt đứt nguồn tiếp tế của nghĩa quân, ngày càng thắt chặt vòng vây. Ngày 15-1-1887, Bơrítxô hạ lệnh tổng tấn công căn cứ. Quân địch lấy dầu phun lửa đốt cháy lũy tre, cùng lúc tập trung đại bác bắn dồn dập vào căn cứ.

Trước sức mạnh áp đảo của quân Pháp, nghĩa quân ngày càng bị hao tổn và cô lập. Biết không thể giữ được căn cứ Ba Đình, Phạm Bành và Đinh Công Tráng cùng các thủ lĩnh khác (như Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Khế, Lê Toại) đã tổ chức cho nghĩa quân rút lui về căn cứ Mã Cao vào đêm 20-1-1887.

Sáng ngày 21-1-1887, quân Pháp chiếm được Ba Đình. Chúng điên cuồng triệt hạ cả ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mĩ Khê, đồng thời bắt triều đình Huế xóa sổ tên ba làng đó, vì tội đã để cho nghĩa quân hoạt động và ủng hộ nghĩa quân chống lại chúng.

Nghĩa quân vừa rút lên Mã Cao, chưa kịp củng cố lực lượng đã bị quân Pháp đuổi theo truy kích. Ngày 2-2-1887, chúng tiến vào căn cứ Mã Cao. Quân Pháp vừa khép chặt vòng vây, vừa nã đại bác dữ dội vào các công sự bên trong căn cứ. Do so sánh lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân không đủ sức tiếp tục kháng cự, đành phải rút lên Thung Voi và Thung Khoai. Sau đó ít lâu, nghĩa quân lại bị đẩy lên miền Tây Thanh Hóa và sáp nhập vào đội nghĩa quân của Cầm Bá Thước.

Các thủ lĩnh Nguyễn Khế, Hoàng Bật Đạt hi sinh. Phạm Bành, Hà Văn Mao, Lẽ Toại tự sát. Trần Xuân Soạn tìm đường sang Trung Quốc.

Sau đó Đinh Công Tráng vẫn chủ trương tiếp tục xây dựng lại phong trào kháng chiến, nhưng đến hè 1887, ông bị Pháp bắt và giết hại. Như vậy, hết căn cứ Ba Đình tới căn cứ Mã Cao nối tiếp nhau thất thủ. Cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Thất bại của cuộc khởi nghĩa bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trực tiếp là do chiến thuật bị động phòng ngự, với việc lập cứ điểm cố thủ của nghĩa quân Ba Đình. Khởi nghĩa Ba Đình được coi là điển hình của lối đánh chiến tuyến cố định. Với chiến thuật này, nghĩa quân Ba Đình có khả năng tập trung lực lượng để đánh những trận lớn. Tuy nhiên, căn cứ Ba Đình cũng bộc lộ nhiều nhược điểm, do nằm vào thế bị động đối phó, dễ dàng bị cô lập khi ba đối phương bao vây hoặc tấn công.

Khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1887 - 1892)

Sau khi căn cứ Ba Đình thất thủ, ở Thanh Hóa lại hình thành một trung tâm kháng chiến thứ hai tại Hùng Lĩnh nằm ở thượng nguồn sông Mã, thuộc huyện Vĩnh Lộc.

Lãnh đạo khởi nghĩa Hùng Lĩnh là Tống Duy Tân và Cao Điền.

Tống Duy Tân người làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, đỗ Tiến sĩ năm 39 tuổi, từng làm Tri huyện, rồi Đốc học Thanh Hóa, sau được Hàm Nghi phong chức Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa.

Trong những năm 1886 - 1887, Tống Duy Tân đã có đóng góp và giữ vai trò nhất định trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông cùng các sĩ phu yêu nước trong tỉnh tham gia chọn Ba Đình làm nơi xây dựng căn cứ, đồng thời được phân công cùng với Cao Điền lập căn cứ phụ Phi Lai (Hà Trung) ở phía ngoài, nhằm hỗ trợ cho Ba Đình.

Khi căn cứ Ba Đình bị phá vở, Tống Duy Tân ra Bắc liên lạc với một số sĩ phu. Năm 1889, ông trở lại Thanh Hóa, nhóm lại phong trào chống Pháp. Ông liên hệ với những thủ lĩnh yêu nước còn sót lại như Cao Điền, Tôn Thất Hàn, Cầm Bá Thước và trở thành người chỉ huy chính của phong trào kháng Pháp ở Thanh Hóa.

Ngoài căn cứ chính ở Hùng Lĩnh, nghĩa quân còn mở rộng địa bàn hoạt động lên tận vùng hữu ngạn và tả ngạn sông Mã, phối hợp với Đốc Ngữ, Đề Kiều ở hạ lưu sông Đà, và Phan Đình Phùng ở Hương Khê (Hà Tĩnh).

Về tổ chức, nghĩa quân xây dựng ở mỗi huyện một cơ lính khoảng 200 người, lấy tên huyện để đặt tên cho đơn vị, như Tống Thanh cơ (Nga Sơn - Thanh Hóa), Nông Thanh cơ (Nông Cống - Thanh Hóa)...

Trong hai năm 1889 - 1890, nghĩa quân hoạt động có hiệu quả, đã tổ chức tấn công quân Pháp nhiều trận, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Đầu năm 1889, nghĩa quân giành thắng lớn ở Vân Đồn (Nông Cống). Vào tháng 10 cùng năm, nghĩa quân lại tổ chức đánh lui hai trận càn của địch vào căn cứ Vân Đồn.

Trước những ảnh hưởng to lớn của nghĩa quân, thực dân Pháp chủ trương tăng cường lực lượng truy quét hòng dập tắt phong trào. Nghĩa quân phải chuyển lên hoạt động ở miền Tây Bắc Thanh Hóa.

Tại đây, nghĩa quân được bổ sung thêm lực lượng từ những toán quân cũ của Trần Xuân Soạn, rồi đẩy mạnh hoạt động trong các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Nông Cống.

Trong năm 1890, nghĩa quân đã tổ chức tập kích nhiều trận, như trận Vạn Lại (Xuân Ninh - Thọ Xuân), trận Yên Lược (Xuân Thiên - Thọ Xuân). Tháng 3-1890 lại thắng lớn ở Nông Cống và ở Yên Lãng (Xuân Yên - Thọ Xuân) bên tả ngạn sông Chu.

Từ tháng 3-1890, địch tiếp tục truy quét nhằm tiêu diệt nghĩa quân. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân bị thu hẹp dần, chỉ còn một vùng ở miền núi phía tây Thanh Hóa. Sự phối hợp với cánh quân của Đốc Ngữ ở vùng sông Đà cũng không thu được kết quả. Lực lượng nghĩa quân ngày càng sa sút.

Do tên Việt gian Cao Ngọc Lễ chỉ điểm, tháng 10 năm 1892, Tống Duy Tân bị Pháp bắt, và sau đó bị xử tử. Còn Cao Điển phải trốn ra Bắc, định tiếp tục tham gia kháng chiến với nghĩa quân Yên Thế. Nhưng vừa tới Bắc Giang, chưa bắt được liên lạc với Hoàng Hoa Thám thì đã bị Pháp bắt (1-1896).

Với sự kiện này, khởi nghĩa Hùng Lĩnh coi như đã thất bại. Ở Thanh Hóa lúc này chỉ còn cánh quân của Cầm Bá Thước đang hoạt động ở miền Tây. Nhưng mấy năm sau, đến năm 1895, Cầm Bá Thước cũng bị bắt. Đến đây phong trào vũ trang chống Pháp ở Thanh Hóa mới hoàn toàn tan rã[5].

Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1895)

Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, và kéo dài nhất trong phong trào Cần Vương cuối thế kỉ XIX. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân bao gồm bốn tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, trong đó địa bàn chính là Nghệ An - Hà Tĩnh. Cuộc khởi nghĩa phát triển qua hai thời kì: từ 1885 – 1888 là thời kì xây dựng và tổ chức; từ 1889 - 1895 là những năm chiến đấu của nghĩa quân.

Sau khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương (7-1885), ở Hà Tĩnh đã bùng nổ nhiều phong trào đấu tranh vũ trang.

Cuộc khởi nghĩa đầu tiên là của Lê Ninh[6] (thường gọi là Ấm Ninh) ở Trung Lễ (Đức Trung, Đức Thọ). Cuối năm 1885, Lê Ninh tổ chức tấn công vào thành Hà Tĩnh, giết chết tên Bố chánh Lê Đại. Sau đó, nghĩa quân kéo lên Hương Khê, vừa để tránh sự truy nã, vây hãm của giặc Pháp, vừa nhằm phối hợp tác chiến với đội quân của Phan Đình Phùng. Nhưng không may, đến giữa năm 1886, Lê Ninh bị bệnh mất. Em ông là Lê Trực đã thay ông, sau này trở thành một thủ lĩnh của nghĩa quân Hương Khê.

Cùng thời với khởi nghĩa của Lê Ninh, còn có các cuộc khởi nghĩa khác như:

- Khởi nghĩa của Cao Thắng, Cao Nữu ở Hàm Lại, Sơn Lễ (Hương Sơn).

- Khởi nghĩa của Nguyễn Trạch và Nguyễn Chanh ở Can Lộc.

- Khởi nghĩa của Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ ở Nghi Xuân.

- Khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Thuận (Bá hộ Thuận) ở Thạch Hà.

- Ở làng Đông Thái (Đức Thọ) có đội quân Phan Đình Phùng.

- Ở Nghệ An lúc này cũng xuất hiện nhiều lực lượng yêu nước chống Pháp, tiêu biểu nhất là đội quân của Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhạ. Cuộc khởi nghĩa của hai ông tồn tại đến năm 1887.

Trên cơ sở các cuộc khởi nghĩa đó, Phan Đình Phùng đã tập hợp và phát triển thành một phong trào có quy mô rộng lớn khắp bốn tỉnh bắc Trung Kì, với địa bàn chính ở Hương Khê, tồn tại suốt 10 năm liên tục.

Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê là Phan Đình Phùng và Cao Thắng. Phan Đình Phùng (1847 - 1895) quê ở Đông Thái (nay là xã Châu Phong), Đức Thọ, Hà Tĩnh[7] Khoa Đinh Sửu (1877), ông đỗ Đình nguyên Tiến sĩ. Lúc đầu, ông được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình), sau được gọi về kinh đô sung vào Viện Đô sát làm Ngự sử.

Năm 1883, với tính cương trực, ông đã phản đối việc Tôn Thất Thuyết phế Dục Đức để lập Hiệp Hòa lên làm vua, vì thế ông bị cách chức, và bị đuổi về quê. Tuy vậy, khi triều đình kháng chiến chạy về Hà Tĩnh, ông vẫn lên yết kiến Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết (10- 1885), được giao trọng trách tổ chức phong trào kháng chiến ở Hà Tĩnh. Suốt mười năm cuối thế kỉ XIX (1885 - 1895), ông đã tiến hành xây dựng và chỉ huy nghĩa quân chiến đấu, trở thành lãnh tụ tối cao của phong trào kháng Pháp ở đây.

Phan Đình Phùng (Ảnh của VNTTX)

Trợ thủ cho Phan Đình Phùng là Cao Thắng. Ông sinh năm 1864, là một dũng tướng trẻ, xuất thân trong một gia đình nông dân, quê ở Hàm Lại, (Sơn Lễ, Hương Sơn). Trước đó, ông từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Đội Lựu (Trần Quang Cán), đã bị bắt và bị giam ở Hà Tĩnh. Sau khi thoát tù, ông về quê tự nguyện đứng dưới cờ của Phan Đình Phùng khởi nghĩa. Trong những năm 1885 - 1888, Phan Đình Phùng ra Bắc, tới các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh để liên kết với các sĩ phu yêu nước, thì Cao Thắng ở lại giữ nhiệm vụ xây dựng căn cứ và chuẩn bị lực lượng. Ông có nhiều đóng góp trong việc rèn đúc và chế tạo vũ khí trang bị cho nghĩa quân.

Trong hàng ngũ chỉ huy nghĩa quân, ngoài Phan Đình Phùng và Cao Thắng, còn có một số sĩ phu khác như Tiến sĩ Phan Trọng Mưu, Cử nhân Phan Quang Cư... và một số thủ lĩnh xuất thân từ nông dân lao động như hai anh em Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, Lê Văn Tạc, Phan Đình Phong, Phan Đình Can, Đế Niên, Đề Vinh, Hiệp Tuấn, Cao Đạt v.v...

Trước khi ra Bắc (đầu 1886), Phan Đình Phùng giao việc chuẩn bị lực lượng và vũ khí cho Cao Thắng và các tướng lĩnh. Ròng rã suốt ba năm trời, dưới sự chỉ đạo của Cao Thắng, nghĩa quân đã ra sức xây dựng các khu căn cứ và phát triển lực lượng, rèn đúc vũ khí.

Dựa vào địa thế hiểm trở của núi rừng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nghĩa quân đã xây dựng thành bốn căn cứ lớn:

- Căn cứ Cồn Chùa (xã Sơn Lâm) án ngữ con đường sang Nghệ An. Căn cứ này là nơi cất giấu lương thực và rèn đúc vũ khí.

- Căn cứ Thượng Bồng: Hạ Bồng (tây nam Đức Thọ) được xây dựng dựa vào địa thế của hai sông Ngàn Sâu và Ngàn Tươi. Trong căn cứ này có nhiều hệ thống hào lũy, đồn trại, kho lương và bãi tập. Đây là căn cứ lớn nhất của nghĩa quân trong thời kì đầu.

- Căn cứ Trùng Khê - Trí Khê (hai xã Hương Ninh - Hương Thọ huyện Hương Khê) là căn cứ dự bị, có đường sang Lào, phòng khi bị địch bao vây.

- Căn cứ Quang (phía tây Hương Khê) nằm sâu trong vùng núi, giáp Lào. Căn cứ này xây dựng dựa vào địa thế tự nhiên hiểm trở. Đây là căn cứ lớn nhất của nghĩa quân vào những năm cuối cùng của cuộc khởi nghĩa.

Về tổ chức lực lượng, nghĩa quân Phan Đình Phùng chia thành 15 quân thứ. Hà Tĩnh có 10 quân thứ, Nghệ An có 2 quân thứ, Quảng Bình có 2 quân thứ, Thanh Hóa có 1 quân thứ. Các quân thứ này được xây dựng trên cơ sở các đơn vị hành chính, thường là huyện, có khi là xã, và lấy tên nơi đó để gọi[8]:

- Khê thứ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), chỉ huy: Nguyễn Thoại.

- Can thứ (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), chỉ huy: Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch.

- Hương thứ (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), chỉ huy: Nguyễn Huy Giao.

- Nghi thứ (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chỉ huy: Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ.

- Lai thứ (tổng Lai Thạch, Can Lộc, Hà Tĩnh), chỉ huy: Phan Đình Nghinh.

- Bình thứ (tỉnh Quảng Bình), chỉ huy: Nguyễn Thụ.

- Cẩm thứ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), chỉ huy: Hoàng Bá Xuyên.

- Thạch thứ (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), chỉ huy: Nguyễn Huy Thuận.

- Kì thứ (huyện Kì Anh, Hà Tĩnh), chỉ huy: Võ Phát.

- Diệm thứ (làng Tình Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh), chỉ huy: Cao Đạt.

- Lễ thứ (làng Trung Lễ, Đức Thọ), chỉ huy: Nguyễn Cấp.

- Anh thứ (huyện Anh Sơn, Nghệ An), chỉ huy: Nguyễn Mậu.

- Diễn thứ (huyện Diễn Châu, Nghệ An), chỉ huy: Lê Trọng Vinh.

- Thanh thứ (Thanh Hóa), chỉ huy: Cầm Bá Thước.

- Lệ thứ (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), chỉ huy Nguyễn Bí.

Trong 15 quân thứ trên, có 1 quân thứ trung tâm đóng ở đại bản doanh, do Phan Đình Phùng trực tiếp chỉ huy. Còn các quân thứ khác tổ chức đóng quân ở các địa phương. Giữa đại bản doanh và các quân thứ thường liên lạc với nhau nhằm bảo đảm một sự chỉ huy thống nhất.

Nghĩa quân sở dĩ có thể chiến đấu liên tục suốt mười năm (1885-1895) vì được sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân bốn tỉnh, đã đóng góp lượng thực, của cải và cho con em tham gia vào đội quân khởi nghĩa.

Số lương thực thu được, một phần để cho nghĩa quân sử dụng, phần còn lại đưa lên căn cứ cất giấu làm lương dự trữ. Bên cạnh các hầm chứa lương thực, nghĩa quân còn chuẩn bị các dụng cụ xay, giã để tiện dùng khi cần thiết.

Về trang bị vũ khí, nghĩa quân thực hiện phương châm tự lực cánh sinh là chính. Ngoài việc tự trang bị bằng các loại, vũ khí thô sơ như giáo mác, đại đao, tướng Cao Thắng còn tổ chức cướp súng giặc, rồi nghiên cứu chế tạo súng trường theo kiểu của Pháp để trang bị cho nghĩa quân. Hàng trăm thợ rèn ở hai làng Trung Lương và Vân Chàng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã được huy động lên các đồn trại để đúc súng. Những khẩu súng do nghĩa quân chế tạo ra rất giống với súng trường 1874 của Pháp, chỉ kém hơn ở chỗ trong nòng súng không có rãnh xoắn và lò so hơi yếu, nên bắn kém chính xác.

Chính đại úy Gốtxơlanh (Charles Gosselin) đã thừa nhận: “Quan Đình nguyên Phan Đình Phòng có tài điều khiển việc quân binh, biết luyện tập sĩ tốt theo phép Thái Tây (chỉ châu Âu), áo quần mặc một lối, và đeo súng kiểu 1874, những súng ấy là súng của người quan Đình nguyên đúc ra thật nhiều mà máy móc cũng hệt như súng Pháp, chỉ vì nóng súng không xé rãnh, cho nên đạn không đi xa được”.

Về phương thức tác chiến, nghĩa quân dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở với hệ thống công sự chằng chịt để tiến hành chiến tranh du kích. Nghĩa quân luôn phân tán hoạt động, đánh địch với nhiều hình thức (công đồn, chặn đường tiếp tế, dùng cạm bẫy, hầm chông, dụ địch ra ngoài đồn để diệt chúng).

Cuối năm 1888, Phan Đình Phùng từ ngoài Bắc đã trở về Hà Tĩnh, cùng với Cao Thắng trực tiếp lãnh đạo nghĩa quân. Đầu năm 1889, nghĩa quân bắt đầu đẩy mạnh hoạt động khắp vùng Nghệ Tĩnh, liên tục tổ chức tập kích địch, diệt viện và chống càn quét.

Tháng 9 - 1889, nghĩa quân do Phan Bá Niên (Đề Niên) chỉ huy đã đánh bại cuộc càn quét của địch. Giữa tháng 12 - 1889, nghĩa quân tấn công đồn Dương Liễu, tiếp đó đánh vào huyện lị Hương Sơn, sang năm 1890 đẩy mạnh hơn các hoạt động du kích. Tháng 4 - 1890, quân của Đốc Chanh và Đốc Trạch phục kích tại làng Hốt (xã Phú Lộc, huyện Can Lộc), diệt được nhiều lính khố xanh. Sang tháng 5 - 1890, nghĩa quân tấn công đồn Trường Lưu. Nửa cuối năm 1890, nghĩa quân đã tổ chức hàng phục trận đánh đồn, phục kích, diệt quân tăng viện và chống địch càn quét.

Phối hợp với nghĩa quân Hà Tĩnh, nghĩa quân Nghệ An cũng hoạt động rất mạnh trên một vùng rộng bao gồm Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nghi Lộc... Nghĩa quân bất ngờ tổ chức tấn công, tiến sâu xuống vùng đồng bằng để quấy rối địch.

Thực dân Pháp dần dần bình định được Hà Tĩnh và Nghệ An trong những năm 1891- 1892, nhưng nghĩa quân vẫn tiếp tục chiến đấu quyết liệt. Tiêu biểu là hai trận chống địch càn quét vào khu Hói Trùng và Ngàn Sâu là căn cứ của Cao Thắng vào đầu tháng 8 năm 1892. Đêm 23 - 8 - 1892, nghĩa quân do Bá hộ Thuận chỉ huy đã bí mật tập kích thị xã Hà Tĩnh tổ chức phá nhà lao giải phóng hơn 700 tù chính trị.

Tuy nhiên, sau nhiều cuộc càn quét, quân Pháp đã tạo nên thế bao vây nghĩa quân. Lúc này, thực dân Pháp đã phá tan các trung tâm kháng chiến ở Bắc và Trung Kì như: Bãi Sậy, Ba Đình - Hùng Lĩnh..., và về cơ bản đã bình định xong các vùng đồng bằng phía bắc, do đó càng có điều kiện tập trung lực lượng để tiêu diệt nghĩa quân Phan Đình Phùng.

Quân Pháp một mặt tăng cường càn quét, thu hẹp phạm vi hoạt động của nghĩa quân, thắt chặt vòng vây, mặt khác cắt đứt đầu mối liên hệ giữa các quân thứ và giữa nghĩa quân với nhân dân. Trong tình thế nói trên, để phá thế bị bao vây và mở rộng địa bàn hoạt động, được Phan Đình Phùng đồng ý, Cao Thắng quyết định mở một trận tấn công lớn vào tỉnh lị Nghệ An.

Thực hiện kế hoạch, tháng 10 - 1893, Cao Thắng đem 1.000 quân từ Ngàn Tươi tiến về Nghệ An. Trên đường hành quân, nghĩa quân tổ chức đánh địch liên tiếp. Nhưng trong trận tấn công đồn Nu (Thanh Chương), Cao Thắng bị thương nặng, rồi hi sinh. Ông mất năm 29 tuổi, gây tổn thất lớn cho nghĩa quân.

Sau khi Cao Thắng chết, lực lượng nghĩa quân càng bị giảm sút, nhưng vẫn cố gắng chống trả lại các cuộc vây quét của địch. Cuối tháng 3 - 1894, nghĩa quân lại tập kích vào thị xã Hà Tĩnh. Nhưng quân Pháp vừa tăng cường khủng bố, vừa dồn hết lực lượng bao vây và công kích đại bản doanh của nghĩa quân. Trước tình hình đó, nghĩa quân phải rút lên núi Quạt, rồi núi Vũ Quang (Hương Khê)[9].

Ngày 17 - 10 - 1894, nghĩa quân Phan Đình Phùng đánh thắng một trận lớn ở Vũ Quang. Ông cho nghĩa quân lên tận nguồn sông chặt cây đóng kè chặn nước đầu nguồn lại và chuẩn bị sẵn nhiều cây gỗ lớn. Khi giặc vừa ra đến giữa dòng sông thì ông cho quân phá kè trên nguồn. Nước đổ xuống ào ào kéo theo những cây gỗ lớn. Quân địch phần bị nước cuốn bất ngờ, phần bị gỗ lao vào người, lại bị nghĩa quân ở hai bên bờ xông ra đánh quyết liệt nên bị chết rất nhiều.

Lúc này, Nguyễn Thân được cử làm Kinh lược tiết chế đại thần, thân chinh đem 3.000 quân bao vây và tiến công căn cứ Vũ Quang. Nghĩa quân ngày càng suy yếu, quân số ngày càng giảm sút. Trong một trận ác chiến, Phan Đình Phùng bị thương và đã hi sinh vào ngày 28 - 12 - 1895, thọ 49 tuổi[10].

Mười hai ngày sau khi Phan Đình Phùng mất, Nguyễn Thân mới tới được căn cứ nghĩa quân. Y đã hèn hạ sai lính đào mộ Phan Đình Phùng, lấy thi hài cụ đốt thành tro, rồi nhồi với thuốc súng bắn xuống sông La.

Đến lúc này, chỉ còn lại đội quân của Ngô Quảng (ở miền Tây Nghệ An). Ít lâu sau, lực lượng này cũng bị Pháp đàn áp tan rã, một số trốn sang xiêm (Thái Lan), sau này đã trở thành cơ sở hoạt động của Việt Nam Quang phục hội và phong trào cộng sản Việt Nam.

Nghĩa quân Phan Đình Phùng hoàn toàn tan rã, đánh dấu sự thất bại phong của phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp dưới danh nghĩa Cần Vương.

Khởi nghĩa Phan Đình Phùng là đỉnh cao nhất trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX. Cuộc khởi nghĩa lan rộng trên địa bàn bốn tỉnh Thanh Nghệ - Tĩnh - Bình, kéo dài suốt 10 năm. Nghĩa quân đã lập được nhiều chiến công, gây cho địch những tổn thất nặng về người và vũ khí.

Một ưu điểm nổi bật của cuộc khởi nghĩa là đã phát huy đến mức cao nhất sự ủng hộ và những tiềm năng to lớn của nhân dân. Nghĩa quân đã tranh thủ được sự giúp đỡ về nhiều mặt của người Kinh và người Thượng, của cả đồng bằng và miền núi. Về quân sự, đã biết sử dụng các phương thức tác chiến linh hoạt, phong phú, biết phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình chuẩn bị lực lượng cũng như trong khi giáp trận với kẻ thù.

Cuộc khởi nghĩa cuối cùng thất bại vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu vì chưa liên kết, tập hợp được lực lượng dân tộc trên quy mô rộng, tạo thành một phong trào toàn quốc. Đó là những hạn chế của thời đại, của bộ phận lãnh đạo phong trào.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4642-02-633921684665778750/Phong-trao-dau-tranh-cua-nhan-dan-Viet-Na...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận