Tài liệu: Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất (1873-1874)

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khởi hành từ Sài Gòn ngày 11-10-1873, đội tàu chiến của Gácniê ra tới Hà Nội ngày mồng 5-11.
Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất (1873-1874)

Nội dung

Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất (1873-1874)

Khởi hành từ Sài Gòn ngày 11-10-1873, đội tàu chiến của Gácniê ra tới Hà Nội ngày mồng 5-11. Nhiệm vụ của bọn thực dân hiếu chiến Nam Kì giao cho Gácniê khi kéo quân ra Bắc là được toàn quyền hành động và tùy theo diễn biến tình hình mà thiết lập chế độ bảo hộ hay chế độ thuộc địa.

Ngay khi mới đặt chân tới Hà Nội, Gácniê đã lộ rõ bộ mặt khiêu khích. Hắn hội quân với Đuypuy, đòi vào đóng quân trong thành, mở sông Hồng cho việc chuyên chở hàng hóa và buôn bán, đòi tổ chức việc thu thuế, cho quân tự do đi canh gác các phố xá và bắt bớ, đánh đập, hãm hiếp nhân dân. Nguyễn Tri Phương cùng các quan lại triều đình ở Hà Nội lúng túng, bị động, trước sau chỉ ngồi chờ lệnh của triều đình Huế. Triều đình Huế khi nghe tin Gácniê khiêu khích ở Hà Nội đã đối phó lại rất yếu ớt. Trần Đình Túc được cử ra Bắc đã cách chức một số quan lại ở Hà Nội, ra bố cáo cấm nhân dân buôn bán giao thiệp tới Pháp, vạch rõ trách nhiệm của Gácniê ra Bắc chỉ là để xử lí và đuổi tên Đuypuy, việc xong là phải rút đi. Nhân dân Hà Nội đã chấp hành nghiêm chỉnh lệnh bất hợp tác của triều đình. Chính thực dân Pháp đã phải thừa nhận rằng không một thương nhân hay giáo dân nào dám bén mảng tới chỗ chúng đóng. Đội quân chiếm đóng Hà Nội của Gácniê lâm vào tình thế rất nguy khốn. Các giếng nước uống thường bị bỏ thuốc độc, ban đêm luôn luôn sợ bị quân dân ta tấn công tiêu diệt, kho thuốc súng của chúng ở bờ sông mấy lần bị đốt cháy trong đêm.

Giữa lúc tình hình đang căng thẳng thì Gácniê nhận được viện binh từ Sài Gòn và Hương Cảng đến. Lực lượng được tăng cường, ngày 16-11-1873, y tự tiện tuyên bố mở đường sông Hồng cho chuyên chở hàng hóa và buôn bán, thiết lập chế độ thuế quan mới. Sáng ngày 19 tháng đó, hắn đưa tối hậu thư buộc Nguyễn Tri Phương phải giải giáp quân đội, rút hết súng trên thành, khai phóng sông Hồng. Không đợi trả lời, sáng sớm ngày 20-11-1873, y ra lệnh nổ súng đánh thành Hà Nội.

Tính đến ngày 20 tháng 11, lực lượng trong tay Gácniê không có bao nhiêu. Không kể số quân và tàu thuyền của Đuypuy, riêng quân số của Gácniê gồm cả quân Pháp và ngụy chỉ có 212 tên, kể cả lính chiến và lính thợ. Còn vũ khí cũng rất ít, ngoài số súng tay có hạn, chỉ có 11 khẩu đại bác, hai tàu chiến và một tàu đổ bộ. Về phía triều đình thì quân số tuy đông tới 7.000 người, nhưng tình hình trang bị hết sức kém cỏi, súng ống thiếu một cách trầm trọng, kĩ thuật bắn rất kém vì từ lâu việc luyện tập bị sao nhãng. Đã thế, việc tích cực chuẩn bị mọi mặt để đề phòng sự tráo trở của Pháp cũng không được chú ý đúng mức. Nguyễn Tri Phương lại chủ quan không ngờ địch trở mặt, đánh sớm như vậy. Mặc dù thế, khi chiến sự xảy ra, quân dân Hà Nội đã chiến đấu rất anh dũng. Đón trước âm mưu của giặc, ngay từ trước khi giặc Pháp nổ súng, nhân dân Hà Nội đã chủ động đốt kho đạn chứa 20 vạn viên ở bờ sông để hạn chế sức mạnh tấn công của chúng. Đến khi quân Pháp bắt đầu cuộc tấn công, bộ binh của chúng xông lên dưới sự yểm hộ của đại bác từ tâu chiến đậu ngoài sông bắn lên, một cánh quân của chúng đã bị quân ta chặn đánh ác liệt tại cửa Ô Quan Chưởng, đội quân của ta gồm có 100 người do một viên Chưởng cơ (không rõ tên) chỉ huy đã chiến đấu rất anh dũng và hi sinh đến người cuối cùng.

Nguyễn Tri Phương đã lên cửa thành phía nam trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu. Ông bị trúng đạn ở bụng, bọn Pháp cố tình cứu chữa định để mua chuộc về sau, nhưng ông đã xé băng, rồi nhịn ăn mà chết. Con trai ông là Nguyễn Lâm cũng bị trúng đạn chết. Hiệp quản Trần Văn Cát và suất đội Ngô Triều đã hăng hái xông lên mặt thành chiến đấu và đều hi sinh tại trận. Một số quan lại khác bị Pháp bắt, rồi đưa xuống tàu giải vào Sài Gòn. Còn lại phần lớn đều tìm đường chạy lên Sơn Tây liên lạc với cánh quân của triều đình do Hoàng Tá Viêm chỉ huy. 

Mặc dù thành Hà Nội bị giặc chiếm, quan quân triều đình tan rã nhanh chóng, nhân dân Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì cuộc chiến đấu, dưới sự chỉ huy của một số sĩ phu văn thân yêu nước. Tú tài Phạm Lý tổ chức những người trong huyện Thọ Xương (huyện sở tại của tỉnh Hà Nội) ra sức chống giữ, nhưng cũng không trụ lại được. Đáng chú ý là Nghĩa Hội, một tổ chức bí mật đoàn kết yêu nước chống Pháp xâm lược thời kì đó, tập hợp đông đảo các nhà Nho, những người lao động, buôn bán, làm thợ, một số Hoa kiều, và cả một số người làm công cho Pháp, chuyên lo việc thu thập tin tức của Pháp báo cho quan quân bên ngoài để có kế hoạch hành động kịp thời và thích hợp, như phá hoại các kho tàng giặc, trấn áp những kẻ theo giặc.

Sau khi chiếm thành, Gácniê đóng luôn quân trong thành, cho bịt kín các cửa thành, chỉ để lại cửa Đông, để đề phòng quân ta tấn công. Mặt khác, để ổn định tình hình, y vừa dán bố cáo vu cho quan quân ta khiêu khích buộc phải đánh chiếm thành vừa đẩy mạnh việc tuyển mộ nguỵ quân và ra sức đánh thuế nặng để có tiền chuẩn bị mở rộng phạm vi chiếm đóng.

Về phía bọn thực dân hiếu chiến Pháp ở Sài Gòn, chúng rất vui mừng khi nghe tin Gácniê đã chiếm Hà Nội, nhưng cũng rất lo ngại triều đình Huế phản ứng lại quyết liệt và kêu gọi nhân dân kháng chiến. Trong khi đó, phong kiến triều Nguyễn đã đối lập sâu sắc với nhân dân cả nước nên không còn khả năng thực hiện việc đó.

Do tình hình thúc bách, triều Nguyễn cũng điều quân, cử quan ra Bắc tiến hành một số công tác phòng thủ các nơi. Nhưng xu hướng chủ yếu vẫn là điều đình thương thuyết, hết viết thư hay cử người vào Sài Gòn yêu cầu Đô đốc Đuyprê (Duypré) gọi Gácniê về, lại đến phái người ra Hà Nội thương thuyết tại chỗ với Pháp để yêu cầu chúng trả thành trì và kho tàng. Kết quả là quan quân còn đang trên đường ra Bắc thì Gácniê đã tranh thủ thời cơ đưa quân đánh chiếm nhiều nơi khác. Lần lượt Hưng Yên bị chiếm ngày 23-11, Phủ Lí ngày 26-11, Hải Dương ngày 8-12, Ninh Bình ngày 5-12, Nam Định ngày 12-12.

Như vậy là chỉ trong vòng không đầy một tháng, do sức kháng chiến yếu ớt của quan quân triều đình, nhiều tỉnh thành lớn nhỏ miền đồng bằng Bắc Kì đã bị giặc Pháp chiếm đóng. Nhưng đi tới đâu, chúng đều vấp phải sức chiến đấu quyết liệt của nhân dân các địa phương sôi nổi tự động chống giặc. Ở Nam Định, nhiều vị văn thân yêu nước như Nguyễn Mậu Kiến với hai con là Nguyễn Hữu Cương và Nguyễn Hữu Bản đã tụ họp hàng ngàn nghĩa quân đánh giặc ở vùng Trực Ninh (Kiến Xương, Thái Bình ngày nay), rồi kéo sang Nam Định phối hợp giữ thành. Phạm Văn Nghị chiêu mộ 7.000 quân xây dựng căn cứ chống Pháp tại vùng núi An Hòa (Phong Danh – Ý Yên) tỉnh Nam Định. Ở các nơi khác, nghĩa quân đã đánh cho địch những đòn rất nặng, thủ tiêu bọn tay sai của chúng, rào làng chiến đấu, buộc chúng phải rút về cố thủ trong thành ở các tỉnh lị.

Thừa lúc Gácniê xuống đánh Nam Định, việc canh phòng Hà Nội sơ hở, cánh quân triều đình của Hoàng Tá Viêm đóng ở Sơn Tây kéo về phối hợp với cánh quân triều đình của Trương Quang Đản đóng ở Bắc Ninh để tấn công Hà Nội. Đi theo cánh quân của Hoàng Tá Viêm lúc đó còn có đội quân Cờ đen thiện chiến của Lưu Vĩnh Phúc đã từng lập công nhiều trong việc giúp triều đình đánh đẹp thổ phỉ trên vùng Lào Cai, Hà Giang.

Vòng vây của quân ta ngày càng khép chặt xung quanh Hà Nội. Nghe tin đó, Gácniê vội vã kéo quân từ Nam Định về (18-12-1873). Chính lúc đó, phái đoàn của triều đình Huế ra tới Hà Nội để thương thuyết (19-12-1873). Lợi dụng cơ hội, Gácniê một mặt cho dán bố cáo tuyên bố đình chỉ xung đột để tiện việc thương thuyết - mục đích của chúng là làm ta mất cảnh giác khi đang khép chặt vòng vây xung quanh Hà Nội, mặt khác làm áp lực đối với phái đoàn của triều đình Huế để tiến hành cuộc thương thuyết trên thế mạnh.

Nhưng sáng ngày 21-12-1873, Lưu Vĩnh Phúc kéo quân vào sát thành Hà Nội khiêu chiến. Gácniê đang hội đàm với phái viên triều đình Huế, nghe tin đó liền đình chỉ cuộc họp, rồi chủ quan thúc quân đuổi theo trên đường đi phủ Hoài Đức (Sơn Tây), nhưng đến Cầu Giấy thì bị phục binh đổ ra giết chết.

Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất (21-12-1873) làm cho quân dân ta trong cả nước phấn khởi bao nhiêu thì lại càng làm quân Pháp ở Hà Nội lúc đó lo sợ bấy nhiêu. Chúng sẵn sàng bỏ thành rút chạy xuống trốn tránh dưới tàu. Lúc đó, Lưu Vĩnh Phúc đã chuẩn bị hàng trăm chiếc thang dài để vượt tường thành vào tiêu diệt quân xâm lược tận sào huyệt chúng ngay trong lòng Hà Nội. Lúc này, quân dân ta ở các nơi cũng tự động phối hợp đánh mạnh, quân Pháp chiếm đóng thành Nam Định đã toan bỏ thành để chạy về Hà Nội, may có tàu chiến đến tăng viện mới dám nấn ná ở lại.

Thực dân Pháp ở Nam Kì rất hốt hoảng trước tình hình này. Thêm vào đó, nước Pháp đang có nhiều khó khăn nội bộ, chúng còn lo ngại Trung Quốc và Anh can thiệp vào Bắc Kì để ngăn chặn Pháp phát triển thế lực. Nếu lúc này triều đình Huế quyết tâm đẩy mạnh kháng chiến thì số địch ở Hà nội và phân tán ở các tỉnh nhất định sẽ bị tiêu diệt. Nhưng để dọn đường cho cuộc thương thuyết mới, Tự Đức đã ra lệnh cho Hoàng Tá Viêm triệt binh lên Sơn Tây, đồng thời phải điều động đội quân của Lưu Vĩnh Phúc lên đóng trên mạn ngược chờ lệnh mới.

Trước đó, nghe tin tình hình Bắc Kì ngày càng khó khăn, triều đình đã cử Nguyễn Văn Tường đi cùng phái viên Pháp là Philát (Philastre) ra Bắc giải quyết tại chỗ mọi việc cần thiết. Tàu vừa ra đến Cửa Cấm (Hải Phòng) ngày 24-12 thì Philát được tin Gácniê đã chết trận. Tình hình đó buộc Philát phải tranh thủ nghị hòa sớm để tránh cho các đội quân Pháp đóng ở các nơi có nguy cơ bị tiêu diệt. Tới Hà Nội ngày 3-1-1874, mặc dù bọn Đuypuy và Puyginiê (Puginier) tìm mọi cách phá hoại cuộc thương thuyết, Philát vẫn cương quyết hạ lệnh phải trao trả gấp các thành cho quan lại triều đình, vì thấy không thể nào làm khác được.

Lần lượt chỉ trong vòng nửa tháng, các thành Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội đều được trả lại triều đình Huế. Đội quân chiếm đóng của Pháp rút hết khỏi Hà Nội, chỉ để lại một trung đội để hộ vệ viên lãnh sự Pháp. Tên lái buôn Đuypuy bị trục xuất. Xong mọi việc, đến ngày mồng 4 tháng 3, Philát xuống tàu về Sài Gòn chuẩn bị hòa ước mới.

Lần này cũng như lần kí kết hòa ước năm 1862 mười hai năm về trước, thực dân Pháp và triều đình Huế đều gặp nhau ở chỗ mong sớm kí kết để giải quyết các khó khăn chồng chất ngày một lớn của mình. Chỉ không đầy hai tuần sau, hiệp ước mới đã được kí kết tại Sài Gòn (15-3-1874), gồm có 22 điều khoản. Với hòa ước này, phong kiến triều Nguyễn chính thức dâng toàn bộ đất đai Nam Kì cho thực dân Pháp, công nhận quyền đi lại, buôn bán, kiểm soát và điều tra tình hình của chúng ở Việt Nam.

Sau đây là một vài điều khoản chính và nặng nề nhất nói lên sự phụ thuộc ngày càng chặt chẽ của triều đình Huế vào bọn thực dân Pháp.

Điều 5: Triều đình Huế thừa nhận chủ quyền của Pháp trên tất cả 6 tỉnh Nam Kì.

Điều 11: Triều đình cam kết mở cửa Thị Nại (Quy Nhơn), cửa Ninh Hải (Hải Phòng), tỉnh lị Hà Nội, sông Hồng, và tùy theo tình hình về sau sẽ mở thêm nhiều nơi khác nữa cho người ngoại quốc vào buôn bán.

Điều 12: Người Pháp được tự do buôn bán và kinh doanh công nghiệp ở các tỉnh nói trên, triều đình phải cung cấp đất cho họ xây kho, làm nhà và để họ được tự do thuê mướn người Việt làm việc.

Điều 15: Người Pháp hay người ngoại quốc nào muốn đi vào nội địa Việt Nam phải có giấy thông hành do Pháp cấp, và không có quyền buôn bán, nếu trái với điều khoản này thì hàng hóa bị tịch thu.

Căn cứ vào nội dung Hiệp ước năm 1874, rõ ràng nước Việt Nam trong thực tế đã trở thành đất bảo hộ của Pháp, tuy rằng trong hiệp ước không ghi chữ đó. Kí được hiệp ước này trong những điều kiện khó khăn bấy giờ của Pháp (1873-1874) là một thắng lợi lớn của chúng. Với hàng ước 1874, tuy Pháp phải trả lại Hà Nội, nhưng chúng đã đặt được cơ sở chính trị, kinh tế, quân sự ở khắp các nơi quan trọng ở Bắc Kì. Ở Hà Nội, có “nhượng địa”, đặt lãnh sự với 100 quân thường trú. Hòa ước năm 1874 báo trước thực dân Pháp nhất định sẽ quay trở lại chiếm hẳn Hà Nội khi thời cơ tới. Hơn nữa, lợi dụng thái độ đầu hàng của giai cấp phong kiến, thực dân Pháp còn ép triều đình Huế kí thêm một bản thương ước gồm 29 khoản vào ngày 31-8-1874, xác lập đặc quyền kinh tế của chúng trên khắp nước Việt Nam. Việc thuế quan ở các cảng từ nay do Pháp nắm, mọi sự xuất nhập đều do Pháp kiểm soát và có toàn quyền cho hay không cho phép tàu của các nước ra vào cảng. Tàu chiến Pháp có quyền tự do ra vào và quân Pháp có quyền đóng ở các cửa cảng.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4641-02-633921678699372500/Cuoc-khang-chien-cua-nhan-dan-Viet-Nam-ch...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận