Tình hình Việt Nam sau hai hiệp ước năm 1883 và 1884
Hai hiệp ước Hácmăng (1883), Patơnốt (1884) được kí kết dưới áp lực quân sự của tư bản Pháp đã đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam và sự đầu hàng của triều Nguyễn trước chủ nghĩa tư bản Pháp. Nhưng trong triều đình Huế vẫn có một số người yêu nước, do tình thế trước mắt buộc phải ngồi im, nhưng bên trong vẫn nuôi chí hành động khi có thời cơ. Sau khi vua Tự Đức mất, Tôn Thất Thuyết là một trong ba Phụ chánh đại thần, đồng thời giữ chức Thượng thư bộ Binh nắm trong tay mọi binh quyền, đang ráo riết liên kết xây dựng lực lượng chờ ngày sống mãi với quân thù. Phái chống Pháp do ông cầm đầu bí mật chuẩn bị lực lượng, như mở “đường thượng đạo”, xây dựng một hệ thống các đồn sơn phòng dọc theo sườn đông Trường Sơn, chuyển súng lớn (thần công), kho tàng, lương thực ra căn cứ Tân Sở (huyện Cam Lộ, Quảng Trị). Ngay tại kinh thành Huế có quân Pháp chiếm đóng, ông vẫn lợi dụng được hiệp ước năm 1884 (không có điều khoản nào đề cập tới vấn đề quân đội triều đình), để ráo riết tuyển mộ, tổ chức và đẩy mạnh huấn luyện các đội quân Phấn Nghĩa và Đoàn Kiệt. Tôn Thất Thuyết còn cương quyết phế truất và trừ khử các ông vua triều Nguyễn mới được đặt lên ngôi đã bộc lộ tư tưởng thân Pháp, như Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, để cuối cùng đưa Hàm Nghi lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi; thẳng tay trừng trị bọn quan lại cao cấp hay hoàng thân quốc thích có hành động thân Pháp đầu hàng, như thủ tiêu Phụ chánh đại thần Trần Tiễn Thành, đày đi xa Tuy Lý Vương, Gia Hưng quận vương.
Sở dĩ Tôn Thất Thuyết và các đồng chí của ông có những hoạt động tích cực như vậy tại Huế, vì họ tin tưởng vào sự ủng hộ của nhân dân các địa phương trong nước. Ngay ở Nam Kì đã bị thực dân Pháp chiếm đóng từ 1867 để biến thành một xứ thuộc địa với một bộ máy đàn áp kìm kẹp quân sự khốc liệt, cho tới những năm đầu thập niên 80 vẫn còn có những lực lượng chống Pháp, bất chấp muôn vàn khó khăn gian khổ. Năm 1882, trên địa bàn Long An đã nhóm lên mưu đồ khởi nghĩa của các ông Nguyễn Văn Quá, Nguyễn Văn Xe, Huỳnh Văn Trinh ở làng Mĩ Hạnh (Đức Hòa), nhưng chưa hành động đã bị Pháp đàn áp. Tiếp đó là Nguyễn Văn Bường, Phan Văn Hớn trong năm 1885 với hành động có tiếng vang là trừng trị Đốc phủ Ca (Trần Tử Ca). Đặc biệt ở ngoài Bắc, phong trào chống lại các hiệp ước năm 1883 và năm 1884 phát triển rất sôi nổi với hai trung tâm Sơn Tây và Bắc Ninh. Ngay tại các huyện xung quanh Hà Nội như Hoài Đức, Vĩnh Thuận, Thanh Oai đã xuất hiện nhiều toán nghĩa quân. Xa hơn một chút, ở nhiều huyện thuộc tỉnh Hải Dương như Nam Sách, Ninh Giang vẫn thường xảy ra những trận mai phục tấn công các đội quân Pháp trên đường hành quân. Có một số quan lại không chịu theo lệnh triều đình ra làm việc với Pháp. Có người uất ức trước sự đầu hàng của triều đình đã tử tiết. Quan trọng hơn là một số người đã đứng ra mộ quân khởi nghĩa như Nguyễn Thiện Thuật (Tán lí quân thứ Sơn Tây), Tạ Hiện (Đề đốc Nam Định), Lương Tuấn Tú (Tiễu phủ sứ Cao Bằng - Thái Nguyên), Phan Vụ Mẫn (án sát Thái Bình), Hoàng Văn Hòe (Tri phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), Nguyễn Văn Giáp (Bố chánh Sơn Tây), Nguyễn Quang Bích (Tuần phủ Hưng Hóa), Nguyễn Cao (Tán lí quân thứ Bắc Ninh), Lã Xuân Oai (Tuần phủ Lạng Sơn), Đỗ Huy Liệu (Tham biện các vụ).... Chính phong trào chống xâm lược của nhân dân các địa phương ngay sau khi nhà Nguyễn đầu hàng là cơ sở và nguồn cổ vũ cho phái chủ chiến ở Huế hành động.
Những công việc chuẩn bị lực lượng trên dù được tiến hành hết sức bí mật, cùng với những hành động phế truất và trừ khử các phần tử thân Pháp từ vua đến quan lại đại thần, hoàng thân quốc thích đều bị bọn tay sai của Pháp nằm ngay trong triều báo cáo với Khâm sứ Pháp tại Huế. Hơn nữa, thi hành các điều khoản của Hiệp ước Patơnốt, quân Pháp được vào đóng tại đồn Mang Cá (Trấn Bình Đài) ở góc Đông - Bắc thành Huế, từ đó chúng có thể quan sát mọi diễn biến trong thành, từ việc tuyển mộ và tập trung quân từ các địa phương về, đến việc luyện tập ngày đêm.
Tình hình đó đã làm cho bọn cầm quyền Pháp lo ngại và cảnh giác đề phòng. Đã đến lúc chúng thấy cần phải loại bỏ phái chủ chiến trong triều phái này một mặt cản trở chúng biến triều đình thành một công cụ đắc lực để sử dụng vào việc “bình định” và tổ chức cai trị theo ý muốn, mặt khác sự tồn tại của phe chủ chiến trong triều thúc đẩy phong trào kháng chiến các tỉnh đang sôi nổi hoạt động. Tháng 10 - 1884, Lơme (Lemaire) vừa sang thay Râyna (Rheinart) giữ chức Khâm sứ đã đòi triều đình Huế triệt bỏ các khẩu súng thần công bố trí trên các mặt thành chĩa thẳng sang sứ quán bên kia sông Hương. Trước áp lực mạnh mẽ của Pháp, Tôn Thất Thuyết đã cho dời số súng đó đi nơi khác để khỏi rơi vào tay địch, và sử dụng khi cần thiết. Như đổ dầu vào lửa, Tổng chỉ huy quân đội Pháp bấy giờ là tướng Đờ Litxlơ (Brière de l’Isle), chủ trương buộc Hội đồng phụ chánh do Tôn Thất Thuyết nắm phải từ chức để đưa một hội đồng khác thuộc phe đầu hàng lên thay.
Tại Pháp, chủ trương đẩy mạnh việc hoàn thành chiếm đóng Việt Nam lúc này cũng được nhất trí. Ngày 31-3-1885, đúng một ngày sau khi nội các Pheri (Jules Ferry) đồ vì vụ thảm bại ở Lạng Sơn của quân Pháp, Hạ nghị viện Pháp thông qua 500 triệu phơrăng cho ngân sách tiếp tục xâm lược Việt Nam. Nội các Bờrítxông (Brisson) lên thay vẫn tiếp tục đường lối mở rộng thuộc địa của Nội các Pheri và đã gửi sang Việt Nam thêm 6000 quân. Ngày 31-5-1885, Bộ trưởng Ngoại giao nước Pháp điện sang cho Lơme phải tìm cách loại trừ Tôn Thất Thuyết khỏi triều đình Huế. Cùng hôm đó, Nội các Pháp còn cử tướng Cuốcxy (De Courcy) sang Việt Nam nắm toàn quyền quân sự và chính trị.
Đầu tháng 6-1885, Cuốcxy tới Hạ Long và tuyên bố: “Cái nút của vấn đề nước Nam là ở Huế”. Được sự đồng ý của Pari, ngày 27-6, Cuốcxy đưa 4 đại đội lính thủy đánh bộ và hai tàu chiến đi thẳng từ Hải Phòng vào Huế. Y địch tới Huế sẽ dùng áp lực quân sự đã loại bỏ phái chủ chiến, giải tán quân đội tập trung của triều đình, bắt cóc người cầm đầu là Tôn Thất Thuyết. Vừa đặt chân tới Huế, y đã huênh hoang tuyên bố “... Tôi luôn luôn may mắn trên con đường sự nghiệp ở bất cứ nơi đâu tôi tới, ngôi sao chiếu mệnh của tôi không bao giờ mỡ. Tôi nhìn thấy ngôi sao đó rực lên một ánh sáng mới”. Thực hiện mưu đồ sẵn có, Cuốcxy mời các viên phụ chính qua sông tới sứ quán Pháp để thảo luận về việc vào triều yết vua Hàm Nghi và trình quốc thư, nhân dịp đó sẽ giữ lại Tôn Thất Thuyết không cho về. Tôn Thất Thuyết cảnh giác cáo bệnh không đi, chỉ có một mình Nguyễn Văn Tường sang. Chiều ngày 4-7, Cuốcxy còn cự tuyệt không tiếp các phái viên của triều đình, không chịu nhận lễ mặt của Thái hậu Từ Dũ gửi sang. Hôm vào triều yết vua Hàm Nghi và trình quốc thư, hắn cùng đám tùy tùng nghênh ngang đi thẳng cửa chính Ngọ Môn xưa này dành riêng cho nhà vua. Tình hình ngày càng căng thẳng, nhưng Tôn Thất Thuyết vẫn không nao núng. Ông cho gấp rút chấn chỉnh quân đội, đào hào đắp luỹ ngay trong kinh thành Huế, chuẩn bị súng, đạn và khí giới, cho dàn đại bác trên mặt thành sẵn sàng chiến đấu.