Tài liệu: Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai (1882-1884)

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Việc triều đình Huế kí bản Hiệp Ước mới năm 1874, cắt thêm đất dâng cho thực dân Pháp và công nhận thêm nhiều đặc quyền đặc lợi của chúng ở Việt Nam đã vấp phải sức phản ứng mạnh mẽ của nhân dân cả nước.
Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai (1882-1884)

Nội dung

Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai (1882-1884)

Việc triều đình Huế kí bản Hiệp Ước mới năm 1874, cắt thêm đất dâng cho thực dân Pháp và công nhận thêm nhiều đặc quyền đặc lợi của chúng ở Việt Nam đã vấp phải sức phản ứng mạnh mẽ của nhân dân cả nước. Đặc biệt ở Trung và Bắc Kì, liền sau khi hiệp ước được kí kết, nhiều cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ để vừa chống thực dân Pháp xâm lược, vừa chống triều đình phong kiến đầu hàng. Đáng chú ý nhất là cuộc khối nghĩa năm 1874 ở Nghệ An và Hà Tĩnh do một số sĩ phu văn thân yêu nước chống Pháp lãnh đạo, như Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Huy Điển. Nghĩa quân đã đánh chiếm được tỉnh lị Hà Tĩnh cùng nhiều phủ huyện thuộc hai tỉnh, và đang tìm đường phát triển mạnh mẽ ra các tỉnh phía bắc và vào các tỉnh phía nam. Nhưng triều đình đã dồn lực lượng dập tắt tàn nhẫn cuộc khởi nghĩa vào cuối năm 1874.

Trong thời gian các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ bùng nổ ở khắp nơi, ngoài Bắc thường xuyên vẫn có nhiều đám “giặc giã” cùng “chớp biển” thừa cơ nổi dậy quấy rối, có đám lại do chính thực dân Pháp xúi giục để gây khó khăn cho triều đình, như dư đảng của Tạ Văn Phụng ở vùng Hải Dương, Quảng Yên. Ngoài ra, còn có nhiều toán thổ phỉ từ Trung Quốc tràn sang cướp phá nhân dân vùng biên giới.

Trước tình hình rối loạn đó, triều đình Huế ra sức dốc hết lực lượng quân sự vào việc đàn áp tiêu diệt các phong trào quần chúng. Nhiều lần, triều đình còn yêu cầu thực dân Pháp phái tàu chiến kéo binh lính đi các nơi có phong trào mạnh để đàn áp và cầu cứu quân Thanh tiễu trừ các toán giặc.

Trước tình hình nước nhà rối loạn cùng cực như vậy, trước sau triều đình phong kiến hoàn toàn không có ý định tiến hành cải cách để giải quyết những khó khăn của đất nước ngày càng chồng chất. Từ sau năm 1874, trước nguy cơ mất nước ngày một gần, phong trào gửi các đề nghị cải cách lên triều đình so với trước còn rộng rãi hơn, không phải chỉ giới hạn trong một số sĩ phu yêu nước tiến bộ mà còn lan rộng cả đến một số quan lại tại triều. Đáng chú ý hơn cả là hai bản điều trần của Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895) bao gồm nhiều đề nghị cụ thể và xác đáng về chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước[1]. Nhưng do đầu óc bảo thủ, cố chấp, sợ Pháp ngăn trở làm khó dễ, trước sau triều đình đã ngoan cố khước từ mọi đề nghị duy tân đất nước. Nếu vì áp lực mà triều đình phải thi hành một vài cải cách thì đó cũng chỉ là làm lấy lệ, nhỏ giọt, không đáng kể so với yêu cầu của thời cuộc, rồi nửa chừng viện cớ khó khăn thôi không làm nữa. Kết quả là kinh tế ngày càng suy sụp, tài chính ngày càng kiệt quệ. Đã thế, thiên tai hạn hán trong thời kì này lại xảy ra liên miên, riêng trận đói lớn năm 1879 đã có hàng chục vạn người lưu vong chết dọc đường.

Trong khi đó thì tư bản Pháp lại ngày càng phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Từ sau năm 1874, chủ nghĩa tư bản Pháp bước vào giai đoạn mới, giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Kinh tế tư bản Pháp trên đà tiến sang chủ nghĩa đế quốc tất có yêu cầu ngày một lớn về lợi nhuận, thị trường, nguyên liệu, nhân công, nên cũng vội lao đầu vào cuộc chạy đua giành giật thuộc địa trong những năm cuối thế kỉ XIX. Từ sau năm 1880, giai cấp tư sản Pháp ngày càng ráo riết xúc tiến âm mưu xâm lược Việt Nam. Từ nay, chủ trương đánh chiếm Bắc Kì nói riêng, cả nước Việt Nam nói chung, không còn chỉ là của một nhóm con buôn, là hành động phiêu lưu của bọn thực dân hiếu chiến ở Nam Kì như trong thời kì trước, mà đã trở thành chủ trương chung của bọn tư bản tài phiệt nắm chính quyền ở Pháp.

Để chuẩn bị thời cơ và điều kiện hành động mở rộng xâm lược, từ sau năm 1875, tư bản Pháp lợi dụng các điều khoản rộng rãi của điều ước 1874 đã phái người đi lại nhiều nơi ở Bắc Kì để điều tra các tài nguyên, thăm dò các đường sông, đường biển, đặt đường điện thoại, vẽ bản đồ gửi về Pháp. Đồng thời, triệt để lợi dụng việc triều đình nhờ đàn áp những cuộc nổi loạn ngoài Bắc, chúng đưa quân vào mỗi ngày một đông hơn. Bọn thực dân Pháp ở Nam Kì cũng sẵn sàng chuẩn bị. Lơ Mia đờ Vile (Le Myre de Vilers) sang làm Thống đốc Nam Kì từ năm 1879, chấm dứt thời kì độc tài quân sự kéo dài suốt 20 năm (1859 - 1879) của bọn đô đốc, đã chú ý củng cố thuộc địa Nam Kì về mọi mặt để có thể làm bàn đạp hiệu lực trong cuộc đánh chiếm Bắc Kì sắp tới. Bằng một số thủ đoạn cải cách bịp bợm về chính trị và tư pháp, như thành lập Hội đồng quản hạt Nam Kì, đặt bộ máy tư pháp riêng ở các tỉnh và Sài Gòn, Đờ Vile nhằm liên kết chặt chẽ hơn với các tầng lớp trên trong xã hội. Trên cơ sở đó, củng cố thêm một bước quyền thống trị thực dân để dễ trấn áp quần chúng hơn. Đờ Vile hiểu rất rõ việc xây dựng hậu phương ổn định và vững chắc là điều kiện tối cần khi mở rộng chiếm đóng ra Bắc Kì và Trung Kì để hoàn thành việc đánh chiếm Việt Nam.

Về quân sự, thực dân Pháp ở Nam Kì trong thời kì này đẩy mạnh việc bắt lính ngụy. Các đội lính mã tà và lính tập được thành lập, vừa để trấn áp phong trào nhân dân miền Nam, vừa để chuẩn bị lực lượng xâm lược miền Bắc. Để chi phí cho các mặt hoạt động trên, thực dân Pháp ở Nam Kì càng ra sức bóc lột vơ vét nhân dân ta, mọi loại thuế đều đánh rất nặng, nhất là các loại thuế gián thu, như thuế thuốc phiện, thuế rượu, thuế muối. Do nhu cầu bóc lột và thống trị thuộc địa, cũng như do nhu cầu của việc chiếm đóng Bắc Kì sắp tới, thực dân Pháp tìm mọi cách tăng cường nạn sưu dịch nặng nề.

Quyền lợi kinh tế ở Bắc Kì ngày càng nhiều, bọn tư sản Pháp càng nôn nóng muốn đánh chiếm gấp: Mặt khác, từ năm 1878 trở đi, tư bản các nước Anh, Đức, Tây Ban Nha cũng muốn thương thuyết với triều đình Huế càng làm cho thục dân Pháp thấy cần hành động.

Để có cớ vũ trang can thiệp, năm 1882 chúng lấy cớ triều đình Huế vi phạm Hiệp ước năm 1874, như cho đoàn quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc ngăn trở việc tàu thuyền đi lại buôn bán trên sông Hồng; tiếp tục chính sách tàn sát đạo; đàn áp những người cộng tác với Pháp; giao thiệp với nhà Thanh Trung Quốc. Chuẩn bị mọi mặt xong xuôi, Chính phủ Pháp bắt đầu gửi thêm quân sang tăng viện cho đội quân đồn trú ở Bắc Kì. Chủ trương của tư bản Pháp lúc này là muốn lợi dụng sự yếu hèn của triều đình Huế để dùng lực lượng quân sự làm áp lực buộc phải công nhận nền bảo hộ của Pháp trong cả nước.

Thi hành chủ trương trên, Thống đốc Nam Kì Đờ Vile giao quyền chỉ huy đánh chiếm Bắc Kì cho Đại tá hải quân Rivie (Henri Rivière). Cuộc kéo quân của Rivie đánh chiếm Bắc Kì đã được chuẩn bị từ cuối năm 1881. Ngày mồng 8 tháng 4 năm 1882, quân Pháp đổ bộ bất ngờ lên Hà Nội. Tống đốc Hà Nội bấy giờ là Hoàng Diệu, vì chưa có lệnh của triều đình nên không dám đối phó ngay, mặc dù thực dân Pháp đã vi phạm trắng trợn Hiệp ước năm 1874.

Về phía ta, từ sau khi thực dân Pháp đánh chiếm lần thứ nhất, thành Hà Nội đã được tu bổ lại, tường thành được đắp dày thêm và cao hơn, cửa thành được làm lại bằng gỗ lim dày chắc, sau mỗi cửa có xếp nhiều bao đất và cây gỗ lớn để bảo vệ, còn đắp thêm hai dãy tường chéo thước thợ để che chở cho các kho tàng và nhà cửa bên trong thành. Số đại bác cũng được bổ sung thêm. Còn số quân trong thành không rõ là bao, nhưng chắc chắn là đông hơn địch nhiều lần.

Đáng chú ý là rút kinh nghiệm thất bại chín năm về trước (1873), lần này Hoàng Diệu tuy vẫn để một số lớn quan quân đóng giữ trong thành, nhưng cũng bố trí một số quân bên ngoài thành để hỗ trợ tác chiến khi thành bị tấn công. Không những vậy, ông và các quan lại có trách nhiệm ở Bắc Kì hồi đó còn trình lên triều đình một kế hoạch phòng thủ dựa vào thế mạnh của vùng thượng du rừng núi để bảo vệ miền trung châu, nhưng không được chấp nhận.

Quân Pháp đổ bộ lên Hà Nội ngày một đông thêm, Hoàng Diệu ra lệnh gấp cho các địa phương tâu lên triều đình xin thêm viện binh. Hoàng Tá Viêm cũng xin được đem quân về tập trung ở trung châu để kịp thời đối phó. Nhưng Tự Đức cả hai lần đều xuống chiếu khiển trách. Cách đối phó chính của Tự Đức lúc đó vẫn là thương thuyết với Pháp. Lúc thực dân Pháp sắp nổ súng đánh chiếm Hà Nội, Tự Đức vẫn lo cử phái viên vào Gia Định thương thuyết.

Trong khi đó thì Rivie ngay sau khi đặt chân tới Hà Nội đã lộ rõ bộ mặt xâm lược, mặc dù vẫn tuyên bố lần này đưa quân ra Bắc là để “đánh đuổi Lưu Đoàn, bảo vệ buôn bán”, có sứ mệnh “hòa bình và thân thiện”. Y cho binh lính Pháp vác súng ngênh ngang đi lại ngoài thành và phao tin rằng sẽ đem quân vào đóng trong thành. Y còn buộc Hoàng Diệu phải triệt quân ra khỏi thành và phá hủy các công sự phòng thủ.

Ngày mồng 10 tháng 4, y gửi thư cho Đờ Vile ở Sài Gòn xin thêm 10 vạn viên đạn và 150 cân chất nổ. Ngoài ra, y còn tập trung về Hà Nội số súng đạn của sư đoàn hải quân Pháp đóng tại Hải Phòng, điều động thêm mấy đại đội lính từ Hải Phòng lên, phái tàu chiến đi Phát Diệm bắt liên lạc với bọn gián điệp đội lốt giáo sĩ Pháp hoạt động trong vùng.

Mờ sáng ngày 25-4-1882, Rivie gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu buộc trong ba tiếng đồng hồ, quân đội triều đình phải hạ khi giới, giao thành, còn Hoàng Diệu cùng các quan văn võ trong thành Hà Nội phải đến nộp mình cho Pháp.

Hạn trả lời chưa hết, quân Pháp đã bắt đầu nổ súng. Từ 8 giờ đến 10 giờ sáng, tàu chiến địch ở dưới sông thi nhau nhả đạn vào thành, đồng thời bộ binh chúng xông lên đánh thành. Ngay từ đầu chúng đã vấp phải tinh thần quyết chiến của nhân dân Hà Nội tự tay châm lửa đốt các dãy phố chạy dài theo bờ sông, tạo thành một bức tường lửa ngăn cản bước tiến của giặc. Phải đợi cho lửa tàn, đến khoảng 10 giờ rưỡi, chúng mới băng qua được chiến hào đầy nước và bùn để tấn công thành.

Ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu nổ súng, Hoàng Diệu đã dẫn đầu tướng sĩ xông lên mặt thành chỉ huy cuộc chiến đấu. Trận đánh đang diễn ra ác liệt thì kho thuốc súng trong thành bỗng nhiên bốc cháy khiến cho tinh thần quân sĩ hoang mang dao động. Chớp thời cơ, quân Pháp dốc lực lượng phá vỡ cửa Tây và cửa Bắc, rồi ồ ạt tràn vào thành.

Trong khi quan quân trong thành đang chiến đấu với giặc, đông đảo nhân dân Hà Nội nô nức kéo từng đoàn mang khí giới đến cửa thành xung phong giết giặc. Tất cả các nhà đều nhất loạt đánh trống, gõ mõ, khua chiêng ầm ĩ để khuếch trương thanh thế, áp đảo tinh thần địch và hỗ trợ cho cuộc quyết chiến của quan quân trong thành. Hàng ngàn dân quân vũ trang giáo mác và gậy gộc, do cử nhân võ Nguyễn Đồng đốc xuất đã kéo đến tập hợp trước đình Quảng Văn (phường Cửa Nam bây giờ), rồi định thẳng tiến vào thành cùng quan quân chống giữ thành, nhưng chưa vào tới nơi thì kho thuốc súng đã nổ, quân ta bắt đầu tan rã.

Khi thấy cửa thành bị phá và quân sĩ đã rối loạn không thể duy trì cuộc chiến đấu được nữa, Hoàng Diệu quay về dinh mặc triều phục chỉnh tề, vào Hành cung bái vọng, thảo một tờ biểu để lại cho vua, rồi vào vườn Võ Miếu thắt cổ tự tử[2]. Các quan lại dưới quyền ông khi thấy không còn điều kiện chiến đấu nữa, người thì bỏ chạy, người thì bị giặc bắt.

Sau khi chiếm xong thành Hà Nội và tịch thu được nhiều tiền bạc, Rivie cho quân phá hủy các cổng thành, phá đại bác, vứt thuốc đạn xuống hào nước, rồi cho người đi gọi Án sát Tôn Thất Bá[3] về giao cho coi một phần thành với số quân hạn chế là 200 người, còn y thì chiếm đóng hành cung. Đồng thời, y còn sửa sang củng cố khu nhượng địa ngoài bờ sông để đề phòng quân ta từ ngoài đánh vào, chiếm luôn Sở thương chính Hà Nội và Hải Phòng.

Chủ trương của thực dân Pháp lúc đó là cấp tốc trong ba ngày phải làm sao bắt vua Tự Đức kí điều ước mới, nhận cho chúng quyền đóng 600 quân tại Hà Nội, cho tàu chiến Pháp tự do đi lại khắp nơi, và cho chúng giữ độc quyền thương chính. Được như vậy, theo chúng là “đã đủ để đặt sự bảo hộ của Pháp hoàn toàn trên đất Việt Nam, ít nhất là trên đất Bắc Kì”.

Nghe tin Rivie chiếm Hà Nội, thực dân Pháp ở Sài Gòn cũng như ở Pháp hết sức vui mừng. Nhưng chúng cũng lo ngại tình hình có thể phát triển bất lợi cho chúng, như trong trường hợp toàn thể nhân dân Việt Nam nổi dậy kháng chiến, hay quân Thanh (Trung Quốc) kéo sang can thiệp Đờ Vile ở Sài Gòn khuyên Rivie nên thận trọng, và trong thời gian chờ viện binh, cấn mở cuộc thương thuyết với triều đình Huế để giao trả lại thành Hà Nội, với điều kiện nắm quyền trị an và quyền thương chính, lập đồn bên sông Hồng, loại bỏ quân Cờ đen, mở cảng Nam Định, nối điện tín giữa Hà Nội và Hải Phòng.

Trong khi đó, phe thực dân hiếu chiến tại Pháp cũng ra sức tranh thủ dư luận, vận động Nghị viện và Chính phủ Pháp bỏ thêm tiền, gửi thêm quân sang chiến trường Bắc Kì. Mặt khác bằng con đường ngoại giao, chúng tìm cách xoa dịu nhà Thanh để khỏi can thiệp vào công việc của Bắc Kì.

Về phía triều đình Huế, được tin Pháp lại đánh chiếm Hà Nội, từ vua đến quan đều vô cùng lo sợ và lúng túng không biết nên giải quyết ra sao. Giữa lúc đó thì có tàu chiến của Pháp từ Bắc vào báo tin Rivie sẵn sàng trả lại thành Hà Nội - một đòn cân não đánh vào tinh thần khiếp nhược chỉ mong cầu hòa của triều đình Huế - vua tôi Tự Đức tưởng rằng tình hình sẽ giống như hồi năm 1874, nên vội cử phái viên đi theo tàu Pháp ra Hà Nội thương lượng. Ra tới Hà Nội, Trần Đình Túc và Nguyễn Hữu Độ một mặt nhờ tiếp xúc trực tiếp với giặc nên thấy rõ âm mưu xâm lược của chúng, mặt khác cũng được chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của tinh thần yêu nước chống Pháp trong nhân dân Bắc Kì, nên đã cho người về tâu với tự Đức hoặc dốc lực lượng toàn quốc ra đánh đuổi giặc, hoặc phái người sang Pháp và vào Sài Gòn mà thương thuyết trên thế chủ nhân của đất nước. Nhưng Tự Đức trước sau vẫn không cho đánh và bắt họ phải cố thương thuyết với phái viên Pháp ở Hà Nội, dù là với những điều kiện thua thiệt nặng nề.

Để thỏa mãn ngay yêu cầu của thực dân, Tự Đức còn ra lệnh cho Hoàng Tá Viêm phải đuổi ngay đoàn quân của Lưu Vĩnh Phúc lên mạn ngược và giải tán các đội binh dũng các tỉnh. Rõ ràng xu hướng chính của triều đình lúc này là hòa nhượng với Pháp bằng bất cứ giá nào, nên một mặt chỉ thị cho bọn Trần Đình Túc tiến hành thương thuyết ở Hà Nội, mặt khác để mặc cho tàu chiến Pháp tự do đi lại, điều tra đò xét nhiều nơi mà không phản kháng. Ngay tại Huế, triều đình cũng đã nhận về nguyên tắc với đại biểu Pháp là cần làm thêm một bản phụ lục cho Điều ước năm 1874, trong phụ lục này sẽ chính thức ghi chữ “Bảo hộ” vào.

Trong lúc triều đình hết sức nhượng bộ như vậy thì một số đông quan lại ngoài Bắc không chịu khuất phục, đòi được đánh Pháp. Hoàng Tá Viêm đã không thi hành lệnh của triều đình, vẫn cương quyết đóng quân tại Sơn Tây để lợi dụng địa hình chuẩn bị chống Pháp. Còn nhân dân Hà Nội và các nơi đều sôi nổi tinh thần quyết chiến. Nhân dân xung quanh Hà Nội cương quyết không bán lương thực cho địch. Các đội dân dũng được thành lập ớ các tỉnh, tự động rào làng, đắp cản bất chấp lệnh của triều đình bắt phải giải tán. Tình hình đó làm cho địch rất lo sợ. Đã thế, hai đạo quân lớn của Hoàng Tá Viêm và của Trương Quang Đản cũng đóng chặt ở Sơn Tây và Bắc Ninh, hình thành hai gọng kìm lớn siết chặt vòng vây xung quanh Hà Nội. Nguy cơ toán quân Pháp đóng ở Hà Nội bị tiêu diệt có thể một sớm một chiều xảy ra. Nhưng triều đình trước sau vẫn bám lấy con bài “hòa bình thương lượng”, nên đã tìm mọi cách ngăn cản, hạn chế sự hoạt động của các toán dân dũng, cũng như của quân đội chính quy.

Sau khi Hà Nội thất thủ lần thứ hai, trong triều đình Huế xu hướng cầu viện nhà Thanh (Trung Quốc) càng mạnh hơn lên. Biết rõ ý định đó, thực dân pháp một mặt tìm cách ngăn cản các phái đoàn của triều đình Huế sang Bắc Kinh, và làm áp lực buộc triều đình Huế phải sớm kí hiệp ước mới xác nhận quyền bảo hộ của Pháp, mặt khác ráo riết chuẩn bị đưa lực lượng quân sự thật mạnh ra Bắc để đề phòng trường hợp quân Thanh tràn sang can thiệp.

Thấy rõ âm mưu của Pháp muốn nuốt hết Bắc Kì, và như vậy tất không khỏi uy hiếp trầm trọng vùng biên giới phía nam Trung Quốc, từ mùa thu năm 1882, triều đình nhà Thanh cho quân đội bắt đầu xâm nhập Bắc Kì, đóng rải rác trên một tuyến kéo dài từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa sang đến Cao Bằng, Lạng Sơn và xuống đến Bắc Ninh. Trong lúc đó thì tại Pari (Pháp) và Thiên Tân (Trung Quốc), hai bên Pháp - Thanh đang cùng nhau ráo riết thương lượng. Cuối cùng, hai bên thỏa thuận là Pháp và Thanh sẽ cùng nhau chia đôi Bắc Kì với điều kiện quân Thanh rút khỏi Bắc Kì và Pháp không được tăng thêm quân. Nhưng quân Thanh vừa rút lui thì thực dân Pháp ở Sài Gòn đã gửi thêm quân ra Hà Nội. Dã tâm của Pháp muốn đội chiếm Bắc Kì đã lộ rõ. Với lực lượng mới được tăng viện, Rivie lập tức cho quân ra chiếm đóng Hồng Gai (3-1883), khống chế cả mặt biển Bắc Kì và bảo đảm chủ quyền của thực dân trên vùng mỏ: Sở dĩ Rivie cần hành động gấp như vậy vì hắn biết rõ triều đình Thanh đằng sau nhà Thanh là tư bản Anh - đang xúc tiến việc thương thuyết với triều đình Huế để xin được thuê mỏ Hống Gai. Vài ngày sau khi chiếm đóng Hồng Gai, Rivie lại cho tàu chiến đến chiếm luôn Quảng Yên. Rồi thừa thắng, hắn trực tiếp kéo quân từ Hà Nội xuống đánh chiếm thành Nam Định. Mờ sáng ngày 27-3, giặc Pháp bắt đẩu nổ súng đánh thành. Ở đây, chiến sự cũng diễn ra gần giống như trận Pháp đánh thành Hà Nội tháng 4-1882. Để cản bước tiến của giặc, nhân dân đã tự động đốt hết các dãy phố dọc theo sông Vị Hoàng mé ngoài thành để phối hợp chiến đấu với đạo quân triều đình do Đề đốc Lê Văn Điếm và Án sát Hồ Bá Ôn chỉ huy. Nhưng đợi khi lửa tàn, giặc Pháp đã tràn lên dùng thuốc súng và thủy lôi phá tung các cửa, rồi đột nhập thành. Tổng đốc Nam Định là Vũ Trọng Bình phải rút quân, bỏ thành chạy. Nguyễn Hữu Bản, một hào phú quê Thái Bình (lúc đó thuộc tỉnh Nam Định ) xung phong mộ quân cùng quân đội chính quy giữ thành và đã hi sinh trong chiến đấu.

Khi Pháp chuẩn bị đánh Nam Định, nhân dân miền Bắc khắp nơi sôi nổi kháng chiến, đắp cản chặn tàu địch trên sông. Trương Quang Đản đóng quân ở Bắc Ninh cũng xin Tự Đức cho Lưu Vĩnh Phúc kéo đội quân Cờ đen xuống đóng ở Sơn Tây cùng Hoàng Tá Viêm; và xin mộ thêm quân đóng giữ mạn Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên để án ngữ mạn Bắc. Kế hoạch của Trương Quang Đản là khi Pháp đánh Nam Định thì quan quân hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên cùng phối hợp đánh mạnh vào Hải Phòng để đỡ đòn cho Nam Định, hai đạo quân Sơn Tây và Bắc Ninh sẽ tiếp ứng. Nhưng Tự Đức vẫn không chịu nghe theo, đặt tất cả tin tưởng vào kết quả của hai phái đoàn đi Quảng Châu và Thiên Tân yêu cầu nhà Thanh điều đình với Pháp để Pháp rút quân. Khi nghe tin Nam Định thất thủ ( 27-3-3883), Tự Đức cuống cuồng lo sợ, nhưng cũng không biết làm gì hơn là cách chức một loạt các quan văn võ lớn nhỏ ngoài Bắc, trong số đó có ca Hoàng Tá Viêm.

Chính lúc đó, vòng vây của quân dân ta siết chặt quanh Hà Nội, buộc Rivie phải tức tốc về Hà Nội. Đêm mồng 8, đại bác của quân ta đặt bên kia sông Hồng bắt đầu nhả đạn vào Hà Nội. Trong hai đêm 12 và 15, quân ta đột kích nhà thờ Hàm Long, nơi địch làm căn cứ đóng quân. Trước tình hình bị uy hiếp, Rivie hoảng hốt xin viện binh của Hải Phòng, của hạm đội Pháp đóng ở vịnh Hạ Long và của Sài Gòn. Để nới rộng vòng vây ngày càng nghẹt thở, Rivie đã có lần liều mạng kéo quân qua sông đốt phá các làng ven sông, nhưng không dám đóng lại mà đến chiều lại phải rút về cố thủ ở Đồn Thủy. Đêm đêm, đại bác của quân ta từ phía Gia Lâm lại rút qua, có đêm tới 80 phát, gây nên kinh hoàng lớn trong đội quân Pháp chiếm đóng Hà Nội.

Từ phía Sơn Tây, Lưu Vĩnh Phúc cho quân đội nhập thành phố Hà Nội dán yết thị thách Rivie ra đánh nhau trên cánh đồng phủ Hoài Đức. Thừa lúc đêm tối, quân ta còn bí mật lên vào đốt phá các cơ sở địch ngay trong lòng Hà Nội.

Tình hình o ép đó buộc Rivie phải tìm cách nới bớt vòng vây về phía Sơn Tây. Mờ sáng ngày 19-5-1883, y kéo đội quân gồm 550 tên, không kể số phu tải thương, với 3 đại bác dã chiến, theo đường Sơn Tây tiến lên phía phủ Hoài Đức. Mặc dù kế hoạch hành quân của địch được giữ rất bí mật, nhưng quân ta đã biết trước nên chủ động bố trí kế hoạch tác chiến. Đại quân ta đóng ở Hoài Đức dưới quyền chỉ huy của Hoàng Tá Viêm. Lực lượng nòng cốt trong trận đánh này là đội quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, mai phục hai bên đường từ Hà Nội ra Cầu Giấy. Đúng 5 giờ sáng, đợi cho quân Pháp vừa tiến qua cầu, quân ta liền nổ súng, địch chết nhiều ngay từ những phút giao chiến đầu tiên. Tiến lui đều khó, chúng đành liều chết xông bên chiếm lĩnh trận địa hai bên đường, bố trí đại bác sau Cầu Giấy để chặn bước tiến của quân ta, rồi lừa quân vào chiếm làng Hạ Yên Khê (Kẻ Cót) sát cạnh đường. Quân ta phục kích trong làng Dịch Vọng  Trung( Trung thôn) bắn ra tiếp ứng cho Hạ Yên Khê buộc địch phải đánh vào hai làng Dịch Vọng Tiền( Tiền thôn) và Dịch Vọng Trung (Trung thôn) để chia bớt mũi tiến công của ta, nhưng vẫn không sao tiến vào được. Giữa lúc đôi bên đang ác chiến thì Lưu Vĩnh Phúc đích thân xuất trận và mãnh liệt tấn công địch, buộc chúng phải rút lui. Đợi đúng lúc quân Pháp đang xô đẩy nhau chạy qua cầu, quân ta nổ súng xung phong, tiêu diệt thêm một số tên nữa. Những tên sống sót sợ quá bỏ chạy tháo thân, bọn sĩ quan phải xúm lại kéo đại bác. Tinh thần địch tan rã đến nỗi chúng bỏ lại trên cầu cả xác chết lẫn người bị thương, trong số đó có Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Kì là Rivie. Trận Cầu Giấy lần thứ hai chỉ diễn ra chớp nhoáng trong hai giờ (từ 5 giờ đến 7 giờ sáng) và kết thúc bằng sự thảm bại của đội quân xâm lược Pháp.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4641-02-633921678951247500/Cuoc-khang-chien-cua-nhan-dan-Viet-Nam-ch...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận